Nhiều năm nay, người dân làng Tam Tảo, xã Phú Lâm (Tiên Du) đã quá quen thuộc với những vị khách nước ngoài, lưng đeo ba lô, tay cầm máy ảnh dạo bộ trong từng con ngõ nhỏ. Người dân nơi đây đã biết tận dụng giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử của quê hương, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có để thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi năm, trong đó phần lớn là du khách quốc tế.
Tôi theo chân đoàn khách du lịch nước Pháp về Tam Tảo để hòa mình vào không gian lịch sử với khung cảnh cổ kính xưa. Nơi dừng chân đầu tiên của du khách khi đến với Tam Tảo là đình làng được xây dựng năm thứ 14 thời vua Gia Long triều Nguyễn (1815). Ngôi đình được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, màu thời gian hiện rõ trên những bức tường vôi rêu phong chuyển màu xanh xám và trên từng đường nét chạm trổ mềm mại, cong vút của mái đình. Phía trước ngôi đình là hồ bán nguyệt, có thủy đình là nơi liền anh, liền chị thường hát Quan họ trong những ngày lễ hội hay những khi khách du lịch đến tham quan. Đình Tam Tảo mang lối kiến trúc xưa, gồm 3 gian hậu cung, 5 gian tiền tế với những hàng cột lớn. Đình thờ vợ chồng ông bà Trần Quý, Đặng Thị Phương Dung có công cứu vua Lý Công Uẩn; hai ông Đào Minh, Đào Đạt đã có công giúp vua Thục An Dương Vương đánh tan quân Triệu Đà. Khi thanh bình, hai ông về Tam Tảo mở trường học dạy dân.
Một ngôi nhà cổ nhiều du khách lựa chọn đến tham quan.
Ông LengLet, du khách đến từ Pháp trầm trồ: “Thật ấn tượng với kiến trúc và phong cảnh của làng Tam Tảo”. Bà Gras, một du khách nước ngoài bị lôi cuốn bởi những làn điệu Quan họ, dù không hiểu ngôn ngữ nhưng cách biểu diễn, nhạc điệu đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng: “Nghe và xem các liền anh, liền chị biểu diễn Quan họ mới thấy cái hay, cái đẹp của di sản thế giới. Con người nơi đây thật duyên dáng, dịu dàng”.
Anh Võ Văn Lý, cộng tác viên Công ty du lịch lữ hành Hương Giang (Hà Nội) kể rằng, du khách đến từ các nước: Pháp, Bỉ, Canada khi về đây đều có chung cảm nhận yêu thích, say mê phong cảnh và kiến trúc cổ kính của làng Tam Tảo… Tour du lịch tìm hiểu lịch sử văn hóa Việt, chúng tôi đã lựa chọn làng Tam Tảo là một điểm đến tạo sự khác biệt của công ty du lịch lữ hành Hương Giang. Nơi đây còn giữ được nhiều nét đẹp truyền thống đặc trưng của làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ. Những làn điệu Dân ca Quan họ ngọt ngào, say đắm dưới mái đình cổ kính, giữa cuộc sống thanh bình, yên ả mang lại cảm giác mới nên du khách quốc tế rất ưa thích.
Du khách quốc tế thăm đình làng Tam Tảo.
Ông Nguyễn Duyên Dục, 61 tuổi, một người trong làng cho biết: Tam Tảo hiện có 1.300 hộ dân ở 8 xóm, 5 khoảnh tre. Gọi là khoảnh tre vì xưa, nơi đây vốn là làng Rừng, đồng chiêm trũng “sống ngâm da, chết ngâm xương”, những cồn nổi lên thì có người dân sinh sống. Vào mùa mưa, người dân trong làng đi lại chủ yếu bằng thuyền, xung quanh làng chỉ thấy tre, cả làng là một rừng tre. Vì vậy, các cụ xưa không gọi là xóm như bây giờ mà gọi khoảnh tre là như thế.
Tam Tảo được du khách biết đến với hàng chục ngôi nhà cổ nằm rải rác, xen lẫn với những nét hiện đại của một làng quê đổi mới mà vẫn hài hòa, chẳng chút cong vênh, khập khiễng. Hiện nay, nơi đây còn khoảng 40 ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm tuổi. Đó cũng là một sản phẩm du lịch độc đáo. Còn gì hơn khi để lại sau lưng những ưu phiền, ồn ào trong cuộc sống hiện đại để được tản bộ dưới những hàng cây xanh mát bên đường làng đến các ngôi nhà cổ, hòa cùng cuộc sống người dân thôn quê thật thà, chất phác. Nhà thờ họ Ngô do gia đình anh Ngô Khắc Kính, Đỗ Thị Hận vẫn đang sinh sống đã được gìn giữ qua mấy trăm năm là ngôi nhà cổ điển hình nhất của làng Tam Tảo hiện nay. Anh Kính kể: “Đã có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, cả Ban Quản lý di tích tỉnh về đây đo đạc, khảo sát lấy tư liệu. Ngôi nhà này chúng tôi cũng thường xuyên đón tiếp những đoàn khách du lịch đến tham quan và chụp ảnh. Chúng tôi gìn giữ nhà thờ họ như một báu vật của cha ông để lại”.
Du khách quốc tế nghe hát Quan họ tại đình làng Tam Tảo.
Về Tam Tảo, du khách còn được nghe những làn điệu Quan họ mượt mà, đằm thắm lòng người. Đây cũng là sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút khách quốc tế những năm qua. Dù không phải là làng Quan họ gốc nhưng Quan họ Tam Tảo hoạt động nền nếp, liên tục tổ chức được những canh hát theo lối cổ. Trong làng cũng có nhiều gia đình đủ 3 thế hệ biết hát và chơi Quan họ. Quan họ phổ biến ở nhiều làng nhưng để trở thành sản phẩm du lịch như ở Tam Tảo thì không phải đâu cũng làm được. Đó là do con người nơi đây năng động, sáng tạo và biết cách làm du lịch dựa trên những vốn văn hóa truyền thống của quê hương.
Bà Nguyễn Thị Mai Sơn, cán bộ phòng Văn hóa huyện Tiên Du đã nghỉ hưu chính là một trong những người năng động biết làm du lịch, bà đã liên kết với nhiều công ty du lịch như: Hương Giang, Hải Vệ Nữ, Gia Ninh, Newstartour… để đưa khách về làng. Bà Sơn tâm sự: “Từ năm 1997, Tam Tảo thường xuyên có nhiều khách du lịch về tham quan, mỗi năm đón 70 đến 80 đoàn khách trong và ngoài nước, có những ngày Tam Tảo đón tiếp tới 3 đoàn khách. Đến đây, khách du lịch còn được nhân dân phục vụ nhiệt tình với những bữa cơm quê đậm hương vị truyền thống. Không chỉ đa dạng sản phẩm du lịch mà người dân Tam Tảo còn luôn biết cách làm đẹp lòng du khách bằng những nụ cười thân thiện, dễ mến…”.
Một mùa xuân đang về, làng du lịch Tam Tảo lại sửa soạn, tiếp đón du khách muôn phương về hòa mình trong những làn điệu Quan họ và không gian làng quê thanh bình, yên ả. Sự năng động, thân thiện của người Tam Tảo hôm nay sẽ tạo hình ảnh đẹp về những làng quê vùng Kinh Bắc phát triển đổi mới.
Bài, ảnh: Minh Hường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét