Bánh tráng Bà Lèo có vị mằn mặn, để lâu không bị mốc, dễ ăn, có thể làm gỏi cuốn, chả giò, bì cuốn hay chế biến ăn với thịt bò nướng, cá lóc hấp, tả bí lù, tép luộc…cùng rau sống chấm mắm nêm.
Ngày trước, Tết đến mới tráng bánh, còn bây giờ xóm bà Lèo làm bánh tráng quanh năm. Tết đến tấp nập, sôi động hơn. Trước kia, chỉ có vài chục hộ, bây giờ hơn 150 hộ với hơn 500 lao động chuyên sống bằng nghề bánh tráng.
Từ tháng 11 âm lịch đến Tết, xóm bánh tráng bà Lèo hầu như không ngủ. Cả xóm đèn sáng rực, người pha bột, kẻ tráng bánh, người phơi. Khoảng 4 giờ chiều thì thương lái chờ nhận bánh để đưa đi muôn phương. Mỗi ngày tiêu thụ hơn 2,5 tấn gạo để cho ra lò 250.000 – 300.000 bánh.
Động tác tráng bánh phải thật nhanh nhẹn và khéo léo.Để chế biến được loại bánh này và đặng nắng, người thợ làm bánh phải dậy từ rất sớm. Dùng bột gạo pha với một lượng nước vừa phải, cho thêm một ít bột khoai mì (hay còn gọi là bột sắn) vào để dễ tráng mỏng và tạo độ dẻo, khi sử dụng bánh không bị bể.
Khi đã pha bột xong, người thợ làm bánh sẽ dùng gáo để múc bột đổ lên trên một tấm vải đã được căng sẵn trên một cái nồi to có nước đang sôi và bắt đầu tráng bánh. Động tác này phải thật nhanh nhẹn và khéo léo, tráng bánh thật mỏng và đều tay tạo nên chiếc bánh có hình vuông vức hay tròn trịa, kích cỡ bánh từ 25 – 30 cm. Khi bánh chín, dùng một thanh tre mỏng luồn dưới bánh gỡ ra, trải trên một cái vỉ tre rồi đem ra phơi nắng đến khi bánh ráo là có thể sử dụng.
Hầu hết các thợ tráng bánh là phụ nữ, từ hạt gạo, qua bàn tay khéo léo của người dân xóm bà Lèo đã nên những chiếc bánh tráng có màu trắng ngần, dẻo, dai, với vị bánh dịu ngọt. Bà Lâm Thị Nhung, người làng bánh nói: “Điều quan trọng làm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bánh phải mỏng đều, đẹp, không bị rách, đặc biệt phải trong, mềm và hơi dai. Nếu làm không khéo bánh nổ đốm không ngon, vì vậy từ khâu chọn, ngâm gạo đến tráng, phơi bánh, nhiệt độ, ánh nắng phải thật phù hợp”.
Bánh tráng xong chuẩn bị phơi nắng.Hiện tại, với 2 lao động sản xuất được 2.000 bánh/ngày, trừ chi phí còn được 100.000 đồng và còn ít bột bã để nuôi heo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tiến, người đã có hơn 50 năm sống bằng nghề làm bánh tráng bộc bạch: “Từ đời ông nội tôi đến nay cả Làng bánh tráng Bà Lèo đều sống bằng nghề này. Bánh tráng bà Lèo được tiếng nhờ mềm, dẻo, dai, dễ sử dụng. Trước kia chọn giống lúa Ba Thiệt (lúa mùa) nổi tiếng thơm ngon để làm bánh. Bây giờ có nhiều gạo ngon để chọn: Một bụi đỏ, Hàm Trâu, IR 64, IR 50404.... Bánh tráng ở đâu không biết, chứ bánh tráng xóm bà Lèo làm ra bao nhiêu cũng không đủ giao. Nghề bánh tráng không giàu bằng ai nhưng sống được”.
Người dân đang phơi bánh tráng. Năm nào cũng vậy, từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau, làng bánh tráng Bà Lèo lại vào mùa nhộn nhịp (tháng mưa tiêu thụ cầm chừng). Tết đến, nông thôn đồng bằng sông Cửu Long nhà nào cũng trữ cả trăm bánh tráng nên bánh tráng xóm bà Lèo được dịp lan toả khắp nẻo đường.
Bánh tráng dễ ăn có thể làm gỏi cuốn, chả giò, bì cuốn hay chế biến ăn với thịt bò nướng, cá lóc hấp, tả bí lù, tép luộc…cùng rau sống chấm mắm nêm, tạo nên những món ăn mang hương vị đậm đà tình quê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét