Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Ngao du sông nước bãi bồi Bến Tre


(TBKTSG Online) - Du lịch Bến Tre giúp khách khám phá vẻ đẹp sông rạch và các vườn cây trái xanh um của bãi cồn xứ dừa. 
Ba cù lao: Minh, Bảo và An Hoá do bốn nhánh sông Tiền (sông Mỹ Tho, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên) tạo thành tỉnh Bến Tre. Hai sông Hàm Luông và Ba Lai chảy xuyên suốt tỉnh rồi ra hai cửa biển cùng tên. Sông Mỹ Tho chia ranh giới phía bắc với tỉnh Tiền Giang sau cùng đổ ra cửa Đại. Sông Cổ Chiên làm ranh giới với tỉnh Trà Vinh, chảy ra hai cửa Cổ Chiên và Cung Hầu.
Tại điểm Du lịch xanh Phong Phú, cách thị xã Bến Tre 14km về hướng bắc, bạn có thể chọn trong 24 chiếc tàu du lịch (từ 12 đến 46 ghế) một chiếc ưng ý để ngoạn cảnh sông nước Bến Tre. Từ đó, chạy xuyên qua con rạch Miễu xanh um bóng cây chừng 100m là thấy sông Tiền (sông Mỹ Tho) rộng bao la hiện ra trước mắt. Bên kia sông, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) xinh đẹp trong ánh nắng mai rực rỡ.


Chiếc tàu bập bềnh trên sóng nước như ưỡn ngực đón làn gió biển Đông ào ạt thổi vào. Từ xa, bạn sẽ thấy bóng dáng cầu Rạch Miễu (dài 2.878m), sừng sững giữa dòng sông, tuy chưa hoàn thành nhưng đã thấy dáng vẻ hết sức hoành tráng. Đoạn giữa sông, hai trụ tháp T18 và T19 cao vút, sáng lấp lánh những sợi dây văng đầu tiên... 

Lướt qua cù lao Thới Sơn, điểm du lịch cồn nổi tiếng của Tiền Giang, tiến về cồn Phụng, bạn sẽ chứng kiến cảnh tàu du lịch chen chúc đầy bến. Những chiếc phà to lớn nối liền Tiền Giang và Bến Tre qua lại như thoi đưa trên mặt sóng. Cảnh tượng nhộn nhịp của những chiếc phà rồi sẽ trở thành kỷ niệm sau khi cầu Rạch Miễu hoàn thành.


Vượt trên sóng nước nhấp nhô, tiến về hướng cửa Đại đổ ra biển Đông, tàu chạy cặp theo bờ Châu Thành (Bến Tre) bên phải, bên trái là cồn Quy. Trong sóng nước đẩy đưa, những chiếc đó (còn gọi là đăng, hờ) phần nhô lên mặt nước nằm sát hàng bần, hàng dừa nước lả ngọn trong nắng gió. Nhưng khi rẽ phải, vô rạch Xếp trên đất Quới Sơn, bạn sẽ chứng kiến sự “khuynh đảo” của dừa nước trước những cây bần đong đưa trái non và những chùm bông tím nhạt lãng mạn rắc bay lả tả. 

Hình ảnh những con phà cần cù nối liền đôi bờ Rạch Miễu, chẳng bao lâu nữa sẽ đi vào dĩ vãng. 

Nhưng “mớ” dừa nước này không là gì so với hai hàng dừa nước dày đặc khi bạn ngồi xuồng rời điểm du lịch Bến Trúc. Với 20 chiếc xuồng ba lá, mỗi xuồng chở tối đa 4 - 5 người, các thôn nữ xinh xắn trong chiếc áo bà ba, nón lá trên đầu sẽ đưa bạn theo rạch Chùa ra sông Tiền. 

Xuồng nhẹ nhàng rẽ nước, len lách giữa hai hàng dừa nước xanh um khoe những quầy trái chưa tới tuổi khai thác. Hành trình chỉ qua 1,5km nhưng có thể sẽ gây những ấn tượng đẹp cho du khách. Giá đi xuồng là 3.000đ mỗi người, nhưng khách đi thành đoàn chỉ phải trả 1.500đ/người.


Sau đó, bạn ra tàu ở sông Tiền chạy ngược về thị xã Bến Tre, ghé bến nhà hàng Hảo Ái thưởng thức bữa cơm trưa trước khi theo tàu du lịch trở về. 

Toàn bộ các điểm du lịch Phong Phú, Quới Sơn, Bến Trúc, Hảo Ái đều thuộc huyện Châu Thành (Bến Tre). Tại bến vào các điểm này, lúc nào cũng có tàu du lịch đưa khách ghé tham quan. 

Con đường đá dăm đưa bạn từ bến tàu tới điểm du lịch Quới An băng len lỏi qua những tàn cây nhãn thấp mát rượi. Ở đây có những căn nhà được làm toàn bằng cây dừa. Ngoài mái lá dừa nước là chuyện bình thường ở đồng bằng sông Cửu Long, bạn sẽ thấy vách, cửa cái, cửa sổ, xiên, rui, mè, đòn dông, đòn tay và cả... máng xối đều được làm bằng gỗ dừa. Ngay cả mấy cây cột cũng được làm bằng thân cây dừa bào láng. 

Ở nhà trưng bày sản phẩm dừa, bạn sẽ được giới thiệu tên nhiều giống dừa lạ lẫm, các công cụ khai thác trái dừa cùng khoảng 200 sản phẩm làm từ gỗ dừa vừa tinh xảo vừa mỹ thuật. Còn ở nhà trưng bày sản phẩm thêu tay, có hai cô thợ thêu cặm cụi, chăm chút tỉ mẩn những bức tranh thêu và các quầy giới thiệu sản phẩm của nghề thêu thủ công có giá trị nghệ thuật của Bến Tre. Quầy hàng lưu niệm hình bát giác là nơi bạn mua sắm những sản phẩm làm từ cây dừa về trưng trong nhà hoặc làm quà cho người thân. 

Xe chở nông sản ra chợ nay trở thành xe du lịch, chạy bằng sức ngựa, rất được du khách ưa thích. 
Ghé vào nhà giải khát, khách sẽ được thưởng thức trà mật ong. Người nước ngoài, nhất là các bạn trẻ người Nhật, Hàn thích xúm xít vây quanh những chiếc bàn tròn, vừa nhấm nháp trái cây vừa nhấm nháp ly trà mật ong nóng nặn trái tắc cùng một chút rượu dừa thơm chua ngọt, lâng lâng. Ở đây có các tổ ong với những chú ong non lúc nhúc trong màu mật vàng tươm ứa. Mùa này nhãn chưa có bông, đàn ong được di chuyển xuống Chợ Lách, Tiên Thủy (Bến Tre) - nơi có nhiều vườn trái cây đa chủng loại - để chúng hút mật. 

Lại đi bộ trên con đường lổn nhổn đá sỏi, xuyên qua vườn cây um tùm, khoảng 150m, bạn ra tới con đường làng. Ở đó, 13 chiếc xe ngựa luôn sẵn sàng. Thùng xe làm bằng thiếc, băng ngồi đặt dọc hai bên hông. Đây là loại xe của người địa phương dùng chở nông sản ra chợ thị xã bán, nay được chuyển đổi thành “xe du lịch” rất được du khách ưa thích, nhất là với người nước ngoài. Giá mỗi cuốc xe ngựa 20.000đ. 

Xà ích (người điều khiển xe ngựa) ngồi đầu mép thùng xe bên trái, quất roi cho ngựa kéo chiếc xe bánh cao su tiến lên. Trong tiếng vó ngựa lóc cóc vang vang trên con đường nhựa, lòng khách chưa hết bâng khuâng nhớ những bài thơ, đoạn văn miêu tả cảnh này thì xe đã đến điểm du lịch Bến Trúc. 

Bến Trúc có đội đờn ca tài tử gồm 3 nữ ca, 3 nam vừa nhạc công vừa cùng biểu diễn các bản vắn, điệu lý, tân cổ giao duyên. Dễ thương nhất là các thôn nữ duyên dáng trong tà áo dài, vòng tay khom người cúi chào khách một cách điệu nghệ trước và sau khi ca một bài hát. Trước đó, hướng dẫn viên thuyết minh cho khách nước ngoài bằng tiếng Anh về di sản đờn ca tài tử độc đáo của vùng đất phương Nam.

Với lợi thế vị trí cạnh bờ sông lớn, nhà hàng Hảo Ái đón tiếp bạn sau khi trở ngược sông Tiền. Tới đây, khách chợt nghe bụng dạ đói rân trong thoang thoảng mùi xào nấu thơm lừng. Ngồi vào bàn, trong chốc lát đã thấy dọn lên nào cá tai tượng chiên xù với bánh tráng và rau sống tươi xanh, nào lẩu cá hú, nào cá hú kho tộ - những đặc sản không chỉ khoái khẩu khách châu Á mà cả người phương Tây. 

Tới Bến Tre, du khách có dịp thưởng thức hương vị của dừa, một loại trái cây đã trở thành đặc sản của xứ này - xứ dừa. Đại diện xứng đáng là dừa dứa, vị ngọt thoang thoảng hương lá dứa. 

Ở điểm du lịch Phong Phú, một làng nghề sản xuất kẹo dừa thu nhỏ với mùi thơm của “hương dừa” toả ra từ mấy chiếc chảo nấu quậy dừa to đùng. Nhịp điệu lao động sôi động nhưng không hối hả, căng thẳng. Chỗ này nhồi dừa, cô đặc cho nhuyễn. Bên kia ép dừa thành sợi, chuyển qua khâu cắt viên và đóng gói. Ngoài kẹo dừa (đậu phộng, lá dứa, sầu riêng, ca cao) còn có kẹo hạt điều, mứt gừng dẻo, mật ong vườn... 

Ở Quới An bạn cũng có thể mua vài món quà cho người thân hoặc lưu niệm chuyến đi: đũa dừa, muỗng dừa, vá dừa, bộ tách trà dừa, con khỉ dừa… cùng hàng bao nhiêu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo khác.

PHÙ SA LỘC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét