Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Ly kỳ chuyện trà nhập tiệc

Dân ta vốn gối đầu trên nhiều nền văn minh rực rỡ như: lúa nước, trà. Song thật buồn là khả năng ứng dụng vẫn chưa cao, tạo bao lãng phí và thua thiệt đáng tiếc. Sao không thử “bóc lột” trà?


 Ly kỳ chuyện trà nhập tiệc 1
Cuốn hút thịt gà nấu canh (lẩu) chua - nhờ những lá trà xanh
Ngước nhìn hào quang
Cách nói hình tượng này thật mâu thuẫn và có phần thô thiển với tinh thần trà đạo: thư thái tận hưởng tinh hoa của đất trời, lúc khoan thai hớp ngụm trà móc câu phớt màu xanh ngọc, tỏa hương thơm thanh khiết trong làn sương sớm.
Thế nhưng, mọi thói quen lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ in hằn nên lối mòn cũ kỹ. Đến nỗi, cứ nhắc đến trà, không ít người nghĩ ngay đến việc chuyện pha trà sao cho đúng điệu chứ hiếm khi thử lửa với các món ăn thông dụng cũng như cao cấp, gia giảm vài muỗng nước huyền diệu ấy.
Thật ra, vẫn có một bộ phận hoàng tộc triều Nguyễn rất giỏi ứng dụng về trà trong y thực Việt (ăn uống thay thuốc đến mức hoàn hảo). Đó là sự kế thừa tinh khôn của cha ông ta qua bao lần thử và sai, trong những trải nghiệm thực tế, đôi khi phải trá giá bằng cả sinh mạng.
Và khổ nỗi, những tinh túy ấy không phải ai cũng tiếp cận, kế thừa được. Phần lớn, do sợ bị rò rỉ hoặc nhiễu thông tin!
Trời thương, người viết cùng vài đồng nghiệp được hàm thụ những công dụng tinh diệu của trà từ ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, thầy thuốc thừa truyền của vương triều Nguyễn, ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Quả là một núi tri thức cao thâm, diễm lệ của nền ẩm thực cung đình chính hiệu.
Muốn tập tành làm theo, trước hết người thực hiện phải vững nghề thuốc Nam, cũng như có những tố chất cần thiết của một đầu bếp giỏi... Tóm lại, mớ kiến thức quý báu ấy lộng lẫy như những viên kim cương đắt giá lại hiếm người đủ khả năng thẩm định, giao thương.
Khoảnh khắc thăng hoa
Dài vòng đôi chút, bởi tôi muốn chia sẻ cùng quý đọc giả những ứng nghiệm thú vị về trà, theo cách phổ thông. Tất nhiên, sẽ có nhiều sơ sót, rất mong nhận được những góp ý chân tình của các bậc cao minh.
Cứ gọi là gấp như Tết đi! Hiện dư lượng chất bảo quản độc hại trong cá tôm, gà vịt... không thiếu. Xử lý bằng cách nào? Ngâm qua ít nước trà đậm đặc, loại chế biến theo lối thủ công hoặc những thương hiệu trà uy tín khoảng 15 - 20 phút. Sẽ giảm thiểu phần nào. Bởi công dụng tiện ích nhất của loại nước giải khát này là khử độc. Đồng thời, những mùi tanh hôi, tạp khuẩn trong thực phẩm cũng bị khử sạch.
Ly kỳ chuyện trà nhập tiệc 2
Trà làm nhạc trưởng trong món “chả mắm giao hưởng” 
Đi đôi với mẹo nhỏ vừa nêu là, những món ngon không to tát, nhưng có thể giúp bữa cơm gia đình thêm đầm ấm, thanh tân khẩu vị. Ví như: cá nục kho lá trà xanh, cá kèo om trà, canh gà (vịt) nấu trà...
Thế nhưng đó là những món trà lộ diện, còn có những món trà ẩn mặt. Trong những tình huống như vậy, thứ nước uống tinh tế kia không khác bà tiên, ông bụt nấp gọn trong... gói hoặc luống trà xinh!
Giả sử như bạn đang kho thịt, nấu lẩu hải sản... lỡ nêm hơi mặn do lơ đễnh. Cứ an tâm nêm từ từ từng muỗng cà phê nước cốt trà vào. Rồi điều kỳ diệu sẽ đến!
Tương tự, món ăn lỡ chua lè, tinh chất giúp tỉnh ngủ, minh mẫn hơn vừa kể cũng hóa giải được!
Đáng kể hơn, mặc dù trà trực tiếp “nhúng tay” giàn xếp hoặc tương tác hay “giáo huấn” để mùi vị món ăn không kịp... nổi loạn. Song, tinh chất của thực phẩm càng được nâng cao, mà lượng vẫn không thay đổi nhiều. 
 
Tin rằng, trà Việt sẽ làm nên nhiều kỳ tích khác - rạng rỡ như dáng xuân!

Tạ Tri (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét