Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Thèm mắm ba khía



Đã là người dân miền Tây thì không ai không biết con ba khía và cũng ít ai chưa một lần nhâm nhi vị mặn nồng của thịt ba khía. Hồi còn bé, cứ đến tháng năm, tháng sáu âm lịch (mùa sa mưa) là tôi lại theo ông nội chèo xuồng đi bắt ba khía.
Ba khía chỉ lớn bằng con cua đồng nhưng trên mai có ba cái vạch, đôi càng màu đỏ nâu, bụng đỏ nhạt, phần dưới có lông lấm tấm mịn màng. Ba khía có hai loại: loại gạch son và loại gạch tro. Bắt ba khía không khéo có thể bị kẹp đứt tay như chơi, nên ông nội thường quấn miếng vải dày vào ngón tay để bảo vệ. Tôi thì hì hục ôm cái thùng nhỏ bằng nhôm để đựng lũ ba khía vừa bắt được. Theo kinh nghiệm bản thân, ông nội nói: "Ở đâu có rừng mắm, rừng cóc là ở đó có ba khía sống. Bởi vì trái mắm, trái cóc là nguồn thức ăn của chúng".
mắm ba khía
Nhắc đến ba khía, mọi người thường nghĩ ngay đến món ba khía muối truyền thống mà lâu nay được mặc định ăn chung với cơm. Thịt ba khía đã có vị mặn nên khi muối chung với tỏi, ớt càng làm cho thịt thêm mặn mòi, ăn với cơm rất ngon. Một "que" ba khía có thể khiến ta ăn hết cả một tô cơm to mà không thấy ngán. Có khi đến bữa ăn cả nhà chỉ cần một nồi cơm to và một chén ba khía muối là đã có thể vui vẻ quây quần bên nhau. Những gia đình nghèo, thức ăn thường chỉ có món ba khía. Bữa cơm ngày ấy tuy đạm bạc nhưng thấm đượm tình quê. Riêng ở Cần Thơ, ba khía muối lại được dùng chung với khoai lang nướng. Có lẽ không có gì thú vị hơn việc ngồi nhâm nhi chiếc càng ba khía mằn mặn hòa cùng cái ngọt bùi của khoai lang nướng, nghe vài câu đờn ca tài tử đặc trưng của vùng đất này.
Khách thập phương ghé qua đây, được chủ nhà đãi ba khía muối khoai lang. Có khách ăn chưa đã, còn hỏi thêm một phần mang về thị thành, để mà lỡ có buổi chiều nào hiu hiu gió, nghe câu vọng cổ đậm chất miền Tây trên đài, lại nổi hứng thèm thì biết tìm đâu ra...
Diễm Thư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét