Lăng mộ Hữu Tham tri Công bộ Phan Tiến Cẩn và phu nhân tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Linh (thôn Đốc Sơ, P.An Hòa, TP.Huế), vốn nổi tiếng về sự linh ứng và trấn yểm.
Kiến trúc lăng mộ thuộc loại hình song táng, nhìn về hướng bắc, bình đồ hình chữ nhật; rộng 10,5 m; dài 20 m; xây dựng bằng hợp chất kết hợp với gạch, đá. Kết cấu từ ngoài vào trong gồm: cửa/cổng lăng, sân tế, cửa mộ, bình phong tiền, nhang án, nấm mộ, bình phong hậu.
Bao quanh là một vòng tường thành kết hợp với các trụ biểu. Kết cấu nấm mộ hình hai tẩm điện song song với mái cong, dựng trên một liếp có bình đồ hình chữ nhật. Kiến trúc lăng mộ trang trí khá đơn giản, đắp nổi đề tài giao long cách điệu ở một số bộ phận bình phong hậu, một số vị trí quan trọng của tường thành. Được trùng tu vào năm 2002, toàn bộ ngôi mộ vẫn giữ được những cấu trúc nguyên thủy có niên đại vào năm 1816 sau khi Phan Tiến Cẩn qua đời. Cách khu lăng mộ của ông khoảng 400 m về hướng bắc, bên kia đường là mộ của người cha, cụ Phan Tiến Bửu, một vị quan từng phục vụ dưới thời chúa Nguyễn, mất năm 1757, được xây dựng vào khoảng năm 1813 - 1815.
Linh ứng và trấn yểm
Theo lời kể lại của hậu duệ đời thứ 5 là ông Phan Tiến Hoàng, cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, con cháu nghèo khó nên không có điều kiện chăm sóc thờ tự, nhiều nhóm trộm đã tìm hiểu về lai lịch của người nằm dưới mộ và đã hai lần đào trộm lăng mộ của Hữu Tham tri Công bộ Phan Tiến Cẩn, tuy nhiên tất cả đều bất thành.
Mỗi khi khu mộ bị đào trộm, cụ đều linh ứng báo điềm cho con cháu biết, khi nhận thấy điềm báo, con cháu ra thắp hương cho cụ và kinh ngạc khi thấy kẻ trộm đào phá bên hông tẩm mộ một vệt dài khoảng 2 m, nhưng dưới lớp hợp chất kiên cố là kết cấu đá tảng xanh dạng phiến dài khiến cho kẻ trộm phải bó tay.
Tương truyền, bao quanh lớp đá xanh là lớp trấn yểm của mộ được chính Hữu Tham tri Công bộ Phan Tiến Cẩn - người rất am hiểu về việc trấn trạch và những biện pháp bảo vệ kho báu, tài sản của hoàng gia - thiết kế trước khi qua đời. Mỗi khi đào đến lớp trấn yểm này, những kẻ đào phá đều phải dừng không thể đào tiếp một cách đầy bí hiểm.
Năm 1996 và những năm tiếp sau, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện quy hoạch khu dân cư bắc TP.Huế (khu đô thị mới Đốc Sơ - cụm đô thị đường Nguyễn Văn Linh, P.An Hòa, TP.Huế). Trước nguy cơ bị giải tỏa, con cháu họ Phan ở Đốc Sơ lại làm lễ cẩn báo cụ và như một sự linh ứng, khu lăng mộ của cụ vẫn yên vị, trong khi khu vực xung quanh trở thành dự án bất động sản phân lô và nay đã trở thành khu dân cư khá sầm uất. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà hiện nay khu mộ Hữu Tham tri Công bộ Phan Tiến Cẩn trở thành một vùng trũng, do xung quanh đều đã nâng nền xây cất nhà cao tầng, cỏ rác và nước ứ đọng trong khu mộ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kiến trúc. Mặc dù trăn trở nhưng hậu duệ của cụ cũng chưa biết phải xử lý ra sao.
Năm 2015, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế có chủ trương giao Sở VH-TT-DL tỉnh nghiên cứu về những nhân vật lịch sử có nhiều công lao đối với lịch sử dân tộc để đặt tên đường tại TP.Huế, trong đó có Hữu Tham tri Công bộ Phan Tiến Cẩn. Tuy nhiên, theo lời ông Phan Tiến Hoàng, Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên-Huế chưa bao giờ đến khảo sát khu lăng mộ và đền thờ của họ Phan để nghiên cứu, tìm hiểu, vì cho rằng ông không có nhiều công trạng nên chưa đề nghị đưa ông vào danh sách của quỹ đặt tên đường phố. Hậu duệ họ Phan đều bức xúc và cho rằng các ban ngành chưa đánh giá đúng về Hữu Tham tri Công bộ Phan Tiến Cẩn, bởi phần lớn những gì thuộc về di sản văn hóa Huế được thế giới và nhà nước công nhận đều có dấu ấn của ông - một vị quan thanh liêm, tài giỏi…
Đúc Cửu vị thần công
Hữu Tham tri Công bộ, tước Cẩn Tín hầu Phan Tiến Cẩn (Phan Tấn Cẩn, Phan Tấn Hoát, Cẩn Tín hầu) sinh năm 1752 tại H.Hương Trà, phủ Thừa Thiên (nay là làng Đốc Sơ, P.An Hòa, TP.Huế). Ông là người thừa lệnh vua Gia Long thực hiện đúc Cửu vị thần công vào năm 1803 (bảo vật quốc gia được Thủ tướng công nhận đợt 1 năm 2012), hiện đang đặt uy nghiêm trước Đại nội Huế.
Sử liệu triều Nguyễn ghi chép về ông như sau: Phan Tiến Cẩn có tiếng là quan giỏi, lúc đầu vào Gia Định bổ làm Câu kê ty Nội sứ ở chính doanh, rồi thăng Tham tri bộ Công kiêm quản Ty đồ gia (quản lý toàn bộ các công xưởng thủ công phục vụ xây dựng cung điện và vật dụng sinh hoạt của hoàng gia).
Năm 1815, ông vì ốm nên xin về hưu, được vào chầu hầu, rồi mất (9.6.1816). Hiện ông được thờ trong đình làng Đốc Sơ và đền thờ của họ Phan tại 14/35 Trần Quý Khoáng, P.An Hòa, TP.Huế.
|
Lương Chánh Tòng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét