Nhiều du khách trong nước và quốc tế khi đặt chân đến Điện Biên đã biết tới Mường Phăng là Chỉ huy sở của quân đội Việt Nam trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thế nhưng có mấy người biết được rằng, trên một hòn đảo giữa lòng hồ Pá Khoang, xã Mường Phăng ấy, có một vườn hoa Anh Đào giờ này đang nở rộ, đánh dấu cho tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam- Nhật Bản.
Nghe ông Phạm Đức Hiển, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên giới thiệu: “Hôm nào mời anh em đi thăm vườn Anh Đào Mường Phăng”, tôi vẫn nghĩ là ông nói đùa. Trước đây, tôi đã từng nghe nói ở Hà Nội, Đà Lạt hay Sa Pa có trồng được cây Anh Đào, song bảo Điện Biên có loài hoa này thì chưa từng nghe.
Vượt quãng đường gần 20km từ thành phố Điện Biên Phủ tới hồ Pá Khoang, chúng tôi ngồi trên ca nô khoảng gần 10 phút trên lòng hồ là ra tới “Đảo hoa”. Từ trên mặt hồ, cách xa hàng trăm mét, đã nhìn thấy cả sườn đồi rực hồng một vườn Anh Đào đang nở rộ.
Dễ phải có tới gần 50 cây đã có hoa, trong đó có nhiều cây cao tới 6- 7m. Đây là giống Anh Đào Higan Sacura, loại trồng để chơi hoa nên hoa rất sai, đã nở bung thành những cụm lớn màu hồng sẫm và hồng nhạt, thời gian nở hoa kéo dài tới 3 tuần lễ.
Trong đoàn người “đổ bộ” lên “Đảo hoa”, háo hức nhất có lẽ là Đoàn chuyên gia Nhật Bản, thuộc các dự án giúp đỡ tỉnh Điện Biên phát triển kinh tế từ nhiều năm qua. Nhiều chuyên gia rất thích thú, xúm quanh các gốc Anh Đào, người này mang máy ảnh ra chụp, người khác lại mang sách ra tra cứu xem đây là loại gì.
Ông Hiro Miyazono, chuyên gia của Trung tâm Jica Tokyo là Trưởng đoàn đánh giá giữa kỳ dự án Susform-Now đã nói về cảm nghĩ của mình: “Đứng giữa vườn Anh Đào, tôi có cảm nhận như đang ở trong chính ngôi nhà của mình. Tôi đã từng đến 50 quốc gia trên thế giới, nhưng chỉ có 3 quốc gia có hoa Anh Đào là Hoa kỳ, Kenia và bây giờ là Điện Biên Phủ của Việt Nam. Anh đào ở Kenia do các chuyên gia Nhật Bản mang sang trồng, nhưng hoa không nhiều. Nhưng ở đây, thật bất ngờ lại có người Việt Nam tự mang giống về trồng tại một nơi rất đẹp và thơ mộng như thế này, điều đó thể hiện rằng tình hữu nghị giữa 2 dân tộc đã phát triển rất sâu sắc”.
Ông còn cho biết thêm: mình là một trong những người may mắn, bởi lúc này đã được ngắm hoa Anh Đào nở, trong khi ở tại Nhật Bản, mọi người còn phải chờ đợi thêm 2 tháng nữa.
Cây Anh đào xuất hiện tại Điện Biên cũng là một điều khá thú vị. Ông Trần Lệ, 66 tuổi là Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ nông lâm Mường Phăng, ông chủ của “Đảo hoa” này kể lại: Trước đây, ông có quen một người Nhật Bản trong quan hệ kinh tế về chế biến, xuất khẩu nông sản. Do biết ông là một người nghiên cứu sinh học nên bên đối tác đã đưa cho 10 hạt giống cây Anh Đào để ươm tại Việt Nam. Mặc dù có nhiều cơ sở ở một số tỉnh thành trong cả nước, song ông vẫn quyết định đưa lên Mường Phăng để trồng thử vì điều kiện thổ nhưỡng vùng đất này khá phù hợp, hơn nữa vì đây là mảnh đất lịch sử nên có nhiều ý nghĩa.
Với 10 hạt giống, từ năm 2006 ông đã ươm được 9 cây, trong đó bên phía bạn xin lại 5 cây. 4 cây còn lại trồng trên “Đảo hoa”, sau 3 năm đã bắt đầu ra hoa và kết quả. Tuy nhiên do trồng từ hạt, nên giống hoa đã bị phân ly, không còn giữ được màu nguyên thủy. Từ số cây giống này, ông nhân tiếp thêm 500 cây nữa đang trồng tại vườn, trong đó 40 cây của đợt đầu tiên nay đã trổ hoa.
Với 5ha đất được giao, ông Trần Lệ dự kiến sẽ “phủ” toàn bộ cả một “đảo hoa Anh Đào” giữa lòng hồ Pá Khoang. Ngoài ra, ông Lệ còn trao cho Sở Nông nghiệp tỉnh Điện Biên gần 600 cây giống để nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh. Không chỉ trồng và nhân giống hoa Anh Đào, Công ty cổ phần Công nghệ nông lâm Mường Phăng hiện đang trồng và nghiên cứu trên 40 loài hoa khác, trong đó đã cho ra đời giống hoa Ly màu đỏ tươi mà chưa nơi nào trên thế giới có được, dự định sẽ đặt tên là Ly Mường Phăng.
Hồ Pá Khoang từ lâu đã nổi tiếng bởi là công trình thủy lợi nhân tạo, được xây dựng vào những năm 1970 do công sức của hàng chục nghìn thanh niên xung phong. Lòng hồ có diện tích khoảng 600ha với dung tích trung bình gần 40 triệu m3, cung cấp nước tưới cho cả cánh đồng Điện Biên Phủ.
Trong lòng hồ có hàng chục hòn đảo lớn nhỏ, cây cối xanh tốt quanh năm với hàng chục loài muông thú sinh sống, trong hồ có nhiều loài cá tôm, có những con nặng tới hàng chục kg. Việc trồng và phát triển hoa Anh Đào ở Pá Khoang sẽ tạo thêm cơ hội thu hút khách du lịch tới thăm vùng đất lịch sử này.
Được biết từ số cây Anh Đào nhân giống tại đây, ngành Nông nghiệp địa phương đã bắt đầu trồng thành công tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, dự kiến sẽ tiếp tục phát triển tại các khu vực cửa ngõ của tỉnh Điện Biên.
Ông Trần Lệ (người đứng ngoài cùng bên trái) cùng các du khách Nhật Bản.
Các du khách Nhật Bản thưởng thức hoa Anh Đào ngay trên đất Mường Phăng (Điện Biên Phủ).
Một trong 4 cây Anh Đào đầu tiên trồng tại Mường Phăng (Điện Biên Phủ).
Khách du lịch Việt Nam cũng thích thú bởi lần đầu được thưởng thức hoa Anh Đào.
Cận cảnh một chùm Anh Đào Mường Phăng.
Du khách “đổ bộ” lên đảo hoa ngắm Anh Đào nở.
Theo Chu Quốc Hùng (Điện Biên Phủ Online)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét