Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Đình Phù Lộc


Phù Chẩn là một miền quê thuộc đất Đông Ngàn xưa, nổi tiếng là mảnh đất có truyền thống lịch sử cách mạng, hiếu học và khoa bảng, được liệt hạng vào vùng đất “tam Cổ ngũ Phù” nổi tiếng của vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh. Phù Lộc vốn là một trong bốn xã của tổng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, nay là thôn Phù Lộc xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Trải qua thời gian của lịch sử, những dấu ấn của vùng đất này vẫn còn để lại đậm nét ở tên đất, tên làng, phong tục, tập quán và tiêu biểu là ngôi đình của làng, xã nơi đây.
Vào khoảng thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên, nơi đây còn là vùng đất sình lầy ngập nước, lau sậy um tùm, có một số cồn đất nổi lên. Về sau, nơi này có năm chòm dân cư đầu tiên là: Đằng Rích, Đằng Đìa, Đằng Doi, Đằng Sóc, Đằng Lọc. Đằng Lọc (Phù Lộc ngày nay) tương truyền là khu đất khô cạn rất khan hiếm nước, không khơi được giếng, phải tiết kiệm nước, chắt lọc từng ang nước sạch để ăn uống và sinh hoạt nên gọi là Đằng Lọc.
Trải thăng trầm lịch sử vẫn còn đó một Phù Lộc cổ kính và văn hiến. Nét cổ kính và văn hiến ấy còn để lại đậm nét ở tên đất, tên những xứ đồng cổ như: đồng Dộc Miếu, đồng Đường Văn, đồng Dộc Gáo chuôm Phường Lọc… Mỗi xứ đồng là một địa danh mang những đặc điểm riêng mà từ lâu đã ăn sâu và gắn bó với cuộc sống của người dân nơi đây.
Trong quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên, chống áp bức xã hội, xây dựng quê hương, người dân nơi đây đã sớm hình thành nên truyền thống đoàn kết tương thân tương ái gắn bó với nhau, tạo nên một cộng đồng bền chặt, vừa mang yếu tố láng giềng, vừa mang yếu tố huyết thống. Ngoài gia đình, dòng họ, làng xã được chia thành các phường, hội, phe, giáp, xóm ngõ nhỏ có những quy định riêng, mỗi khi làng có sự lệ các giáp sẽ cùng nhau lo việc đình đám.
Phù Lộc có các dòng họ lớn tiêu biểu như: họ Nguyễn, họ Lê Xuân, họ Lê Nguyên, họ Lê Văn, họ Nguyễn Đình, họ Vũ, họ Tạ, họ Trần… bao đời nay vẫn luôn đoàn kết, sống bên nhau bằng tình làng nghĩa xóm sau luỹ tre làng êm ả, bình dị và hoà thuận một lòng. Trải bao thế hệ, người Phù Lộc vẫn luôn trân trọng, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền nhân, cùng nhau xây dựng làng quê mình ngày một trù phú văn hiến. Song ngàn năm văn hiến của quê hương Phù Lộc đã được kết tinh và tỏa sáng ở ngôi đình làng. Bởi từ lâu “cây đa - bến nước - sân đình” là hồn của quê hương đất nước.
Đình Phù Lộc công trình văn hoá, tín ngưỡng do nhân dân địa phương xây dựng từ lâu đời trên khu đất đẹp nằm ở trung tâm của xóm Miếu. Nguyên xưa là ngôi miếu nhỏ, xây dựng trên thế đất hình đầu rồng để thờ đức Bất Lự Đại Vương, là một trong tứ Thánh nhất tâm của tổng Phù Chẩn xưa, người có công giúp vua Thục phán An Dương Vương thống nhất và củng cố đất nước Âu Lạc.
Đến thế kỷ XVIII, ngôi đình được trùng tu mở rộng với quy mô lớn trang trí chạm khắc tinh xảo, gồm nhiều hạng mục công trình như: Tam quan, Đại Đình, Tiền Tế, hai toà dải vũ… Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngôi đình đã bị phá huỷ hoàn toàn vào năm 1949. Năm 2003 bằng tâm sức, nhân dân địa phương đã cùng nhau góp công góp của xây dựng lại ngôi đình theo dáng vẻ truyền thống trên nền xưa đất cũ.
Năm 2012, ngôi đình tiếp tục được trùng tu, tôn tạo lại để mang diện mạo khang trang, tố hảo như hiện nay. Kiến trúc của đình Phù Lộc gồm các hạng mục công trình: Cổng Tam quan, Tiền đình, Hậu cung, Nhà khách và các công trình phụ trợ. Toà Tiền đình 3 gian 2 chái, bốn mái đao cong mềm mại, bờ nóc đắp đội rồng chầu mặt trời, mái lợp ngói mũi. Bộ khung Tiền đình được làm bằng gỗ, to khoẻ, vững chắc bởi các vì kèo ăn mộng với 6 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc. Kết cấu bộ vị nóc theo kiểu chồng rường giá chiêng. Hậu cung 3 gian, bộ khung gỗ được liên kết với nhau bởi 6 cột ngang dọc. Hậu cung là nơi tôn nghiêm bày đặt tượng, ngai bài vị của đức Thành hoàng làng và các đồ thờ tự…
Hàng năm, lễ hội truyền thống chính của đình Phù Lộc được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 2 (âm lịch). Trong những ngày hội, bên cạnh nghi thức tế Thánh trang nghiêm là phần hội với nhiều trò chơi dân gian như: đấu vật truyền thống, chọi gà, Buổi tối hát tuồng, chèo, quan họ, hát giao lưu với các thôn bạn, đã thu hút đông đảo nhân dân tham dự, góp phần thắt chặt mối đoàn kết tình làng nghĩa xóm, cố kết cộng đồng, giúp họ tăng thêm nghị lực và tinh thần trong lao động sản xuất, làm giầu thêm truyền thống văn hoá của địa phương.
Đình Phù Lộc đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh xếp hạng di tích Lịch sử-Văn hóa, quyết định số: 1626 /QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2012. 
Lê Thị Thanh Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét