Cứ vào khoảng 2-3 giờ chiều, người dân Tri Tôn (An Giang) lại chờ gánh bánh canh đầu cá dọn ra ở góc đường gần chùa Xvây Tông. Chỉ trong vài giờ, nồi bánh canh hết sạch, ai tới trễ, đành về không. Thế nên, muốn ăn bánh canh đầu cá, phải đi đúng thời điểm.
- .
Bánh canh đầu cá.
Điểm hấp dẫn thực khách có lẽ là bột bánh canh. Bao nhiêu năm nay bột bánh canh ở đây vẫn thế. Bột gạo được lấy trùng để tạo độ dai. Khi xử lý bột xong, người ta dùng chai hoặc chày gỗ cán bột cho mỏng rồi xắt thành sợi. Trước đây, người ta vắt một cục bột dán lên vỏ chai và lăn đều trên thớt cho bột mỏng ra. Rồi dùng dao thái bột thành sợi. Sau đó, từng sợi bánh được trộn với bột năn để không bị kết dính, vừa tạo được độ sánh khi nấu.
Nước lèo nấu bánh canh được nấu từ cá lóc và xương để lấy nước ngọt. Cá chín vớt ra và bóc tách thành miếng nhỏ cho vào nồi riêng. Phần lớn nước lèo tiếp tục đun sôi và cho sợi bánh canh vào, nêm gia vị và đun sôi vài dạo thì gánh ra bán. Người ăn ngồi chồm hổm hoặc trên ghế con, bu quanh gánh bánh canh xì xụp húp.
Bánh canh múc ra chừng tám phần tô rồi để lên bên trên vài miếng cá. Thêm ít hành phi, hành lá và ngò gai xắt nhỏ, tiêu, ớt. Chỉ đơn giản như thế nhưng mùi vị rất hấp dẫn. Ngon nhất là tô bánh canh được để nguyên đầu cá lóc vào, choán gần 2/3 bề mặt. Người nấu tinh tế giữ lại một phần ruột cá, ăn không chê vào đâu được!
Theo QUY ĐỀ (Cần Thơ Online)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét