Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Rộn ràng hội kéo song

(HQ Online)- Quê tôi, ba làng Cánh nay là thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Cứ đến ngày mùng 3 tết Nguyên đán, lễ hội Kéo song truyền thống của quê tôi - một trong 26 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới được Nhà nước công nhận, lại được tổ chức với một không khí tưng bừng, đoàn kết.
Lễ hội Kéo song Hương Canh năm nào cũng thu hút hàng nghìn du khách theo dõi.Ảnh: MAI LOAN.
Nguồn gốc của lễ hội Kéo song có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng qua những gì còn lại như thể thức chơi, qua những chạm khắc tại đình, chùa nơi đây có thể môn Kéo song có cùng nguồn gốc từ tục bơi chải, một lễ hội đã thất truyền ở Hương Canh. Cũng có luồng ý kiến nói rằng, trò chơi được bắt nguồn từ chiến thuật thao lược, luyện quân thủy chiến của các tướng lĩnh thời kỳ chống quân Nam Hán.
Với thế hệ trẻ 8X, 9X như chúng tôi thì lễ hội Kéo song gắn liền với tuổi thơ cho đến những năm sau này đã trưởng thành. Lễ hội được tổ chức ngay đầu làng, ngày khai hội là chiều mùng 3 Tết. Khi tiếng trống khai hội cất lên cũng là lúc già trẻ, gái trai kéo nhau đi xem hội, cùng cổ vũ cho chính những người thân của mình tham gia cuộc chơi ấy. Những năm sau này, do những thay đổi trong cuộc sống nên không phải năm nào cũng được đi xem hội, nhưng hễ có dịp về quê đúng dịp lễ hội là chúng bạn ngày xưa lại hẹn nhau gặp mặt tại ngày hội quê hương, cùng hòa nhịp với dân làng hô vang theo nhịp kéo của những trai tráng trong vùng, hòa chung không khí rộn ràng, đầm ấm, vui tươi ngày Tết cổ truyền.
Kéo song là trò chơi kéo co dùng dây song (loài cây cùng họ với Mây) làm dây kéo. Người chơi là các trai tráng của ba làng Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh, ngày nay là nhân dân của 4 khu vực khác nhau trong thị trấn Hương Canh. Nhưng Kéo song khác với kéo co vì phải có sân bãi dài hơn 80 m. Ở giữa có chôn một cột trụ gỗ lim cao 1,5 m, đường kính hơn 40 cm, có đục một lỗ ngang cột xuyên qua tâm cao tầm ngang ngực để xỏ sợi dây song qua. Mỗi bên sân đều có đào 13 hố nông hình bậc thang để người thi đấu ngồi xuống đó, tay có thể nắm chặt dây song, chân đạp vào bậc đất làm điểm tựa mà ngửa người ra kéo dây về phía mình. Mỗi hố có 2 người ngồi ở hai bên với dây song, mắt nhìn thẳng người chỉ huy và chỉ kéo khi có hiệu lệnh. Muốn kéo kiểu gì thì họ cũng chỉ được ngồi hay nằm trong cái hố của mình thôi. Trước kia hội diễn ra từ chiều mùng 3 Tết hàng năm đến khi phân định thắng thua hoàn toàn nhưng những năm gần đây, lễ hội chỉ tổ chức trong ba ngày (từ mùng 3 đến mùng 5 Tết) và phân định thắng thua bằng chiều dài phần dây song kéo được. Mỗi đội thi đấu là đại diện cho một khu hành chính của thị trấn Hương Canh như: Đội Tiên Hường, đội Lò Cang, đội Lò Ngói, đội Hương Ngọc.
Người dân quê tôi đi xem hội vui lắm. Cứ đến chiều mùng 3 Tết, từng tốp từng tốp đi ra từ nhiều hướng, cứ gặp nhau là tụ lại thành đoàn kéo nhau đi xem hội, không phân biệt cổ vũ cho đội nào. Người này khoác tay người kia đi bộ 2, 3 km chứ không dùng xe máy, ô tô. Có những đại gia đình mà cả 4 thế hệ ông bà, bố mẹ, con, cháu cùng tập trung sau bữa cơm trưa là sửa soạn áo mới, cùng nhau đi xem hội. Trong các đội có nhiều cặp tuyển thủ là bố con, anh em ruột nên hẳn nhiên các bà, các chị vừa đi tiếp nước đồng thời cũng là những cổ động viên nhiệt tình nhất và “máu lửa” nhất.
Là người rất tâm huyết với truyền thống quê hương, thường xuyên nghiên cứu, giới thiệu phong tục, tập quán đặc sắc của Hương Canh đến với các phương tiện truyền thông đại chúng, anh Trần Ngọc Đông-người làng Ngọc Canh  cho biết, là người Hương Canh ai cũng tự hào về lễ hội Kéo song quê mình. Kéo song không chỉ đơn thuần là một cuộc vui chơi có phân định thắng thua vì dường như ai cũng vui sau cuộc chơi ấy. Bên thắng cuộc thì hoan hỷ vui mừng, đội bại trận thì quyết tâm hẹn mùa hội năm sau. “Điều đặc biệt, nếu như xưa kia Kéo song chính là một cách để người xưa luyện tập sức khỏe và rèn binh để chống giặc giữ làng thì ngày nay hội Kéo song thể hiện sự đoàn kết và cũng là nơi gặp gỡ, chốn tụ hội của những người làng về ăn Tết. Ai ai cũng vui cũng cảm động khi mà cuộc sống đầy bộn bề và bận rộn, trong những ngày Tết lại được thấy hình ảnh quê hương đoàn kết sống động tinh thần như những thủa năm nào”- anh chia sẻ.
Năm nào lễ hội Kéo song Hương Canh cũng thu hút hàng nghìn người dân địa phương và khách thập phương tới dự. Chính sự gay cấn, bất ngờ đã tạo nên sự hấp dẫn cho mỗi trận đấu. Có những trận đấu, sự quyết liệt được đẩy lên đỉnh điểm khi dây song được 50 trai tráng kéo qua lại, cột trụ bốc khói nghi ngút, dây song cháy sém. Bất ngờ chính là đôi khi kết quả của sự thắng thua chỉ diễn ra trong vòng 1-2 phút mà cũng có khi kéo dài đến cả một ngày, không ngoại trừ một đội chơi nào. Tiếng hô vang “kéo đi, kéo đi” của hàng nghìn người dù không có ai chủ xướng vẫn đều nhịp, theo nhịp, đà của hai bên tiếng hô liên tục, rộn rã. Kịch tính được diễn ra trong tất cả những trận đấu, hai đội kìm, thả dây song không phân thắng bại đến mức, có năm các đội đã kéo đứt phăng sợi dây song to bằng cổ tay. Ngay lập tức, sợi dây song mới được thay, hai bên ổn định đội ngũ tiếp tục cống hiến cho khán giả những pha giằng co gay cấn, hồi hộp. Những tuyển thủ tài ba và rắn rỏi nhất chính là những người được chọn đứng vị trí ghìm nơi cột trụ để giữ từng ly dây song không cho đối phương rút ruột. Việc thắng thua của các đội không chỉ dựa trên sức khỏe của các thành viên trong đội mà một yếu tố thành công là sự chỉ huy sáng suốt của người phất cờ, luôn quan sát để biết lúc đối phương sơ hở là phất cờ cho quân mình chớp thời cơ rút mạnh giành lấy dây song.
Năm nay, người dân quê tôi đang mong chờ sẽ có một mùa lễ hội đông vui hơn, sôi nổi hơn rất nhiều bởi, Kéo song Hương Canh là một trong 26 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới được Nhà nước công nhận. Đây là một trong những di sản được đánh giá có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo người dân. Đặc biệt, những giá trị truyền thống của lễ hội cũng góp phần ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam cùng với các nước Campuchia, Hàn Quốc, Philippines vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những cao niên trong làng đã bắt đầu thường xuyên luyện tập đôi tay để vững vàng cầm dùi đánh trống thúc giục, khuếch trương khí thế trong suốt những ngày diễn ra lễ hội Kéo song. Người dân thị trấn, bạn bè thập phương đã truyền tai nhau hẹn ngày gặp gỡ khai hội Kéo song. Tất cả những điều đó đang báo trước rằng hội Kéo song năm nay sẽ rất vui, sẽ có nhiều pha gay cấn, hấp dẫn khiến người xem phải nín thở.
Ngọc Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét