Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Hương vị bánh cổ truyền ngày Tết

Tết này bạn có thể chuẩn bị những món bánh cổ truyền nho nhỏ mời khách như lời chúc sức khỏe, may mắn và thịnh vượng trong năm mới.
Khi thưởng thức những chiếc bánh với cái tên giản dị: bánh mảnh cộng, bánh gấc, bánh chín tầng mây… người trẻ được dịp tìm hiểu về cội nguồn, còn với những người ở tuổi trung niên, món bánh đầy hoài niệm ấy lại gợi lên nỗi nhớ về ký ức tuổi thơ.
Mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội xưa, dù chỉ là những món bánh nhỏ xinh, song ẩn chứa sâu trong đó những nét tinh túy của văn hóa ẩm thực và sự khéo léo, đảm đang của người con gái đất Hà Thành.
Theo cụ Vũ Thị Vịnh, 94 tuổi, người vẫn cần mẫn truyền lại cho con cháu bí quyết làm bánh cổ truyền, ngày xưa ở Hà Nội, giỗ Tết thường có hai loại cỗ là cỗ mặn và cỗ đường, trong đó, cỗ đường thể hiện sự khéo tay hay làm của người con gái Tràng An. Cỗ đường có từ 4 đến 6 món, rất đặc trưng của từng địa phương, trong đó có các loại bánh gấc, bánh mảnh cộng.
Bánh mảnh cộng
P1270051-JPG-8439-1388460751.jpg
Bánh mảnh cộng (màu xanh). Ảnh: Thành Công.
Với cái tên nghe rất lạ, bánh mảnh cộng được làm từ loại dây leo mảnh cộng mọc bên hàng rào, sinh trưởng mạnh vào mùa hè. Lá mảnh cộng bây giờ rất hiếm, nên người làm bánh phải dành một khu đất riêng để trồng. Để làm bánh, người thợ dùng lá xay ra, trộn với bột nếp, sau đó hấp nhuyễn đậu xanh, trộn với dừa sợi và đường trắng. Bột được viên cho chiếc bánh tròn trịa bọc ngoài nhân đậu, sau đó gói lá chuối và cho lên nồi hấp. Chiếc bánh mảnh cộng làm ra, màu xanh ngọc bắt mắt, thơm nguyên mùi lá, mùi nếp thơm, ngòn ngọt man mát nhân đậu xanh. Thưởng thức một miếng thấy đọng lại hương vị mát lành của thiên nhiên, cây cỏ.
Bánh gấc
Bánh gấc (màu đỏ). Ảnh: Thành Công.
Bánh gấc (màu đỏ). Ảnh: Thành Công.
"Thịt" gấc thổi xôi mới nghe đến tên đã thấy vị béo ngậy, và còn hấp dẫn hơn khi được trộn cùng bột nếp tạo thành món bánh gấc cổ truyền đất Bắc. Bánh đạt tiêu chuẩn là phải đủ độ dẻo của nếp cái hoa vàng, thơm ngậy hương đặc trưng của gấc và ngọt bùi nhân đậu xanh… Ngày Tết khi xưa, mỗi gia đình thường bày bánh ra mời khách. Bên cạnh chồng bánh chưng xanh ngắt có đĩa bánh gấc đỏ tươi với màu đỏ tượng trưng cho may mắn thịnh vượng.
Bánh chín tầng mây
chin-tang-may-JPG-8189-1388455517.jpg
Bánh chín tầng mây. Ảnh: Thành Công.
Sở dĩ bánh có tên như vậy là vì có tới 9 tầng, mỗi tầng một màu sắc riêng, xếp chồng lên nhau tạo nên màu sặc sỡ: xanh, đỏ, cam, vàng, trắng… Nguyên liệu chính để làm bánh là bột năng, nước cốt dừa, cùi dừa nạo và đường. Bánh không dùng phẩm màu mà lấy bột năng hòa với nước cốt dừa để tạo màu trắng, lấy đậu xanh làm màu vàng, gấc tạo thành màu đỏ, lá cây làm màu xanh...
Để tạo thành các tầng có màu sắc khác nhau, đầu bếp lần lượt trải đều các tầng bánh vào khuôn, dày khoảng 1cm, hấp chín lên và để thật nguội rồi mới dỡ bánh ra, sau đó cắt thành từng miếng bánh nhỏ bằng ba ngón tay, lấy nilông bọc lại để bánh không bị dính vào nhau. Nếu tinh ý khi ăn, bạn có thể khéo léo tách các lớp màu bánh riêng, rất mềm và dẻo như thạch, ăn lạ miệng. Bánh có vị ngọt thanh thanh của nước cốt dừa, mềm nhưng không mất đi độ dai đặc trưng. Nhâm nhi vị thanh mát của bánh, ngắm từng tầng bánh trong veo bảy sắc cầu vồng, tựa như sự trong trẻo, thanh khiết của một thời thơ bé.
Bánh rán lúc lắc
P1270092-JPG-7617-1388460751.jpg
Bánh rán vàng ruộm, có nhân lúc lắc bên trong. Ảnh: Thành Công.
Bánh rán lúc lắc với nhân đậu tròn xoe, tách riêng với vỏ bánh gợi trí tò mò bởi âm thanh lụp bụp bên trong giống trò chơi xúc xắc khi xưa. Nguyên liệu làm bánh là bột nếp, đường và vừng trắng. Nhân bánh làm từ đậu xanh song để chiếc bánh lúc lắc được cũng cần có bí quyết chế biến theo tỷ lệ riêng. Bánh rán đạt tiêu chuẩn là bánh có màu vàng ruộm, phồng và không bị xẹp khi để nguội. Khi bẻ bánh ra, vỏ bánh mỏng dính, viên nhân tròn xoe và có thể di chuyển được. Hãy thử một lần thưởng thức miếng bánh để cảm nhận vị dẻo của bột nếp, thơm bùi của vừng, hòa quyện với vị ngọt dịu của nhân đậu xanh, đó sẽ là mùi vị bạn không bao giờ quên được.
Cốm xào dừa
P1270164-JPG-4217-1388460751.jpg
Màu xanh của cốm kết hợp với màu trắng của dừa tạo nên món ăn hấp dẫn. Ảnh: Thành Công.
Không kén chọn nguyên liệu như bánh cốm, cốm xào chỉ cần dùng loại cốm đủ dẻo và thơm, màu hạt cốm chuẩn hơi ngả vàng một chút. Để làm cốm xào, người thợ hòa đường cát trắng vào chút nước đun sôi trước khi cho cốm vào, đảo nhẹ tay cho tới khi cốm và đường hòa quyện, sau đó rắc thêm chút vừng rang vàng và ít dừa non bào sợi lên trên mặt cốm. Ngày Tết, nhấp một ngụm trà nóng, nếm một miếng cốm xào đủ vị, ngọt, thơm, hòa quyện với vị béo, bùi của dừa lan tỏa, để cảm nhận ẩm thực Hà thành nhẹ nhàng mà tinh tế.
Theo Vnexpress

Bánh cổ truyền trên mâm cỗ Tết miền Trung
.
Mâm cỗ cúng Tết của người miền Trung thường có bánh in, đĩa bánh tét; người Huế còn có bánh su sê, xứ Quảng thêm bánh tổ... 
Vùng đất quanh năm nắng gió của đất Việt những ngày xuân, nhà nào cũng cố gắng đủ đầy trên bàn thờ gia tiên những món ngon quê mình.
Bánh tét
banhtetboston-1834-1389674129.jpg
Bánh tét trong mâm cỗ Tết. Ảnh: Boston.
Ở miền Trung, ngày Tết người dân thường gói bánh tét. Bánh được gói bằng lá chuối với nhân giống bánh chưng ngoài Bắc gồm gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn. Bánh tét được gói thành hình trụ dài, khi cắt khoanh bánh tròn, đẹp mắt.
Bánh tét là món bánh trang trọng trên mâm cỗ Tết. Vào những ngày xuân, nhà nào cũng có một cặp bánh trên bàn thờ. Khách đến chơi nhà được mời khoanh bánh ngon, ăn kèm những lát dưa chua đậm đà thi vị.
Bánh in
Banh-in-2dacsanbinhdinh-3323-1389674129.
Bánh in trong mâm cỗ người Bình Định. Ảnh: Dacsanbinhdinh.
Bánh in là loại bánh phổ biến nhất ở Bình Định trong những ngày lễ, Tết. Bất kể sang hèn, gia đình nào cũng có bánh in trên bàn thờ gia tiên. Bánh được làm bằng bột nếp, dễ làm nhưng không phải ai cũng cho ra được những chiếc bánh vừa dẻo, vừa xốp, không cứng cũng không bở. Từ những hạt gạo nếp xay nhuyễn cùng đường cát và đậu xanh tạo nên những chiếc bánh ngon đặc biệt của mảnh đất miền Trung.
Bánh tổ
banhtoamthuc360-jpeg-4221-1389674130.jpg
Bánh tổ rán ăn rất ngon. Ảnh: Amthuc360.
Với người dân xứ Quảng Nam, bánh tổ là loại bánh của ngày Tết. Những ngày đầu năm, trên bàn thờ gia tiên của người dân ở đây không thể thiếu loại bánh này. Truyền thuyết kể rằng loại bánh này vốn do tổ mẫu Âu Cơ làm ra phát cho trăm con lên núi xuống biển làm lương khô ăn dọc đường. Cũng có người cho rằng loại bánh này làm ra cốt là để cúng ông bà nên mới có tên gọi bánh tổ.
Nguyên liệu chính gồm có nếp, đường, hạt mè và gừng. Khuôn bánh tổ thường đan bằng tre trông như cái rọ, lá chuối được chọn lựa cẩn thận cắt ra lót vào trong khuôn. Bánh được gói lại và dùng tăm tre ghim kín các mép lá.
Bánh Su sê
banhsusedulichhue-8604-1389674130.jpg
Không chỉ là bánh cho ngày cưới hỏi, bánh su sê còn có mặt trong ngày lễ tết. Ảnh: Dulichhue.
Với người Huế, bánh Su sê (hay Phu thê) không chỉ dùng trong lễ cưới hỏi mà còn có mặt trong ngày lễ Tết. Bánh được làm từ bột sắn có nhân đậu xanh với dừa hay tôm chấy (tôm tươi được rang xát cho nhỏ tơi ra), gói lá dừa đem hấp cách thủy.
Bánh Phu thê Huế khi ăn có vị dai dai của bột, sần sật của dừa, ngon ngọt của nhân đậu, thơm của nước hoa bưởi và lá dừa. Ngày nay, có nhiều loại bánh thay thế nhưng bánh phu thê Huế vẫn được nhiều người ưa chuộng.
Bánh măng
banhmang-6210-1389674130.jpg
Bánh măng lạ miệng. Ảnh: Dulichhue.
Trên bàn thờ cúng gia tiên của người Huế còn có món bánh măng, một loại bán hình vuông cạnh gói bằng giấy bóng kính màu vàng trong, vị ngọt mát, làm bằng bột nếp trộn với măng tươi và đường kính, dùng làm món ăn chơi bời như một thứ quà dành cho cả người lớn lẫn trẻ con và có thể ăn bất cứ lúc nào cũng được. Bánh dẻo mềm, thơm và những sợi măng non thêm cảm giác thú vị của hương vị quê nhà.
Bánh lá răng bừa
banhlarangbuathanhhoatourist-j-7314-7540
Bánh lá răng bừa giống với bánh tẻ, khi ăn chấm với nước mắm. Ảnh: Thanhhoatourist.
Bánh răng bừa (bánh tẻ hoặc bánh lá) của người Thanh Hóa có hình dạng trông giống cái răng bừa. Đây là loại bánh truyền thống được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán hay những khi nhà có công việc.
Nguyên liệu làm bánh là gạo tẻ xay nhuyễn cùng nhân bánh gồm hành khô, thịt ba chỉ và mộc nhĩ băm nhỏ trộn chung với hạt tiêu. Khi ăn chấm với nước mắm ngon tạo nên hương vị bánh đặc biệt.
Theo Vnexpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét