Một ngày khám phá đảo Long Sơn sẽ là kỷ niệm khó quên trong chuyến du lịch tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo VTV
Độc đáo Long Sơn
(Thanh tra) - Từ TP HCM theo quốc lộ 51 hướng về TP Vũng Tàu, cách cổng chào TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 8km, du khách gặp một ngã ba phía tay phải, con đường Hoàng Sa (mới được đặt tên) dẫn vào xã đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu), nơi có quần thể kiến trúc Nhà Lớn khá nổi tiếng với đạo ông Trần.
Cổng chính Nhà Lớn chỉ mở khi có lễ hội. Ảnh: Bảo Trâm
Nét đẹp kiến trúc
Xã Long Sơn trước đây là một xã đảo với diện tích 92km2, gồm một đảo chính nằm men theo triền của núi Nứa, đoạn cuối của dãy núi Phước Hòa đâm ra biển và đảo nhỏ là đảo Gò Găng. Xã được bao bọc chung quanh bởi kênh rạch, sông, biển. Mặc dù chỉ cách trung tâm TP Vũng Tàu 15km nhưng trước đây muốn qua Long Sơn theo trục đường chính phải đi qua 2 lần đò. Năm 2003, hai cây cầu được xây dựng để nối liền Long Sơn với TP Vũng Tàu.
Từ TP Vũng Tàu mất khoảng 20 phút chạy xe, du khách sẽ thấy hiện ra một quần thể kiến trúc độc đáo, với những mái nhà được lợp bằng ngói âm dương san sát, chồng lên nhau đó chính là Nhà Lớn Long Sơn. Khi đặt chân tới mảnh đất này, ta dễ dàng bắt gặp những cụ già không kể nam hay nữ đều mặc áo bà ba đen, tóc búi củ tỏi, đầu để trần và chân không đi dép.
Đến Nhà Lớn chúng ta như lạc vào một vùng đất của người Việt xưa với những nét dân dã mà ít nơi còn giữ được. Tất cả mọi sinh hoạt từ ăn, uống, ngủ, nghỉ nơi đây đều được phục vụ miễn phí với thái độ niềm nở và ân cần. Những người nơi đây, đều có cách nói chuyện từ tốn, nhẹ nhàng và cách xưng hô giống với thời xưa.
Nhà Lớn Long Sơn gồm nhiều nhà có lối kiến trúc tựa kiểu đình làng Việt Nam, nhưng không theo một quy hoạch tổng thể nào cả. Đây là quần thể kiến trúc có sự kết hợp tinh tế của 3 miền Bắc, Trung, Nam được xây dựng từ cách đây hơn 100 năm. Các dãy nhà lầu, nhà trệt xen kẽ kế tiếp nhau, không cân đối, không sau trước, đã tạo nên một bố cục kiến trúc khác lạ, phá vỡ nghiêm luật xây dựng đương thời.
Điều đặc biệt, người dân Long Sơn nơi đây hầu như đều theo tín ngưỡng đạo ông Trần - một tín ngưỡng đã làm nên nét đặc trưng của xã Long Sơn.
Nơi đầu tiên phải đến là nơi thờ tụng những người có đóng góp cho sự phát triển của Nhà Lớn Long Sơn trong hơn 100 năm qua. Hơn 200 bàn thờ là hơn 200 người đã có công gây dựng và tạo nên nét đặc trưng của mảnh đất Long Sơn. Những người đóng góp cho sự phát triển đó đều dựa trên tinh thần tự nguyện, không nhận bất kỳ công cán gì về cho bản thân. Tại đây cũng thờ nhiều hình tượng của Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, và thờ ông Trần cùng những người trong gia tộc họ Lê.
Đi theo một chiếc cầu thang làm bằng gỗ, du khách đi lên phía trên và bước qua một hành lang ngoài trời nối liền giữa hai ngôi nhà với nhau. Từ đây, phóng tầm mắt ra xa có thể thấy gần như trọn vẹn lối kiến trúc của Nhà Lớn với những mái nhà lợp ngói âm dương san sát, liền kề nhau. Ở giữa tòa nhà là những khoảng sân lớn để trồng cây cảnh và để dụng cụ sinh hoạt. Nhìn từ phía trên, Nhà Lớn giống như một cung điện thu nhỏ với phòng ốc bằng gỗ san sát.
Bao bọc xung quanh Nhà Lớn là 5 dãy nhà bằng gỗ, đây là nơi để cho bà con sinh hoạt và ăn nghỉ. Đó cũng chính là các gian phòng mà trước đây ông Trần đã từng cho những người mới tới mảnh đất này lập nghiệp sinh sống. Sau khi có nhà, có đất thì dọn ra ngoài ở để nhường người khác vào tiếp tục làm nơi trú ngụ.
Ngoài xây dựng kiến trúc Nhà Lớn, ông Trần cũng cho xây dựng thêm hai dãy phòng học, một dãy chợ để người dân có thể giao thương buôn bán và nâng cao trí thức. Đích thân ông đã lặn lội nhiều nơi để thuê thầy về dạy chữ cho người dân nơi đây. Khu chợ nằm bên cạnh Nhà Lớn chính là nơi người dân bán muối, bán hải sản đánh bắt được. Ông Trần cho xây dựng một quần thể gần như khép kín từ ăn, ở, sinh hoạt đến nhu cầu học hành và giao thương buôn bán. Ngoài ra, nhà máy xay xát lúa gạo, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp, các hồ và lu dùng để tích trữ nước ngọt cũng được xây dựng.
Bà Tư, hướng dẫn viên trong Nhà Lớn cho biết: “Khi chưa có chợ thì các tàu cá ít khi vào đây trao đổi hàng hóa, nhưng từ khi có chợ nhiều tàu bè ghé vào neo đậu, có người vì yêu mảnh đất này mà chuyến sau đã cùng gia đình chở theo đồ đạc dong thuyền đến đây xin đất sinh sống, ông Trần đều vui vẻ đồng ý và cho đất, cấp gạo để lập nghiệp”.
Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, ông Trần đã sưu tầm được khá nhiều vật dụng của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam như bàn ghế, tủ thờ, những bức hoành phi, liễn thờ... Trong đó có giá trị nhất là bộ bàn ghế bát tiên (được cẩn hoa cương và xà cừ mà con cháu ông Trần khẳng định là của vua Thành Thái từng dùng ở Bạch Dinh tại TP Vũng Tàu và bộ tủ thờ cổ cẩn xà cừ gồm 33 chiếc, có nguồn gốc từ vùng Hà Đông. Di vật quý nữa là ngay phía sau khu chính điện (nơi ông Trần thường ngồi giảng đạo lý) vẫn còn lưu giữ bộ ảnh chữ Nôm truyện Lục Vân Tiên, trước vẽ trên lụa, sau được phục chế trên kính.
Những cụ già mặc áo bà ba đen, tóc búi củ tỏi theo đạo ông Trần. Ảnh: Bảo Trâm
Cả xã theo chung một đạo
Gọi là đạo ông Trần, nhưng thực chất ông Trần lại không mang họ Trần, ông tên thật là Lê Văn Mưu (1855 - 1935) - một tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, vốn xuất phát từ vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang).
Ngày mới khai hoang, lập làng trên đảo, ông Mưu không có áo mặc, ngày nào cũng để lưng trần, chân đất dãi nắng dầm mưa để xẻ gỗ, chặt nứa, dựng nhà, xây dựng đường xá. Để ghi nhớ những công lao đó người dân nơi đây vẫn gọi ông bằng cái tên thân mật là ông Trần hay ông Nhà Lớn.
Từ ngày khai hoang lập làng, người dân khắp nơi đến xin vào Nhà Lớn và theo đạo của ông, có đến 70% người dân nơi đây theo đạo ông Trần.
Bà Trần Thị Sáng (78 tuổi), người sống ở đây từ nhỏ và cũng có hơn 60 năm làm việc tại Nhà Lớn cho biết: “Hồi trước, nơi đây là vùng hoang vu không có người đặt chân tới, cây cỏ um tùm, nước biển nhiễm mặn. Ông Trần cùng với gia đình ngày đêm khai phá, chặt cây, làm nhà ở, xây dựng công trình thủy lợi để phát triển nghề muối. Nhờ ông mà người dân khi mới tới đây không cảm thấy lạ lẫm, nhớ quê vì được đón tiếp như chính là quê hương của mình”.
Bà cũng cho biết thêm, ông Trần cho xây dựng Nhà Lớn với rất nhiều phòng ốc và dãy phố nhưng những người được ở chỉ có bá tánh bốn phương, riêng con cháu của ông khi lớn lên thì được dựng vợ gả chồng rồi ra ngoài lập nghiệp mà không được dựa dẫm ở lại.
Đạo ông Trần được truyền lại không theo giáo lý, kinh bổn, không có ghi chép lại bằng hình thức nào mà theo “di ngôn bất di tự”, tức là, tất cả lời ông giáo huấn, kinh đạo, được ông bà truyền cho cha mẹ, cha mẹ truyền lại con cháu, người trước truyền cho người sau cái tinh thần của đạo, chứ không để lại kinh bổn ghi chép. Bởi vậy, con cháu sinh sau cứ học tập người đi trước, theo cha mẹ mà làm, mà cống hiến. Để tỏ lòng trung kính với những bậc tiền nhân đi trước, nghĩa hiếu với xóm làng bà con, không chỉ những người lớn tuổi, mà cả thanh niên trai gái trong xã ngày nào cũng đến Nhà Lớn để lao động. Tại đây, các chàng trai xẻ gỗ đóng bàn ghế, tủ thờ, làm cánh cửa, các cô gái thay nhau nấu cơm, dọn nhà, lau hương án và đón khách thập phương tới thăm.
Ngay trong Nhà Lớn có để những chiếc máy may, cuối năm những người phục vụ nơi đây đều được tặng vải đen may áo bà ba. Thời gian rảnh rỗi, các cụ cùng ngồi lại và chỉ cho nhau may từng đường kim mũi chỉ bằng tay, nếu phần nào khó quá thì đạp máy, chiếc áo chỉ vài ngày đã hoàn thành và đẹp mắt không khác gì may ở tiệm.
Cuối tháng, cuối năm trong Nhà Lớn đều tổ chức các cuộc họp, nhiều vị hương chức trong Nhà Lớn đều ngồi bên chén trà tham dự và bàn bạc những việc cần làm sắp tới như việc sửa sang lại Nhà Lớn, đóng góp phát gạo cho dân chúng hay bố trí sắp xếp lịch trực để đón khách du lịch tới tham quan. Đàn ông thì lo việc hệ trọng, đàn bà nơi đây thì tự thêu thùa, làm các món đồ thủ công để tiết kiệm chi phí và tập trung vào làm từ thiện giúp người dân trong xã.
Bảo Trâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét