Ngôi mộ có quy mô khá lớn, rộng 3,6 m, dài 4,5 m, được lợp mái che, có miếu thờ phía sau, hiện không người chăm sóc. Người dân cho biết, tương truyền đây là lăng mộ của Hiệp trấn Đỗ Thanh Nhân, một trong “Gia Định tam hùng” (Đỗ Thanh Nhân, Châu Văn Tiếp và Võ Tánh) từng giúp Nguyễn Ánh lấy lại giang sơn.
Ngôi mộ được khai quật khảo cổ và phục dựng lại kiến trúc ở vị trí hiện tại, cách vị trí cũ khoảng 8 m (nay thuộc tim đường Phạm Ngũ Lão) vào năm 2005, một phần để phục vụ cho giải phóng mặt bằng, một phần nhằm tìm kiếm tư liệu, lời kiến giải và những xác minh khoa học xung quanh thông tin về người nằm dưới mộ, khi mà trước đó có nhà khoa học khẳng định đây là mộ của Ngoại hữu Chính dinh, Thượng tướng quân Đỗ Thanh Nhân và đã có nhiều nhà khoa học tranh luận sôi nổi.
Được sự cho phép của UBND tỉnh Bình Dương, Bảo tàng tỉnh đã mời nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật khai quật lăng mộ này, sau đó cải táng và phục dựng kiến trúc mộ với diện tích 162,2 m2 gồm lăng mộ và miếu thờ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học ngôi mộ này có được thực hiện hay không, vì truy cứu hồ sơ không có nơi nào lưu giữ. Nhưng đáng chú ý là trên bia mộ phục dựng hiện tại, không rõ căn cứ vào đâu, những người thực hiện lại đề trên bia mộ với nội dung: Đỗ hiệp trấn phu thê chi mộ (Mộ vợ chồng Đỗ Hiệp trấn).
Theo một số người dân trong khu vực và thông tin từ những người từng công tác tại Bảo tàng Bình Dương chứng kiến việc khai quật, mộ có dạng song táng, xây dựng bằng hợp chất kết hợp với gạch thẻ, không còn bia mộ, khi đào tới kim tĩnh, cả hai huyệt mộ đều có quan tài, mở nắp quan, người ta chỉ thấy một ít di vật sắt không rõ hình dạng, một vài cúc áo, chút ít dấu vết xương mủn...
Trong báo cáo khoa học với nội dung: “Đỗ Thành Nhân một trong Tam hùng của xứ sở Bình Dương - Đồng Nai” thực hiện vào năm 2002 trước khi khai quật ngôi mộ này, nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật cho biết ông đã hệ thống tư liệu hàng chục năm trời với nhiều nguồn tư liệu từ hậu duệ của Đỗ Thanh Nhân cung cấp. Tuy nhiên, không có một chi tiết nào cho thấy hậu duệ của Đỗ Thành Nhân nhận thăm nom thờ tự ngôi mộ và miếu thờ này.
Từ thông tin của Bảo tàng Bình Dương cung cấp, ông Đỗ Đình Truật đã đi khảo sát ở khu miếu thờ và mộ, trong đó đáng chú ý là bài vị thờ trong miếu ghi “Đỗ hiệp trấn” và một bài kệ tương truyền là do người con trai Đỗ Bảng và con trai của Võ Tánh là Võ Nhàn viết và đi đến khẳng định đã tìm thấy mộ Đỗ Thanh Nhân, nhưng lại không đề cập đến chi tiết cho biết miếu thờ đặt bài vị “Đỗ hiệp trấn” có quan hệ như thế nào với ngôi mộ.
Bảo tàng Bình Dương đã tham vấn ý kiến của các nhà khoa học xung quanh công trạng của Đỗ Thanh Nhân và những di tồn vật chất được cho là gắn với ông hiện còn ở Thủ Dầu Một. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học không có ý kiến gì về ngôi mộ và miếu thờ được cho là của Đỗ Thanh Nhân, vì không có một cơ sở khoa học nào từ hiện trường.
Vì thế ngôi mộ hiện tại được phục dựng đề là mộ của “Đỗ hiệp trấn” và một số tài liệu đặt ở ngôi mộ, trong đó có cả bức thư của ông Huy Bình (Ban Tôn giáo TX.Thủ Dầu Một) cùng với những nhận định mơ hồ về khoa học khi khẳng định đây là mộ của Đỗ Thanh Nhân, tất cả vẫn còn nhiều uẩn khúc, không có lời kiến giải khoa học thỏa đáng.
Miếu Ông thờ Thành hoàng ?
Người dân và các bô lão trong vùng Hiệp Thành cho biết, vào ngày 16 tháng 9 âm lịch hằng năm, nhân dân trong vùng vẫn tới khu mộ tổ chức cúng tế miếu Ông.
Họ tôn người được thờ tự trong miếu là Thành hoàng, có công che chở và giúp sức cho dân sinh trong vùng khai hoang lập ấp, phát triển kinh tế. Điều này cho thấy có sự không phù hợp giữa vị thần được thờ với hành trạng của Đỗ Thanh Nhân.
Đỗ Thanh Nhân (Đỗ Thành Nhân, Đỗ Thành Nhơn) người phủ Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Năm 1775, khi chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Gia Định, Đỗ Thanh Nhân đã chiêu tập những người nghĩa khí Nam bộ thành lập một đội quân lớn mang tên là Đông Sơn để bảo vệ cơ đồ họ Nguyễn.
Người Gia Định vẫn tôn Đỗ Thanh Nhân là một trong “Gia Định tam hùng”, là người đưa Nguyễn Ánh lên ngôi chúa năm 1778, bản thân giữ cương vị như một phó vương chi phối toàn bộ hoạt động của hoàng gia Nguyễn khi Nguyễn Ánh còn nhỏ dại.
Sau những chiến công vang dội, Đỗ Thanh Nhân cùng với đội quân Đông Sơn của ông trở nên kiêu ngạo, hống hách, đôi khi còn xây dựng âm mưu làm phản. Nguyễn Ánh biết rõ và đã dụ Đỗ Thành Nhân vào chầu bàn bạc việc quân tại dinh quân ở Bến Nghé và cho quân phục kích bắn tên độc tiêu diệt. Sự kiện này được Đại Nam thực lục ghi chép vào năm 1781. Tương truyền khi nhận ra bản thân bị chính người mà ông tôn lên ngôi hiệu Chúa tiêu diệt, Đỗ Thanh Nhân đã nói: “Tôi chết không nhắm mắt, nhưng hậu thế không cười tôi” một cách đầy cay đắng.
Lương Chánh Tòng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét