Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Cung phi họ Trần - Hậu thần làng Ngọc Khám


Làng Ngọc Khám có tên cũ là Bảo Khám (Gia Đông, Thuận Thành) là nơi địa linh nhân kiệt, từng có thời gian là lị sở huyện Gia Bình. Làng thờ thành hoàng là hai vị thần Trị Thuỷ và thần Trị Sơn. Làng con thờ vị á thánh, tục gọi là bà Hậu thần gốc dòng họ Trần của làng. Sự tích bà Hậu thần qua truyền thuyết và tư liệu địa phương như sau:
Họ Trần về sinh sống ở Bảo Khám từ bao giờ không biết, chỉ biết tiên tổ làm ăn chăm chỉ, lo làm việc thiện. Một lần tiên tổ cứu sống thầy địa lí đi xem thế đất qua làng bị cảm suýt chết nên được trả ơn đặt mộ tổ ở thế đất  phát về gương lược võng lọng bên cạnh thế đất hàm rồng. Quả nhiên về sau đời nào cũng sinh mĩ nữ đàn ngọt hát hay. Mặc dù sống cảnh chân lấm tay bùn nhưng tài sắc gái họ Trần luôn được người trong vùng ái mộ. Vào thời vua Lê chúa Trịnh, bà Trần Thị Diễm được chọn dâng lên phủ chúa. Ít lâu sau bà sinh hạ được một gái là trưởng quận chúa Trịnh Thị Ngọc.
Mặc dù sống trong nhung lụa nhưng bà chính phi vẫn luôn hướng về quê nhà, nơi đất lành thánh thiêng phù hộ cho bà vinh hiển. Do đó về già bà đã xuất cung về sống với con cháu ở quê. Trước khi xuất cung, Chúa hỏi bà muốn vật quý gì thì cứ mang theo. Bà đã chọn một cây đèn bằng đồng đen để chiếu sáng đường đi và một cái choé men lam sứ Giang Tây đựng nước thiêng. Hai vật quý này bà không để dùng riêng mà hiến cho làng thờ thánh. Bổng lộc mang theo bà cũng bỏ ra khai giếng, làm đình, sửa chùa, mua ruộng cúng làng. Bà mua đến trăm mẫu ruộng cúng vào đình giao cho 4 giáp cày cấy lấy sản vật sửa lễ thánh hằng năm. Mỗi khi làng mở hội bà lại bỏ tiền đón phường hát về phục vụ dân làng một đêm. Bà không ngừng bỏ tiền của công đức viên mãn với làng. Vì thế sau khi mất bà được dân làng thờ làm Á thánh phối thờ cùng thành hoàng. Dân làng thường gọi kính trọng là Đức Tu, hoặc bà Hậu. Các đời vua nhiều lần ban sắc phong cho bà. Thời kháng chiến nhà thờ bà Hậu còn giữ được đầy đủ, sau bị trúng bom cháy gần hết, chỉ giữ được hai bản sắc bị văng ra khỏi nhà kẹp giữa thành bể. Một sắc năm Cảnh Hưng thứ 22, một sắc năm Khải Định thứ 9. Sắc năm Khải Định thứ 9 có đoạn viết: “Sắc cho xã Ngọc Khám phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh thờ Trần quý phi huý Diễm là vị thần có công hộ quốc tí dân nay phong tặng thêm là vị thần linh phù dực bảo trung hưng bảo vệ dân lành”. Ngày vào đám làng có đoàn rước đến nhà thờ rước sắc bà Hậu ra đình. Để đảm bảo nghiêm cẩn, người rước sắc phải dùng khăn nhiễu đỏ bịt kín miệng suốt thời gian rước sắc.
Còn quận chúa Trịnh Thị Ngọc được gả về Quế Ổ sinh được bảy quận công. Quận chúa cho một con về sinh sống ở Bảo Khám để lo cúng giỗ bên ngoại, nay vẫn còn con cháu.
Tục thờ Hậu thần vẫn được dân làng duy trì theo nghi thức trọng thể bên cạnh thành hoàng đến tận ngày nay. Nghi thức như sau: Làng có giếng đất ở cổng Tiền có lệnh cấm dân lấy nước từ mồng một Tết để giữ nước trong sạch tinh khiết lúc vào đám. Trong mấy ngày đầu năm dân phải tự tích trữ nước cho đủ dùng.
Sáng sớm ngày mồng 5 Tết, các thanh niên lĩnh việc rước nước mặc đồng phục lễ hội sắp hàng chỉnh tề ở sân đình. Hai người đầu hàng cầm trống nhỏ và chiêng đồng vừa đánh vừa múa cho hai hàng phù giá múa theo. Múa xong bài thì lập thành một hàng dài đi ra giếng. Đi đầu là 20 người rước 20 cờ ngũ hành. Tiếp theo là đoàn khiêng nhang án và bát bửu. Tiếp theo là 2 người vác lọng che long đình do 4 người khiêng. Tiếp theo là kiệu bát cống 8 người khiêng, trên kiệu là choé đựng nước do Hậu thần cung tiến. Tiếp theo là phường bát âm.
Ra đến cổng Tiền đoàn rước đứng lánh về một bên nhường đường cho kiệu bát cống xuống giếng. Ông Tổng Kì bịt miệng bằng khăn nhiễu điều lấy gáo đồng múc nước đổ vào chum. Sau đó theo thứ tự lúc đi rước nước quay trở về đình. Đến nhà thờ bà Hậu thần thì dừng lại. Riêng kiệu bát cống đợi ngoài đường còn những người khác rẽ vào nhà thờ rước sắc phong bà Chính phi cùng kiệu bát cống ra đình.
Khi về đến đình thì nước được đổ ra chậu to, bớt lại một phần ở choé làm nước cúng. Từ chậu to lại san ra 4 chậu đồng để ông tổng kì, 4 ông đám, 4 ông biện làm lễ mộc dục.
Ngày chính hội mồng 7 Tết làng rước thánh thì kiệu bà Hậu thần đi sau long đình thánh.
Khi rã đám thì rước sắc phong bà Hậu thần về nhà thờ.
Bà Hậu thần làng Ngọc Khám cũng được ghi lại trong sách Bắc Ninh địa dư chí của đốc học Đỗ Trọng Vĩ ở mục cung phi các đời.
Phạm Thuận Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét