(HQ Online)- Nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường Đống Đa, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, tháp Đôi hay còn gọi là tháp Hưng Thạnh hiện ra như một nét chấm phá để bức tranh thành phố hiền hòa ven biển này thêm nhiều điểm nhấn.
Theo tài liệu của Ban quản lý cụm tháp này, tháp Đôi được xây dựng vào cuối thế kỷ XII, tại làng Hưng Thạnh nên còn được gọi là tháp Hưng Thạnh. Dân làng khu vực này vẫn còn lưu truyền câu ca dao:
“Cầu Đôi liền với Tháp Đôi
Quanh năm quấn quýt như tôi với nàng”
Vì gần tháp Đôi là cầu Đôi trên quốc lộ 19, bắc trên nhánh sông từ hồ đèo Son chảy ra đầm Thị Nại.
Chúng tôi đến tháp Đôi vào một buổi chiều nhạt nắng. Bóng dừa nghiêng nghiêng bên nét Chăm xưa vẫn còn lưu giữ khá đầy đặn ở nơi này. Hai tháp trong quần thể tháp Đôi, một lớn một nhỏ đứng gần kề nhau như cặp vợ chồng quấn quít.
Tháp Đôi thường được nhiều đôi bạn trẻ đến thăm |
Cũng như các tháp Chàm khác ở Bình Định, tháp Đôi là một di tích văn hóa nghệ thuật mang màu sắc tôn giáo của người Chăm xưa. Quan sát du khách thấy tháp cấu trúc khá độc đáo, đặc biệt là kỹ thuật mài dũa, lắp ghép các tảng đá chồng khít lên nhau rất vững chắc.
Tuy nhiên, cả hai ngôi tháp đều không phải là tháp vuông nhiều tầng truyền thống của Chăm-pa, mà là cấu trúc thành hai phần chính: Khối thân vuông và phần chóp đỉnh hình tháp mặt cong. Theo các nhà nghiên cứu thì căn cứ hình tượng chim thần Ga-ru-đa được bố trí ở các góc tháp với hai tay giơ cao, chân chùng xuống đỡ cả phần trên của tháp lên cao thì quần thể tháp này chịu ảnh hưởng của nghệ thuật của kiến trúc Khơ-me,có dáng của đền thờ của người Khơ-me thời kỳ Ăng-co thế kỷ XII.
Vòm trên của các cửa vút cao lên như những mũi tên, bộ diềm mái của Tháp Đôi được làm bằng đá và được trang trí bằng hình các con khỉ đang múa, hình các con vật tạp chủng mình sư tử đầu voi (gajasimha).
Đỉnh tháp Đôi |
Theo Ban Quản lý cụm tháp, quần thể tháp Đôi này được Nhà nước công nhận và xếp hạng năm 1980. Từ năm 1991-1997, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Ba Lan và các chuyên gia khảo cổ trong nước, tháp Đôi đã được Nhà nước đầu tư trùng tu, tôn tạo. các cán bộ khoa học và những người thợ khéo ở Quy Nhơn đã miệt mài đục đẽo, tạo tạc với kỹ thuật mài gạch, lắp ghép khá thành công, trả lại gần như dáng vẻ ban đầu của tháp.
Nếu đến Quy Nhơn, ngoài thăm Ghềnh Ráng với khu di tích nhà thơ Hàn Mặc Tử, bãi trứng kỳ thú, đầm Thị Nai mênh mông, bãi biển hiền hòa thì hãy du khách hãy một lần dừng chân ở tháp Đôi để chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí, để nghe gió lùa qua ngọn tháp kể chuyện ngày xưa.
Đăng Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét