Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Báu vật 'lệ làng khắc gỗ' 240 năm của người Phú Kinh

Bản khoán ước khắc trên gỗ của người làng Phú Kinh (Quảng Trị) dù đã 242 năm vẫn còn nhiều điều được áp dụng, như quy định về an ninh, tình làng nghĩa xóm…
bau-vat-le-lang-khac-go-240-nam-cua-nguoi-phu-kinh
Bản khoán ước khắc gỗ lim, có niên đại 242 năm được lưu giữ tại đình làng Phú Kinh. Ảnh: Hoàng Táo
Làng Phú Kinh, xã Hải Hòa nằm ở vùng chiêm trũng phía nam huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ít ai ngờ rằng ngôi làng thuần nông mỗi năm với 2 vụ lúa này lại có lịch sử lâu đời, chứa đựng trầm tích văn hóa quý báu.
Một trong những báu vật được người dân Phú Kinh lâu nay coi trọng, gìn giữ là bản khoán ước khắc trên thanh gỗ lim. Theo ông Lê Hồng, Trưởng ban Mặt trận làng Phú Kinh, bản khoán ước này được xem là “luật làng, lệ làng, ghi lại quy định lề ăn nếp sống giữa người làng với nhau”.
Tuy ra đời, tồn tại và được người Phú Kinh lưu giữ hàng trăm năm nay, nhưng vì bản khắc gỗ chữ Hán nên mãi 30 năm trước, người làng Phú Kinh mới hiểu được giá trị của bản khoán ước này khi một đoàn nghiên cứu lịch sử của Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế) đến tìm hiểu lịch sử địa phương.
Người Phú Kinh giới thiệu cho đoàn nghiên cứu một bản gỗ dài 2,3 m, rộng 0,36 m và dày 8 cm với một mặt khắc chi chít chữ Hán. Sau thời gian dài nghiên cứu, bản dịch được trả về. Đây là bản khoán ước của làng được lập vào tháng 6 năm Cảnh Hưng thời vua Lê Hiển Tông, tức năm 1774.
Ông Lê Hồng kể, Phú Kinh là vùng đất cách mạng trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Những năm 1965-1968, đây là vùng giải phóng, nuôi giấu cán bộ về hoạt động. Tuy nhiên, các năm 1969-1973, nhà cửa, cây cối ở làng bị giặc đốt sạch, dân bị lùa đi nơi khác để biến đây thành vùng trắng.
Sau ngày đất nước hòa bình, trải qua bao bom đạn, không ít mùa mưa lụt, người dân về lập lại làng thì thấy bản khoán ước vẫn vẹn nguyên, nằm ở miếu khai canh. Một năm trở lại đây, bản khoán ước được đúc chặt vào ghế xi măng, đặt trong đình làng để con cháu cùng chiêm nghiệm mỗi dịp làng có việc tế lễ.
bau-vat-le-lang-khac-go-240-nam-cua-nguoi-phu-kinh-1
Gần 5.000 chữ Hán trên bản khoán ước ghi lại tục lệ trong cuộc sống ở Phú Kinh xua. Ảnh: Hoàng Táo
Trên thân bản khoán ước có đôi vết vết xước, theo ông Hồng là do bom đạn để lại. Bản khoán ước gồm gần 5.000 chữ Hán, khắc theo lối chữ chân, quy định rõ ràng về lệ tục của làng, có thể chia thành nhóm nội dung khuyến nông, khuyến học, an ninh trật tự và tình làng nghĩa xóm.
Bản khoán ước ghi về phân cấp ruộng đất, về thừa kế, kết hôn, ngăn cấm trộm cắp, hoang dâm, nghiêm cấm phá hoại môi trường…, khuyên răn mọi người chí thú làm ăn. “Mọi người nên cần cù giữ nghề nghiệp của mình, người làm nông hết sức chăm lo ruộng đồng, người thợ chế vật dụng cần làm cho được tinh xảo, người buôn bán phải biết tính toán cân đong. Sang hèn tùy cơ, thủ chí chớ thay đổi, mỗi người nên chăm lo nghề nghiệp của mình”.
Bản khắc gỗ này cũng nêu “Người trong làng nên hòa mục giúp đỡ lẫn nhau, kính già thương trẻ, giúp đỡ nhau khi bệnh tật, khi hoạn nạn phải cứu giúp nhau, thương yêu người cô quả, chớ khinh bần ức hiếp người yếu”.
Dù có nhiều năm không hiểu nội dung, nhưng nhiều quy định trong bản khoán ước vẫn được người Phú Kinh kế thừa và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một số quy định về tình làng nghĩa xóm, khuyến học và an ninh trật tự vẫn được người Phú Kinh gìn giữ.
“Như việc khuyến học thì cả làng có 6 họ tộc có quỹ khuyến học, đã có 70 con cháu theo học đại học, cao đẳng qua các thời kỳ. Việc khuyến học yêu cầu con cháu nỗ lực, ít nhất phải học hết cấp 3”, ông Hồ Xuân Tháp, Bí thư Chi bộ làng Phú Kinh cho hay.
bau-vat-le-lang-khac-go-240-nam-cua-nguoi-phu-kinh-2
Người Phú Kinh vẫn kế thừa và phát huy những tục lệ đẹp được bản khoán ước nêu ra cách đây hơn 240 năm. Ảnh: Hoàng Táo
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Yên, nay 78 tuổi cho biết từ xưa đến nay, làng xóm luôn sống hòa thuận, giúp nhau khi hoạn nạn, nghĩa tình khi qua đời. “Trong cuộc sống đối đãi nhân nghĩa, trong làm ăn thì hỗ trợ, giúp đỡ nhau, bà con sống nặng ân tình như lời cha ông răn dạy”, ông Yên bộc bạch.
Những điều cha ông dạy qua hơn 240 năm vẫn được người Phú Kinh khắc cốt ghi tâm, soi chiếu vào từng hành động hàng ngày. Nhờ đó, đời sống dân làng yên bình, kinh tế ngày càng phát triển, làng trên xóm dưới hầu như không có người say rượu đánh nhau, tệ nạn trộm cắp.
Vào ngày mùng 6 mỗi dịp xuân về, người Phú Kinh lại tổ chức lễ hội vui chơi, đua thuyền, kéo co, bóng chuyền… vừa để vui xuân, cũng là dịp ôn lại lời cha ông, thắt chặt nghĩa xóm làng.
Bản khoán ước của làng Phú Kinh được xem là ra đời sớm nhất ở miền Trung, và là bản duy nhất được khắc trên gỗ, có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử. Với những giá trị này, Bảo tàng Quảng Trị đang lập hồ sơ để đệ trình bản khoán ước này thành bảo vật quốc gia.
Hoàng Táo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét