Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Độc đáo trống cổ bộ Thị Cầu


Phường Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh) được nhiều người biết đến không chỉ bởi là một trong 49 làng Quan họ gốc, cách chơi Quan họ cũng có nét đặc trưng mà nơi đây còn lưu truyền bộ môn nghệ thuật độc đáo trống cổ bộ. Qua hơn 1 thế kỷ tồn tại, trống cổ bộ Thị Cầu đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành niềm tự hào của người dân Thị Cầu.
Ông Nguyễn Vinh, Phó Chủ tịch MTTQ phường Thị Cầu, có hơn 70 năm biết về trống cổ bộ kể rằng: Khi tôi mới lên 10 đã biết đến trống cổ bộ. Làng Thị Cầu khi đó có rất nhiều người biết đánh trống cổ bộ. Các cụ kể rằng, trống cổ bộ có xuất xứ từ cung đình Huế. Khoảng hơn 1 thế kỷ trước, làng có người họ Hoàng đi lính cận vệ cho triều đình Huế, vì có năng khiếu âm nhạc nên đã được xung vào đội trống cung đình. Tuổi già về quê, cụ đã truyền lại cách diễn tấu trống cổ bộ cho người dân trong làng.
Trống cổ bộ ở cung đình Huế có tới 13 bài, thường được sử dụng vào những dịp trọng đại như chào đón vua, đón sứ thần, tế Nam giao… Khi về đến Thị Cầu, để phù hợp với những lễ nghi địa phương, người dân chỉ sử dụng và lưu truyền 6 bài là Rung một, Rung hai, Hoa rơi, Bổ ba, Đánh lăn và Bổ 9.
 
Bộ trống cổ bộ Thị Cầu được người dân gìn giữ cẩn thận tại Đền Điều Sơn (phường Thị Cầu).
Bộ trống cổ bộ ở Thị Cầu hiện nay gồm 4 trống và 1 nạo. Trống cao khoảng 30 cm, đường kính khoảng 25 cm. Đội trống thường có 5 người, một người chỉ huy cầm nạo và 4 người đánh trống. Tiếng trống cổ bộ được người dân Thị Cầu sử dụng trong ngày hội làng, lúc tế, lễ và còn được sử dụng trong một số đám tang của những người thượng thọ có uy tín. Mỗi khi sử dụng, những người trong đội trống chỉnh tề khăn xếp, áo the, đeo dải đỏ, tùy từng nghi lễ, thời điểm mà đánh những bài phù hợp.
Sau hơn một thế kỷ tồn tại, hiện nay, trống cổ bộ vẫn được người dân Thị Cầu phát huy. Trống cổ bộ Thị Cầu không có nhạc lý riêng, việc truyền dạy các bài gặp khó khăn nhất định, nhưng bằng sự nhiệt huyết của nhiều người cao tuổi ở Thị Cầu nên việc truyền dạy cho thế hệ sau vẫn được quan tâm thực hiện.
Hiện nay trên địa bàn phường vẫn có gần 50 người biết đánh trống cổ bộ tập trung ở độ tuổi từ 40 đến 70. Một số dòng họ trên địa bàn cũng mua trống và thành lập đội để đánh vào những dịp giỗ họ.
Trống cổ bộ đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Thị Cầu. Độc đáo, tinh tế là thế nhưng việc quảng bá thì chưa được quan tâm xứng tầm thành thử nghệ thuật trống cổ bộ mới chỉ có người dân địa phương biết đến và trân trọng gìn giữ. Mong muốn của những người có trách nhiệm với bộ môn nghệ thuật này là được đưa trống cổ bộ vào những chương trình biểu diễn ở một số lễ hội, sự kiện văn hóa tại các địa phương trong và ngoài tỉnh góp phần gìn giữ, quảng bá nghệ thuật dân tộc.
Bài, ảnh: Ngọc Đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét