Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Nét đẹp trong Lễ cúng tạ ơn cha mẹ của người J’rai và Ba Na ở Kon Tum

Khi người con đã trưởng thành, có đủ điều kiện kinh tế thì sẽ tổ chức một lễ gọi là Lễ tạ ơn để cảm ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đây thật sự là một nét đẹp trong đời sống văn hóa ứng xử của cộng đồng người J’rai và Ba Na ở Kon Tum. Mặc dù họ là hai dân tộc khác nhau hoàn toàn về ngôn ngữ, tập quán… nhưng lại gặp nhau ở điểm chung trong văn hóa ứng xử này. Điều này đã thể hiện đạo lý của con cái đối với cha mẹ và đề cao vai trò nuôi nấng, dạy dỗ của bậc sinh thành dành cho con cái từ xưa đến nay.

Lễ cúng tạ ơn cha mẹ, người J’rai gọi là Chal mơ nê kơ mi ma (teh rơ mơ kơ mi ma bui);còn người Ba Na gọi là Khop bơnê kơ me pa. Thường được tổ chức vào tiết nông nhàn(Ning nơng), sau lễ mừng lúa mới. Đây là lễ của người con ruột đã có gia đình, có nhà riêng và làm ăn khấm khá. Sẽ tự nguyện thông báo với dòng tộc, bố mẹ về việc muốn tổ chức ngày lễ để tạ ơn cha mẹ đã sinh và nuôi dạy mình nên người. Tùy vào điều kiện kinh tế của người con quyết định vật cúng, nếu giàu có thì mổ bò còn nếu không thì một con heo lớn, một con gà và một ghè rượu ngon. Mặc dù lễ Cúng tạ ơn cha mẹ chỉ gói gọn trong từng gia đình, dòng tộc nhưng Lễ được tổ chức khá long trọng trong hai ngày. Thông thường ngày đầu tiên là dành cho phần lễ trong gia đình thân thuộc, còn ngày hôm sau mới mời bà con, anh em ở làng xa đến ăn uống chung vui. 
Vào ngày đã được sự đồng ý của cha mẹ. Gia đình người con sẽ mang lễ vật đến, một ghè rượu ngon đặt giữa nhà và bắt đầu mổ gà và heo (bò). Lấy tiết con vật cúng bôi lên ghè rượu, lấy một phần gan sống của các con vật đem xâu vào cây tre rồi cột trên miệng ghè để cúng ông bà tổ tiên và một phần đem ra ngoài sân cúng thần linh. Gà, thịt heo được nướng, xâu vào cây tre rồi cùng cột vào cây nơi buộc ghè rượu. Họ sẽ lấy một nhánh lá rừng nhúng vào trong ghè rượu cúng rồi phẩy rượu lên cha mẹ và con. Tiếp theo cha mẹ và con sẽ lần lượt khấn vái thần linh, ông bà tổ tiên, mời họ về cùng hưởng và chứng kiến sự hiếu thuận của con cháu. Cảm ơn họ đã ban cho sự giàu có, no đủ, gia đình bình yên, hạnh phúc... 

Sau đó chính tay người con sẽ làm các món ăn ngon dâng lên cha mẹ mình. Thông thường là làm theo khẩu vị mà cha mẹ mình thích ăn nhất. Gà sẽ được lóc xương nấu cháo; heo sẽ lấy phần thịt thăn đem nướng. Sau khi đã chuẩn bị xong, người con mang đến dâng cho mẹ mình ăn trước và mời mẹ uống cang rượu cần đầu tiên rồi mới đến cha, đồng thời cũng nhắc lại thời thơ ấu đã được mẹ nuôi nấng, nhờ có dòng sữa mẹ nên mới lớn khôn và nhờ cha đã dạy dỗ, chở che nên được như hôm nay. Người mẹ, cha nhận lời và cũng cảm ơn con đã biết hiếu thuận, nhớ ơn sinh thành, cầu mong con sẽ không bị đau ốm và làm ăn ngày càng tốt hơn nữa.
 Nếu trường hợp chỉ còn mẹ mà cha đã chết thì sau khi nhận lễ của con xong, người mẹ sẽ kêu cha về chứng kiến việc làm lễ tạ ơn của con… Còn mẹ chết trước, chỉ có cha thì phần lễ sẽ được kêu cúng cho mẹ trước rồi mới dâng cho cha ăn sau.
Khi người mẹ nếm cang rượu cần, xem như đã nhận phần đền đáp của con mình. Rượu được chuyền tiếp tục cho cha rồi đến người con, thông thường con ruột sẽ uống trước rồi sau đó mới đến dâu hoặc rể. Sau đó là bà con thân thuộc và sau cùng mới bà con làng xóm.
Cuộc vui kéo dài đến hết ngày hôm sau. Cứ mỗi khách đến họ mang theo ít gạo, vài quả trứng gà đã luộc sẵn, một ít tiền để biếu gia chủ, cầu mong mọi sự điều tốt đẹp, gia đình ngày càng sung túc hơn. Để góp vui với chủ nhà, đàn ông mang theo lít rượu, phụ nữ chai nước ngọt hay đồ ăn mà nhà mình có sẵn. Khi đến họ rót rượu hoặc nước ngọt ra mời chủ nhà và khách đến tham dự. Gia chủ lại bày thức ăn ra và họ cùng ăn uống, hát hò, chúc tụng vui vẻ.
 Và một điều đặc biệt là Lễ cúng tạ ơn cha mẹ được con cái tổ chức như nhau cho hai bên gia đình nội, ngoại. Nếu bên nào ở gần con hơn thì sẽ được tổ chức trước và bên kia cũng sẽ được chọn ngày để con cháu tạ ơn giống như vậy. Đều này nói lên sự công bằng trong văn hóa ứng xử của người Ba Na và J’rai trong mối quan hệ của gia đình hai bên.
Lễ cúng heo (bò) tạ ơn cha mẹ hay Lễ đập heo (bò) cho cha mẹ ăn là một nét đẹp mang đậm tính truyền thống và giá trị nhân văn sâu sắc. Lễ đã để lại dấu ấn tốt đẹp cho mỗi người tham dự và có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc. Tạo nên sức mạnh đoàn kết của dòng tộc và cộng đồng làng Phong tục tốt đẹp này sẽ còn tồn tại, lưu truyền và phát huy mãi đến mai sau./.

 Nguồn: ipckontum.gov.vn

Lễ tạ ơn của người Gia Rai

Lễ tạ ơn thường được người Gia rai tổ chức vào khoảng tháng 11 cho tới tháng 1 âm lịch năm sau, khi mùa màng đã được thu hoạch.
Theo phong tục của người Gia rai, sau khi kết hôn, người con trai sẽ theo về sinh sống bên nhà vợ. Những cô gái lấy chồng phải tách ra cất nhà ở riêng. Mối quan tâm đầu tiên của các cặp vợ chồng là phải nuôi được nhiều gà nhiều heo nhiều bò và tích cóp tài sản để làm lễ tạ ơn cha mẹ.

Con cái phải chuẩn bị những bộ áo, váy, khố được dệt công phu, những chiếc vòng để tặng cha mẹ trước sự chứng kiến của cả buôn làng và các đấng thần linh. Không làm được lễ tạ ơn, họ sẽ bị dân làng chê bai.

Sau một thời gian tách hộ, đã chuẩn bị được đủ tiền của, lễ vật, cặp vợ chồng trẻ sẽ nhờ một vị già làng về nhà cha mẹ thông báo việc làm lễ tạ ơn. Được sự đồng ý của cha mẹ, vợ chồng người con mới chọn ngày lành tháng tốt, mang gà, heo, lễ vật, rước già làng quay về nhà bố mẹ để thực hiện nghi thức.

Sáng sớm, người nhà bắt heo gà làm thịt. Phần thịt ngon nhất, theo quan niệm của người Gia rai là mông, thăn, tim, gan... được cắt riêng, một phần đem nấu chín, một phần để sống trộn với huyết heo, bỏ vào bát đặt bên cây cột chính giữa nhà cùng một ghè rượu mới, thơm ngon.

Nghi thức cúng tạ ơn cha mẹ của người Gia rai. Ảnh: baomoi.com


Già làng Ay Ka, ở phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, cho biết lễ tạ ơn là một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trong đời người. Con cái sau khi lập gia đình, dù nghèo cũng phải cố chuẩn bị gà, heo làm lễ tạ ơn cha mẹ:

"Tuổi có vợ có chồng, cất nhà riêng mới làm được, chưa có vợ có chồng thì chưa được làm tạ ơn cho cha mẹ. Mỗi người con làm một lần thôi. Con dâu, con trai bàn bạc, đồng ý với nhau, thì dụ làm tạ ơn cho cha mẹ bên trai, 1-2 năm sau là làm cho cha mẹ bên vợ. Mình không làm tiếp năm sau đâu. Cách 2-3 năm, có tiền nữa, có heo nữa, thì mới làm. Phải bắt buộc làm vì mình nghĩ lúc mình mới đẻ thì ai nuôi mình, ai chăm sóc mình đến lớn? Mình phải tôn trọng cha mẹ".

Nghi thức chính được thực hiện ngay trong nhà của cha mẹ. Cha mẹ cùng con cái ngồi hai bên cây cột chính và ghè rượu. Già làng ngồi phía đối diện. Đầu tiên, già làng bốc một nhúm thịt sống trộn huyết heo, bôi lên tai ghè rượu, khấn mời các vị thần linh về chứng giám. Vừa khấn, ông vừa lấy một nhánh lá rừng, nhúng vào ghè rượu vẩy lên người cha mẹ và các con để cầu may mắn.

Khấn xong, già làng chất vấn vợ chồng người con: “Anh chị giết con heo cho cha mẹ để làm gì?”. Cặp vợ chồng trả lời: “Nay chúng con đã trưởng thành, đã lập gia đình, sinh con và làm ăn khấm khá. Vì vậy, hôm nay, chúng con giết con heo con gà này muốn tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ”. Già làng quay sang nói với cha mẹ của đôi vợ chồng trẻ: “Hôm nay, con của ông bà đập gà đập heo để làm lễ tạ ơn sinh thành, nuôi dưỡng chứ không đòi hỏi tiền bạc của cải gì của ông bà. Ông bà hãy nhận lấy món quà của các con”.

Già làng nói xong, lần lượt người con trai đem bộ áo, khố trao cho cha, con dâu đem váy, vòng tay, vòng cổ trao cho mẹ.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, ở phường Thắng Lợi, cho biết bộ trang phục dâng tặng cha mẹ trong lễ tạ ơn bắt buộc phải là quần áo dệt tay theo truyền thống chứ không được mua hàng may sẵn: "Phải là áo quần truyền thống. Vòng là vòng bằng bạc. Người con dâu nào biết dệt thì sẽ dệt cho cả gia đình. Còn ai không biết dệt thì phải đặt người khác thôi. Mình bỏ công ra dệt thì ý nghĩa sẽ lớn hơn".

Mặc dù là nghi lễ thực hiện trong phạm vi gia đình, nhưng lễ tạ ơn luôn được xem là dịp vui của cả buôn làng, có sự góp mặt của đông đảo bà con. Khi những người con thực hiện xong nghi thức tạ ơn cha mẹ, tất cả bà con cùng ăn uống, múa hát chung vui với gia đình chủ nhà trong cả ngày hôm đó.

Dân làng đến, không ai đi tay không. Người góp ghè rượu, người góp gà, góp heo, hay mớ gạo mớ rau. Rồi ăn uống chung.

Đôi nào ở riêng 10 năm trở lên mà chưa làm lễ tạ ơn, thể nào dân làng cũng sẽ bàn tán, sẽ hỏi tại sao chưa làm lễ ấy, hỏi khi nào người dân làng mới được uống rượu của người con ấy.

Là một phong tục đẹp đề cao đạo hiếu, lễ tạ ơn cha mẹ vẫn được người Gia rai duy trì. Tùy từng địa phương, thủ tục, nghi lễ tạ ơn cha mẹ của người Gia rai có sự khác nhau. Như nhóm Gia rai sinh sống trên khu vực thành phố Pleiku thực hiện nghi lễ khá đơn giản, nhanh chóng như chúng tôi vừa giới thiệu. Còn nhóm Gia rai ở khu vực huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krong Pa lại có thêm tục để cha mẹ giẫm chân lên chiếc rìu với quan niệm rìu là vật tượng trưng cho sức mạnh.

Hoàng Minh/VOV4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét