Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Đại Thế Giới - nơi hội tụ dân ăn chơi bậc nhất Sài Gòn xưa


Ngoài các sòng bạc, trong khuôn viên Ðại Thế Giới còn có các quán rượu, nhà hàng, vũ trường sang trọng - nơi hội tụ các tay ăn chơi ở Sài Gòn xưa.
Trước khi Đại Thế Giới xuất hiện, người Hoa thao túng bài bạc tại khu vực Chợ Lớn. Người Việt có máu đỏ đen nên ngành kinh doanh này rất béo bở. Để giành lại mối lợi này, năm 1937 Đại Thế Giới (Casino Grande Monde) được người Pháp cho thành lập công khai nhằm lấy thuế. Lý do chính quyền đưa ra là thà cho cờ bạc công khai, có lấy thuế, còn hơn để tệ nạn lén lút nhưng tràn lan vừa thất thu thuế, vừa xúc phạm đến quyền lực của chính phủ bảo hộ Pháp. 
Cùng lúc thành lập Đại Thế Giới còn có sòng bạc Kim Chung ở khu vực Cầu Muối (nay là Khu Dân Sinh, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1). Tuy nhiên, sòng bạc này có quy mô kém hơn, người chơi thuộc loại bình dân, nên mỗi khi nhắc tới casino tiêu biểu của Sài Gòn, người ta hay nói đến Đại Thế Giới.
dai-the-gioi-noi-hoi-tu-dan-an-choi-bac-nhat-sai-gon-xua
Sòng bạc Đại Thế Giới - chốn đỏ đen khét tiếng một thời của Sài Gòn xưa. Ảnh: Panoramio
Đại Thế Giới ngày xưa nằm trên đường Gallieni (nay là Trần Hưng Đạo), trong khu đất rộng mênh mông, vòng rào xây tường cao, cửa ra vào có bảo vệ mặc đồng phục canh gác cẩn mật, nay là Trung tâm Văn hóa quận 5Tuy ra vào tự do, nhưng không phải ai cũng mạnh dạn bước vào, bởi muốn bước vào phải có tiền. Ngoài sòng bạc, trong khuôn viên rộng lớn của Ðại Thế Giới còn có các quán rượu nhà hàng vũ trường sang trọng.
Giấy phép hoạt động là của nhà nước bảo hộ cấp, nhưng sòng bạc Đại Thế Giới lại do tư nhân điều hành. Ngay từ lúc khai trương, Lâm Giong - trùm cờ bạc đến từ Macao nổi tiếng với những sòng bạc có đẳng cấp quốc tế, ngang hàng với sòng bạc Monaco ở Pháp, nắm quyền khai thác Đại Thế giới.
Kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh tại Macao, Lâm Giong đã đưa hai sòng bạc Đại Thế Giới và Kim Chung đến sự phát đạt vượt bậc. Trí tưởng tượng và tài kinh doanh của Lâm Giong không có giới hạn. Mục tiêu của ông ta là làm sao thu hút được nhiều con bạc càng tốt để vét túi, biến họ thành những kẻ sống dở chết dở, nhưng vẫn cứ đút đầu vào cái thòng lọng mà ông giăng ra.
Để làm được điều này, Lâm Giong có một số nguyên tắc như: Đại Thế Giới tỏ ra rất ân cần và ưu ái đối với những kẻ thua bạc. Thay vì bỏ rơi, ban giám đốc sòng bạc làm mọi cách đưa họ có điều kiện để quay trở lại sòng bạc chơi tiếp, nhằm gỡ gạc và rơi sâu vào hố thẳm.
Có dạo, các nhật báo tại Sài Gòn đăng mẩu tin quảng cáo: "Đại Thế Giới hân hạnh loan báo cho quý vị thân chủ thân mến là chúng tôi từ nay đặt dưới quyền sử dụng của quý vị một khách sạn với đầy đủ tiện nghi và những cuộc giải trí thú vị. Khách sạn này nằm ngay bên trong khuôn viên Đại Thế Giới để phục vụ miễn phí cho những vị khách quý, những tỷ phú đến từ Hong Kong, Singapore, Bangkok. Những thượng khách thua hết tiền mang theo được cung cấp ôtô sang trọng miễn phí để đưa họ về nhà lấy tiền trở lại chơi tiếp".
dai-the-gioi-noi-hoi-tu-dan-an-choi-bac-nhat-sai-gon-xua-1
Vị trí sòng bạc Đại Thế Giới nay là Trung tâm Văn hóa quận 5. Ảnh: Đ.X
Theo báo chí thời đó, ngay từ lúc mới mở cửa, Đại Thế Giới đã thu hút số khách đỏ đen ở mức kỷ lục, có hàng nghìn người tới thử thời vận mỗi ngày, nhà chứa bạc thu vô không dưới một triệu đồng (một triệu đồng bạc Đông Dương bằng tiền tỷ bây giờ). Tiền thuế nộp cho nhà nước cũng không ít, từ 200.000 sau lên 300.000 và có lúc lên đến 500.000 đồng một ngày.
Khách chơi lúc đầu còn giới hạn trong giới trung lưu, đến người nhiều tiền, lần hồi thu hút tới những giới bình dân, phu kéo xe, phu bốc vác bến tàu, vì có đủ hình thức chơi mà dễ nhất là món tài xỉu. Con bạc không cần phải động não nhiều, và cũng không cần có nhiều vốn. Đại Thế Giới như có bùa, như ma túy gây nghiện, nó có thứ ma lực lôi cuốn người Sài Gòn như con thiêu thân trước ánh đèn.
Từ ngày Đại Thế Giới xuất hiện, đã có không biết bao nhiêu thảm cảnh gia đình. Có người là công chức cấp cao của nhà nước, giàu sang tột bậc, vậy mà chỉ trong vài tuần "làm quen" với Grande Monde đã nướng hết sản nghiệp vào đó, và tất nhiên là nướng cả cuộc đời. Có những người vợ, những cô này bà nọ, chỉ vì ham vui, vào thử vài lần rồi trở thành con bạc "khát máu" và... cuối cùng lột hết vòng vàng nữ trang, lấy cắp cả tiền nhà, cúng sạch. Thời đó cầu Bình Lợi được xem là nơi kết liễu những cuộc đời sau một đêm cháy túi ở Đại Thế Giới.
dai-the-gioi-noi-hoi-tu-dan-an-choi-bac-nhat-sai-gon-xua-2
Bảy Viễn - bằng các thủ đoạn bạo lực đã đánh bại trùm cơ bạc Ma Cao để giành quyền điều hành sòng bạc Đại Thế Giới. Ảnh tư liệu
Cả Sài Gòn và vùng phụ cận, cả Nam Kỳ Lục tỉnh và cũng không thiếu người ở những miền xa của đất nước đổ xô về Đại thế Giới lập lòe ánh sáng ma quái, để chơi, khóc và... chết. Trong khi đó, một cuộc đổ xô khác, ở phía những thế lực muốn nắm Đại Thế Giới, cũng đến hồi quyết liệt.
Đầu năm 1950, tất cả những người Hoa tại Sài Gòn và Chợ Lớn kính phục và ca ngợi Lâm Giong đã lên đến tột đỉnh của quyền lực và giàu sang. Lễ cưới của con trai ông ta, trong nhiều ngày, cả thành phố Chợ Lớn vui chơi cực độ. Tất cả những cuộc vui này đều được Lâm Giong đài thọ. Toàn bộ chi phí còn cao hơn lễ tang của một tỷ phú người Hoa từ trước đến lúc bấy giờ. 
Nhưng chỉ ít lúc sau cái lễ cưới vĩ đại này, cuộc chiến để chiếm quyền khai thác Đại Thế Giới bùng nổ và kết quả là Lâm Giong cùng nhóm chuyên gia khai thác các sòng bạc bị Bảy Viễn và nhóm Bình Xuyên đè bẹp trong một cuộc chiến đầy máu và nước mắt. 
Năm 1952, Bảy Viễn - tướng cướp khét tiếng Sài Gòn bằng tiền bạc và các mối quan hệ của mình đã leo lên chức Đô trưởng Cảnh sát Sài Gòn. Sau đó, ông ta được giao chức Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định nắm mọi quyền hành ở Sài Gòn xưa. Nhận thấy Đại Thế Giới là nơi dễ kiếm tiền nhất, Bảy Viễn đã cho người ném lựu đạn vào casino làm chết, bị thương hàng chục người, cho đàn em bắt cóc, khủng bố những khách sộp rồi giành quyền điều hành sòng bạc lớn nhất Đông Dương này.
Năm 1955, nhằm cắt đứt nguồn tài trợ của Bảy Viễn cũng như xóa bỏ lối sống tệ nạn và đồi trụy tại đây, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm đã ra lệnh đóng cửa Đại Thế Giới. Phần đông người Sài Gòn thở phào nhẹ nhõm mỗi khi đi ngang qua nơi vốn vừa là Thiên Đàng vừa là Địa Ngục.
Trung Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét