Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Nét đẹp gốm đỏ vùng Dâu


Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dòng gốm cổ Luy Lâu (Thuận Thành) đã được khôi phục và mang đến cho người yêu gốm cổ trên mọi miền đất nước những sản phẩm tiêu biểu cho một dòng văn hoá đã trở thành thương hiệu - “Gốm Đỏ vùng Dâu”.
Miệt mài sáng tạo dòng gốm cổ Luy Lâu.

 
 
Từ các sản phẩm gốm cổ tìm thấy trong những cuộc khai quật ở Nguyệt Đức, Thanh Khương, Hà Mãn… (Thuận Thành) các nhà khảo cổ, nghiên cứu lịch sử dễ nhận thấy nét nổi bật của một loại men lạ phủ màu xanh ô - liu trầm ấm và trong vắt làm cho người xem liên tưởng đến một dòng gốm có màu xanh ngả bí của gốm Thiệu Dương (Thanh Hoá). Có những sản phẩm không dễ phân biệt giữa 2 dòng gốm này và ai cũng biết rằng, dòng gốm vùng Thiệu Dương xuất hiện, phát triển vào khoảng thế kỷ thứ III – TCN và gốm Luy Lâu cũng cùng một niên đại như vậy.
Tuy nhiên, sau nhiều biến cố lịch sử, trong đó có sự chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, dòng gốm Luy Lâu dường như đã di dời qua các sông Luộc, Đuống, Thái Bình để xuất hiện những trung tâm gốm ở Nam Sách (Hải Dương) hay Chu Đậu (Thái Bình). Kể từ đó, gốm Luy Lâu chỉ còn lại trong ký ức nhờ những hiện vật còn sưu tầm lại được và những cuộc khai quật gần đây phát hiện dấu tích của những lò gốm cổ. Điều đáng nói, vài năm lại đây, những người quan tâm đến đồ gốm nước ta đã chú ý đến sự xuất hiện của dòng sản phẩm độc đáo bởi những sắc thái cổ điển của những chất liệu không trộn lẫn với những dòng gốm đang có, lại rất hiện đại với phong cách tạo hình. Đó là sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông (Hà Mãn - Thuận Thành) được trưng bày tại Hội chợ triển lãm nhân sự kiện Quốc tế quan trọng ở Hà Nội.
Thông qua các sản phẩm gốm Luy Lâu trưng bày tại các cuộc triển lãm, những người say mê gốm cổ nhận thấy: những năm trở lại đây, gốm Luy Lâu đã có những bước tiến cả về mẫu mã và chất lượng. Bên cạnh sản phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày, các nghệ nhân đã khéo sử dụng ngôn ngữ hiện đại của mỹ thuật tạo hình gắn kết nhuần nhuyễn với chất liệu, đường nét, màu sắc truyền thống tạo thành các sản phẩm nghệ thuật: bình vôi, ấm, vại, chum và những sản phẩm gốm phản ánh nội dung lịch sử: bình gốm tả cảnh Đinh Bộ Lĩnh tập trận...
Trong hội thảo khoa học tìm giải pháp khôi phục, phát triển dòng gốm Luy Lâu, các nghệ nhân khẳng định: Không chỉ khai thác thuần tuý về một phương diện cụ thể nào đó mà điều cốt yếu cần phải tạo được những sản phẩm tiêu biểu cho thương hiệu - “Gốm Đỏ vùng Dâu”. Vì thế, sẽ tiến hành khôi phục, phát triển hướng nghề theo truyền thống dân gian và khai thác sản phẩm du lịch làng nghề. Nếu thực hiện thành công, nó sẽ tạo nên thương hiệu “Gốm Đỏ vùng Dâu” với nguồn hàng độc đáo có khả năng bổ sung cho thị trường xuất khẩu. Trong xu thế hội nhập hiện nay, sự phát triển của các làng nghề cộng với yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống và nhu cầu thưởng ngoạn gốm ngày càng tăng của du khách. Vì vậy, nếu phát huy được tiềm năng, vùng đất Luy Lâu sẽ là điểm nhấn trong việc khai thác du lịch làng nghề. Du khách đến đây có thể thăm chùa Dâu, Bút Tháp, tranh Đông Hồ và gốm cổ Luy Lâu …
Bằng những nỗ lực sáng tạo của các nghệ nhân tâm huyết và sự quan tâm, hỗ  trợ của chính quyền, dòng gốm cổ Luy Lâu đã và đang được khơi dòng. Từ  bàn tay, khối óc của những con người nghệ nhân tài hoa chắc chắn “Dòng  gốm đỏ Luy Lâu” sẽ mang lại sự sinh động, tươi mới  trong “dòng chảy” gốm sứ hiện đại.
Bài, ảnh: Hoàng An - Vân Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét