Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Nhà mồ Ba Chúc (An Giang)

Để giáo dục ý chí căm thù, đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc, đồng thời tố cáo tội ác chế độ diệt chủng Pôn Pốt cho nhân dân trong nước và trên thế giới biết. Chính quyền tỉnh An Giang tiến hành xây dựng khu chứng tích tội ác Pôn Pốt ở giữa chùa Phí Lai và chùa Tam Bửu trên diện tích rộng 3000m2 thuộc ấp An Định Xã Ba Chúc.
Khu chứng tích tội ác này gôm bảy hạng mục công trình như sau: vòng rào, bia căm thù, nhà mồ, nhà tiếp khách, nhà truyền thống, nhà thủy tạ, hồ sen. Các công trình trên dây thì nhà mồ là công trình chính, các điểm kia là phụ để tô điểm cho công trình chính.
+ Nhà mồ:
Nhà mồ được xây dựng vào năm 1979. Nhà mồ có hình lục giác, mỗi góc là một trụ cột đỡ mái nóc nhà bằng hình tượng bàn tay cầm chuôi kiếm đẫm máu giương thẳng - thể hiện ý chí căm thù.
Chính giữa nhà mồ là khung hộp kiếng tám cạnh bằng nhau, chứa đựng 1159 xương cốt của những người dân vô tội bị quân Pôn Pốt thảm sát, số còn lại được bà con đem chôn cất. Từ ngoài cổng đi vào, du khách muốn lên tham quan nhà mồ phải bước qua chín bậc thềm thoải bằng nhàu, rồi mới đến di tích.
Để kéo dài tuổi thọ những bộ xương này, vào những năm đầu, ngành chuyên môn phải dùng sáp nấu sôi áo bên ngàoi xương tránh ôxi hóa, cả vật chống ẩm.
10 năm sau, số hài cốt nói trên có hiện tượng ngả màu và mục ở phần xương sụn và xương trẻ em. Cho nên, từ ngày 20 tháng 4 đến ngày 14 tháng 5 năm 1989, Sở Văn hóa và Bảo tàng An giang đã tiến hành lấy số hài cốt này ra làm vệ sinh lau chùi rồi ngâm tẩm hóa chất formol, alcool vào, phơi khô. Lần bảo quản này, các bác sĩ nhân chủng học trong đó có giáo sư, tiến sĩ Michael Pietrewsky ở trường Đại học Hawail, Honolulu, Mỹ và bác sĩ Nguyễn Quang Quyền, trường Đại học Y Dược Tp.HCM chỉ đạo và tham gia trực tiếp.

Hàng năm vào những ngày giỗ kỷ niệm những người đã chết, nhân dân xã Ba Chúc tập trung tại nhà mồ cũng tế và gọi đây là ngày hội căm thù.
Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước khi đến thăm quan nhà mồ đều bùi ngùi cảm động thương tiếc những người đã chết.
Cụm di tích căm thù Ba Chúc, được nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là di tích căm thù, theo quyết định của Bộ Văn hóa mang số 92/VH-QĐ ký ngày 10/07/1980, vì có nhiều điểm bị thảm sát, nên chỉ phát 3 bằng công nhận cho 3 điểm tiêu biểu là: nhà mồ, chùa Tam Bửu, miếu An Định (tức Chùa Phi Lai).
Khu di tích nhà mồ Ba Chúc là một bảng cáo trạng, là một chứng tích về tội ác trời không dung, đất không tha của bọn diệt chủng Pôn Pốt, là một di chúc nhắc nhở mọi người ý thức cảnh giác và là vành tang chung cho dân tộc Việt Nam, cho những người yêu chuộng cuộc sống hòa bình trên thế giới.

Theo Trần Văn Đông (Trích Chứng tích tội ác Pôn Pốt)

Về thăm chùa Phi Lai - nơi xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng nhất

Nằm ở thôn An Định, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, cách núi Tượng khoảng 200 m về hướng Đông. Chùa Phi Lai là một trong ba địa điểm xảy ra cuộc thảm sát tập thể trong vụ thảm sát Ba Chúc năm 1978. Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia ngày 10-07-1980.
Chùa Phi Lai là một tự viện danh tiếng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Nằm đối diện chùa Tam Bửu, tổ đình của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Chùa do ông Ngô Lợi cùng với tín đồ xây dựng vào ngày 19 tháng 1 năm 1887, tức xây cất sau chùa Tam Bửu gần 5 năm. Và giống như chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai còn phải trùng tu vài lần vì bị thực dân Pháp đến đốt phá  mới có được diện mạo như ngày nay.
Người ta kể lại rằng, hồi 3h chiều ngày 18-04-1978, quân Pol Pot tràn vào chùa xả súng bắn chết tại chỗ 80 người; 100 người khác kinh sợ bỏ chạy cũng bị chúng dùng báng súng và khúc cây đánh chết; 40 người khác nấp dưới bàn thờ Phật cũng bị lựu đạn tung vào chỉ một người phụ nữ còn sống sót nhờ nép trong góc và nhờ những xác người che chắn
Sau khi chạy lánh nạn, ngày 30 tháng 4 năm 1978, người dân Ba Chúc gồng gánh trở về tìm lại người thân. Vào chùa Phi Lai, họ thấy rất nhiều bàn tay vây máu trên vách tường, hành lang của chùa Phi Lai, trong đó nhiều nhất là trẻ em. Vách bên trái có một vệt máu bắn lên tường cao 4 m. Bên phải là một vệt dài 7 m, cao 0,6 m. Trước chánh điện máu và nước vàng ngập lênh láng, cột máu cao 0,2 m.
Bà con Ba Chúc và các đội chữ thập đỏ phải mất nhiều ngày liền mới thu gom xong xác chết và dội rửa nền chùa. Không biết bao nhiêu thùng nước mới rửa sạch được nền chùa. Những vết máu thấm sâu vào bức tường vữa, nên còn giữ được đến ngày nay.
Theo Bia Căm thù Ba Chúc, số người bị thảm sát là 3.157 người dân thường. Một số bị giết ở các chùa, một số bị giết ở nhiều nơi khác. Hiện nay Nhà Mồ Ba Chúc trưng bày 1.159 bộ hài cốt, số còn lại đã được thân nhân đem chôn, hoặc nằm lại trong những hang sâu trên núi Tượng...
Ngày nay đến chùa Phi Lai, người ta vẫn thấy ngay phía sau Nhà trưng bày chứng tích tội ác của bọn Pol Pot chồng chất xương người. Chứng tích căm thù nhà mồ Ba Chúc là một bản cáo trạng về tội ác diệt chủng của bọn Polpot muôn đời còn ghi nhớ.
Theo những người trông coi chùa thì  ngôi chùa này có quá nhiều âm khí nên không phải ai cũng dám bước chân vào. Có lẽ, do ám ảnh quá kinh hoàng trong quá khứ mà không ít người yếu bóng vía đã đánh mất cả lý trí khi bước chân vào ngôi chùa này.
 
Khánh Chi (TTVN)
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét