TTO - Những bó lúa trĩu hạt được rước từ miếu thờ đến nơi làm lễ của thầy mo để cầu cho một mùa màng bội thu được coi là “đặc sản” của riêng người Mường ở vùng núi huyện Thanh Sơn, Tân Sơn (Phú Thọ).
Thanh niên trai tráng trong làng đang rước vía lúa - Ảnh: Nguyễn Khánh
|
Lễ rước vía lúa ở Mường Cúc (xã Thu Cúc, Tân Sơn, Phú Thọ) diễn ra sáng mùng 7 (16-2) tuy vẫn giữ nguyên những hình thức làm lễ cơ bản nhưng đã có chút thay đổi phù hợp với thời cơ giới hóa.
Lễ rước được di chuyển trên xe tải, cánh đồng diễn ra lễ cúng cũng phải đi xa hơn vì đồng ruộng trước đây giờ đã biến thành nhà ở. Những ngôi miếu thờ cũng được xây dựng lại kiên cố để thay cho ngôi miếu bằng mái lá mà người Mường dựng dưới chân núi.
Theo đó, các cô gái Mường sẽ đi ăn trộm (hoặc mua) những bó lúa từ các nhà được mùa năm trước. Lúa được bốn thanh niên khiêng ra làm lễ tại miếu, sau đó được thầy mo dẫn ra đồng làm lễ. Tại đó, thầy mo sẽ làm lễ cầu khấn để vía lúa ở lại với người Mường Cúc, phù hộ cho người dân có một mùa màng bội thu, vía lúa không bỏ đồng ruộng ra đi.
Những bài cúng được gia tộc chuyên làm thầy mo của ông Hà Văn Chỉ giữ gìn hàng trăm năm qua. Sau lễ cúng, lúa và các lễ vật sẽ được chia cho các gia đình để mọi người làm lễ rước vía lúa về nhà mình.
Các thầy mo đang làm lễ cúng vía lúa - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Theo PGS.TS Lương Hồng Quang (Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật VN), rước vía lúa là một lễ hội độc đáo và hiếm gặp của người Mường. Từ năm 1956, khi chế độ quan lang không còn, lễ hội này cũng không còn được thực hiện trong cộng đồng mà chỉ tồn tại trong các gia đình với các nghi lễ thờ thần lúa, rước vía lúa riêng biệt.
“Hiện nay, người Mường đã thay đổi phương thức canh tác, các công cụ lao động được cơ giới hóa nên nhu cầu của cộng đồng cũng thay đổi. Chúng ta nên cởi mở hơn và tôn trọng ý kiến cộng đồng, không thể đòi hỏi họ phải ăn mặc và di chuyển y hệt như nửa thế kỷ trước được”, ông Quang khẳng định.
HÀ HƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét