Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Món ngon bông so đũa


Hằng năm, khi ngọn gió chướng lao rao trở về với bờ bãi sông nước Cửu Long, cũng là lúc bông so đũa đơm cành. Đẹp lãng mạn những cánh hoa trắng ngà như vầng trăng lưỡi liềm đung đưa trên nền lá cây xanh sẫm.

Không biết nguồn gốc loại cây này từ đâu, nhưng những năm 1950 tôi đã thấy nó xuất hiện nơi các viền đất trống quê nhà. Thân cây so đũa suôn đuột vươn cao lên chừng năm, sáu thước với những cánh lá đối xứng màu xanh mát mắt, lủng lẳng thả những trái xanh dài kết quả mùa bông năm trước. Có lẽ vì cái thân cây và trái suôn dài nên người ta mới đặt tên nó như vậy?
Bông so đũa sẵn sàng cho nồi lẩu.
 
Những buổi sáng sương còn đẫm lá cỏ bờ ao, lũ nhỏ tụi tôi cầm sào dài có móc hái những bông so đũa đẹp xinh. Bông búp cho vô rổ. Thích nhất là những cánh bông nở xòe. Chẳng làm gì, chỉ cần bứt bỏ nhụy phấn hồng, kê vô miệng, húp. Một dòng mật ngọt hoang dã chảy xuyên cổ xuống tận đáy dạ dày. Hái đầy một rổ bông đem về nhà sung sướng nghe má tôi khen mấy câu. Rồi má tôi xăng xái ra chợ mua mớ tôm càng xanh về lột bỏ vỏ, cắt khúc, bằm.
 
Má bắc nồi nước sôi, giằm me tươi vừa chua, vớt bỏ xác, cho tôm vào. Nước sôi đợt nữa, má cho những cánh bông so đũa đã rửa sạch, để ráo vô. Nước vừa sôi, má nhanh tay nhắc xuống bếp, múc ra tô, rắc ớt cùng ngò om xắt nhỏ lên. Tô canh nổi bật màu đỏ của ớt sừng trâu, màu xanh của rau ngò om trên màu trắng ngà gợi thèm của bông so đũa.
 
Gắp một đũa, ăn. Vị chua của me hòa mùi thơm cay mặn của gia vị và nước mắm, nhưng nổi bật hơn hết là vị nhân nhẩn của bông so đũa hòa vị ngọt của tôm càng xanh. Càng ăn càng thấy mồ hôi tươm ướt lưng áo. Ăn như vậy mới đã. Đã nhiều mặt. Mồ hôi túa ra giúp giải nhiệt cơ thể trong tiết trời nóng bức mùa nắng oi ả.
 
Vị cay của ớt ngoài giúp tăng ngon miệng còn có thể tiêu hủy calo nhanh, kích thích tiết nước bọt tạo nhiệt hữu ích cho cơ thể. Ớt có chất capsaicin giúp hạ huyết áp, cholesterol, đau khớp, suy nhược cơ thể và các vấn đề về tiêu hóa, chống ung thư tiền liệt tuyến và làm chậm các tế bào ung thư. Ớt lại có nhiều sinh tố A và các chất khoáng giúp ổn định nhịp tim, ngủ ngon. Riêng tôm càng xanh, ngoài ngon còn là một thức ăn bổ dưỡng. Nhưng ăn như vậy có người cho là quá lãng phí. Song, lãng phí sao được khi mà hồi hơn nửa thế kỷ trước tôm rẻ như bèo. Tôm bây giờ quý và mắc nên người ta thay bằng tép hoặc bằng cá lóc.
 
Mùa bông so đũa nở cũng là mùa tép bạc đất. Tép lột bỏ vỏ, rửa sạch xào với bông so đũa lặt bỏ nhụy, cũng đã rửa sạch, trên chảo nóng với mỡ hoặc dầu sẽ cho ta món ăn ngon. Vị ngọt của sông rạch trong con tép hòa vị ngọt của đất đai thổ nhưỡng trong từng cánh bông so đũa khiến bữa cơm thêm đậm đà. Thưởng thức món bông so đũa xào tép người ta còn có cái cảm giác giòn giòn của những đóa hoa trắng muốt “nổ” trong răng. Thật khoái thú.
 
Nhưng bông so đũa đâu chỉ có thể nấu chua và xào. Hiện nay, trong bất cứ thứ lẩu nào (lẩu chua, lẩu ngọt, lẩu mắm) cũng đều có sự hiện diện của thứ bông trắng ngà ưa nhìn này cùng hàng bao thứ rau xanh tươi khác. Càng ăn càng vô cùng hấp dẫn cái thần khẩu con người!   
 
Theo PHƯƠNG KIỀU (Cần Thơ Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét