Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Cưỡi ngựa thể thao ở Sài Gòn


(Petrotimes) - Nằm khuất trong con hẻm số 42 đường Lê Văn Thịnh, quận 2, TP HCM, Saigon Pony Club đã trở thành địa điểm quen thuộc của những người yêu ngựa và say mê môn cưỡi ngựa thể thao. 
Chúng tôi tìm đến Saigon Pony Club vào một buổi sáng chủ nhật, nhìn bề ngoài câu lạc bộ (CLB) này giống như một trại chăn nuôi ngựa vì khu tập luyện nằm khá sâu trong khuôn viên, còn từ ngoài cổng đi vào là hai dãy chuồng chăn nuôi ngựa. Càng vào sâu bên trong chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn không khí tập luyện ở CLB bởi tiếng vó ngựa rộn ràng, tiếng hô nhịp nhàng của người huấn luyện viên và tiếng cười nói của những phụ huynh đang đứng bên ngoài theo dõi con em mình tập luyện.
Các học viên điều khiển ngựa theo hướng dẫn của huấn luyện viên
Trên mảnh đất có diện tích 4.000 m2, Saigon Pony Club được một người bạn của ông Amaury Le Blan (người Pháp) chuyển giao cho ông cách đây khoảng 5 năm. Trước đó, bạn của ông Amaury xây dựng lên khu này nhằm đáp ứng niềm say mê của cô con gái với bộ môn cưỡi ngựa thể thao. Sau đó, họ quay về nước và chuyển giao lại khu này cho ông Amaury.
Hiện, ông Amaury vừa là một huấn luyện viên cũng vừa là chủ nhân của CLB cưỡi ngựa thể thao này. Với niềm say mê ngựa và từng là vận động viên cưỡi ngựa thể thao, ông đã phát triển CLB, mở lớp để dạy cho những ai muốn học, không kể là người Việt Nam hay người nước ngoài nhằm giới thiệu môn thể thao này đến với mọi người và cũng là một cách để duy trì niềm đam mê của ông với môn cưỡi ngựa thể thao.
Từ nhỏ, khi còn ở Pháp, ông Amaury đã được gia đình cho làm quen với môn cưỡi ngựa. Ông tham gia nhiều cuộc thi cưỡi ngựa và từng làm kỵ binh trong quân đội. Năm 1990, ông đến Việt Nam theo làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, lúc đó ông là một trong những nhân sự người nước ngoài chuyển công tác đến Việt Nam để làm việc cho Công ty Franco Pacific. Từ đó trở đi ông ngừng không chơi cưỡi ngựa thể thao nữa, cho đến khi tiếp nhận Saigon Pony Club ông mới có dịp quay lại với niềm đam mê của mình.
Khi chúng tôi đến CLB, ở đó có khoảng chục học viên “nhí” từ 5 – 12 tuổi đang tập điều khiển các chú ngựa theo sự chỉ dẫn của huấn luyện viên Abigail Teeven (người Anh) trên một sân tập nhỏ được phủ cát. Các cô bé, cậu bé đầu đội mũ bảo hiểm, chân mang giày thể thao ngồi trên lưng ngựa và được huấn luyện viên hướng dẫn cách dùng dây cương và các động tác để điều khiển ngựa rẽ trái, rẽ phải, dừng lại... Sau khi thực hiện thuần thục các tư thế và cách điều khiển ngựa, từng nhóm từ 1 đến 2 học viên sẽ điều khiển ngựa theo hiệu lệnh của huấn luyện viên như: cho ngựa đi nước kiệu, đi vòng tròn, đi thẳng...
“Dậm chân! Nhảy! Lưng thẳng lên! Thẳng chân ra!...” - tiếng của cô Abigail Teeven, dõng dạc vang lên. Và mỗi khi các học viên “nhí” thực hiện thành công mỗi động tác đều được huấn luyện viên khích lệ bằng những lời khen ngợi: “Tốt”, “rất tốt”, “tuyệt vời”. Tuy nhiên, các huấn luyện viên cũng tỏ ra khá nghiêm khắc khi học viên thiếu tập trung trong các bài tập, đặc biệt là những học viên lớn. Hầu hết các học viên và phụ huynh đều hài lòng và yên tâm với cách dạy của những huấn luyện viên ở đây.
Cô Abigail Teeven cho biết: Các học viên sẽ tập trên hai sân 600m2 và 1.000m2 dành cho trình độ cơ bản và nâng cao. Đối với trẻ em, bài học là những trò chơi kết hợp các biện pháp giữ thăng bằng: nhắm mắt, dang tay ngồi trên lưng ngựa, đứng, nằm trên lưng ngựa... Ở trình độ nâng cao, các học viên được học các động tác khó như nhảy rào, vượt chướng ngại vật.
Học viên thực hiện động tác nhảy rào
Từ bên ngoài quan sát chúng tôi thấy được sự hào hứng của các học viên và của cả những phụ huynh đứng xem con mình tập luyện. Các học viên ngồi trên lưng ngựa tập trung thực hiện những động tác hết sức nhịp nhàng, đẹp mắt, khi thì uốn cong người ra phía sau, lúc thì đưa hai đầu gối lên cao tì chân vào mình ngựa, cho ngựa phi nhanh, chạy vòng tròn,… Các động tác được thực hiện dứt khoát theo nhịp hô của huấn luyện viên. Thỉnh thoảng các em bày tỏ sự yêu mến với chú ngựa của mình bằng cách khom người xuống vỗ nhè nhẹ vào mình ngựa.
Vòng bên ngoài sân tập là những em nhỏ mới học buổi đầu được nhân viên ở trung tâm hướng dẫn bài học làm quen với ngựa và ngồi trên lưng ngựa đi vòng quanh sân tập, có người dẫn ngựa ở phía trước để tránh bị ngã. Những phụ huynh đứng ở khu vực chờ chăm chú quan sát lớp học hầu như không bỏ qua một giây phút nào, nhiều người còn dùng ống nhòm để theo dõi rõ hơn.
Khi chúng tôi đang hứng thú theo dõi các học viên tập luyện, bỗng “ầm”, một cô bé ngã từ lưng ngựa xuống khi thực hiện bài tập cho ngựa phi nước kiệu khiến chúng tôi thót tim nhưng mọi người xung quanh tỏ ra khá thản nhiên với việc này. Họ bình tĩnh đứng từ bên ngoài sân tập theo dõi cách xử lý của huấn luyện viên. Huấn luyện viên cho tạm ngưng lớp học, trò chuyện gì đó với cô bé, rồi ra hiệu cho đội sơ cứu của trung tâm vào hỗ trợ để dìu cô bé ra ngoài sân tập. Sau một vài động tác sơ cứu cô bé có vẻ ổn nhưng vì cổ tay bị trật nên em không thể tiếp tục học.
Theo một nhân viên làm việc tại trung tâm, những cú ngã ngựa là chuyện thường xảy ra trong mỗi buổi tập. Những ai đã tham gia học cưỡi ngựa thì khó tránh khỏi việc ngã ngựa một vài lần. Do đó, trước khi tập, học viên phải thực hiện các động tác khởi động trên lưng ngựa: xoay tay, vai, cổ... Đồng thời, các học viên cũng được học phản xạ các tư thế ngã để hạn chế chấn thương. Những nhân viên ở CLB cũng được huấn luyện các kỹ năng sơ cứu cần thiết khi xảy ra tai nạn.
Ông Amaury chia sẻ: Khác với những môn thể thao khác, cưỡi ngựa đòi hỏi người chơi phải có tình cảm và biết tương tác với con vật, biết được đặc tính của từng con ngựa để điều khiển làm sao cho người và ngựa giống như hai người bạn, phối hợp nhịp nhàng trong mọi động tác. Do đó, không chỉ hướng dẫn học viên những kỹ năng điều khiển ngựa, mà các huấn luyện viên còn truyền tình yêu loài vật của mình đến các học viên.
Các huấn luyện viên dạy cho học trò biết cách âu yếm, vỗ về ngựa, xây dựng tình cảm giữa người và ngựa bằng cách giúp những người nuôi ngựa cho ngựa ăn cỏ, uống nước, tắm ngựa, vệ sinh chuồng,… Ngựa là con vật rất khôn ngoan nên sẽ trở nên thân thiện với những người thường xuyên chăm sóc nó. Do đó, việc chăm sóc ngựa giúp người cưỡi dễ dàng làm quen với chú ngựa của mình và điều khiển chúng được theo ý muốn. Vì vậy, tuy việc chăm sóc ngựa ở CLB không phải là việc bắt buộc nhưng các huấn luyện viên cũng khuyến khích học viên tranh thủ thời gian rảnh sau giờ tập chăm sóc chú ngựa của mình để xây dựng tình cảm với ngựa.
Hiện nay, lớp học cưỡi ngựa thể thao này đang thu hút sự chú ý của nhiều bậc phụ huynh ở Sài Gòn. Nhiều em nhỏ được cha mẹ cho tham gia lớp học này không chỉ để giúp các em rèn luyện sức khỏe, thêm tình yêu thương với động vật mà các bậc phụ huynh còn mong muốn con mình có trải nghiệm cuộc sống.
Mẹ của bé Vũ Ngọc Mai Anh, 12 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận cho biết: Trước đây gia đình cho bé học bơi như một môn thể thao thường xuyên để rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, do thể trạng yếu bé thường bị cảm khi gặp nước. Qua bạn bè chị biết đến CLB này và cho bé tham gia. Ban đầu bé không thích vì mùi ngai ngái của khu chuồng ngựa nhưng sau một thời gian tập luyện thì bé rất thích nên chị có ý định cho bé theo học lâu dài.
Sau buổi học 15 phút làm quen với ngựa, bé Ngọc, 5 tuổi chạy vào khoe với cha mình “Con được ngồi lên ngựa thích lắm!”. Còn bé Khoa, 10 tuổi, con trai anh Lê Văn Tú, một thương gia ở Sài Gòn hào hứng kể cho chúng tôi: “Các bài học của thầy Amaury Le Blan rất thú vị. Cháu đã được học nhảy qua sào từ ba ngày nay. Nhiều lần bị ngã nhưng cháu vẫn thích môn thể thao này. Trước mỗi buổi học bên cạnh những động tác khởi động, huấn luyện viên sẽ kiểm tra xem học viên đã hiểu rõ về đặc tính của chú ngựa mình cưỡi chưa rồi mới cho bắt đầu buổi học; vì phải hiểu đặc tính của ngựa mới có thể điều khiển tốt được. Sau khi học xong cháu thường nán lại khoảng nửa tiếng để chăm sóc chú ngựa mình đã cưỡi như vậy mình và ngựa sẽ thân thiết hơn”.
Tại trung tâm, mỗi tuần, các học viên phải thay ngựa cưỡi để tập tiến bộ vì mỗi chú ngựa có một cá tính khác nhau, học viên phải biết cách điều khiển tất cả những chú ngựa này. Hiện nay, CLB có khoảng 24 con ngựa, đa số là giống ngựa Việt được mua về từ Củ Chi (TP HCM), vùng Đức Hòa, Đức Huệ (tỉnh Long An) và những lò nuôi ngựa đua của trường đua Phú Thọ. Ngựa ở đây đều có tên nước ngoài: Diabolo, Crac, Flamme, Mogita, Wok…
Những em nhỏ 3 - 5 tuổi cũng đã có thể bắt đầu học cưỡi ngựa
Hiện CLB có 120 học viên ở đủ các độ tuổi theo học, nhỏ nhất là 3 tuổi, lớn nhất hơn 50 tuổi. Tại CLB, nhiều học viên đã kiên trì theo học suốt 3 - 4 năm và đến nay đã có thể thực hiện thuần thục các động tác khó. Mức học phí của CLB này được đánh giá là rẻ nhất so với chi phí học cưỡi ngựa thể thao ở các nước trên thế giới. Vì trên thế giới hiện nay, cưỡi ngựa vẫn được xem là một môn thể thao “quý tộc”. Học phí cho mỗi tiết học kéo dài 45 phút ở CLB có giá 400.000 đồng, nếu đóng trọn khóa (12 tiết) sẽ được giảm 15%.
Hiện nay, Saigon Pony Club là câu lạc bộ cưỡi ngựa thể thao duy nhất tại Việt Nam. Tuy chưa có những điều kiện vật chất đầy đủ cho bộ môn cưỡi ngựa thể thao nhưng CLB khiêm tốn này cũng đã bắt đầu đặt nền móng cho bộ môn cưỡi ngựa thể thao phát triển ở Việt Nam. Theo ông Amaury Le Blan, tại Việt Nam rất nhiều người yêu thích và đam mê môn thể thao cưỡi ngựa nhưng chưa có điều kiện tiếp cận. Do đó, trong thời gian tới ông dự định mở thêm một chi nhánh dạy cưỡi ngựa thể thao ở Hà Nội để cưỡi ngựa trở thành môn thể thao gần gũi hơn với người Việt.
Một số hình ảnh của lớp học Saigon Pony Club:
Khởi động trên lưng ngựa
Ông Amaury tập cho học viên bài học đứng thăng bằng trên lưng ngựa
Học viên thực hiện các bài tập
Ngoài rèn luyện sức khỏe, cưỡi ngựa giúp các học viên có thêm tình yêu động vật
Mai Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét