(iHay) Bánh tổ, cái tên nghe mộc mạc và nhắc nhớ về truyền thống tổ tiên. Nhưng không phải ai cũng biết.
Bánh tổ - Ảnh: Vũ Phương Thảo |
Nếp sau khi phơi thật khô thì đem xay mịn thành bột, trộn với nước đường bát đã được nấu. Độ mềm mại và thơm ngon của bánh không chỉ phụ thuộc nhiều vào công đoạn chọn nếp mà còn ở công đoạn trộn làm sao cho bột bánh thật đều.
Để bánh thơm nồng, quá trình trộn bột người ta cho thêm một chút nước gừng vừa phải. Sau khi bột được trộn nhuyễn thì đổ vào từng khuôn. Khuôn bánh tổ chỉ nhỉnh hơn bát ăn cơm, được đan bằng tre, lót lá chuối xanh mướt. Công đoạn tiếp theo là cho các khuôn bánh tổ vào nồi lớn đem hấp. Người nấu bánh phải canh làm sao khi bánh vừa chín tới, nhanh tay rắc hạt mè trắng thật đều khuôn trước khi đem phơi nắng vài hôm để bánh se cứng lại.
Khác với các loại bánh mứt khác, điều hơi lạ là bánh tổ ăn ngay thường không ngon mà phải để dành một thời gian cho vị gừng, vị ngọt dẻo của nếp ngấm lại; khi đó chiên ăn rất ngon.
Vũ Phương Thảo
Ăn bánh nổ chơi xuân
(iHay) Tháng chạp về với một chút lạnh trong gió se se, người quê đã rộn ràng lựa nếp, hong nếp và rang nếp làm bánh nổ để cúng ông bà, sau là tiếp khách chơi xuân.
Chị mình quấn tóc gọn ghẽ, phủ lên chiếc khăn mỏng để che tàn tro
trước khi ngồi vào lò rang. Mẹ nói đúng đó con, phải gìn giữ mái tóc thề
để còn ăn tết với người ta chứ.
Lót một ít cát biển dưới đáy nồi, chị cho từng vốc nếp vào và đảo đều
đôi đũa rang. Những hạt nếp đua nhau nổ lụp bụp nghe rất vui tai. Vỏ
nếp bung ra, hạt nếp xòe nở, trắng ngần, trắng như thể... hết mình mà
trắng.
Mình như gà què ăn quẩn cối xay, cứ loanh quanh bên nồi rang, chờ cho
bông nếp nào văng ra ngoài là “tóm” ngay, cho vào miệng ngậm, nhai chầm
chậm để lắng nghe hương nếp đồng làng, nghe xôn xao tết đến. Ăn xổi mà
ngon đến thế, bảo sao khi thành bánh ai cũng nói ăn cái bánh nổ bổ cả
tháng giêng!
Nhìn ba lôi cái khuôn bánh ra, lau chùi, kỳ cọ; lại nghe dưới bếp mùi
gừng cay nồng lẫn mùi đường má đang sên thơm ngào ngạt, mình thấy lòng
lâng lâng vì sắp chứng kiến cảnh bánh nổ nên hình nên dạng. Nếp nổ được
trút ra cái nong, trắng xóa như núi tuyết.
Má rưới nước đường lên đó, trộn đều. Từng chén nếp được cho vào khuôn
rồi dùng vồ mà nện. Mình nói với chị, chắc là bông nếp trong đó bị ép
đau lắm. Chị nói không đâu em, chúng vui vẻ kết chặt lại với nhau thành
cái bánh cho em cầm, em nhai rau ráu mà nó có đau đâu.
Từng cây bánh được sấy cho khô giòn trước khi được cắt thành từng lát
mỏng vuông vức. Mình ngồi chong mắt nhìn ba cắt bánh mà ê cả mông. Ổng
thật là... cắt gì mà lát nào lát nấy đều tăm tắp, chẳng có lát nào hư
hỏng, xéo lệch để cho thằng cu là mình đang quá đỗi thòm thèm. Nhưng quả
thật, “có công mài... mông”: Một lát bánh bỗng dưng bị vỡ góc, ba đưa
ngay cho mình.
Ui trời! Mình mừng húm, “ôm” cái bánh chạy ra ngõ nhâm nhi, ăn khéo
đến mức chẳng có một hạt bông nếp nào rơi xuống đất. Bánh chắc, giòn
tan, thơm lựng mùi nếp ngự quê nhà, thoang thoảng mùi gừng già cay nồng
trong cái ngọt đến líu lưỡi của vị đường xứ Quảng.
Nghĩ cái tên bánh cũng hay: chỉ nổ giòn giã trong nồi, thành bánh rồi
thì im như thóc. Thỉnh thoảng nghe “nổ” là do người ăn bánh xuýt xoa,
tấm tắc khen ngợi với nhau, còn bánh cứ ngon một cách lặng thầm.
Trần Cao Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét