Trong suốt 3 ngày kể từ giao thừa đến ngày mùng 3 Tết, người phụ nữ được ăn chơi, tất cả mọi việc nhà cửa, bếp núc, con cái... đều được giao cho người đàn ông.
Lên Mường Khương (Lào Cai) những ngày giáp Tết, du khách sẽ thấy một màu xanh bạt ngàn của ngô, lúa. Văng vẳng giữa không gian núi rừng đang độ vào xuân, là những điệu dân ca tha thiết với cung bậc trầm lắng, say đắm lòng người. Nam nữ hát giao duyên, kết bạn, người già, người trẻ hát ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước, họ cùng nhau vui vầy chuẩn bị đón cái Tết đang sắp đến gần.
Thường vào mỗi dịp Tết nguyên đán, người Nùng Dín lại mổ lợn đón xuân. Khác so với một số dân tộc khác, người Nùng Dín ăn tết rất dài, từ ngày 28 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng nên nhà nào cũng chuẩn bị từ rất sớm. Dù lợn to hay bé, mỗi gia đình đều để giành từ rất lâu để chế biến món ăn cho những ngày Tết.
Trong những ngày này, người phụ nữ tất bật và vất vả nhất. Họ sửa sang, trang hoàng nhà cửa, dán giấy đỏ, dọn dẹp nhà cửa sân vườn, lo thức ăn cho gia súc, gia cầm. Khoảng ngày 26, 27 âm lịch, họ đã gói bánh chưng, ngâm gạo nấu xôi, chuẩn bị mâm thờ tổ tiên ngày Tết.
Ngoài món thịt để làm nhân bánh chưng, người Nùng Dín còn làm món thịt gừng thơm nổi tiếng. Là một món ăn giản dị, nhưng món thịt gừng lại có hương vị rất riêng. Để làm món ăn này, người ta tận dụng tất cả các loại xương sống, xương sườn và thủ tươi nguyên không được rửa qua nước đem băm nhỏ, sau đó đổ một lượng khá nhiều gừng giã nhỏ, vắt bớt nước rồi trộn vào với nhau, thêm một chút muối bóp lên cho rực mùi gừng. Để bảo quản và giữ được sự tươi ngon của thức ăn, họ cho thêm một chút rượu.
Sau công đoạn đó, thịt được cho vào loại chum rồi đổ nước, giữ nhiệt độ, sau đó, đậy kín miệng chum bằng tấm ni lông kín, mỗi bữa ăn sẽ lấy một chút rồi nấu chín. Để giữ được món ăn có độ thơm, hấp dẫn, người ta hay cho vào hấp, rồi rắc thêm chút hạt tiêu, rau thơm lên phía trên. Còn món nấu sẽ đổ một lượng nước tương xứng với lượng thức ăn rồi đem lên đun chín, nêm nếm gia vị mì chính, hạt tiêu hoặc rắc chút cần tây. Vị ngọt của xương thịt, quyện với cái mặn mà của muối, hương vị cay nóng của gừng già và phảng phất mùi rượu ngô thơm nồng đã tạo thành một món ăn hấp dẫn ngày tết.
Ngoài ra, món xôi 7 màu dẻo, thơm và bổ dưỡng thường được ăn cùng với muối vừng đen và thịt gà nướng cũng là món ăn thường được chế biến trong ngày tết. Bảy màu của xôi (đỏ tươi, hồng, đỏ thắm, xanh cửu long, xanh vàng, xanh lá chuối, vàng) thường được tạo ra từ các loại cây lá như cây hoa vàng, cây nghệ...trông rất bắt mắt. Thường gạo để đồ xôi là loại nếp thơm ngon nhất, hạt to, ngâm trong nước lạnh khoảng 10 tiếng rồi cho màu vào ngâm cùng, sau đó cho vào nồi, mỗi góc một màu tạo nên một mâm cỗ hấp dẫn.
Với người dân tộc Nùng Dín, vào ngày Tết còn có một phong tục rất đặc sắc, đó là dịp để tôn vinh người phụ nữ. Để ghi công của những người phụ nữ đã chăm lo ruộng nương, con cái, nhà cửa, nội trợ... trong suốt 3 ngày kể từ giao thừa đến ngày 3 Tết, người phụ nữ được ăn chơi không phải làm bất cứ việc gì. Tất cả mọi việc nhà cửa, bếp núc, con cái... đều được giao cho người đàn ông. Họ phải dậy sớm làm mâm cúng gia tiên sáng mùng 1, ngày mùng 2 cúng thổ địa và ngày mùng 3 hóa vàng. Mọi việc đều được làm rất khẽ khàng để tránh tiếng động, để cho người phụ nữ không bị thức giấc.
Sau khi làm lễ cúng xong, họ sẽ đun nước nóng, pha nước rửa mặt, rửa chân và gọi những người phụ nữ trong nhà dậy đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo mới ngồi vào mâm cỗ đã được dọn sẵn. Trong lúc ăn, người phụ nữ không phải phục vụ đứng dậy bưng bê. Sau đó, họ diện quần áo mới đi chơi thỏa thích, chờ đến bữa sau.
Anh Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét