Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Ngôi nhà của Nguyễn Văn Trác, nơi ở, làm việc của đồng chí Lê Duẩn



Image
Mô hình ngôi nhà ông Nguyễn Văn Trác
Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Trác (thường gọi là Mười Trác) ở xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, là nơi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn đã ở và làm việc từ tháng 11-1955 đến tháng 3-1956, để chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam và tổng hợp tình hình và dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam. Nhà gồm 3 gian, hai chái bằng gỗ, xung quanh là vườn dừa, có lối thoát thuận tiện khi gặp biến cố. Đồng chí Lê Duẩn hàng ngày làm việc, ăn ở ngay trong căn buồng, có kê chiếc giường đôi, cạnh đó là một tủ đứng, bên trong bố trí thông với một hầm bí mật đào dưới đất. Việc canh gác theo dõi người lạ, địch bên ngoài đều do vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Trác đảm nhiệm.
   Đồng chí Lê Duẩn sống và làm việc ở đây gần 5 tháng, khi nhận thấy có dấu hiệu nghi ngờ bọn mật vụ có thể đánh hơi biết được, nên đã chuyển sang một cơ sở khác bí mật ở xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, sau đó chuyển tiếp sang một số gia đình cơ sở khác ở xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày. Ngày 5-7-1956, đồng chí Lê Duẩn rời Bến Tre lên thành phố Sài Gòn.
   Sau ngày miền Nam giải phóng (30-4-1975), đồng chí Lê Duẩn có về thăm lại ngôi nhà xưa, cùng những đồng bào, đồng chí cơ sở đã nuôi dưỡng, cưu mang và bảo vệ mình trong những ngày cách mạng miền Nam bị địch đánh phá khốc liệt. Ngôi nhà ngày xưa đã bị chiến tranh tàn phá, chỉ còn lại chiếc tủ đứng bẳng gỗ làm hầm bí mật, hiện đang được trưng bày ở nhà bảo tàng tỉnh Bến Tre. Đồng chí Lê Duẩn đã chỉ thị cho chính quyền tỉnh giúp đỡ gia đình ông Mười Trác xây dựng lại ngôi nhà, để ghi dấu một di tích của thời đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, gian khổ.
  Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Trác đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định số 985-QĐ/VH công nhận là di tích lịch sử cách mạng quốc gia ngày 7-5-1997.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét