Cũng giống như các miền khác trên tổ quốc, người miền Bắc đã rộn ràng chuẩn bị đón Tết từ đầu tháng Chạp.
Rộn ràng chuẩn bị đón xuân
Cứ trước Tết là các bà các cô lại nô nức đi chợ, sắm sửa cho gia đình, người người đua nhau sắm Tết chả thế mà người ta vẫn hay gọi là “ăn Tết” nhiều hơn là “chơi Tết”. Chợ ngập tràn hàng hóa, bày bán đủ thứ đồ, chợ Tết miền Bắc bao giờ cũng sẽ có đủ những thứ trái, quả để chuẩn bị cho mâm ngũ quả thật tươm tất. Cái không khí háo hức lúc giáp Xuân luôn khiến cho lòng người rạo rực.
Năm mới đến, ai ai cũng mong muốn mọi thứ đều mới mẻ và thật sạch sẽ như vậy sẽ có được may mắn trong năm sau vì thế nhà nhà đã tất tả dọn dẹp và bắt đầu mua sắm cho Tết ngay từ đầu tháng Chạp.
Hoa đào - loài hoa xuân của xứ Bắc
Nếu như miền Trung và Nam chọn hoa mai làm loài hoa biểu tượng của tết thì miền Bắc lại chọn hoa đào. Đây là loài hoa tượng trưng cho sự may mắn thế nên, mõi khi Tết đến nhà ai cũng chọn một cành đào thật ưng ý cắm trên bàn thờ hoặc trang trí trong nhà với ước mong mang lại sự an lành, hạnh phúc Chỉ trồng được ở miền Bắc, hoa đào được ưa chuộng trong những ngày Tết bởi sắc đỏ thắm rực rỡ may mắn.
Sắc đào sẽ sưởi ấm lòng người và vạn vật sau những ngày đông giá lạnh, dưới làn mưa xuân, đào bích, đào phai càng thêm quyến rũ. Nếu Tết Bắc mà thiếu đào là thiếu luôn cái hương sắc của nàng xuân.
Mâm ngũ quả rực rỡ
Đối với người Bắc, mâm ngủ quả không nhất thiết phải chuẩn bị đầy đủ các loại quả để đọc lái thành một câu trọn vẹn ý nghĩa như trong Nam nhưng trước hết là phải đẹp. Thường trên mâm ngũ quả có 5 loại trái cây chính là chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Cách bài trí cũng khá đơn giản, nải chuối được đặt ở dưới cùng đỡ lấy toàn bộ các cây trái khác. So với trong Nam thì mâm ngũ quả ở ngoài Bắc nhỏ hơn.
Ngoài mâm ngũ quả, tủ thờ còn có bát đũa, những gói bánh nhiều màu, những gói kẹo lớn và 2 cây mía ở 2 bên để cho ông bà, ông vải chống gậy lên trời cầu bình an cho con cháu. Vì là nơi đầu tiên khách nhìn thấy khi bước chân vào nhà nên tủ thờ sẽ là nơi bày biện đẹp mắt nhất. Người Bắc khá coi trọng hình thức vì thế họ luôn thể hiện khả năng kinh tế của mình cho khách khứa biết thông qua các loại hàng hóa bày trên tủ thờ. Bây giờ, thói quen để rượu gạo lên tủ thờ đã thưa dần thay vào là rượu ngoại đắt tiền và bắt mắt.
Cỗ tết cầu kì
Cũng như các miền khác trên đất nước, người Việt đều dành những gì tinh tuý và tốt nhất cho những ngày Tết, đặc biệt là mâm cỗ – mâm cơm đặc biệt nhất trong năm, một mâm cơm đoàn viên, sum vầy cả gia đình.
Ăn Tết Bắc thì không thể bỏ qua món bánh chưng ăn kèm dưa hành. Bởi thời tiết mùa đông đặc trưng của xứ Bắc là rét lạnh nên những món ăn như giò xào, thịt nấu đông trở thành những món gắn đặc biệt liền với Tết. Món chè kho từ lâu đã trở thành món ăn thân thiết, luôn hiện diện trong mâm cỗ cúng gia tiên mỗi đêm giao thừa ở một số địa phương.
Mâm cỗ truyền thống là bốn bát, bốn đĩa, cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa… đĩa xôi gấc đỏ tươi như thể hiện mong ước được nhiều may mắn trong năm mới, các món nấu, các món canh sẽ được rắc những cọng hành lá xanh để điểm thêm màu sắc. Thịt gà dùng trong ngày năm mới phải là thịt gà trống thiến được làm sẵn từ chiều 30. Thói quen coi trọng hình thức đã ăn sâu vào tiềm thức của người Bắc nên việc trình bày mâm cỗ ngày Tết càng chăm chút, tinh tế và không thể qua loa.
Phong tục truyền thống
23 tháng Chạp tiễn ông Táo về trời, ngoài lễ vật người Bắc còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ được "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông) sau khi cúng.
Trước khi chia tay năm cũ để chào đón năm mới thì bao giờ cũng sẽ bắt đầu từ những bữa cơm tất niên bên gia đình ngày hội ngộ. Giao thừa luôn là khoảnh khắc thiêng liêng và ý nghĩa nhất, mọi người trong gia đình sẽ tề tựu bên nhau, cùng nhau đi hái lộc đầu năm.
Lễ vật cúng giao thừa ngoài hương hoa quả phẩm còn có thêm mâm xôi đậu xanh, con gà luộc hoặc đầu heo, bánh chưng, cau trầu rượu. Trước Tết hay trong Tết, người ta cũng chúc nhau năm mới may mắn, bình an. Cả 3 miền đều thế, người trong gia đình sẽ lì xì cho nhau chúc nhau khỏe mạnh, may mắn.
Kiêng kị đầu năm
Người miền Bắc có khá nhiều tục kiêng trong ngày Tết bởi họ vẫn tuân theo một luật đơn giản có thờ có thiêng, có kiêng có lành.
Kiêng quét nhà: Trong 3 ngày Tết, kiêng quét nhà vì sợ quét hết vận đỏ đi.
Kiêng không treo những tranh xui xẻo như: đánh ghen, kiện tụng… mà phải tìm treo tranh mang ý tài lộc như lợn, gà, cậu bé…
Kiêng cho nước và lửa ngày tết vì nước là nguồn tài lộc và lửa là sự may mắn. Vì thế không được cho đi những ngày tết nếu không cả năm sẽ mất lộc và không may mắn.
Xông nhà: Những người “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông nhà ngày đầu năm. Người có tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.
Tránh nói giông: Ngày đầu năm, ta phải hết sức tránh những ngôn ngữ, hành động có thể đem lại sự không may, còn gọi là nói giông hoặc nói xui như: chết rồi, tiêu rồi…
Kiêng làm vỡ bát, đĩa: Bát, đĩa tượng trưng cho gia đình, vì thế, trong ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, cãi nhau, chửi nhau, kiêng những điều không vui xảy ra với gia đình.
Kỵ mai táng: Ngày tết Nguyên đán là ngày vui, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm vì thế có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày tết. Nhà nào có đại tang kiêng đi chúc tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc tết và an ủi gia đình bất hạnh.
(Chudu24/Depplus.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét