Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Cửa sông Cu Đê


Bên bờ nam cửa sông Cu Đê, tức là phía bắc làng Nam Ô có hai hòn núi. Sách Đại Nam Nhất thống chí ghi: “Núi Cu Đê ở cách huyện Hòa Vang 28 dặm về phía Bắc, lại có tên là núi Hoa Ổ (tục gọi là động Suối Đá), núi nhiều ve ve, người địa phương bắt nấu ăn rất ngon. Mùa thu mùa đông cầu vồng hiện ở phía Nam núi, người ta lấy đấy mà chiêm nghiệm mưa lụt. Núi thấp nhỏ, gỗ tạp mọc um”. Và ở trang tiếp theo: “Núi Xuân Sơn ở phía Đông trạm Nam Ổ, cách huyện Hòa Vang 23 dặm về phía Bắc một dãi cát bằng nổi lên một ngọn cây cối xanh tốt, phía Tây núi có đền thờ”.
Cửa sông Cu Đê với núi Xuân Dương (phải) và núi Gành Nam Ô.                                                          Ảnh: V.T.L
Cửa sông Cu Đê với núi Xuân Dương (phải) và núi Gành Nam Ô. Ảnh: V.T.L
Hai núi ghi ở trên chính là núi Xuân Dương và núi Gành Nam Ô hiện nay. Văn tế lăng Tiền hiền Triệu Cơ của làng Nam Ô giữa thế kỷ trước còn truyền đến nay đã mô tả hai núi càng lộng lẫy hơn: Chấn cung hình Lỗ Hạc triều dương/ Đông phương tượng Trà Sơn tác án/ Đoài hậu ủng Xuân Sơn xán lạn/ Ly trung hư Đà tấn thanh bình.
Núi Xuân Dương đã bị tàn phá khi Pháp làm đường xe lửa và quốc lộ, rồi Mỹ làm phi trường, đường sá nên chỉ còn lại 1/5 quy mô vốn có.
Lỗ Hạc là tên khác của mom núi Gành Nam Ô, núi thấp nhỏ mọc nhiều cây cổ thụ, tuy cũng bị tàn phá vì bom Mỹ thời Tết Mậu Thân nhưng cây cối vẫn mọc rậm rạp xanh tốt. Những con ve ve thời xưa vẫn còn truyền lại cho con cháu chủng loài này bản đại hòa tấu giọng trầm để đến nay ta vẫn còn nghe từ khu rừng cổ điệu nhạc rền vang khi mùa hè đến.
Tuy đã biến dạng nhưng hai núi này ta vẫn nhìn thấy từ xa, dù từ Nam ra Bắc hay ngược lại. Thuở xưa, hai núi liền mạch chạy từ Tây sang Đông, sát bờ Nam cửa sông Cu Đê cổ, giữa hai núi là một quần thể tháp Chàm nay đã không còn, trên mặt đất chỉ còn lại những di chỉ gạch đá vương vãi đây đó. Địa điểm này có thể suy định là cửa quan Cu Đê, do Bồng Nga Sa (tướng Chiêm Thành) trấn giữ hồi thế kỷ XV; là tấn biển Cu Đê thời nhà Nguyễn thế kỷ XIX; nay là nơi đóng trụ sở của Đồn Biên phòng Hải Vân 244. Quả là hợp lý khi Nguyễn Phúc Anh (con thứ tư của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên - ĐNCT) thế kỷ XVII đã chọn địa thế tự nhiên này để lập lũy Cu Đê làm thế “chống giữ”.
Sát giữa hai núi hiện nay vẫn còn một di tích cổ được cho là xây từ thời Tự Đức gọi là miễu Ông Gốc. Di tích này, các cụ trong làng kể: Hồi xưa, cửa sông Cu Đê “ăn” đến chân hai núi, chia cửa sông thành hai dòng hiền, dữ, ghe thuyền ra vào theo dòng hiền lặng sóng. Sau một cơn bão, nhiều gốc cổ thụ đã xuôi dòng nước lũ trôi xuống, trong đó một gốc lớn nhất mắc vào bờ chắn ngang cửa sông lấn cả dòng hiền, làm cản trở ghe thuyền vào ra. Dân làng bèn lập đàn cầu khẩn… Một cơn lụt lớn hơn năm sau đã cuốn cây cổ thụ kia ra biển, trả lại dòng hiền cho dân làng. Từ đó người ta lập đền thờ, gọi là miễu Ông Gốc. Trong văn tế của làng vẫn còn tuyên xướng thần vị hẳn hoi: Hải Môn Ông Gốc Chi Thần.
Di tích còn lại nói cho chúng ta biết cửa sông Cu Đê thời cổ rộng chừng nào. Hiện nay địa danh Cu Đê xưa chỉ còn lưu ở lại con sông mang tên ấy.
Cửa sông Cu Đê rộng hơn trăm trượng thời cổ từng làm phòng tuyến án ngữ của các thế lực thời xưa, đã bị nhiều cuộc biến thiên bồi đắp nên bờ Nam cửa sông đã lấn xa về phía Bắc làm cửa sông hẹp lại như ta thấy ngày nay, hình thành nên một bãi cát rộng thênh thang bên núi gành Cu Đê, kích thích trí tưởng tượng của các nhà quy hoạch vẽ nên một dự án du lịch hấp dẫn phát triển trong tương lai.
Làng Nam Ô hiện nay chính là làng Cu Đê xa xưa. Trong câu hát dân gian: “Thanh Khê – Hà Khê, Cu Đê – Hóa Ổ, phỉnh dỗ ta về, để bù (bọ) chét cắn”  còn truyền lại tâm trạng buồn bã của cô dâu xứ lạ thời nào chắc không ngăn được chân du khách đến với làng Cu Đê - Hóa Ổ bởi sức hấp dẫn đầy chất phỉnh dỗ của phong quang cảnh vật nơi này. Ở đây đã giữ lại cho mình nhiều giếng đá vuông, những di tích mà các nhà nghiên cứu bảo là của người Chăm để lại; còn bảo lưu một tục thờ cá Ông có xuất xứ tín ngưỡng Chăm cho nghề biển ở đây thịnh phát. Và, khi nhìn giọt nước mắm nhỉ rỏ xuống từ lõi lọc, từng giọt, từng giọt trong vắt màu tiết dê… ta chiêm nghiệm được nhiều điều. Phải chăng nghề làm nước mắm ở đây có yếu tố giao thoa văn hóa Chăm - Việt trên đất Cu Đê xưa?
Nếu du lịch phát triển trên đất Nam Ô ngày nay không những nhắm phong cảnh hữu tình, địa trạch phong nhiêu, khí hậu ôn hòa mát mẻ ở đây, mà còn tìm đến để được chạm tay vào các tầng văn hóa, lịch sử của Cu Đê xưa mà suy nghiệm thì nghĩ cũng hay lắm thay!
ĐẶNG PHƯƠNG TRỨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét