Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Nhớ mâm cỗ Tết 3 miền

Depplus.vn - Ẩm thực ngày Tết là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Tết ở mỗi vùng miền mang một phong vị riêng, là nét đẹp truyền thống khó phai mờ.

Tết là dịp đoàn viên, là khoảng thời gian đầm ấm nhất của gia đình trong năm, là niềm hạnh phúc sum vầy của người lớn, sự háo hức của trẻ nhỏ. Dù cho bao thế hệ trưởng thành, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa mới, ý nghĩa của ngày Tết truyền thống vẫn luôn vẹn nguyên trong tinh thần, nếp sống của mỗi người Việt.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói “ăn Tết”. Trong dịp Tết, bên cạnh thời gian dành thăm hỏi người thân, bạn bè, quãng thời gian chủ yếu còn lại là dành bên mâm cỗ cúng gia tiên, mâm cơm đoàn viên. Ẩm thực Tết cổ truyền không chỉ là nét đẹp mà còn là truyền thống văn hóa lâu đời cần gìn giữ của người Việt Nam. Mâm cơm ngày Tết mỗi vùng miền đều có nét đặc trưng, độc đáo riêng, được hình thành do đặc điểm khí hậu, phong tục tập quán đa dạng của người dân trên dải đất hình chữ S.

Mâm cỗ Tết miền Bắc




Bánh chưng - món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết miền Bắc
Xuân miền Bắc đến cùng sắc hồng thắm của hoa đào, tiết lập xuân đã dần ấm áp nhưng vẫn còn lạnh rõ. Người miền Bắc đón Tết bằng những món ăn giàu năng lượng, nhiều chất béo như bánh chưng, giò lụa, nem rán, canh măng chân giò, thịt nấu đông…Trong đó, chiếc bánh trưng xanh vuông vức là thứ không thể thiếu trong mâm cơm chào xuân. Người Bắc có câu: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh... Không có thịt mỡ, không có dưa hành, không có bánh chưng là không phải ngày Tết. Bánh chưng thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông, đất trời xứ sở và là loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam còn được sử sách nhắc lại. Gói và nấu bánh chưng, ngồi canh nồi bánh chưng trên bếp lửa đã trở thành một tập quán, văn hóa sống trong các gia đình người Việt, đặc biệt phía Bắc, mỗi dịp Tết đến xuân về.


Do đặc điểm khí hậu của miền Bắc có không khí lạnh nên người dân miền Bắc có món ăn "tủ" mà người dân miền Trung và miền Nam không có được đó là món thịt đông. Thịt đông miền Bắc là một món ăn khá độc đáo, chỉ ăn được khi đã để nguội lạnh,  thường ăn vào những ngày đông giá và vào lúc xuân sang. Nó càng độc đáo khi chẳng ai lý giải tại sao mùa lạnh lại ăn một món nguội lạnh như thế. Trong những ngày cuối năm bộn bề với trăm thức phải mua cho ngày Tết, người phụ nữ miền Bắc không quên chuẩn bị nguyên liệu cho món thịt đông. Nguyên liệu để nấu thịt đông đơn giản từ thịt lợn, chủ yếu dùng thịt chân giò. Các gia vị cần chú ý là mộc nhĩ và hạt tiêu và một thứ không thể thiếu là bì lợn (nếu thiếu thì khó có thể nấu thịt đông). Dù là cỗ Tết xưa hay Tết nay, món thịt đông vẫn luôn được các mẹ, các chị chuẩn bị chu đáo. Bề mặt của thịt đông trong, bên trong là những miếng thịt thơm ngon, sợi mộc nhĩ khi ăn giòn tan trong miệng. Ăn thịt đông cùng với bánh chưng, hoặc với cơm thêm dưa hành là đủ cảm nhận hết hương vị của ngày Tết.




Thịt đông - "đặc sản" Tết miền Bắc

Giản dị Tết miền Trung

Khác với cách ăn Tết của người dân miền Bắc, người dân miền Trung đón xuân với các món ăn dân dã nhưng không kém phần cầu kỳ như: tôm chua, dưa món, nem chua, tré, bò ngâm màu trầm, ít dùng chả lụa mà là chả bò và giò thủ nhưng đặc biệt phải có thịt chua và tai heo... ngoài ra, các món đặc sản như bánh lá, bánh nộm là không thể thiếu. Riêng tại Huế, món ăn truyền thống Tết, dù dung dị đến đâu, vẫn là những mỹ vị cao sang, đẹp và thơm ngon không kém các món cung đình nhờ được chế biến công phu và tinh tế.




Dưa món miền Trung
Trong mâm cỗ ngày Tết của người dân các tỉnh miền Trung khổng thể thiếu dưa món và cũng tùy theo khẩu vị của từng vùng mà cách làm có chút khác nhau. Dưa món là món ăn phải được sửa soạn làm từ cả tháng trước Tết. Nguyên liệu để làm dưa món cũng rất đơn giản và dễ tìm: su hào, cà rốt, đu đủ, củ cải trắng, ớt đỏ, củ kiệu... Tất cả được cắt lát mỏng, nhưng không được quá mỏng, tỉa hoa cho đẹp, cũng là để dễ thấm nước mắm, sau đó trải ra phơi nắng trên những cái mẹt hay mâm. Có khi phải phơi hai ngày để thật khô, rồi mới đổ nước mắm nấu vào. Món này phải làm trước Tết độ một tuần lễ cho ngấm. Dưa món ngon là khi nhìn thấy nước mắm trong vắt, củ cải trắng, cà rốt đỏ, dưa xanh... cắn vào một miếng là thấy dòn dòn, mằn mặn, ngọt ngọt. Dưa món dùng để ăn với bánh chưng, bánh tét.


Bên cạnh những món mặn, tôm chua cũng là món ăn rất được người miền Trung ưa thích trong dịp Tết. Tôm được chọn làm tôm chua là loại tôm sống, tôm đồng. Tôm đem dầm rượu, cho vô thạp cùng với nước mắm, riềng và đường, đậy kỹ, đem đặt ngoài nắng chừng 5 hôm thì dùng được. Tôm chua sau khi ủ chín chuyển sang màu ửng đỏ tự nhiên và có mùi thơm của riềng, tỏi. Tôm càng để lâu càng chua, khi ăn có thể thêm chút đường cát trắng trộn đều lại càng ngon. Tôm chua phải ăn cùng thịt luộc, mà phải là thịt ba chỉ mới gọi là sành ăn. Thường người ta có thể ăn thêm khế chua, chuối chát để không "sôi" bụng, mà lại ăn được nhiều tôm chua hơn.




Tôm chua

Người Huế cũng có một món ăn "chống ngấy" trong ngày Tết khá đặc biệt nữa là Chả tré. Chả tré được làm bằng thịt bò và thịt ba rọi (thịt ba chỉ) rán vàng thái chỉ, trộn với riềng, ớt, tỏi, muối, đường, thính. Món này ăn với bánh tráng mè và rau ngò thơm. Còn muốn ăn tré chua thì gói chặt thành từng gói nhỏ bằng lá chuối hột, bên trong lót lá ổi. Để vài ba hôm, tré sẽ có vị chua, như thế là có thể ăn được.




Chả tré

Ấm thực Tết miền Nam

Người miền Nam ăn Tết trong sắc mai vàng rạng rỡ, cùng với những món ăn đặc trưng của vùng khí hậu nóng như: thịt kho hột vịt, thịt kho dưa giá, tai heo ngâm giấm, canh khổ qua (ăn cho qua nỗi khổ), giò bì làm từ thịt nạc trộn bì heo, giò thủ làm từ thịt đầu heo, giò lụa làm từ thịt nạc heo... Người dân miền Tây còn có món cá lóc hấp hay nướng, cuốn bánh tráng rất hấp dẫn. Mâm ngũ quả ở miền Nam có đủ các sản vật của miệt vườn mà ít nơi nào bì kịp: dưa hấu, xoài, mãng cầu, đu đủ, vú sữa, quýt, nhãn...



Đặc biệt, ngoài bánh chưng, người dân nơi đây có thêm bánh tét. Nguyên liệu và cách làm cũng gần giống như bánh chưng của niềm Bắc nhưng bánh được gói bằng lá chuối mà không phải bằng lá dong như ở miền Bắc. Nếp thường được xào nước cốt dừa trước khi gói để tăng vị béo và rút ngắn thời gian nấu. Nhân bánh tét cũng có phần phong phú hơn, bánh tét ngoài nhân bằng đậu xanh, thịt ba rọi (thịt ba chỉ) còn có bánh tét nhân đậu đen, nhân chuối. Đặc biệt, còn có loại bánh tét thập cẩm với đủ vị phong phú: trứng, tôm khô, lạp xưởng, hạt sen, thịt giò, trứng bắc thảo, đậu phộng, nấm đông cô trộn với nhân đậu xanh.



Ở miền Tây bánh tét phong phú hơn với bánh tét ngũ sắc, bánh tét lá dứa, bánh tét gấc, ra đảo Phú Quốc thì có bánh tét mật cật, người Cần Thơ có bánh tét lá cẩm, ở Trà Vinh có bánh tét Trà Cuốn rất nổi tiếng... Bánh ở miền Nam không được gói thành hình vuông như bánh chưng mà được gói thành hình chữ nhật, trung bình mỗi đòn có đường kính chừng 10 cm và nặng khoảng 1 kg, dài khoảng 40cm. Gói bánh như vậy cũng bởi khí hậu ở đây nóng, như thế này sẽ để được bánh lâu hơn mà không lo bị mốc.



Tết là dịp dành cho mọi người, mọi nhà cùng nhau sum họp, vui vầy. Bữa cơm đoàn viên ngày Tết là thời khắc đầm ấm, gắn kết mọi người. Bởi thế mà, trong sâu thẳm tiềm thức của mỗi người dân đất Việt dù ở vùng nào, xứ nào thì mâm cơm ngày Tết luôn gắn kết tình thân và luôn mang ý nghĩa thiêng liêng trong mỗi gia đình Việt.

Depplus.vn/MASK
 

 Món Tết ba miền

Do sự khác biệt về thời tiết, phong tục tập quán mà mỗi vùng miền đều có những món ăn ngày Tết đặc trưng với hương vị khó quên.
Tết có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống người Việt vì đây là dịp người thân đoàn tụ, những người con xa xứ trở về quê sau một năm tha hương, là dịp bạn bè gặp gỡ hàn huyên, dịp để thăm viếng nhau khi công việc tạm rảnh rỗi. Vì vậy, việc chuẩn bị những món ăn ngày Tết vô cùng quan trọng.
Mâm cỗ Tết miền Bắc rất tinh tế, là sự phối hợp hài hòa của các món ăn, giữa món nước và món khô, giữa thịt và rau. Đầu tiên là bánh chưng xanh được gói bằng thứ gạo nếp thơm dẻo với màu xanh mướt mắt. Bánh chưng xanh thường ăn với dưa hành, vừa làm tăng hương vị, lại “chống” ngán. Kế đến là thịt đông - món ăn khá lạ lùng: vốn nguội lạnh, lại ăn trong tiết trời lạnh giá và kèm với dưa cải chua mới ngon. Ngoài ra, còn có đĩa xôi ăn với gà luộc rắc lá chanh, giò lụa, giò xào, nem rán, kèm đĩa nộm nhiều rau củ để bữa cỗ thêm ngon miệng. Món nước cũng không kém phần phong phú: nào giò heo hầm với măng lưỡi lợn, bóng nấu thập cẩm, miến nấu lòng gà, rồi bát mọc nước. Người ta còn chuẩn bị thêm nồi cá chép hoặc cá trắm kho riềng, nồi thịt bò kho quế, món nào cũng đậm đà hương vị.
Người miền Trung chuộng sự cầu kỳ tỉ mỉ nên món Tết được chăm chút kỹ lưỡng. Miền Trung không có bánh chưng mà là bánh tét, được gói bằng lá chuối theo hình trụ, ăn với dưa món (củ cải, cà rốt, dưa leo ngâm trong nước mắm đường). Nhiều món nguội như chả, nem chua, tré, hay gỏi. Đặc biệt, mâm cỗ Huế không thể thiếu món tôm chua thịt phay, nem bò lụi, chả tôm, gỏi vả. Tết ở miền Trung còn có món bò nấu thưng, thịt nạc rim và đặc biệt là món giò heo hon, giò heo ướp nghệ tươi giã nát, nấu liu riu đến khi mềm, cho thêm đậu phộng đã bóc vỏ, vừa béo vừa thơm, ăn với xôi trắng rất hợp.
Món ăn Tết miền Nam vô cùng phong phú. Bánh tét không chỉ có nhân thịt heo đậu xanh mà còn biến tấu thành nhiều kiểu như bánh tét chay (chỉ có đậu đen, dừa nạo trộn với nếp); bánh tét ngọt (nhân đậu xanh hay nhân chuối); bánh tét nhân thập cẩm (tôm khô, trứng muối, lạp xưởng, nấm đông cô…), đặc biệt là bánh tét lá cẩm, lá gấc, bánh tét ngũ sắc. Ngoài ra, Tết ở miền Nam không thể thiếu nồi thịt kho tàu. Thịt phải là miếng ba rọi ăn mới không khô, kho với trứng vịt và nước dừa xiêm, miếng thịt mềm rục mà không nát, ăn kèm với dưa giá cải chua. Khổ qua hầm thịt cũng là món đặc trưng ngày Tết của người miền Nam. Người ta ăn khổ qua với mong ước năm mới Tết đến mọi sự khổ cực đều qua đi, mang lại niềm may mắn cho cuộc sống. Nem bì, lòng heo khìa, giò heo nhồi, lạp xưởng tươi, gỏi gà xé phay trộn củ hành, củ kiệu chua, tôm khô kiệu chua cũng là những món ăn Tết thường có. Nếu ngán những món quá nhiều thịt mỡ, người ta làm cá lóc nướng hay hấp, cuốn với bánh tráng, vừa bổ sung thêm rau xanh, vừa dễ ăn.
Ngày nay, do sự giao thoa về văn hóa, mâm cỗ Tết mỗi miền có thể thêm sự góp mặt của món ăn miền khác, tùy theo sở thích của gia đình. Vì vậy, món ăn ngày Tết ngày càng trở nên phong phú, đa dạng và ngon miệng hơn.
Theo Mai Thảo\Phunuonline

Cỗ Tết miền Bắc - truyền thống được giữ gìn

Depplus.vn - Người miền Bắc đón Tết trong tiết se lạnh, xuân về Tết đến mang không khí ấm áp tràn muôn nơi. Những ngày Tết, người miền Bắc quan trọng hơn cả là mâm cỗ cúng gia tiên. Không chỉ đa dạng về món ăn, hình thức đẹp, mâm cỗ còn là niềm hi vọng về một năm mới may mắn.

Dù gia đình còn nhiều thiếu thốn đến đâu, người Việt cũng cố gắng vun vén cho một cái Tết trọn vẹn nhất “vui ba ngày Tết”. Tết Nguyên Đán là khởi đầu cho một năm mới, mâm cỗ Tết thịnh soạn dành để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, mong tổ tiên phù hợp cho một năm mới viên mãn, sức khỏe và hạnh phúc.
Người Hà Nội rất tôn trọng các giá trị truyền thống, mâm cỗ Tết miền Bắc nói chung và ở Hà Nội nói riêng thường rất bài bản, tuân theo các nguyên tắc từ xa xưa. Một mâm cỗ thường có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng. Cỗ ngày xưa phải bày lên mâm gỗ hoặc mâm đồng, đi cùng với bát chiết yêu và đĩa cây mai.


Bốn bát gồm một bát chân giò lợn hầm măng lưỡi, một bát bóng thả, một bát miến và một bát mọc nấm thả. Ngoài ra, nhiều gia đình còn chuẩn bị thêm một bát su hào thái chỉ ninh kỹ, một bát chim hầm để nguyên cả con, một bát gà tần hay nhiều gia đình giàu có xưa còn bày thêm bào ngư, vi cá để mâm cỗ thêm đầy đặn, sang trọng.


Bốn đĩa gồm một đĩa thịt gà, một đĩa thịt lợn, một đĩa giò lụa, một đĩa chả quế. Thậm chí nhiều gia đình còn bày thêm đĩa thịt đông - món ăn đặc trưng cho những ngày lạnh miền Bắc, đĩa giò thủ, đĩa xào hạnh nhân, đĩa cá kho riềng, đĩa nộm su hào hoặc nộm rau cần và nem rán. Món tráng miệng có mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho... Tuy là nhiều món nhưng mỗi món chỉ bày vào một bát hay đĩa nhỏ nên mâm cỗ Tết vừa đa dạng, hài hòa, lại đẹp mắt.



Ngoài ra, mâm cỗ Tết đầy đủ không thể thiếu được bánh chưng, xôi gấc và đĩa dưa hành nén. Chính vì thế nên mỗi độ Tết đến xuân về lòng người lại xốn xang rạo rực với:

“ Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh”


Ngày nay, cuộc sống bận rộn, các nét truyền thống dù không bị mất đi nhiều nhưng cũng dần thay đổi hợp với xu hướng hiện đại. Mâm cỗ Tết ngày nay không chỉ có những món thuần Việt mà còn du nhập thêm các món ăn từ nền văn hóa khác. Nhưng những món ăn chính như bánh chưng, dưa hành, giò lụa, giò thủ, nem, nộm su hào, canh bóng bì, canh măng chân giò, miến nấu và một đĩa xào…vẫn luôn đủ đầy, để tiếp nối giá trị ngàn năm, để mâm cỗ Tết trọn vẹn ý nghĩa đoàn viên, may mắn.

T.H (Depplus.vn/MASK)


Món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng mồng 1 Tết

  .(Kienthuc.net.vn) - Mâm cỗ Tết cổ truyền ở miền Bắc theo lệ là bốn bát, bốn đĩa, cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa… Dưới đây là những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ngày Tết.

  Mâm cỗ Tết cổ truyền ở miền Bắc theo lệ là bốn bát, bốn đĩa, cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa… Dưới đây là những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ngày Tết

  Canh bóng thập cẩm

  Canh măng hầm móng giò. 

  Miến xào lòng gà. 

  

 Một đĩa rau quả xào thập cẩm.

  Dưa hành muối chua:  Mâm cơm cúng ngày Tết của miền Bắc không bao giờ thiếu món dưa hành muối chua để ăn cùng giò xào và bánh chưng. 

  Giò xào: Thịt lợn phần thịt mỡ và thịt thủ sẽ dùng để chế biến món giò xào cho dễ ăn... 

  Bánh chưng xanh. Bánh chưng thường được gói từ 26, 27 Tết và luôn xuất hiện trong mọi mâm cơm ngày Tết.

  Giò lụa: Giò lụa được làm toàn bộ từ thịt lợn nạc tươi là món ăn xuất hiện từ lâu trong mâm cỗ cúng của người Việt. 

  Mâm cỗ cúng cũng luôn có một món nộm. Có thể là nộm đu đủ, nộm hoa quả, nộm ngó sen... 

 Đĩa xôi gấc đỏ tươi: Xôi gấc như thể hiện mong ước được nhiều may mắn trong năm mới 

 Thịt gà: Thịt gà dùng trong ngày năm mới phải là thịt gà trống thiến được làm sẵn từ chiều 30.  

 Ngọc Nga




Mâm cỗ Tết truyền thống của người Việt Nam

(TTXVN) 

Mâm cơm cúng Tất niên. Mâm cơm cúng Tất niên.
Cỗ là một bữa ăn có nhiều món ngon, đặc biệt mà ngày thường không có. Tết người Việt Nam nhất thiết phải có mâm cỗ, nếu không có cỗ thì không thể gọi là Tết.

Mâm cỗ Việt Nam bao giờ cũng thịnh soạn, nhiều màu sắc, với các bát đĩa cao, thấp, đầy, vơi khác nhau. Màu xanh của bánh chưng chen lẫn màu xôi gấc đỏ tươi, miếng măng màu vàng, chiếc nấm hương như chiếc dù xinh xinh, đĩa giò lụa hồng hồng...

Người Việt Nam có từ ghép là ăn cỗ, bởi có nghèo đến đâu, Tết cũng phải có mâm cỗ. Trước hết là để cúng ông bà, tổ tiên, sau nữa là để vui vầy sum họp, có cái "nâng lên đặt xuống" cho con cháu đỡ tủi. Dù ngày nay, ở thành phố lớn, Tết đến, người ta "chơi" Tết còn quan trọng hơn ăn Tết.

Thông thường một mâm cỗ có tám bát và tám đĩa chính, không kể đĩa dưa hành, rau xà lách, bánh chưng, xôi gấc. Nhưng tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình mà thêm món này, bớt món khác, vào thời bao cấp, mâm cỗ được rút xuống thành 4 bát 6 đĩa. Những món đặc sản, cao cấp đắt tiền được phép "cho qua" nhưng cái chính là mâm cỗ phải đầy đặn, ngon mắt, ngon miệng để người ăn được no nê.

Tám bát nước nấu thông thường là bát măng lưỡi lợn hầm châm giò, nhừ tơi, đặt lên lưỡi nó đã muốn tan ra, trên mặt bát còn trang trí mấy sợi miến tàu trong vắt, vài củ hành đã chín nhưng vẫn còn giữ nguyên màu xanh lục và lồng khồng vài sợi rau mùi. Gắp một miếng măng đã nhừ ấy còn ngon ngọt hơn miếng chân giò và khi chan thìa nước măng sẽ cảm thấy chất ngọt của xương thịt đã tan vào trong đó như thế nào.

Bát thứ hai là bát bóng bì, đó là thứ bì lợn phơi khô, rang lên cho nở phồng, được ngâm, được tẩy, cắt thành những hình quả trám, trong suốt mọng nước, nổi lập lờ trên là su hào, cà rốt tỉa thành hình hoa lá có trắng, có vàng, có da cam, tất cả ngập chìm trong thứ nước dùng ngọt lịm.

Bát thứ ba là mực nấu, su hào thái chỉ ninh kỹ, mực khô thái ngang thớ và cũng thái chỉ, xào riêng xong đặt lên chân tẩy là su hào trắng muốt, cũng thêm vài ba sợi rau mùi làm gia vị và cũng để trang trí cho hấp dẫn.

Bát thứ tư là nấm thả, đó là những cây nấm hương đã cắt hết chân, bây giờ nó nằm trong thứ nước dùng ngọt thanh, mỗi cây nấm ôm lấy một viên giò sống mang vị ngọt đậm.

Bát thứ năm là vây cá thủ trong suốt giòn sần sật, trông hơi giống sợi miến nhưng là sụn cá được tẩy kỹ, giả làm yến xào. Nhà bình dân ít có món này.

Bát thứ sáu là một con chim hầm, để nguyên cả con, nhồi vào bụng nó những cốm non, hạt sen, ý dĩ, thịt nạc, nấm hương, mộc nhĩ, thịt lợn vai băm nhỏ, được hầm nhừ tơi, cầm cái cánh con chim mà gỡ có thể tuột hết cả bộ xương chim xuống.

Cũng tương tự, một bát thứ bảy là gà tần, công thức gần giống với chim hầm.
Bát thứ tám là miến nấu lòng gà, miếng mề tỉa thành hoa, cong cong những tia nhỏ như cánh hoa khô bừng nở, nằm trên những sợi miến tầu không nát chút nào mà còn giữ nguyên vị giòn của bột đỗ xanh làm miến...


Tám đĩa được xếp quanh mâm cỗ, đĩa nọ xen đĩa kia, trước hết là đĩa thịt gà úp xấp sau khi bày, phô ra màu vàng của da gà béo ngậy, dưới lớp lá chanh thái chỉ xanh óng và lấp lánh màu cây lá vườn quê.

Đĩa thứ hai và thứ ba là giò lụa và chả quế. Giò lụa phơn phớt màu phấn hồng, còn chả quế có một mặt là màu da cam do bột quế và được nướng trên than hoa. Một đĩa thịt đông chất thạch trong suốt làm mát tê đầu lưỡi, trong khi đĩa cá kho mặn mòi, một khúc giữa thân con cá chép hay trắm, đặt vừa hết lòng đĩa, cái ruột rỗng, bây giờ nó là một hình con thoi màu cánh gián.

Một đĩa gà rán hay lạp xường hấp thái mỏng tang, mỗi miếng là một hình ô van xinh xinh sẽ làm cho bánh chưng đỡ ngán. Một đĩa giò thủ, tức giò xào. Đó là miếng tai miếng thủ thái xô xào lên rồi ép chặt bằng hai thanh tre suốt một đêm, khi gỡ ra nó quyện vào nhau thành một khối và mang hình gần giống con số 8 hay chiếc đàn vĩ cầm...

Ấy là không kể một khuôn bánh chưng xanh, vuông thành sắc cạnh, đặt trong lòng đĩa to đã cắt thành 8 miếng như khuôn hình ô tướng sĩ trong bàn cờ tướng. Và còn đĩa xôi gấc màu đỏ tươi lùm lùm như nửa hình cầu, điểm xuyết một vài chấm đen huyền là hạt gấc lẫn vào. Một đĩa dưa hành nén, tuy đóng vai phụ nhưng nó quan trọng vì nó là chất gây thèm ăn, không làm ngán cái lưỡi và làm đồ ăn dễ tiêu hơn vì toàn những món ăn "nặng". Có gia đình còn làm nem rán có màu nâu cánh gián, đi kèm với xà lách, hoặc đĩa nộm rau câu, nộm sứa chua cay, nộm ngó sen thi vị.

Tết thường trùng vào cữ đại hàn, rét đậm nên món thịt đông luôn xuất hiện, cũng như món cá kho Tết không phải là cá tạp kho tương như ngày thường mà cuối năm tát ao, con cá chép to nhất thường để dành để ăn Tết. Nó được kho với nước mắm ngon, lót nồi bằng thịt ba chỉ cho miếng cá không bị khô. Và ăn nó với bánh chưng thì không có cảm giác bứ một chút nào vì nó đậm miệng.

Mâm cỗ Việt Nam bao giờ cũng ngon lành, thịnh soạn. Không những thế, nó còn đẹp nữa với nhiều màu sắc, với các bát đĩa cao thấp đầy vơi khác nhau. Đó là cỗ xưa, Nhiều năm nay mâm cỗ Tết đã khác cả về số lượng và chất lượng.

Bữa cỗ ngày nay không còn nhiều ranh giới giữa nông thôn và thành thị, giữa người giàu và nghèo nữa. Đâu đâu cũng là giò nem ninh mọc, thịt gà thịt bò tôm mực, bia lon.... Người ta còn mua thêm cả đồ Tây như dăm bông xúc xích, đồ Tầu như lạp sường xá xíu....

Theo đà phát triển của nền kinh tế, nhân dân ta ăn tết to hơn trước. Tuy có pha một tý Tây Tàu, nhưng cái cốt lõi phong tục ngàn đời là: Tống cựu nghinh tân, cúng bái tổ tiên, kính già quý trẻ, giao tiếp thanh lịch, vui chơi văn nghệ thể thao, du Xuân năm mới và bánh chưng, thịt lợn, dưa hành vẫn còn nguyên. Âu đó cũng là một phần quốc hồn quốc túy vậy./.
Mâm cỗ truyền thống của người Việt
.
TTO - Tết thường bắt đầu từ 30 tháng Chạp (ít nhất đến mùng 4, mùng 5) ở một số nơi, người ta ăn Tết vui chơi, hội hè đình đám…kéo dài đến hết tháng Giêng. Thế nhưng, việc chuẩn bị có khi bắt đầu từ những ngày đầu tháng Chạp và phải hoàn tất trước buổi trưa ngày 30. Đây cũng là cách con cháu thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên của mình.
Tùy vào điều kiện mỗi gia đình mà sắp xếp chuẩn bị mâm cỗ lớn cúng đón rước ông bà vào buổi trưa hoặc buổi chiều 30, và mâm cỗ vào ngày mồng 3 hoặc mồng 4 Tết để tiễn ông bà đi gọi là cúng đưa.
Do điều kiện địa lý, thói quen trong ăn uống, phong tục của từng miền. Nên mỗi miền có mâm cỗ Tết khác nhau.Ở miền Bắc gọi là mâm cỗ, miền Trung gọi là mâm cộ, miền Nam gọi là mâm cơm cúng ông bà.
Mâm cỗ Tết miền Bắc theo đúng bài bản, thường thì 4 bát, 4 dĩa. Cỗ lớn thì 6 bát, 6 dĩa hoặc 8 bát, 8 dĩa…có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng.
Trước khi dâng cúng tổ tiên thì dùng giấy trang kim đậy các bát, đĩa thức ăn lại cho vệ sinh, tinh khiết và đẹp mắt.
Bốn bát, bốn dĩa gồm: bát giò heo hầm măng lưỡi lợn, bát bóng thả, bát miến, bát mọc. Bốn dĩa gồm: dĩa thịt gà, dĩa thịt heo, dĩa giò lụa, dĩa chả quế.
Rồi có thể thêm những dĩa như: dĩa thịt đông, dĩa giò thủ, dĩa xào hạnh nhân, dĩa lạp xưởng khô, dĩa trứng muối, dĩa cá kho riềng, dĩa nộm sứa hoặc nộm rau quả….
Bánh Tết ở miền Bắc phổ biến nhất là bánh chưng ăn kèm dưa hành.
Món tráng miệng đặc trưng thì có mứt sen, mứt quất, mứt gừng, hồng khô, ô mai mơ gừng….Đặc biệt món chè kho có tính giải độc và giả rượu.
.
Mâm cơm cúng ông bà ngày 30 Tết ở miền Nam, luôn luôn có thịt heo kho nước dừa với trứng hoặc cá lóc kèm dưa giá, canh khổ qua nhồi thịt (khổ qua là mướp đắng, nhưng người Nam bộ muốn chơi chữ đồng âm theo nghĩa Tiếng Việt).
Theo dân gian thì khổ qua là món ăn mong muốn sự khổ cực trong năm cũ qua đi, để tiếp đón điều tốt đẹp trong năm mới.
Các món nguội như gỏi ngó sen, tai heo ngâm dấm, tôm khô-củ kiệu, giò heo nhồi, lạp xưởng tươi,phá lấu,nem, chả.
Miền Nam phổ biến nhất là bánh tét ăn kèm cà rốt, củ cải ngâm nước mắm.
Món tráng miệng: có các loại mứt trái cây như: mứt dừa, mứt me, mứt khoai, mứt ổi, mứt mảng cầu, mứt củ năng,bánh ít ngọt, kẹo thèo lèo và kẹo chuối,…
Ngoài ra còn có món tráng miệng rất đặc sắc là cơm rượu.
Mâm cộ Tết miền Trung thì có các món nước như: gà tiềm hạt sen, canh hoa Kim Châm với tôm thịt, giò heo hầm.
Các món mặn như: tôm rim, thịt kho tàu, cuốn ram, thịt hon, gà rán, thịt phay, nem, chả, tré,thịt ngâm nước mắm…Rồi có thêm các món đồ mộc như: măng khô xào thịt, mít trộn, giá xào nham…
Món tráng miệng rất phong phú, có mứt cam quật, mứt sen, mứt gừng như miền Bắc,có mứt me, mứt dừa…như miền Nam.Ngoài ra có thêm mứt củ bình tinh, mứt củ khoai mài, mứt củ sen, mứt chanh, mứt khế. Bánh thì có bánh sen tán,bánh măng,bánh mận, bánh bó mứt, bánh thuẩn, bánh phục linh, bánh nổ, bánh tổ….
Ở miền Trung có cả bánh chưng và bánh tét ăn kèm dưa món.
Mâm cỗ miền Trung trong dân gian thì có cả bánh chưng và bánh tét. Nhưng mâm cỗ tiến cúng ở miếu điện trong cung đình thì chỉ dâng cúng bánh chưng chứ bánh tét thì không dùng làm vật phẩm để dâng cúng tổ tiên.
Khác với mâm sinh soạn để cúng tế trời đất, thần thánh, vua chúa...Như vào những dịp nhà vua tế Trời ở đàn Nam Giao hoặc tế các vị Tiên đế ở Thế miếu…Vật phẩm là bộ tam sinh (trâu, heo,dê) để nguyên con chưa qua chế biến,lễ vật này còn gọi là cỗ thái lao. Hoặc ngoài dân gian khi cúng Đất thì bộ tam sinh là miếng thịt heo, con cua, cái trứng chỉ luộc chín chứ không chế biến.
Còn mâm cơm để cúng ông bà trong 3 ngày Tết là mâm cỗ có nhiều món ăn được chế biến, gồm đủ các thành phần : Thượng cầm: các loại gia cầm biết bay như chim, gà, vịt,…Hạ thú: các gia súc trên mặt đất như: heo, bò, gà..Rồi các loài thủy tộc dưới nước như:  tôm, cua, cá… trong dân gian mâm cơm như vậy được gọi là hào soạn
Trong cung đình mâm cỗ để tiến cúng ở miếu điện gọi là ngọc soạn, gồm các món ăn được chế biến từ các thành phần sơn hào hải vị quý hiếm trong cả nước, được chế biến công phu và trình bày kiểu cách tỉ mỉ.
Các món ăn như là:chim sâm cầm nhồi yến, hải sâm nấu độn,vi cá nấu rối, món nấu bong bóng cá đường, món nấu cửu khổng,gân nai ,nem công, chả phượng,…
Món tráng miệng có các loại mứt như mứt nhân sâm, mứt bát bửu làm từ các loại mứt quý và thịt heo quay.Mứt cam sành còn nguyên trái, mứt các loại củ quả như bí đao, đu đủ, gừng,…gọt tỉa thành hình bát bửu hoặc các con vật trong tứ linh như long, lân, qui, phụng…rim khô.
Bánh ngọt thường là loại bánh khô, làm từ bột ngũ cốc đóng trong khuôn chữ nhật có in hình hoa mai, hoa đào, hoặc chữ phước, lộc , thọ…gói trong giấy ngũ sắc-như mang lời chúc tốt lành đầu năm.
Ngoài ra có loại bánh bắt hình các nhánh lộc, hoa mai, hoa đào, các loại trái cây như trái phật thủ, trái lựu,trái đào, nhân sâm…đem sấy khô được xếp thành hình tháp trên quả bồng sơn son thếp vàng, hoặc bằng sứ men lam để dâng cúng tổ tiên.
Bên cạnh những mâm hào soạn ở ngoài dân gian và ngọc soạn trong chốn cung đình, thì ở miền Trung vào những ngày đầu năm những gia đình theo Phật giáo có mâm cơm chay ngày mồng một gọi là mâm trai soạn để cúng tổ tiên.
Qua mâm cỗ ngày Tết của dân tộc, chúng ta thấy rằng món ăn Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Từ các món dân giả như măng hầm, mít trộn… cho đến các món ăn cao cấp được chế biến bằng nguyên liệu trong nước. Có đủ sơn hào hải vị mà thế giới công nhận quý hiếm, bổ dưỡng như yến sào, bào ngư, vi cá…Đó là những món ăn Việt Nam có từ lâu đời, nhưng rất tiếc suốt một thời gian dài chúng ta xem đó như là một món ăn đặc biệt của người Trung Hoa
Trong mâm cổ 3 miền truyền thống trước đây, thường không có món thịt bò. Sau này, khoảng đầu thế kỷ 20, khi ảnh hưởng phương Tây tràn vào, thì các món ăn được chế biến từ thịt bò mới được phổ biến. Và trong mâm cỗ Tết ngày nay, bên cạnh những món ăn truyền thống thì có thêm những món ăn mới bổ sung, tiếp thu cách thức chế biến của nhiều nước trên thế giới như món  thịt nấu rượu chát, ca ri ,ra gu,…
Nhìn chung mâm cổ ngày Tết của 3 miền có một vài điểm khác biệt tùy theo địa phương. Nhưng đặc điểm căn bản mà miền nào cũng phải có trong mâm cổ là cơm và xôi, đặc biệt là bánh chưng,bánh tét ăn kèm với các loại dưa muối đặc trưng của từng miền – là loại bánh Tết của người Việt Nam, mặc dù hình thức và ý nghĩa khác nhau, như bánh chưng tượng trưng cho Đất là âm, bánh té khi cắt lát ra từng khoanh tròn tượng trưng cho Trời là dương nhưng nguyên vật liệu gần như không có gì khác biệt. Đó là đặc điểm chung nhất phản ánh bản sắc văn hóa,lịch sử,địa lý… của một đất nước có nền văn minh lúa nước như chúng ta.
HỒ THỊ HOÀNG ANH

Mâm cỗ cúng tất niên của người miền Tây Nam bộ

Ở miền Tây Nam bộ, cứ vào chiều tối 30 (hay 29), nấu nướng xong xuôi, vợ chồng con cháu tựu họp đủ mặt là bắt đầu dọn đồ cúng để làm lễ rước ông bà.
Mâm cơm cúng ông bà dọn trên bàn thờ chính thì dù nghèo đến đâu cũng cố gắng lo được nồi khổ qua hầm dồn thịt; tô thịt kho nước dừa, trứng vịt; cá lóc nướng trui; với mấy chén cơm gạo mới. Nhà khá hơn có thêm con gà luộc chéo cánh, hay thịt heo quay, bánh hỏi, lạp xưởng, tôm khô củ kiệu, khô vịt, … Và tất nhiên đã làm mâm cúng thì không thể thiếu bình trà và chai rượu đế.

Ngoài ra, còn có hai mâm cho hai bàn thờ nhỏ bên phải, bên trái (để cúng bà con bên nội bên ngoại), trên bàn nước kế bàn thờ lớn một mâm (để cúng đất đai); ngoài ra, trên bộ ván hay chõng tre bên trái hoặc bên phải bàn nước cũng có bày thêm một mâm nữa để cúng các vong linh cơ nhỡ, dân gian gọi là cúng cô hồn các đản. Như vậy, nếu chuẩn bị đầy đủ phải tới năm mâm. Gọi vậy chứ thực tế thường trên bàn thờ chính là tươm tất, còn lại các món ăn được bày lan tràn theo chỗ trống, và cũng không quá cầu toàn.
Bàn thờ ngày tết (ảnh minh họa; nguồn: Internet)

Trừ bàn thờ chính, mỗi mâm cúng khác phải có một chỗ cắm nhang (có khi đó là cái ly đựng gạo, hoặc khúc thân chuối, thân bụp dừa nước, gọt sạch sẽ), cặp đèn (không có thì úp ngược chén, lấy chai, lấy lon dùng tạm), ba chung nước, ba chung rượu, ba chén cơm bới lưng, ba đôi đũa. Trong dân gian còn quan niệm riêng mâm cúng cô hồn trên ván phải có cả bó đũa vì rước nhiều vong hồn vất vơ vất vưởng.
Bày biện xong, nhang đèn đốt lên, hương trầm nghi ngút, gia chủ ăn mặc chỉnh tề, đốt đèn cầy và bó nhang, đứng trước bàn nước có mâm cúng đất đai, quay mặt về bàn thờ lớn, hai tay kẹp chặt bó nhang mới đốt đưa lên ngang trán, xưng họ, tên, lý lịch, khấn nguyện đất đai viên trạch, xin phép rồi kính rước vong linh tổ tiên, ông bà, dòng họ về chung vui ăn Tết với gia đình. Đoạn gia chủ cắm nhang từng mâm, đầu tiên là mâm đất đai, bàn thờ chính, bên nội, bên ngoại, mâm trên ván cúng cô hồn, mỗi mâm xá ba xá rồi trở về chỗ cũ bái tạ bốn lạy ba xá.
Cúng ông bà ngày tết (ảnh minh họa cho bài viết; Ảnh: Tuý Phượng)
Sau gia chủ, đến vợ và con cháu, lần lượt kỉnh bái ra mắt tổ tiên với bốn lạy ba xá, khỏi đốt nhang, khỏi đi xá từng mâm cúng. Tiếp đến gia chủ châm rượu ở các mâm, châm ba tuần rượu, nhang gần tàn thì đổ các chung nước lạnh để châm trà. Đợi nhang tàn, gia chủ ra đại diện gia đình bái tạ bốn lạy ba xá là xong lễ rước ông bà.
Thức ăn dọn xuống, cả gia đình, anh em họ hàng quây quần vui vẻ. Tiệc tàn cũng là lúc mọi người bắt tay vào làm nốt một số việc còn lại để chuẩn bị đón giao thừa, mừng năm mới. Nét đẹp của phong tục này đến nay vẫn được bảo tồn và lưu giữ.
Quanh năm suốt tháng, mọi người đều phải lo làm ăn để kiếm sống, có người phải đi làm ăn nơi đất khách quê người. Ba mươi tất niên, ai ai cũng tất bật về nhà chuẩn bị cúng rước ông bà. Lễ xong, trong khói hương trầm thơm ngát, đủ mặt anh em, con cháu quây quần bên mâm tết. Cơm nóng với chung rượu ấm nồng, người ta hàn huyên công việc đã làm trong năm qua cũng như những dự định trong năm mới, … tình thâm ruột thịt càng gắn kết, tình làng nghĩa xóm được khắc sâu hơn
Minh Khuyên (Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét