Tuy cọng hủ tiếu được sản sinh ở những nước Đông Dương xưa (có thể từ thế kỷ 17 đến 18), thì sợi mì vẫn tồn tại song song trong đời sống ẩm thực của cộng đồng Hoa kiều. Và cụm từ "hủ tiếu mì" như một mặc định rằng những tiệm ăn của người Hoa luôn sẵn sàng phục vụ 2 món ăn đặc trưng này. Thiếu 1 trong 2, xem như là "trật bài".
Những biến thể trong việc thưởng thức món mì cũng rất ư là thú vị. Cùng khám phá 5 cách ăn mì thú vị của Sài Gòn nhé!
1. Mì sườn kho Nguyễn Thiện Thuật
Với món mì sườn kho độc đáo này, điểm nổi bật là phần nước dùng hơi sánh cùng những miếng sườn non được kho mềm và đậm đà. Với món này có lẽ bạn không cần phải nêm nếm gì nhiều bởi tự thân miếng sườn và nước dùng đã đủ độ đậm đà rồi. Một cách ăn khá thú vị, nếu không nói là hiếm thấy ở Sài Gòn.
Địa chỉ: 80 Nguyễn Thiện Thuật, phường 03, quận 03
Mở cửa: từ 6h sáng đến 10h tối
Giá bán: Mì sườn kho (35.000đ/tô)
2. Mì "cải chua" Minh Phụng
Tiệm mì nổi tiếng này nằm trên con đường Minh Phụng tận trong quận 11. Xa là vậy, nhưng có hề gì nếu ta được thưởng thức một tô mì ngon!
Tiệm đã có thâm niên hơn 50 năm, lúc trước bán ở đường Lacaze trong Chợ Lớn (đường Nguyễn Tri Phương ngày nay). Rồi hơn 20 năm nay mới chuyển về đầu con hẻm 311 Minh Phụng này, được người dân địa phương quen gọi là "mì cải chua" do cách ăn chung với tô cải chua dưa giá rất đặc biệt.
Dù được nấu bởi 1 gia đình người Hoa gốc Triều Châu, tuy nhiên hương vị đã có thay đổi đôi chút so với cách nấu thường thấy của cộng đồng người Tiều. Cọng mì Tiều chính hiệu vẫn được giữ nguyên, cọng tròn và nhỏ hơn so với cọng mì vàng Phúc Kiến. Còn hủ tiếu là loại cọng lớn tương tự như cọng phở, thường thấy trong món hủ tiếu sa tế.
Món thú vị nhất bạn có thể gọi là mì thập cẩm, khô hay nước đều rất ngon. Riêng với tô khô, phần nhân bao gồm tôm, mực, cá viên, thịt heo, phèo, gan, cật... được cho vào một cái chén riêng để giữ được độ nóng. Cái khác so với các tiệm mì Tiều mà tôi được ăn như Đỗ Khôn - Huy Đạt bên quận 08 hay tiệm Triều Châu cũng trong quận 11 chính là sự thiếu vắng của phần nhân thịt bằm. Ngoài ra, phần cải chua cũng được "cải biên", từ nồi nước lèo hầm cải chua để hãm béo trong cách ăn truyền thống của người Tiều thành cách ăn khô như kiểu ăn dưa giá thường thấy trong miền Nam.
Địa chỉ: 311/3 Minh Phụng, phường 02, quận 11
Mở cửa: từ 6h sáng đến 12h trưa
Giá bán: Mì, bún gạo, hủ tiếu thâp cẩm (45.000đ/tô), Cá viên (30.000đ/chén)
3. Mì cật Trương Định
Một tô mì ngon chỉ cần đánh giá hai thứ: sợi mì và nước lèo. Tô mì cật ở 62 Trương Định (quận 01) của người Hoa có được cả hai, sợi mì ở đây dai và là mì kiểu Phúc Kiến, sợi to hơn hẳn các tiệm mì khác. Nước lèo chỉ nếm miếng đầu tiên đã thấy gật gù, cũng thuộc loại ngon nhất Sài Gòn.
Tuy nhiên, độc đáo nhất là món cật được thái to bản và khi ăn không còn lại chút mùi hôi đặc trưng nào của món này. Làm món cật rất khó, còn dính chút mùi hôi là hỏng, bởi vậy, quán mì cật nơi đây là “quán ruột” của đấng mày râu vốn thích món cật heo đòi hỏi chế biến rất khéo này.
Địa chỉ: 62 Trương Định, phường Bến Nghé, quận 01
Mở cửa: sáng từ 6h đến 11h30 trưa, chiều từ 3h đến 9h tối - chiều Chủ nhật nghỉ.
Giá bán: Hủ tiếu mì cật (40.000đ/tô), mì thịt bằm (36.000đ/tô)
4. Mì sườn Lò Siêu
Có rất nhiều quán mì của người Hoa quanh khu vực đường Lò Siêu (quận 11), nhưng không hiểu sao quán hủ tíu mì số 105 lúc nào cũng tấp nập thực khách sẵn sàng chờ đợi hai ba chục phút cho một tô mì. Thực khách chờ trong im lặng, chỉ có tiếng nhắc món cho đầu bếp bằng tiếng Hoa lanh lảnh khắp quán. Nhiều người ăn xong, mồ hôi nhễ nhại, nhưng cũng chẳng "xi nhê" gì!
Người bạn gốc Hoa đi cùng tôi lý giải rằng: "Người Hoa có truyền thống buôn bán rất giỏi, những người thành công bao giờ cũng chọn một thế mạnh cho quán của mình. Mì sườn thì nhiều quán cũng có, nhưng ở đây người ta chặt miếng sườn dài hơn bình thường, không cắt nhỏ ra, cũng là một cách để tạo sự khác biệt".
Sườn được hầm nhừ tới mức đầu bếp chỉ gần dùng đũa là tách đôi được miếng sườn dài, nhưng cũng không quá nhừ để mất hết vị ngọt.
Quan sát kỹ miếng sườn ở đây, có thể dễ dàng nhận thấy đó là miếng sườn non ở chỗ ngon nhất với một tí sụn ở phía đầu. Miếng sườn được chọn từ những con heo nhỏ, mềm và ngon hơn loại heo lớn. Thịt gà cũng rất giòn và ngọt. Đặc biệt quán có một loại nước chấm gừng mà khi ăn với sườn heo hay thịt gà làm bật lên vị thơm của thịt.
Nước lèo ở đây có phần hơi lạt so với các quán khác, nếu người quen ăn đậm đà có thể thấy nhạt nhẽo. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể nêm nếm cho đậm đà hơn nhờ các loại gia vị ở trên bàn. Nếu muốn thêm vị chua, bạn có thể cho vào chút giấm đỏ (thay cho chanh theo cách ăn của người miền Nam), hoặc là nước tương cho đậm đà.
Địa chỉ: 105 Lò Siêu, phường 16, quận 11
Mở cửa: từ 6h sáng đến 11h30 trưa
Giá bán: Mì sườn (35.000đ/tô), Mì sườn gà (40.000đ/tô)
5. Mì vịt tiềm
Điều gì khiến cho món mì này đặc biệt như vậy?
Đầu tiên phải kể đến "bộ ba" bao gồm đu đủ bào, tương ngọt, và xốt mù tạt. Đu đủ bào dai dai rất hợp vị với món mì, miếng vịt tiềm bỏ ra dĩa riêng thì phải chấm phải tương ngọt và mù tạt. Mù tạt ở đây khác với loại wasabi (Hòa Tá Bì) thường thấy trong ẩm thực Nhật Bản, mà là đọc trại đi từ "mustard sauce", loại xốt phổ biến thường thấy trong các món Tây. Cách kết hợp độc đáo này có lẽ bắt nguồn từ người Hoa gốc Hải Nam vốn nấu đồ Tây theo kiểu Hoa rất khéo léo, cũng như kết hợp hài hòa cách nấu và gia vị của 2 trường phải ẩm thực này với nhau.
Mì vịt tiềm ở Sài Gòn chỉ có thể tìm thấy trong các tiệm mì của người Hoa. Tuy nhiên, nhiều chủ quán ở Sài Gòn lại quả quyết “ở bên Trung Hoa không có món này”.
Trong hồi ức của một người Sài Gòn thì "trước kia, vùng Chợ Lớn nổi tiếng hơn cả là đường Lacaze, mà người Việt hay gọi trại là La Cai, tức đường Nguyễn Tri Phương sau này". Khu La Cai có mì vịt tiềm hầm thuốc bắc, một trong những món "tủ" của người Hoa.
Gọi là mì vịt tiềm chứ quả thực vị của món này lại rất khác biệt so với các món tiềm hay hầm thuốc Bắc. Vịt được tẩm ướp theo bí quyết riêng rồi tiềm trong nồi nước lèo là xương hầm và các vị thuốc Bắc cho đến khi chín mềm. Khi bưng ra có mùi thơm đặc trưng, chỉ ngửi thôi đã thấy nôn nao rồi.
Lương Ký mì gia
Địa chỉ: 1 Huỳnh Mẫn Đạt, phường 19, quận Bình Thạnh
Mở cửa: từ 3h chiều đến 11h30 khuya
Giá bán: Mì vịt tiềm (76.000đ - 83.000đ/tô), mì khô thập cẩm với tôm (59.000đ/tô), bánh bao (15.000đ/cái)
Hải Ký mì gia
Địa chỉ: 349 - 351 Nguyễn Trãi, phường 07, quận 05
Mở cửa: 10h sáng đến 11h tối
Giá: Mì vịt tiềm (83.000đ/phần), các món khác từ 40.000đ trở lên
1. Mì sủi cảo Hà Tôn Quyền
Con đường nhỏ Hà Tôn Quyền trong Chợ Lớn có lẽ đã định danh với món mì sủi cảo tôm được xem là ngon nhất ở Sài Gòn. Từ đầu giờ chiều trở đi, con đường này trở nên tấp nập lạ thường bởi đông đảo thực khách ra vào chỉ để tìm ăn món sủi cảo này.
Nếu bạn gọi "thập cẩm" thì sẽ nhận ngay một tô tuy nhỏ nhưng thành phần rất phong phú bao gồm mì, nhiều viên sủi cảo nhân tôm, cá viên, mực, da heo và rau cải. Nước dùng trong vắt, loáng một lớp mỡ mỏng, vị ngọt lịm. Món sủi cảo có thể ăn khô hoặc ăn nước, hoặc chiên giòn lên chấm với tương và sa tế rất thú vị.
Sủi cảo có vỏ là bột mì, trong là nhân thịt với tôm. Theo nhiều tài liệu thì sủi cảo là món biến thể của vằn thắn. Vằn thắn thường có nhân thịt, rau bắp cải, hành lá nhưng vằn thắn có nhân tôm gọi là sủi cảo. Sủi cảo luộc tới đâu bán tới đó vì sẽ không bị dính lại với nhau.
Sủi cảo cùng 1 họ với vằn thánh mà trong Nam hay gọi trại đi là "hoành thánh". Tên gọi này xuất phát từ âm Quảng Châu của chữ "vân thốn", cũng có nghĩa là "nuốt mây" (do hình dáng của miếng hoành thánh chăng?). Còn tên gọi "sủi cảo" chỉ loại hoành thánh nhân tôm thì xuất phát từ phát âm "thủy giáo".
Nhiều người thường gọi tô sủi cảo ăn cho đã, nếu ngán thì có thể gọi mì sủi cảo để giảm bớt lượng tôm thịt. Cọng mì ở đây có 2 loại: cọng tròn và cọng to - dẹt theo kiểu người Tiều.
Mặc dù có tới vài chục quán, nhưng theo những người sành ăn thì nên vào quán sủi cảo Thiên Thiên (hẻm 191 Hà Tôn Quyền) hoặc sủi cảo Ngọc Ý (187 Hà Tôn Quyền) là những quán lâu đời nhất ở đây với thâm niên gần 40 năm trong nghề.
Địa chỉ: hẻm 191 Hà Tôn Quyền, phường 04, quận 11
Mở cửa: từ 1h30 chiều đến 12h30 khuya
Giá bán: Sủi cảo (35.000đ/tô thường, 38.000đ/tô thập cẩm), sủi cảo chiên (35.000đ/dĩa)
2. Mì chỉ cá Cao Văn Lầu
Suốt mấy chục năm qua, trên một con đường nhỏ yên tĩnh bên quận 06 vẫn tồn tại một xe mì chỉ cá với hương vị độc đáo, có thể xem là duy nhất ở Sài Gòn.
Xe mì chỉ cá này thuộc hàng có "thâm niên" ở đất Sài thành, vì theo lời chủ quán - vốn là phụ việc cho đời chủ trước và được truyền nghề lại, thì người khai sinh ra quán này đã có ngót nghét 60 năm trong nghề. Đến đời anh cũng thêm vài chục năm nữa.
"Mì chỉ" - ngay tên gọi đã gây ra bao thắc mắc rồi. Vì hình dáng thì giống như cọng mì thật, nhưng rõ ràng nó không làm từ bột mì như các loại mì khác mà là từ bột gạo. Trường hợp này cũng tương tự như mì Quảng, vốn cũng mang họ "mì" nhưng lại làm từ bột gạo.
Trải nghiệm mì chỉ cá có thể xem là "độc nhất vô nhị" ở Sài Gòn. Vì dù trụng qua nước sôi, cọng mì vốn mỏng manh vẫn không bị bở mà ngược lại cuộn chặt vào nhau như một cuộn chỉ may màu trắng vậy. Có cảm giác khi gắp đũa mì lên, có thể nuốt vào luôn mà chẳng cần phải nhai.
Mì chỉ cá nấu với cá gộc, một loại cá biển tương đối không nặng mùi. Vì vậy khi ăn vào cảm nhận rất rõ vị thơm của miếng cá hòa quyện với nước lèo. Ăn món này đúng kiểu phải nêm với nước tương và một chút dấm đỏ, cũng như cho ớt sa tế ra dĩa để chấm kèm. Khi đó bạn sẽ cảm nhận rõ nét hơn vị ngon ngọt trong từng miếng cá.
Cháo cá ở đây cũng khá ngon. Cháo nấu theo kiểu Tiều nên không sệt như thường thấy. Điểm khác biệt của món cháo so với tô mì chỉ cá là có phục vụ thêm lòng và trứng cá khá ngon. Và chắc chắn bạn phải chấm với sa tế để cảm nhận trọn vẹn hương vị. Tô cháo cá này cũng phảng phất cách nấu cháo "Sua ga Hai" ("núi và biển") phổ biến trong cộng đồng người Tiều: tô cháo được chia làm 2 phần riêng biệt - "núi" là phần gạo nở nằm phía trên, còn "biển" là phần nước phía dưới, nằm tách riêng chứ không trộn lẫn vào nhau.
Địa chỉ: 243 Cao Văn Lầu, phường 03, quận 06
Mở cửa: 5h chiều đến 12h khuya
Giá bán: Mì chỉ cá (32.000đ/tô), Cháo cá - lòng, trứng (32.000đ/tô)
3. Mì Tiều cọng lớn
Cọng mì Tiều (mà tên gọi quốc tế là "bak chor mee") cũng là cọng mì đặc trưng của những gia đình người Hoa đến từ Triều Châu. Cọng mì to và dẹt với hương vị đậm đà này thích hợp với cả kiểu ăn khô lẫn ăn nước. Tuy nhiên, để cảm nhận hết cái ngon của mì Tiều cọng lớn thì bạn nên ăn khô. Phần nhân thịt bằm sẽ làm bật lên vị ngon đặc trưng của cọng mì hấp dẫn này.
Hủ tiếu hồ Đỗ Khôn - Huy Đạt
Địa chỉ: 26 Đình Hòa, phường 13, quận 08
Mở cửa: 6h30 sáng đến 11h30 trưa
Giá bán: Hủ tiếu hồ (35.000đ/tô), hủ tiếu sa tế (35.000đ/tô), mì khô thập cẩm (35.000đ/tô)
Hủ tiếu Triều Châu
Địa chỉ: 49 Dương Đình Nghệ, phường 08, quận 11
Mở cửa: 6h sáng đến 10h
Giá bán: Hủ tiếu hồ (25.000đ/tô), hủ tiếu sa tế nai (25.000đ/tô)
4. Mì gà rô ti Nguyễn Thiện Thuật
Mì gà rô ti có cách ăn tương tự như mì vịt tiềm, tức là tô mì dọn ra ăn kèm với 2 miếng gà chiên (chứ không hẳn là rô ti như cách gọi) để riêng trên dĩa. Vừa xì xụp húp mì, vừa thưởng thức phần gà chiên tuyệt ngon, hẳn cũng là một biến tấu hấp dẫn của mì Sài Gòn.
Đia chỉ: 280 Nguyễn Thiện Thuật, phường 03, quận 03
Mở cửa: từ 6h sáng đến 10h tối
Giá bán: Mì sườn kho (35.000đ/tô), mì gà rô ti (35.000đ/tô)
5. Mì vàng Phúc Kiến - Hải Thượng Lãn Ông
Nằm khá gần bưu điện Chợ Lớn, tiệm bún mì vàng kiểu Phúc Kiến trên đường Hài Thượng Lãn Ông (quận 05) này làm mê đắm thực khách bởi nước lèo trong và ngọt, sợi mì độc đáo cùng món bánh tôm cực kỳ hấp dẫn.
Gọi là bún mì vàng bởi có bún trắng sợi nhỏ và mì cọng to tròn. Sợi mì vàng của Thuận Ký rất giống với sợi mì của quán hủ tiếu mì cật nổi tiếng 62 Trương Định (quận 01). Còn sợi bún trắng lại gần gũi với cọng bún gạo "bee hoon" (mà ta quen gọi là "bún gạo Singapore"). Chỉ chạy xe ngang thôi là thực khách đã bị ấn tượng bởi xe mì hiện đại, trưng bày các món bánh tôm, khay mì vàng ruộm, hoành thánh chiên... rất bắt mắt.
Kêu một tô bún mì vàng hoặc bún mì vàng thập cẩm (có thêm cật, gan) là có thể ngắm trọn vẻ đẹp hiếm thấy của tô mì: một cái bánh to với con tôm đỏ au, một miếng hoành thánh chiên, rau xà lách xoong loại nhỏ, vài cọng giá hẹ... và tất nhiên là không thể thiếu được cọng mì vàng, cọng bún trắng.
Món thịt nạc ở tô mì ăn rất mềm mại, không hiểu quán có bí quyết gì mà miếng thịt ăn ngọt, không bị khô xác như ở nhiều quán. Món thịt bằm có lượng mỡ vừa phải nên ăn mềm. Nước dùng của tô mì trong và ngọt, điểm chút tóp mỡ và tỏi phi làm dậy mùi thơm.
“Ăn tô bún mì vàng này thực ra không cần ăn rau xà lách và cần tây, loại rau dành cho món hủ tiếu, chỉ cần ăn với xà lách xoong là đủ”, người khách ngồi kế bên nhắc khéo khi thấy tôi gọi thêm dĩa rau sống.
Nhiều người thích để bánh tôm và hoành thánh chiên sang một cái dĩa để giữ được độ giòn vì không ngâm nước, còn nếu ăn nhanh thì không cần vì độ giòn của bánh tôm và hoành thánh giữ được khá lâu.
Cắn một miếng bánh tôm giòn rụm trước rồi ăn mì, húp thêm chút nước lèo, mới thấy hậu vị thật hoàn hảo. Món hoành thánh chiên giống như các quán khác nhưng phần bánh tôm thì chất lượng hơn hẳn.
Địa chỉ: 218 Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 05
Mở cửa: 6h sáng đến 1h đêm
Giá bán: Bún mì vàng (32.000đ/tô), bún mì vàng thập cẩm (38.000đ/tô), bánh tôm gọi thêm (5.000đ/cái)
|
Tân Nhân - Giang Vũ (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét