Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Chuyện ít biết về pho tượng thần Trấn Vũ

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi đã trả thù nhà Tây Sơn, các cụ già làng Ngọc Trì lo sợ tượng bị hủy hoại nên mang bộ khuôn đúc đi giấu và dựng lên chuyện tượng đồng đưa từ nơi khác đến thờ.

Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần có nguồn gốc từ tín ngưỡng và đạo giáo Trung Hoa. Thần được hợp bởi khí thiêng của trời đất nên có khả năng trừ tà ma. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam, kết hợp với văn hóa bản địa, thần ngoài trừ yêu ma quỷ quái, còn trị thủy, bảo hộ cuộc sống an bình cho cư dân nông nghiệp.
Nhiều người thường nhắc đến tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội), ít ai biết được ở thôn Ngọc Trì, xã Thạch Bàn (Long Biên) còn có pho tượng đồng nặng 4 tấn được thờ trong đền Trấn Vũ. Tượng được công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 12/2015.
chuyen-it-biet-ve-pho-tuong-than-tran-vu
Pho tượng thần Trấn Vũ ở Thạch Bàn (Long Biên) nguyên khối bằng đồng, nặng 4 tấn có nhiều nét tương đồng tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh (Ba Đình). Ảnh: Hoàng Phương.
Trong đền, tượng bằng đồng được an vị ở giữa hậu cung, cao khoảng 3,9 m. Trên tay tượng cầm kiếm chống lên mai rùa, thân kiếm có rắn quấn quanh. Tương truyền, Quy (rùa) và Xà (rắn) là hai vị đại tướng và hóa thân của thần Trấn Vũ. Trong truyền thuyết, Trấn Vũ cũng là vị thần giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa.
Đền Trấn Vũ - nơi đặt tượng được dựng trên thế đất linh quy xà hội tụ, quay mặt về phương Bắc. Trên cánh đồng Ngọc Trì có gò đất hình con rùa nổi lên. Sau đền là đê sông Hồng, tượng trưng cho con cự xà (rắn lớn) quấn quanh. "Vì vậy, tượng Trấn Vũ và ngôi đền được cho là linh thiêng nhất vùng này, người dân thờ kính", ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ cho hay.
Trên bia Trấn Vũ điện bia ký lưu giữ trong đền ghi rõ, ban đầu tượng thần được dựng bằng gỗ. Khi ấy, vua Lê Thánh Tông (1442-1497) đưa quân đi dẹp giặc Chiêm Thành đã dừng chân nghỉ tại xã Thạch Bàn (tên cũ là Cự Linh). Vua được thần báo mộng và phù trợ nên khi thắng lợi trở về đã ban sắc cho dân địa phương lập đền thờ đức thánh Trấn Vũ. Ngoài ra, vua còn ban tặng bài vị có 5 chữ Hiển linh Trấn Vũ quán và ban một số ruộng đất để phục vụ hương hỏa. Bài vị cổ xưa đó hiện nay vẫn còn trong hậu cung, được thờ cùng với pho tượng thần.
Đến năm 1747, tượng gỗ bị hư hại nên quan viên và nhân dân trong vùng góp công sức, tiền của đúc tượng bằng đồng. Nhưng khi chiêm bái thì vẫn chưa thấy xứng nên năm 1788 dưới thời Tây Sơn, tượng đồng được đúc lại lần nữa. Năm 1802, tượng hoàn thành và giữ nguyên hình dạng đến ngày nay.
chuyen-it-biet-ve-pho-tuong-than-tran-vu-1
Tay tượng thần Trấn Vũ cầm kiếm chống lên mai rùa, có rắn quấn quanh. Ảnh: Hoàng Phương.
Trải qua biến cố lịch sử, pho tượng đồng được nhân dân tìm mọi cách gìn giữ nên hầu như không đổi khác so với ban đầu. Các cụ già thôn Ngọc Trì kể lại, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi đã có những hành động trả thù nhà Tây Sơn. Tượng vừa đúc xong, các cụ mang bộ khuôn đúc đi giấu ngay và dựng lên điển tích tượng đồng được đưa từ nơi khác đến vì sợ bị hủy hoại.
Đến thời kỳ Pháp xâm lược, chúng nhiều lần định phá hủy tượng thần, hun nóng cho chảy ra đồng nhưng vấp phải sự kháng cự của nhân dân, quân lính cũng liên tục bị bệnh ốm chết, phải bỏ chạy. "Có lần địch càn, cán bộ cách mạng còn chui vào trong đền, nằm gọn dưới chân tượng thần Trấn Vũ. Địch vào sục sạo một hồi nhưng không phát hiện được, sau cũng không dám làm càn chốn uy nghiêm nên cán bộ thoát", ông Khải kể. 
Những năm chống Mỹ, đền trở thành nơi cất giấu vũ khí của bộ đội phòng không, nơi hoạt động của cán bộ. Khi quân Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, kho xăng Đức Giang, cánh đồng Ngọc Trì đều bị rải bom, thậm chí có lần bom rơi trước cửa nhưng cả ngôi đền và pho tượng đều không bị hư hại. 
"Ngôi đền lẫn pho tượng vài trăm năm rồi nhưng hầu như không bị hư hại, chỉ phải sơn lại hai lần. Năm 1916, tượng bị rỉ do đồng có lẫn nhiều tạp chất. Các cụ đã thuê thợ dùng sơn ta, pha thành sơn đen bảo vệ cho con cháu thờ phụng muôn đời. Năm 2014, sơn bị bong tróc nhiều nên chúng tôi làm đơn gửi Bộ Văn hóa xin được tu tạo màu sơn đen trước đó", ông Khải thông tin.
chuyen-it-biet-ve-pho-tuong-than-tran-vu-2
Đền Trấn Vũ - nơi đặt pho tượng đồng bảo vật quốc gia. Ảnh: Hoàng Phương.
Ngoài đền Trấn Vũ ở thôn Ngọc Trì, thần Trấn Vũ còn được người dân thờ phụng ở nhiều nơi như đền Quán Thánh (Ba Đình), chùa Huyền Thiên (Hoàn Kiếm), quán Thụy Lôi (Đông Anh). Trong đó, tượng thần ở đền Trấn Vũ có nhiều nét tương đồng với tượng ở đền Quán Thánh từ chất liệu, thần thái đến tay chống kiếm. Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền nhận định, từ cách thức tạo hình có thể thấy tượng Trấn Vũ ở hai ngôi đền ngoài trấn giữ phương Bắc, trừ tà còn thể hiện thêm chức năng trị thủy của cư dân nông nghiệp.
Xưa kia, Ngọc Trì là làng nông ven đê sông Hồng, nay dần chuyển sang buôn bán, đời sống nhân dân khấm khá. Trải qua thời gian, khát vọng tâm linh của người dân không còn đơn thuần ở cầu cho mùa màng tươi tốt mà chuyển dần sang cầu buôn bán thuận buồm xuôi gió. "Ước nguyện đó được hiện thực một phần nên tình cảm của người dân dành cho thần Trấn Vũ rất trân trọng", ông Khải nói và cho hay vào mùng 1, ngày rằm, đền lúc nào cũng nghi ngút khói hương của nhân dân trong vùng và khách thập phương về lễ bái. Vào ngày Tết, người dân đến còn đông hơn.
Vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm, dân thôn Ngọc Trì tổ chức lễ hội, hay còn gọi là ngày Thánh Đản. Đây là lễ hội cầu mùa, mong no ấm. Trong lễ hội có trò kéo co ngồi, tượng trưng cho ước muốn phồn thực, sinh sôi và thể hiện sức mạnh trần gian trị thủy. Thần Trấn Vũ khi ấy trở thành niềm tin tinh thần giúp cộng đồng có mùa màng bội thu, phù trợ con người chống lại tai ương.
Hoàng Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét