(HQ Online)- Tết đã bắt đầu vãn nhưng sắc xuân hãy còn hây hây khắp các làng quê, ngõ xóm ở Quảng Bình. Những ngày này, nhiều người dân Quảng Bình đã chọn chùa Non, núi Thần Đinh (thuộc xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) làm điểm đến cầu quốc thái, dân an, họ hàng làng mạc yên bình, làm ăn phát đạt…
Chung một lời cầu quốc thái, dân an
Núi Thần Đinh từ sáng sớm khi màn sương còn mờ che chưa nhìn thấy đỉnh, hàng trăm người đã có mặt ở đây. Như mọi năm, để góp phần nâng đỡ bước chân cho những cư dân chuẩn bị cho một hành trình dài vượt hơn ngàn bậc đá dựng đứng lên với đỉnh vùng đất đa phật- Thần Đinh, ngay dưới chân núi, các tăng ni, phật tử Chùa Kim Phong đã chuẩn bị sẵn Lễ mừng xuân Di lặc nguyện cầu đất nước Việt Nam thanh bình, nhân dân an lạc. Đại đức Thích Trung Sơn, trụ trì chùa Kim Phong cho biết: Đã trở thành lệ, dịp đầu năm nhà chùa tổ chức lễ cho mọi người cầu nguyện quốc thái, dân an, cởi bỏ áo tục, hướng thiện để nhẹ bước tang bồng lên đỉnh núi, đến ngôi chùa đa phật cầu nguyện hạnh phúc cho chúng sinh…
Gia đình bác Hoàng Nam Sơn, ở phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới - Quảng Bình dậy từ rất sớm để chuẩn bị lễ vật lên chùa Non, núi Thần Đinh cầu chúc cho một năm mới an lành. Bác Sơn năm nay đã 68 tuổi cùng đi với bác gái nên có phần lo lắng cho chuyến đi này. “Hai thân già này, không biết có còn leo lên được núi Thần Đinh, đến chùa Non để cầu phật, khấn trời nữa không đây?" - bác Sơn tâm sự. Tuy nhiên, với bác, tâm nguyện lên đến đỉnh núi để được gần hơn với trời, phật thì thông suốt lắm. Hai bác đã chuẩn bị kĩ càng cho hành trình này, cũng học kinh nghiệm của bao nhiêu người đi trước. Bác Sơn chia sẻ, đường dài khó đi nhưng phải luôn tâm nguyện “khắc đi, khắc đến”. Nếu có mệt thì chậm bước chân, miệng cầu phật, khấn trời chắc chắn sẽ đến được đích…
Cũng có tâm nguyện như bác Sơn, nhưng anh Trần Minh, ở quận Hoàng Mai - Hà Nội thì nhẹ nhàng hơn bởi tuổi anh hãy còn trẻ nên việc vượt ngàn bậc đá lên đỉnh Thần Đinh không khó. Vốn quê ở xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh nơi cũng gần với ngọn núi Thần Đinh linh thiêng nên nếu có dịp về thăm quê thế nào anh cũng lên đây vãn cảnh, viếng chùa để cầu mong cho quốc thái, dân an, gia đình hạnh phúc. Anh Minh cho biết: anh cũng hay đi chùa, khấn phật ở nhiều nơi nhưng có lẽ trong tâm thức của anh sự linh ứng không nơi nào như ở Thần Đinh và chùa Non này. “Có lẽ do phong cảnh ở đây vẫn còn nguyên dạng với rừng xanh, núi cao yên bình, tĩnh lặng cộng với chùa cổ rêu phong hoặc do mình là con em quê hương nên mới cảm nhận trọn vẹn thông suốt sự linh ứng ấy chăng?”- anh Sơn chia sẻ…
Trên con đường cheo leo của hơn một ngàn bậc đá để lên với đỉnh Thần Đình và chùa Non, rất nhiều cụ ông, cụ bà chân đã yếu, mắt đã mờ nhưng họ vẫn cố gắng nhích lên tầng bậc đá để đến với cái đích mà mình luôn ao ước, đó là đến được vùng đất đa phật để gửi lời cầu chúc. Và không chỉ có người già, người lớn tuổi mới có tâm thức cao quý đó mà lớp trẻ hôm nay, từng tốp, từng tốp cầm tay, vịn vào nhau, thậm chí kéo nhau qua những bậc đá cao cùng lên được đỉnh núi Thần Đinh, đến chùa Non để chung lời đồng thanh cầu cho quốc thái, dân an…
Núi Thần Đinh, chùa Non - điểm du lịch tâm linh, sinh thái hấp dẫn
Nằm cách thành phố Đồng Hới về hướng Tây Nam khoảng 20 km, du khách có thể bằng đường Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh hoặc đi ngược dòng sông Nhật Lệ gặp sông Long Đại để đến núi Thần Đinh, chùa Non thật dễ dàng. Từ trên núi Thần Đinh nhìn ra xa có thể thấy cửa biển Nhật Lệ, sông Kiến Giang, sông Long Đại, như ba con rồng uốn lượn giữa lòng hai huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, hoà nhập trong sắc màu của ruộng lúa, nương ngô và cỏ xanh màu ngọc bích thật thích mắt...
Theo các nhà nghiên cứu, núi Thần Đinh quả thực độc đáo bởi nó là phần đá vôi cuối cùng trong mạch nguồn chạy từ Trung Quốc về nước ta. Trên đỉnh núi Thần Đinh ấy, có ngôi chùa cổ tương truyền được xây dựng vào năm Chánh hoà thứ 21, đời vua Lê Hy Tông (1680-1705), do sư thầy An Khả trụ trì. Chùa nằm trên núi cao nên cư dân bản địa quen gọi là chùa Non. Chùa Non cũng còn có một tên khác là chùa Kim Phong để chỉ sự tốt đẹp như vàng của những phong tục văn hoá đậm đà thuần khiết nơi đây.
Trong khoảng chục năm trở lại đây, Thần Đinh, chùa Non không chỉ thu hút du khách với phong cảnh hữu tình mà cao hơn cả là câu chuyện tương truyền về vùng đất “đa phật” qua lời truyền tụng dân gian rằng: “Đầu Mâu đa tiên, Thần Đinh đa phật”. Cụ Nguyễn Tú- Nhà nghiên cứu văn hóa Quảng Bình trong cuốn Những nét đẹp về văn hoá cổ truyền Quảng Bình đã từng viết: “Đầu Mâu nhiều tiên hay không, không ai thấy cũng chẳng ai rõ, duy núi Thần Đinh thì có Phật thật, vì ở đó có ngôi chùa thờ Phật, đến nay còn có dấu tích rõ ràng…”.
Cùng với thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, dấu tích chùa Non trên đỉnh Thần Đinh chỉ còn lại một am thờ, một chút móng, ít gạch đá, tường cổ bị đổ nát đầy rêu phong. Cùng với đó, chỉ một mạch nguồn nhỏ đổ ra từ trong lòng núi cũng đủ làm nên câu chuyện ly kỳ mà đẹp đẽ về nước Giếng tiên chữa được bách bệnh.
Những câu chuyện tâm linh tương truyền về Thần Đinh và chùa Non thì có nhiều nhưng đọng lại mãi với thời gian là những tấm lòng của những con người cởi bỏ áo tục, hướng thiện để lên với vùng đất “đa phật” thành tâm cầu nguyện cho quốc thái, dân an, họ hàng làng mạc được yên bình, làm ăn phát đạt./.
Mạnh Thành
Huyền tích chùa núi Thần Đinh |
||||||||||||||||||
Núi Thần Đinh ở thôn Rào Đá, xã Trường
Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Núi này còn gọi là Bất Nghĩa
Sơn. Trên núi còn nhiều di tích của một ngôi chùa khá tiếng tăm, còn
liên quan đến câu chuyện về chiếc chuông đồng của vua Càn Long đem phụng
cúng cho chùa vì tiền kiếp của mình... Trông xa núi mang hình một chiếc
yên ngựa.
Núi Thần Đinh ở thôn Rào Đá, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Núi này còn gọi là Bất Nghĩa Sơn. Trên núi còn nhiều di tích của một ngôi chùa khá tiếng tăm, còn liên quan đến câu chuyện về chiếc chuông đồng của vua Càn Long đem phụng cúng cho chùa vì tiền kiếp của mình... Trông xa núi mang hình một chiếc yên ngựa. Từ TP Đồng Hới đi hơn 25km về phía Tây-Nam trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đến địa phận xã An Ninh có một ngã ba rẽ lên phía Tây, đi chừng 8km nữa qua nhiều dốc cao quanh co sẽ đến chân núi Thần Đinh. Núi có độ cao 405m so với mực nước biển, từ chân núi lên đến đỉnh núi - nơi có di tích chùa Thần Đinh - du khách phải trèo qua 1.260 bậc đá. Đứng trên núi nhìn xuống phía Đông là vùng đồng bằng rộng lớn của huyện Quảng Ninh, có dòng sông Đại Giang - đầu nguồn sông Nhật Lệ - chảy uốn lượn rất hữu tình dưới cầu Long Đại, một tọa độ lửa thời chiến tranh chống Mỹ, rồi hoà vào sông Nhật Lệ để tuôn ra biển Nhật Lệ, Đồng Hới. Đoạn này đường Hồ Chí Minh nhánh Đông như một dải lụa vắt ngang dòng sông làm cho cả vùng đất biến thành một bức tranh thủy mặc đầy sức sống. Các dòng sông Rào Trù, Rào Đá ở quanh Thần Đinh cũng uốn mình lúc ẩn, lúc hiện dưới chân núi, sau những rặng cây xanh. Từ đỉnh cao nhất của núi nhìn về biển, còn thấy cả thành phố Đồng Hới và biển Nhật Lệ nơi xa hút tầm mắt. Trên đỉnh Thần Đinh có một khu đất bằng phẳng, rộng hơn 400m2, là nơi người xưa đã chọn để xây cất khu chùa, gọi là chùa Non. Nơi có nhiều truyền thuyết về chốn “Đầu Mâu đa tiên, Thần Đinh đa phật” (núi Đầu Mâu nhiều tiên, núi Thần Đinh nhiều Phật). Theo nhà nghiên cứu văn hoá Quảng Bình Nguyễn Tú, chùa Non trên núi Thần Đinh, trong gia phả họ Trần ở phường Đức Ninh Đông (TP Đồng Hới) ngày nay, ghi là xây dựng vào năm Chính Hoà thứ 21 (1701) đời vua Lê Huy Tông (1680-1705), ứng với thời kỳ triều Khang Hy bên Trung Quốc.
Sách Ô Châu Cận Lục có viết: “Tục truyền khi vua Lê chinh phạt Chiêm Thành đã sai lực sĩ quật đánh núi này, gọi cả các núi đều hướng về tây, riêng núi này quay lưng lại”. Theo lý giải từ ngày xưa, Thần Đinh bị gọi là Bất Nghĩa do các núi ở Quảng Bình đều chầu về hướng Nam, chỉ riêng Thần Đinh một mình quay về phía Bắc, do đó các vua chúa ở miền Nam buộc nó tội bất nghĩa. Nơi lưu dấu tiền kiếp của vua... Càn Long? Chuyện dân gian kể rằng: có một pháp sư nào đó đã tu ở chùa Non (Thần Đinh). Trước khi viên tịch thầy tu cắt một đốt ngón tay út, ghi chữ “Đinh” lên đó rồi đặt vào đáy lư trầm ở trong chùa. Phần còn lại của ngón tay ở bàn tay của thầy lại ghi chữ “Thần” rồi đọc cho đệ tử chép hai câu thơ như một lời trăng trối: “Tiền kiếp tử Thần Đinh/ Hậu kiếp sinh Càn Long vương” (Kiếp trước chết ở chùa Thần Đinh/ Kiếp sau sinh ra vua Càn Long).
Truyền thuyết còn kể lại rằng, vua Càn Long sau đó đã linh cảm được tiền kiếp của mình có duyên nợ với chùa Non trên đỉnh Thần Đinh bên nước Đại Việt, nên đã hối thúc quan quân đúc một quả chuông đồng gửi sang phụng cúng, coi như chuộc lỗi trước đó đã đem quân xâm lược Đại Việt (và bị Quang Trung Hoàng đế Nguyễn Huệ đánh cho tan tác). Chuông đồng đúc xong, Càn Long cho thuyền chở chuông sang, thuyền vào đến gần cửa sông Nhật Lệ (Đồng Hới) thì trời bỗng nổi cơn gió mạnh, sấm chớp vang trời, sóng biển cuộn lên dữ dội không ngừng... Con thuyền chở chuông của Càn Long bị bão tố nhấn chìm, cả chuông và tàu mất tích trong biển lạnh. Sau này một ngư dân quê ở vùng ven biển thuộc huyện Bố Trạch (Quảng Bình) tên là Đặng Văn Tiên, trong một lần thả lưới đánh bắt cá nơi cửa biển Nhật Lệ đã kéo được quả chuông từ dưới biển lên. Thấy quả chuông bằng đồng còn nguyên vẹn, lại đọc được mấy chữ “Thần Đinh Tự chung” (Chuông chùa Thần Đinh) và “Càn Long phụng cúng” (Càn Long phụng cúng) nên ngư dân này đã đem chuông lên trao cho các sư ở chùa Non để treo trong chùa. Liên quan đến chuyện này, trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí có viết: “Có một người địa phương đỗ thuyền ở trấn Nhật Lệ, khi nhổ neo bắt được quả chuông bằng đồng đem cúng vào chùa (trên núi Thần Đinh-PV)”. Ngày nay, tại chùa Phổ Minh, thôn Diêm Điền, phường Đức Ninh Đông (Đồng Hới) có treo một cái chuông đồng cổ, đích thực là chuông đưa về từ chùa Thần Đinh. Quan sát chuông này, thấy bốn bên thân chuông có khắc các chữ Hán: Chung, Thần, Đinh, Tự. Nhưng không ai, kể cả các sư thầy ở chùa Phổ Minh và các bậc cao niên trong làng Diêm Điền, nói đó là chuông liên quan đến vua Càn Long. Trên chuông cũng không có một ghi nhận nào chứng tỏ là có dính dáng ít nhiều đến vua Càn Long. Có người cho rằng đó là chuông được vua Minh Mạng đúc tặng chùa, phỏng theo kiểu cách của chiếc chuông mà vua Càn Long đã đúc cho chùa Thần Đinh. Vậy tại sao chiếc chuông ở tận chùa Thần Đinh xa xôi lại có mặt ở TP Đồng Hới? Theo nhiều bậc cao niên ở làng Diêm Điền kể lại, thời thực dân Pháp chiếm đóng Quảng Bình, sau một cuộc càn quét, quân Pháp đã lấy chuông từ núi Thần Đinh về. Chuông treo dưới cành cây đa nơi góc thành ở Quảng Bình quan, làm kẻng đánh báo giờ cho phu phen tạp dịch trong thành Đồng Hới biết để làm việc cho quân Pháp. Người dân thấy chuông treo không đúng chỗ, dùng không đúng với tâm linh của họ nên họ đã báo cho các nhà tu hành ở làng. Các cụ tìm đến viên chỉ huy người Pháp ở lô cốt Quảng Bình quan xin lại chuông, và đổi một thanh tà vẹt sắt làm kẻng thay chuông, kèm theo nhiều lễ vật làm lễ yết kiến. Viên quan Pháp nhận lời. Sau đó chuông được người dân đưa vào cửa Phật. Từ đó đến nay chuông chùa Thần Đinh treo ở chùa Phổ Minh, chùa duy nhất ở Đồng Hới.
Trên đỉnh núi Thần Đinh hiện nay vẫn còn lại những di tích của ngôi chùa Thần Đinh xưa. Đó là mấy ngôi miếu nhỏ còn nguyên vẹn, những bức tường, bệ thờ bám đầy rêu phong nằm ẩn hiện dưới tán cây cổ thụ. Cảnh vật trên núi Thần Đinh bây giờ trông không khác mấy so với những gì mà sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã từng mô tả: “Sườn núi có động sâu thẳm rộng rãi, cửa động hẹp phải nghiêng mình mà vào một hồi mới rộng. Trong động có hai tầng. Đá xếp hệt như bàn ghế, có viên giống tượng phật, lại có thạch nhũ trùng điệp rủ xuống. Thạch nhũ trong động có chỗ như cái tàn vàng, có chỗ như hình voi. Ngoài động có giếng đá (giếng Tiên-PV) nước ngọt, không bao giờ cạn”. Toàn đỉnh núi Thần Đinh là những dãy đá vôi thấp màu xám đen, lô nhô như những dãy núi nhỏ mọc lên từ một đỉnh núi lớn trông rất kỳ lạ. Phải chăng vì vậy mà người xưa từng gọi chùa Thần Đinh bằng tên khác nữa là chùa Non? Núi Thần Đinh có ba ngọn. Đá xếp chồng lên nhau gợi cho ta tưởng tượng đây là vị quan viên đội mũ cánh chuồn đang đọc văn. Kia là hình con đại bàng tung cánh, nọ là con hổ đang nhe nanh vuốt. Ngôi chùa Thần Đinh xưa nay chỉ còn lại những mảng tường đá rêu phong, đổ nát, chen đầy cây cối, giữa một vạt đất bằng phẳng đầy cây cổ thụ. Một vài căn miếu nhỏ nằm lẻ loi ở rìa cây phía Bắc là còn khá nguyên vẹn. Cảnh sắc Thần Đinh gợi nhớ biết bao đến tiền nhân. Giữa trưa hè nắng nóng, chúng tôi leo lên tới đỉnh Thần Đinh. Khát khô cổ. Tìm tới giếng Tiên, giếng vẫn đầy nước, trong vắt, vục đầu uống thấy ngọt lịm và mát lạnh. Giếng nằm ngay giữa bốn bề là đá khô khốc, vậy mà không biết nước có từ đâu để giếng luôn đầy. Người dân ở xã Trường Xuân cho biết chưa bao giờ thấy nước trong giếng Tiên bị cạn, cho dù là vào những năm nắng nóng khô hạn nhất. Bây giờ nhiều người tứ xứ đến ngoạn cảnh Thần Đinh, họ không quên mang theo chai nước để lấy ít nước từ giếng Tiên về dùng, coi như nguồn nước tinh tuý từ chốn thần tiên với bao điều mong ước. Lên đỉnh Thần Đinh, ta còn ngạc nhiên hơn nữa, bởi bên cạnh đường xuống giếng Tiên có một số hang động nhỏ có thạch nhũ khá đẹp, trong đó nổi bật là động Chuông, động Trống. Khi có ai gõ vào đá hoặc những cơn gió mạnh đi qua là hang vang lên âm thanh như trống đánh, chuông gõ. Xung quanh động là các dãy đá vôi lởm chởm xếp chồng nhau trông rất ngoạn mục... Trên đường vào khu chùa, ta bắt gặp hai ngôi mộ cổ to, được xếp toàn bằng đá. Không ai biết đó là mộ của ai. Người thì bảo là mộ của các vị sư ở chùa Thần Đinh từ hàng trăm năm trước. Người thì nói là mộ của người xưa đi vãn chùa bị chết... Dù là mộ của ai đi nữa, thì các vị tiền nhân ấy đang làm cho núi Thần Đinh thêm linh thiêng. Núi Thần Đinh bây giờ đã trở thành điểm du lịch sinh thái, tâm linh khá hấp dẫn cho du khách. Ngày có nhiều du khách lên núi, khung cảnh miếu, chùa hoang tàn ẩn hiện trong khói hương bay la đà trông thật huyền ảo |
||||||||||||||||||
Hoàng Thảo My |
Ngọn núi linh thiêng ở xứ Quảng
Du khách lên Thần Đinh để cúng bái, cầu mong, lấy nước thiêng về thờ phụng bởi núi này không chỉ đẹp mà còn nổi tiếng linh thiêng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét