Hàng thế kỷ nay, người dân thôn Trà Liên Tây (xã Triệu Giang, Triệu Phong, Quảng Trị) xem tượng đồng tạc ngài Nguyễn Ư Dĩ là vật linh thiêng.
Theo sử sách, Thái phó Uy quận công Nguyễn Ư Dĩ là cậu ruột, nuôi dạy Nguyễn Hoàng từ lúc 2 tuổi. Thấy cháu “tướng mạo khôi ngô, vai lân lưng hổ”, biết là “bậc phi thường” nên khuyên sớm kiến công lập nghiệp. Năm 1558, Nguyễn Hoàng khi ấy 34 tuổi được Nguyễn Ư Dĩ phò tá, mang theo gia quyến và hàng nghìn đồng hương thân tín vào chọn đất Ái Tử (nay là huyện Triệu Phong, Quảng Trị) lập dinh trại.
Nhờ danh tiếng của Nguyễn Ư Dĩ mà hào kiệt tìm về, biến vùng đất này thành nơi màu mỡ, trù phú. Ái Tử trở thành kinh đô đầu tiên của Đàng Trong trong suốt 68 năm (từ 1558 đến 1626), gắn liền với tên tuổi của chúa Nguyễn Hoàng và công lao của Nguyễn Ư Dĩ. Khi mất đi, ông được đúc tượng đồng để thờ… Trải qua 400 năm, bức tượng vẫn tồn tại, trở thành linh vật của dân làng Trà Liên, nơi ngài Nguyễn Ư Dĩ có công mở cõi.
Tượng đồng quan thái phó Nguyễn Ư Dĩ. Ảnh: Hoàng Táo
|
Tượng Nguyễn Ư Dĩ được đúc bằng đồng vào khoảng thế kỷ 17, ở tư thế ngồi ghế thấp, cao 0,62 m, phần vai rộng 0,3 m. Mặt tượng chữ điền, mũi cao, cằm vuông, râu dài, tai to, đội mũ quan hai lớp, chân đi hia để lộ phần mũi. Toàn thân được khoác tấm áo choàng rộng phủ từ vai xuống, vắt trên hai chân.
Theo ông Trịnh Minh Toàn (62 tuổi, nguyên trưởng ban điều hành làng Trà Liên), thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làng có ngôi chùa Liễu Bông với 3 gian thờ thì gian chính giữa thờ ngài Nguyễn Ư Dĩ. Năm 1972, ngôi chùa bị tàn phá, nhưng bức tượng vẫn còn. Một năm sau, Hiệp định Paris được ký kết, bom đạn ngừng rơi nên người dân dựng lại nhà thờ tạm bằng tre.
Bức tượng quý nhiều lần bị kẻ trộm nhòm ngó nhưng đều được phát hiện. Năm 1976, kẻ trộm khiêng tượng ngài đi rồi vùi dưới cát bên sông Thạch Hãn ở gần làng. “Người dân phát hiện tượng bị mất nên vô cùng nóng ruột, hò nhau đi tìm khắp làng. Lúc bấy giờ, mùa hè nước cạn, bà con thấy dấu vết ở bờ sông nên dùng thanh sắt chọc xuống, cuối cùng cũng tìm thấy ngài”, ông Toàn kể.
"Bình thường thì 4 người gánh ngài không nổi, nhưng lúc đó tìm được ngài mừng quá nên mọi người bánh băng băng đi nhẹ nhõm", ông Toàn kể tiếp. Sau lần đó, dân làng mang tượng về đặt sát bên đình làng, xây gian thờ nhỏ kín 3 mặt, bên dưới quây thép đổ bê tông. “Ấy vậy mà kẻ trộm cắt mũ quan, cưa hông bên trái vào 2-3 cm”, ông lão hơn 10 năm làm trưởng thôn chép miệng nói.
Người dân làng Trà Liên mong muốn có nơi khang trang để thờ ngài Nguyễn Ư Dĩ. Ảnh: Hoàng Táo
|
Cũng có lần hơn 10 năm trước, một đoàn cán bộ văn hóa vào nghiên cứu bức tượng nhưng không thông qua dân làng, đập bỏ tường bao thì bị dân phát hiện, kiên quyết không cho làm. Ngành văn hóa tỉnh Quảng Trị sau đó phải xin lỗi dân, bồi hoàn tiền để làm lại nhà thờ.
Về sự kỳ lạ của bức tượng, ông Toàn kể thêm những năm chiến tranh, có một đơn vị ra đa về đóng quân gần nơi thờ cúng ngài Nguyễn Ư Dĩ, nhưng ra đa không hoạt động, bất chấp mọi nỗ lực khắc phục. Cuối cùng, đơn vị này phải chuyển đến làng kế bên mới hoạt động được.
Ông Toàn kể theo lệ cha ông để lại, tượng ngài Nguyễn Ư Dĩ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh, được dân làng tôn thờ. Làng Trà Liên cử ra một ông từ để ngày rằm, 30 hàng tháng quét dọn, hương khói. Hàng năm, vào dịp tất niên, khai niên, rằm tháng 2, 6, 8, người làng Trà Liên làm lễ chay với xôi chè, trà, cử một bậc cao niên làm ông Đại bái kính cáo với ngài Nguyễn Ư Dĩ.
“Bà con làm ăn xa quê, mỗi dịp về đều ghé thắp hương, báo công với ngài”, ông Toàn nói. Cũng nhờ sự "phù hộ" của ngài mà dân làng Trà Liên luôn làm ăn thuận lợi, con cháu học hành đỗ đạt, dân chúng được bình an.
Khoảng 6-7 năm trở lại, nhận thấy ý nghĩa của tượng Nguyễn Ư Dĩ trong giáo dục truyền thống, trường Tiểu học xã Triệu Giang nhận chăm sóc khuôn viên đặt bức tượng. Mỗi dịp khai giảng, tổng kết, nhà trường đều cho học sinh làm vệ sinh, có buổi nói chuyện về lịch sử địa phương và công lao của ngài.
Về việc bảo vệ bức tượng quá mức, ông Toàn cho biết dân làng rất “áy náy” khi phải quấn chân ngài bằng thép, đổ bê tông. “Nhưng không làm thế thì chúng tôi rất sợ ngài bị trộm. Huyện Triệu Phong từng mở hội thảo lớn nói về công chúa Nguyễn Hoàng và ngài Nguyễn Ư Dĩ. Riêng dân làng chỉ đề xuất một nhà thờ to đẹp hơn để thờ cúng ngài”, ông Toàn khẩn thiết nói.
Theo ông Lê Đình Hào, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, tượng Nguyễn Ư Dĩ được xếp vào “10 báu vật” của tỉnh. Đơn vị này đang làm hồ sơ để đưa tượng trở thành bảo vật quốc gia, với hy vọng nhận được sự đầu tư, bảo vệ xứng đáng hơn.
Hoàng Táo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét