Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Di tích thờ Tứ Nguyên Nguyễn Đăng và tục môn sinh ở làng Hán Đà


Nguyễn Đăng sinh năm 1576 tại làng Mai (có tên nôm là Tỏi Mai), thuộc xã Đại Toán, tổng Đại Toán, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, nay là làng Mai, xã Chi Lăng, huyện Quế Võ.
Thi hương, thi hội ông đều đỗ đầu, năm 26 tuổi đỗ Hoàng giáp (Đình nguyên) khoa Nhâm Dần, niên hiệu Hoằng Định (1602) (khoa thi này không lấy Trạng nguyên nên người đỗ đầu gọi là Hoàng giáp). Sau đó nhà vua mở thêm khoa thi ứng chế để tìm người tài giỏi đi sứ, ông lại đỗ đầu nên được triều đình tặng danh hiệu “Tứ Nguyên”(danh hiệu độc nhất trong nước). Năm 1613 ông được cử đi sứ nhà Minh, với tài ngoại giao kiệt xuất, tài thơ văn nổi tiếng được vua Minh khâm phục và phong là “Trạng Nguyên”.
Ông làm quan tới chức Hữu Thị lang bộ Hộ, tức Đại Nham hầu. Khi về trí sĩ ông lại mang hết tâm lực của mình để giúp đỡ cho dân thôn. Ông mở lớp dạy học tại làng Hán Đà, xã Hán Quảng. Sau khi mất được nhân dân Hán Đà lập đền thờ và suy tôn làm Thành hoàng thờ ở đình. Tục “Môn sinh” ở đây được gieo mầm từ thời kỳ Nguyễn Đăng về đây dạy học và tục đó vẫn còn  được lưu truyền tới ngày nay.
Đình làng Hán Đà có bình đồ kiến trúc hình chữ nhị (=) gồm: toà Tiền tế 5 gian, nguyên là nhà Tảo xá của đình cũ (đình cũ đã bị phá huỷ thời kỳ kháng chiến chống pháp), 3 gian 2 dĩ Hậu cung nguyên là nhà Tiền tế của đền thờ Nguyễn Đăng được di chuyển về năm 1952. Đình thờ Lạc Long Quân và danh nhân khoa bảng Nguyễn Đăng.
 Theo bia đá dựng ở đền cho biết: đền Hán Đà được khởi dựng từ năm Dương Hoà thứ 6 (1640) sau khi Nguyễn Đăng mất được 3 năm, địa điểm xây dựng gần nhà Cầu Giáo (nhà xưa Nguyễn Đăng dạy học), trải qua bao thăng trầm của lịch sử, công trình này đã có sự thay đổi biến dạng. Khu đền xưa đến nay chỉ còn 3 gian.
Năm 1993 nhân dân địa phương dựng lại 5 gian Tiền tế thành kiến trúc chữ nhị (=). Di vật quý ở di tích hiện còn: tác phẩm văn học bằng chữ Hán “Phi lại tự phú” ,“Mục lục”, hoành phi, câu đối, 4 pho tượng gỗ (1 pho Hoàng giáp Nguyễn Đăng, 2 pho bộ hạ và 1 pho con gái của ông là Nguyễn Thị Quảng Chù được phong ngũ hành công chúa), 1 bia đá “Đại tướng công từ vạn thế công bi” dựng năm Dương Hoà (1640).
Bia có nội dung ghi lại một đạo sắc phong và bài minh. Lòng sắc chứa đựng nhiều mỹ tự ca ngợi công lao đức độ tuyệt vời của ông như: đức độ của Đại Vương rộng lớn nom không hết nghe không biết hết mà rực rỡ ở trên, cảm tất thông, cầu tất ứng thực là người có nhiều công lao với nước với dân, giáo dục cho những người mắc sai lầm và tạo được thế ổn định cho đất nước, hai lần được vua phong là “Tế thế trạch dân Đại Vương” và “Hậu đức Đại Vương”.
Truyền thống hiếu học, khoa bảng của làng Hán Đà được biểu hiện trong tình cảm tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, từ xưa dân làng vẫn còn lưu truyền tục “Môn sinh”. Môn sinh là những học trò cùng học một thầy, cùng chung đèn sách, cùng được thầy đào tạo. Họ tự tổ chức nhau lại góp tiền tậu ruộng rồi luân phiên nhau cấy trồng để lấy hoa lợi gây quỹ môn sinh. Quỹ đó dùng để chi phí cho hoạt động của hội, chăm lo, giúp đỡ thầy và gia đình thầy khi gặp khó khăn, trắc trở. Khi thầy mất thì lo tang ma cho thầy, cho vợ thầy và giỗ tết tế tự về sau. Phụ trách “Môn sinh” là ông Trưởng tràng, giúp việc trưởng tràng là gián tràng và một số cán tràng. Con thầy mặc dầu ít tuổi hơn cũng được gọi là Thế huynh.
Hàng năm vào dịp rằm ba tết bẩy các trò thường tổ chức mang lễ đến “tết thầy”. Lúc thầy còn sống dù đang dạy dỗ mình hay họ đã công thành danh toại các trò đều tổ chức đến. Giầu nghèo họ cũng sắm chút lễ mọn đến biếu thầy vào những dịp đó. Thầy dạy học trước đây thường không lấy tiền “học phí” hoặc có lấy cũng không đáng kể, cho nên các học trò cũng nhân đó để tạo điều kiện giúp cho thầy và gia đình thầy thêm thuận lợi trong cuộc sống để dạy bảo mình.
Khi còn đang theo học hay đã thôi hoặc thành đạt rồi dù chức trọng quyền cao thế nào chăng nữa họ cũng không bỏ lễ đó. Gặp thầy họ vẫn chào hỏi lễ phép như xưa. Khi thầy mất thì các môn sinh cứ đến ngày giỗ thầy là tập hợp nhau lại ở nhà ông trưởng tràng để cùng nhau sắm sửa lễ mang đến gia đình thầy cùng làm giỗ thầy. Nhiều môn sinh có những hình thức cao quý như cúng vào nhà thầy những bức hoành phi, câu đối có nội dung ca ngợi, tỏ lòng biết ơn thầy.
Hiện nay tại gia đình ông Phạm Ngọc Trác làng Hán Đà còn lưu giữ  một bức hoành phi ghi ba chữ Hán “Tuy tư - thành” bên cạnh là các chữ Hán nhỏ môn sinh phụng sự và dòng lạc khoản ghi niên hiệu Thành Thái năm thứ  8 (1896). Đó là hiện vật minh chứng về lòng biết  ơn của học trò đối với thầy dạy học.
Thời kỳ Pháp thuộc (khoảng năm 1935) làng Hán  Đà lúc đó có trường hương học do cụ giáo Quảng tên là Đào Thế Hưởng về mở  trường dạy học, học trò lúc đó rất đông. Nhiều người đến nay vẫn còn sống và thành đạt. Những năm gần đây có học trò ngoài 90 tuổi mà hàng năm vẫn xây dựng hội Môn sinh để tới ngày giỗ  thầy họ chuẩn bị hương hoa đến thăm mộ thầy và có năm đặt một bức hoành phi đề 4 chữ “Tôn sư trọng đạo” để thờ thầy, có những người trực tiếp học tuy đã mất nhưng vợ con môn sinh đó tiếp tục cùng với các môn sinh khác làm nhiệm vụ của người học trò biết ơn thầy.
 Làng Hán Đà hiện nay vẫn giữ được lòng biết ơn ấy. Cả làng tôn thờ “Tứ Nguyên Nguyễn Đăng” - người thầy dạy học - vị thành hoàng đáng kính của cộng đồng. Hàng năm cứ đến ngày mồng 1 tháng 6 Âm lịch cả làng lại ra đình, đền làm giỗ Đức thánh, làm giỗ  người thầy dạy học cho tổ tiên của mình, của các dòng họ trong làng Hán Đà. Đó là lòng biết ơn, là di sản văn hoá vô cùng cao quí, rất đẹp mà người xưa truyền lại.
Kiều Thị Thơm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét