Đình Đáp Cầu, phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh là công trình văn hóa tâm linh của cộng đồng nhân dân Đáp Cầu, vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17) được xây dựng với quy mô kiến trúc to lớn, chạm khắc lộng lẫy tinh xảo nghệ thuật.
Đến thời Nguyễn, vào thời vua Thành Thái đình được trùng tu tôn tạo với quy mô lớn. Hiện nay đình Đáp Cầu là công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng của hai thời Lê-Nguyễn còn bảo lưu khá nguyên vẹn đến ngày nay. Đó là ngôi đình có kiến trúc kiểu “tiền chữ nhất hậu chữ công” gồm: Phía trước là toà Phương đình hình chữ “nhất” với các lớp mái ngói đao cong nhẹ nhàng. Qua Phương đình là đến tòa Đại đình hình chữ “công” gồm: Tiền đình 3 gian 2 chái bốn mái đao cong uốn lượn duyên dáng, ống muống 3 gian và hậu cung 3 gian cũng bốn mái đao cong.
Cảnh tế lễ trong ngày hội đình Đáp Cầu (Phường Đáp Cầu - thành phố Bắc Ninh).
Toàn bộ ngôi đình được dựng bằng bộ khung gỗ lim to khỏe vững chắc và trên tất cả các bộ phận như đầu dư, cốn, bẩy, con rường đều được chạm nổi đề tài rồng, tiên và hoa lá các điệu lộng lẫy, tinh xảo, nghệ thuật: Các đầu dư đều chạm lộng rồng ngậm ngọc có trán lồi, mũi nở và râu bờm tóc dài bay ngược về phía sau mang hình mác mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Đặc biệt, gian giữa của tòa Đại đình với những mảng chạm nổi kênh bong “rồng ổ”, “rồng mây”, “rồng tiên” tầng tầng, lớp lớp, như múa, như bay, đã khiến quý khách vào trong đình như bước vào thế giới thần tiên linh thiêng và huyền bí.
Với những giá trị lớn về kiến trúc điêu khắc, đình Đáp Cầu đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc-nghệ thuật, Quyết định số 188QĐ/BT ngày 13 tháng 2 năm 1995.
Đình Đáp Cầu thờ “nhị vị Thánh Tam Giang” có công đánh giặc Lương vào thế kỷ thứ 6. Thần tích, sắc phong đã cho biết lai lịch công trạng Thánh Tam Giang như sau: Các ngài có tên húy là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và em gái là Đạm Nương, quê ở thôn Vân Mẫu xã Vân Dương (nay là phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh). Vào thế kỷ thứ 6, nước ta bị nhà Lương đô hộ, Lý Bí đã phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Lương ra khỏi bờ cõi, lập nên nước Vạn Xuân. Nhưng chẳng bao lâu, quân Lương lại kéo đại quân sang xâm lược, Lý Nam Đế không chống nổi đã mất ở hồ Điển Triệt. Tướng Triệu Quang Phục đã đứng lên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Lương. Các danh tướng họ Trương (Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy) là những danh tướng tài giỏi đã giúp Triệu Quang Phục đánh tan quân xâm lược nhà Lương, lấy lại giang sơn đất nước.
Bức cốn chạm Rồng Ổ, Rồng Tiên đình Đáp Cầu.
Thời gian sau, Lý Phật Tử là em họ của Lý Nam Đế đã dùng gian kế lật đổ vua Triệu Quang Phục. Biết các danh tướng họ Trương có tài, Lý Phật Tử đã vời các ông ra làm quan. Nhưng với tấm lòng trung quân ái quốc, các danh tướng họ Trương đã tuẫn tiết trên dòng sông Cầu, giữ trọn khí phách tài cao đức trọng của các bậc hiền nhân quân tử. Các danh tướng họ Trương sống anh hùng đánh giặc, chết hiển linh làm Thần và đã đi vào tâm linh tín ngưỡng dân gian được trên 370 làng dọc sông Cầu thờ làm Thành Hoàng làng, trong đó có đình Đáp Cầu, thờ phụng tôn vinh.
Giá trị của đình Đáp Cầu còn được thể hiện ở những tài liệu cổ vật quý giá còn gìn giữ được như: Sắc phong, bia đá, ngai bài vị, hoành phi, câu đối… không những là chứng tích của ngôi đình trong lịch sử, mà còn cho biết những thông tin quý giá về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật của các thời trước. Và cũng như những ngôi đình khác, đình Đáp Cầu còn luôn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng nhân dân làng xã, phố phường; đặc biệt những ngày lễ hội truyền thống đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương hướng về cội nguồn, đoàn kết cộng đồng, phát huy những thuần phong mỹ tục, tham gia vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui tươi lành mạnh mang đậm bản sắc dân tộc.
Hiện đình Đáp Cầu đang trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh, hàng năm có hàng ngàn lượt khách về thăm quan quần thể di tích đền, đình làng Diềm, đền, đình Cổ Mễ, đã không quên tìm về thăm quan chiêm ngưỡng đình Đáp Cầu công trình kiến trúc-nghệ thuật đặc sắc và là niềm tự hào của văn hiến Kinh Bắc-Bắc Ninh.
Đỗ Thị Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét