Hải sâm, ba kích, cá ngựa, Minh Mạng thang, ngẩu pín bò dê, thịt chim sẻ, dâm dương hoắc, cao hổ cốt... là những từ khoá cho các quý ông trong việc tìm đến các bài thuốc bổ thận tráng dương. Nhưng ít ai biết rằng, những vị thuốc này phần lớn bổ âm.
Tưởng bổ dương hoá ra bổ âm
"Một trong những hải sản quý hiếm được đàn ông ưa chuộng đó chính là hải sâm, hay còn gọi là đỉa biển. Đó là một loại động vật không xương, sống ở biển, trên đáy cát hoặc san hô chết. Hải sâm xưa được dùng cho các vua chúa quan lại thưởng thức, nay dùng để chế biến các món ăn, làm thuốc rất có giá trị về mặt dinh dưỡng và chữa các bệnh khó nói ở nam giới như liệt dương. Theo y học cổ truyền, hải sâm vị mặn, tính ấm, có công dụng bổ thận ích tinh, dưỡng huyết nhuận táo, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như tinh huyết hao tổn, hư nhược, liệt dương, di tinh, mộng tinh, tiểu tiện nhiều lần, táo bón. Trong 100g hải sâm khô có chứa 76g protein, ngoài ra còn nhiều nguyên tố vi lượng như P, Cu, Fe... Có thể dùng hải sâm tươi và khô đều được" - Đây là một đoạn của một bài báo nói về công dụng của Hải sâm, đăng trên một tờ báo chuyên về sức khoẻ, có uy tín của Bộ Y tế.
Có hàng trăm loại rượu ngâm với các vị thuốc khác nhau được quảng cáo là bổ dương, nhưng nhiều trong số đó lại là các vị thuốc... bổ âm. Ảnh minh hoạ
Bên cạnh hải sâm, cá ngựa, rắn biển... cũng là một trong những từ khóa để các quý ông tìm đến các vị thuốc bổ dương. Không ít người, hễ có dịp về với biển lại tranh thủ tìm mua các túi cá ngựa khô để mang về ngâm rượu, hòng "một người khoẻ, hai người vui".
Nhưng với cả 3 vị trên, hải sâm, cá ngựa, rắn biển, đều rất tốt cho phụ nữ, bổ âm - chủ tịch Hội Đông y, BS Nguyễn Xuân Hướng khẳng định. "Cá ngựa ở dưới biển, thuộc hàn. Trong nước, có loại thuộc âm và dương. Loại thuộc dương chủ yếu có vảy. Còn loại không vảy chủ yếu thuộc âm.
Cá ngựa là một loại giáp xác, nhưng lưỡng tính hay đơn tính cũng chưa xác định được. Sinh sản của cá ngựa cũng khác, không giống con người. Người ta quan niệm cá ngựa bổ dương nhưng thực sự là cá ngựa bổ âm. Nhưng cá ngựa xuất hiện trong các bài thuốc bổ dương bởi vì trong các bài thuốc bổ dương bao giờ cũng có các loại khác nhau, bổ cả dương và âm cho cần bằng, hòa hợp. Song không phải ai cũng hiểu điều này.
Rắn biển với hải sâm để chữa cường dương của nam giới cũng là quan niệm buồn cười. Rắn biển, hải sâm thuộc hàn, không vảy, bổ dương sao được? Con trai chủ khí, con gái chủ huyết. Khi rắn biển và hải sâm bổ âm thì dương chắc chắn kém. Ăn hải sâm nhiều sẽ không tốt. Về lý thuyết, hải sâm nên ăn vừa phải và nấu kèm chất nóng như ớt" - BS Hướng lý giải.
Cánh đàn ông hễ đến Quảng Ninh còn rủ nhau uống rượu ba kích tím để bổ dương. Nhưng cũng như các vị thuốc trên, ba kích tím có tính hàn, nên nếu uống nhiều ba kích, đàn ông dễ bị "Tào Tháo đuổi". Trong các bài thuốc đông y có vị ba kích, nếu kê quá liều, bệnh nhân uống xong cũng bị đi lỏng.
BS Hướng khẳng định: "Ba kích không để bổ dương, mà là một vị cố tinh, làm xuất tinh chậm. Mặc dù giữ được khả năng cương cứng lâu nhưng khái niệm bổ dương là hoàn toàn khác. Vì Ba kích có tính hàn nên phải sao với rượu để giảm bớt tính hàn, vào khí và huyết cho nhanh. Vì là cố tinh nên nếu người nào bị khó xuất tinh, uống ba kích vào lại càng khó xuất thêm. Trong trường hợp này dùng ba kích là sai lầm".
Không có bài thuốc bổ dương nào tốt cho tất cả đàn ông
Cao hổ là một bài thuốc quý, giúp mạnh gần cốt, khớp... Nhưng đó là cao hổ được nấu từ xương đã bỏ tuỷ của hổ. Còn nếu cao hổ có lẫn thịt hoặc tuỷ, lại rất độc vì thịt hổ và răng hổ đều chứa chất độc. Tuỷ hổ sẽ làm cho xương khớp nhức thêm. Ngoài ra, việc sao tẩm xương không cẩn thận cũng sẽ khiến cao hổ mất vệ sinh.
Cao hổ cũng phải phối hợp với một vài bài thuốc nữa và chỉ chủ yếu chữa đau nhức xương khớp, không có tác dụng tốt cho chuyện ấy.
Nếu bài thuốc có 10 vị thì ít nhất phải có 8 vị bổ dương, 2 vị bổ âm. Vì trong con người, âm dương luôn luôn cân bằng nhau. Cũng như vậy, có những vị thuốc được sách kim cổ công nhận là bổ dương như dâm dương hoắc, thịt chim sẻ, tắc kè... nhưng đi kèm với các vị này luôn luôn có các vị thuốc bổ âm khác để âm dương cân bằng. Ví dụ tắc kè đi theo thục địa bổ huyết, nhân sâm để bổ khí, rồi đi kèm cả ba kích, thục đoạn…
Bài thuốc nào cũng phải theo cơ địa của từng người, phải được bác sĩ bắt mạch, khám tổng thể mới có thể đưa ra bài thuốc phù hợp với thể trạng, cơ địa từng người.
"Tôi đã từng phản biện một đề tài về Minh Mạng Thang, hiện chưa có câu trả lời. Đó là Minh Mạng dùng bài thuốc này để được "Nhất giạ ngũ giao sinh lục tử". Vậy tại sao Tự Đức không uống thuốc này để có con mà phải lấy cháu lên ngôi? Tại sao ông Khải Định cũng không uống để đẻ nhiều con trai? Vấn đề ở đây là do cơ địa từng người. Cho nên, bài thuốc bổ dương của người nào phải do thầy thuốc khám lại, xem thận của anh hư đến mức nào, tuổi tác của anh ra sao để gia giảm thuốc. Chứ không phải người này uống tốt là người kia cũng tốt. Đó là sai lầm" - BS Hướng lên án về cách dùng thuốc tuỳ tiện, theo sự mách nước của người này người kia của rất nhiều người Việt Nam.
Ngoài ra, hiện nay, nhiều người có quan niệm ăn gì bổ nấy để cổ xuý nhau ăn ngẩu pín, nhưng chưa có sách đông y nào nghiên cứu về pín bò và dê tốt cho chuyện ấy. Việc ăn ngẩu pín chỉ là cho vui chứ tác dụng thực hiện chưa có công trình nào nghiên cứu.
Như vậy, ngoài việc sử dụng các "bài thuốc" tưởng bổ dương nhưng gây liệt dương, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng thì hiện nay, vẫn còn khá nhiều "bài thuốc" không hề bổ dương mà lại bổ âm hoàn toàn. Các bác sĩ luôn luôn khuyến cáo, việc sử dụng bất kỳ một bài thuốc nào, cần được sự tư vấn cụ thể của bác sĩ, tránh tình trạng tiền mất tật mang.
"Bổ thận tráng dương" không phải là... để "sinh hoạt" được nhiều
Đông y quan niệm về thuốc bổ thận tráng dương không phải để sinh hoạt được nhiều. Bổ thận tráng dương là để con người khỏe mạnh. Còn sinh hoạt tình dục chỉ là một vấn đề nhỏ nằm trong đó. Không phải ai bổ thận tráng dương là sinh hoạt tình dục khỏe.
Để cắt một thang thuốc giúp bổ thận tráng dương, bệnh nhân phải được khám kỹ để xem nguyên nhân khiến thận dương hư. Thận dương hư có rất nhiều nguyên nhân như tỳ dương hư. Tỳ dương hư là tiên thiên hấp thu của bố mẹ kém như bố mẹ khi mang thai tuổi cao, mẹ có thai khi mang bệnh hiểm nghèo nên không nuôi dưỡng thai nhi tốt. Tỳ dương hư còn có nguyên nhân là hậu thiên: khi sinh ra nuôi dưỡng kém làm sự phát triển con người kém.
Tỳ dương là biểu hiện về khí, hóa các thức ăn thành khí, nạp vào thận thành tinh. Người thận dương tốt, trong đông y gọi là mệnh môn hỏa, nếu tốt sẽ biến hóa khí đó ra nhiều chất khác nhau, nạp vào thận đưa lên phế gọi là chính khí, kết hợp với khí trời biến thành thông khí. Cái này đi nuôi cơ thể.
Nhưng thông khí chia làm 2, đi mạch máu nuôi cơ thể, đi vào cơ bắp thì bảo vệ cơ thể. Một bộ phận nữa là nguyên khí ở lại thận sinh ra cốt tủy, huyết, tinh (tinh trùng và tinh dịch).
Do đó, người con trai cần phải được khám để biết bệnh xuất phát từ đâu để uống thuốc bổ chứ không có thể có loại thuốc bổ chung chung".
BS Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y
Theo VTC.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét