Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Phố cổ Thanh Hà xưa và nay


(VOV) - Từ Hồ Gươm, dạo qua các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, đến Hàng Chiếu, tới Ô Quan Chưởng, sẽ bắt gặp con phố nhỏ Thanh Hà. Phố nhỏ đến nỗi người ta thường nghĩ đây là một con ngõ nằm xen giữa các phố cổ.
Phố Thanh Hà xưa thuộc đất của thôn Thanh Hà, tổng Hậu túc, sau này đổi là tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương. Nay, thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.
Phố Thanh Hà dài không quá 150m, bắt đầu từ phố Nguyễn Thiện Thuật, ngoặt tới Ô Quan Chưởng. Thời Pháp thuộc, Thanh Hà là một ngõ nhỏ. Trong bản đồ cũ của Pháp năm 1890 ghi đây là phố Củ Nâu, vì trong ngõ có nhiều gia đình buôn bán lâm sản của các bè chở đến bến sông.
Cụ Triều Đông, Chủ nhiệm câu lạc bộ thơ của phường Đồng Xuân, cụ gần như là một trong số ít người sống lâu nhất ở phố này mà hiện còn ở đây, cho biết: “Gia đình tôi chuyển đến đây từ năm 1964. Chúng tôi thường thấy họ gọi là ngõ Thanh Hà chứ không phải gọi là phố như bây giờ. Đến năm 1986, phố Thanh Hà mới được rải đường làm lại. Lúc bấy giờ ở đây, rặt là những dân lao động.”
Hiện nay, phố Thanh Hà vẫn không khác xưa là mấy, có khác chăng là phố đã đông dân hơn, buôn bán sầm uất hơn xưa. Ông Lâm Tiến - một người dân sống tại phố Thanh Hà nhớ lại khi còn bé: “Ngõ này ngày xưa vắng vẻ hoang vu lắm. Đường xá thời kỳ thế hệ tôi chỉ là rải đá, những đá hộc to to rải ra đường ngõ. Ngõ này có lẽ là ngõ cổ xưa lắm rồi. Ngày xưa vắng vẻ lắm có được sầm uất như bây giờ đâu.”
Sau vài lần được sửa chữa lại đường xá, nhưng đến bây giờ phố Thanh Hà vẫn như xưa, không vỉa hè, nhiều ngõ nhỏ rẽ vào các ngách nhỏ, nhỏ đến nỗi 2 xe không tránh nhau được. Các căn nhà ở đây cũng nho nhỏ, xinh xinh, nhưng nhà nào cũng buôn bán. Nào thì nhà bán mắm, nhà bán rau cỏ, bán chè mạn, bán gạo… Một vài nhà mở khách sạn mini, nghĩa mini tức là mỗi tầng chỉ có 1 phòng…. Từ đầu đến cuối con phố cũng có 3, 4 phòng vé máy bay chi chít các bảng hiệu với nội dung là những tour du lịch khắp nơi trên thế giới phục vụ khách Tây là chủ yếu.
Phố Thanh Hà tấp nập từ sáng đến chiều, lúc nào cũng diễn ra cảnh buôn bán, trao đổi qua lại. Lối đi vào con phố chỉ còn đủ cho 2 xe máy tránh nhau. Đến đây, ta như lạc vào một cái chợ, người bán, người mua đều là hàng xóm, người quen của nhau cả.
Trên con phố nhỏ đi bộ chưa hết 10 phút đồng hồ ấy có một trường tiểu học mang tên Trần Nhật Duật. Trường chủ yếu dành cho các cháu trong khu phố và lân cận quanh quanh đó. Giữa phố có một ngôi đền, đền Hội Thống, thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Chị Nguyễn Thị Thư, sống cạnh cổng đền, cho biết: “Đền Hội Thống không hiểu có từ bao giờ. Gần hai chục năm tôi ở đây, thấy dân tình đến đây lễ bái rất là đông. Ngày tuần thì họ lên đông lắm.”
Theo kể lại, đầu phố Thanh Hà gần đầu Ô Quan Chưởng xưa kia có hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường - hiệu ảnh đầu tiên của Hà Nội. Đi gần hết nửa phố Thanh Hà, lên phía Bắc là tường cạnh của xóm Tư Đường có cổng thông sang phố Bờ Sông. Xóm Tư Đường nguyên là nhà kho cũ rộng, không có tường ngăn, được Tư Đường, chủ một hãng xe ôtô khách ngoài bờ sông, mua rồi cho sửa lại thành nhiều căn hộ cho nhiều gia đình thuê với giá rẻ. Khu nhà này không có nước máy, không đủ ánh sáng và thiếu cả công trình phụ tối thiểu.
Khu nhà Tư Đường bị tàn phá nặng trong thời kỳ chiến tranh năm 1946-1947, rồi được xây dựng lại trong thời kỳ tạm chiếm thành một khu cư dân khang trang với nhiều nhà riêng biệt có kiến trúc đẹp và có sân rộng. Bây giờ đến phố Thanh Hà, không còn thấy dấu tích khu nhà Tư Đường nữa, nơi đây đã thay thế bởi các dãy nhà mới./.
Mỹ Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét