Đền Kim Liên là ngôi đền duy nhất trong tứ trấn Hoàng thành Thăng Long xưa được liên tưởng tới truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” – cội nguồn gốc rễ của hình ảnh “Rồng bay lên” huy hoàng.
Tương truyền, đền Kim Liên là ngôi đền cổ, được lập nên từ thời vua Lý Công Uẩn dựng thành Thăng Long để thờ thần Cao Sơn Đại Vương, với ước mong thần giúp việc coi sóc, bảo vệ kinh thành ở phía Nam. Vị thần này vốn là con thứ mười bảy trong một trăm con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, người theo mẹ lên núi và phò giúp anh trai mở ra triều đại Hùng Vương lẫy lừng danh tiếng.
Theo những tích truyện còn lưu giữ trong dân gian, Cao Sơn Đại Vương là Lạc tướng Vũ Lâm. Khi anh trai lên ngôi vua (Hùng Vương thứ nhất), Vũ Lâm được giao nhiệm vụ đi tuần thú các vùng.
Dọc đường tuần tra, Vũ Lâm có công lớn trong việc bảo vệ nhân dân trước sự tấn công của giặc cướp và thú dữ, đồng thời giúp dân mở mang chăn nuôi, trồng trọt.
Đặc biệt, khi đi qua địa hạt Phụng Hoá (nay là huyện Nho Quan, Ninh Bình), Lạc tướng Vũ Lâm phát hiện ra một loài cây thân chứa nhiều bột. Loại bột này có thể dùng làm bánh thay bột gạo. Người dân vùng này gọi đó là cây Quang Lang (là một tên khác của Cao Sơn Đại Vương), cũng có nơi gọi là cây búng báng.
Một trong những tích truyện về Cao Sơn Đại Vương còn kể về việc Ngài đã cùng Sơn Tinh (thánh Tản Viên) chống lại Thuỷ Tinh, mang lại cuộc sống bình yên cho muôn dân trăm họ.
Ghi nhớ công ơn của vị quan hết lòng vì sự an nguy và cuộc sống no đủ của nhân dân, những địa phương được Lạc tướng đi qua đều lập đền thờ Ngài. Tuy đền thờ thần Cao Sơn Đại Vương có nhiều, nhưng ngôi đền toạ lạc tại đất Phụng Hoá xưa kia được coi là ngôi đền chính.
Tháng 11 năm 1509, vua Lê Tương Dực phái ba vị tướng quân là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ cầm quân đi diệt loạn thần Lê Mẫn (tức Uy Mục).
Ngang qua vùng Phụng Hoá, trông thấy ngôi đền cổ nằm giữa ngút ngàn rừng núi, nhờ tấm biển mà biết đó là đền thờ Cao Sơn Đại Vương, ba vị tướng quân bèn vào làm lễ cầu thần phò trợ.
Sau đó, đoàn quân của vua Lê Tương Dực chỉ trong chưa đầy một tuần lễ đã đánh tan loạn đảng, giữ được nghiệp bá do vua Lê Thái Tổ gây dựng. Nhờ vậy, vua Lê Tương Dực mới giữ được ngôi báu.
Nhớ ơn thần Cao Sơn Đại Vương, vua Lê Tương Dực cho dựng lại ngôi đền thờ thần khang trang hơn, to đẹp hơn ở làng Kim Hoa (tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương) phía Nam kinh thành, nay thuộc phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội). Tấm bia đá cổ lưu giữ trong đền còn ghi rõ ràng sự tích trên.
Sau này, do kiêng tên huý của bà Hồ Thị Hoa – mẹ vua Thiệu Trị thời Nguyễn – nên tên làng Kim Hoa được đổi thành Kim Liên. Bởi vậy, hậu thế quen gọi ngôi đền thờ Cao Sơn Đại Vương ở đấy là đền Kim Liên.
Những cổ vật quý trong đền
Đền Kim Liên xưa kia toạ lạc trên một gò đất cao, quay hướng Nam, trông ra đầm cổ Đồng Lầm. Đầm Đồng Lầm xưa kia rất rộng, quanh năm trong xanh. Sau này, do cư dân phát triển mạnh, đầm bị lấp dần, đến nay không còn dấu tích. Duy chỉ có gò đất và ngôi đền là không bị xâm phạm.
Ngày nay, đền Kim Liên nằm ngay mặt phố Xã Đàn, trông ra ngã ba giao nhau giữa phố Phạm Ngọc Thạch và phố Xã Đàn. Ngôi đền hiện vẫn đang trong quá trình trùng tu, phục dựng, được coi là công trình trọng điểm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long.
Đền Kim Liên được xây theo kiểu chữ Đinh gồm toà bái đường năm gian ở phía trước, phía sau là chính điện (hậu cung) ba gian. Toà bái đường có hệ thống khung, cột được sơn son thếp vàng, trang trí bằng nhiều bức chạm tinh xảo, đề tài phong phú. Hậu cung được cuốn vòm, lợp ngói ta, là nơi đặt bệ thờ thần Cao Sơn Đại Vương.
Khoảnh sân phía trước toà bái đường đặt một lư hương và hai cây đèn lớn chạm khắc từ đá nguyên khối, thể hiện bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của phường thợ chạm vùng đất kinh kì
Dẫn lối lên đền là 9 bậc thềm được xây bằng gạch đá vồ thời Lê Trung hưng, trang trí bằng đá khối chạm hình vân mây cuồn cuộn, tạo cảm giác như ngôi đền được dựng trên chín tầng mây.
Cổ vật quý giá nhất còn lưu giữ được tại đền Kim Liên là 39 đạo sắc phong của các triều đại và tấm bia đá dựng phía trái đền. Tấm bia đá được đặt trong ngôi miếu nhỏ dưới gốc cây cổ thụ. Trải mấy trăm năm, gốc rễ cây cổ thụ bọc kín ngôi miếu, khiến ai nhìn vào cũng tưởng tấm bia được đặt giữa thân cây.
Ngày nay, dù làng Kim Hoa cổ đã thành một phường nội đô tấp nập bán buôn với nếp sống hiện đại hối hả, nhưng người dân làng này vẫn giữ truyền thống mở hội hằng năm vào ngày 16/3 âm lịch để tưởng nhớ công ơn Cao Sơn Đại Vương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét