Tư liệu mới
Thông qua giáo sư sử học Nguyễn Thế Anh và PGS.TS Nguyễn Phương Ngọc đang dạy học ở Pháp, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn (hiện sống tại Đà Nẵng) đã nhận được bản sao lục các tài liệu liên quan đến vua Duy Tân và “cuộc biến loạn ở Trung kỳ 1916” đang cất giữ ở Trung tâm lưu trữ hải ngoại đặt tại Aix-en Provence (Pháp).
Ông Đàn cho biết đó là ba hộp hồ sơ với hơn 260 tài liệu, thuộc thư mục Toàn quyền Đông Dương, chép đầy đủ diễn biến của vua Duy Tân, triều đình An Nam và hoạt động của người Pháp tại Trung kỳ thời kỳ này.
Các ghi chép của người Pháp trong tài liệu cho thấy vị vua thiếu niên này mạnh mẽ khác hẳn với người bình thường cùng lứa tuổi. “Ông ta muốn giữ vai trò người chủ, người lãnh đạo điều hành” - tiến sĩ Ébérhard, ông thầy dạy học kiêm theo dõi vua, đã báo cáo với các quan trên như thế. Quan khâm sứ Trung kỳ thì báo cáo với toàn quyền Đông Dương rằng: “Chúng tôi cũng đã phát hiện ở ông vua trẻ này những tính xấu đáng tiếc của vua cha (tức vua Thành Thái)”. “Tính xấu” đó của vị vua trẻ này chính là: chống Pháp!
TTO - Đó là cuộc gặp gỡ giữa vua Duy Tân và các sĩ phu của tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội (VNQPH) mà đại diện ở Trung kỳ là Thái Phiên và Trần Cao Vân.
|
Hào nước cạnh cửa Hòa Bình (cửa sau của hoàng cung Huế) là nơi diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa vua Duy Tân với hai vị thủ lĩnh Trần Cao Vân - Thái Phiên (theo các tài liệu của Pháp) - Ảnh: M.Tự |
Cả ba nhân vật này đều giữ vai trò quan trọng như nhau trong cuộc khởi nghĩa tháng 5-1916 ở Huế và các tỉnh Trung kỳ.
Vua Duy Tân là người lãnh đạo, trong khi Trần Cao Vân và Thái Phiên là thủ lĩnh.
Rộn ràng tụ nghĩa
VNQPH là tổ chức yêu nước do cụ Phan Bội Châu thành lập vào cuối năm 1912 (tại Quảng Đông, Trung Quốc) từ tiền thân là Duy Tân Hội, với tôn chỉ: đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nền độc lập cho dân tộc và thành lập nhà nước Cộng hòa dân quốc Việt Nam theo chính thể dân chủ tư sản.
GS.TS Nguyễn Ngọc Cơ - chuyên gia lịch sử cận đại Việt Nam - cho biết vào tháng 3-1914 tại Đà Nẵng, VNQPH đã tổ chức cuộc họp mặt những người yêu nước ở Trung kỳ, được chủ trì bởi hai nhà yêu nước Thái Phiên (đại biểu Đà Nẵng) và Lê Ngung (đại biểu Quảng Ngãi).
Lúc này, cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất vừa bùng nổ và Pháp đang lâm vào khó khăn do phải đánh nhau với nước Phổ (Đức). Hội nghị nhất trí rằng thời cơ đã đến và phải hành động gấp. Công việc trước tiên là vận động binh lính người Việt, chủ yếu là lính khố xanh (lính người Việt do thực dân Pháp tổ chức ở các tỉnh) và binh lính bị động viên để chuẩn bị đưa sang đánh trận ở Pháp.
Tại Huế lúc đó đang có khoảng 2.500 tân binh sắp bị đưa vào chiến địa ác liệt của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh cho biết tại hội nghị này, đại biểu Lê Ngung đã tỏ ra sốt ruột: “Thời cơ! Thời cơ!... Thời cơ này mà không nổi dậy, còn ngồi yên chờ đến bao giờ?”.
Hội nghị đã giao cho Thái Phiên và Trần Cao Vân tìm cách vận động vua Duy Tân tham gia cuộc khởi nghĩa với tư cách người lãnh đạo, để thu hút sự tham gia của các tầng lớp trong xã hội.
Trước khi VNQPH bàn việc mời vua Duy Tân tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa thì trong lòng vị vua này cũng đã sục sôi ý chí đứng lên đánh Pháp. Trong cuốn sách Vua Duy Tân của tác giả Huỳnh Tôn xuất bản năm 1949 tại Hà Nội có kể lại câu chuyện vua Duy Tân nổi nóng với các quan đại thần khi họ mỉa mai vua lấy vũ khí gì mà chống lại người Pháp.
Vua trả lời rằng chống Pháp bằng vũ khí cất giấu trong lòng dân. “Nước Pháp đang lâm chiến ở châu Âu. Đã đến lúc phải xúi giục dân chúng nổi dậy chống Pháp bằng tất cả sức mạnh của mình” - vua nói. Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn thì công bố một thông tin rất mới.
Trong tài liệu đánh số 50 của bộ hồ sơ 65530 tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại đặt tại Aix-en Provence (Pháp) có ghi rằng Phan Bội Châu và Cường Để (một người hoàng tộc Nguyễn, đồng lãnh tụ phong trào Đông Du) đã gửi thư bí mật cho vua Duy Tân để yêu cầu nhà vua quyết định nền chính trị đất nước là vương quốc hay cộng hòa.
Vua trả lời lại bằng thư tín bí mật rằng ngài đã quyết định thành lập chế độ quân chủ lập hiến, sẵn sàng hi sinh quyền lợi của triều đình để giành lại độc lập, tự do cho đất nước.
|
Trần Cao Vân và Thái Phiên |
Trẫm cùng ý như các khanh!
Tháng 3-1916 (nhằm tháng 2 Bính Thìn), Trần Cao Vân từ Đà Nẵng ra Huế tìm gặp Nguyễn Quang Siêu, một viên chức cung đình với chức vụ chánh đội của Vệ thân binh (nên gọi là đội Siêu), vốn là người quen cũ ở Quảng Nam.
Đội Siêu hiểu được ý đồ của ông Vân nên đồng ý làm người liên lạc để bắc cầu nối với vua Duy Tân. Đội Siêu đã gặp quan thị vệ (bảo vệ vua) Tôn Thất Đề để trình bày ý kiến của Trần Cao Vân. Thị vệ Đề hiểu ngay điều đó, liền trình tấu với vua Duy Tân.
Một ngày đầu tháng 4-1916, Đề và Siêu đến bến Lương Tạ (tức bến Văn Lâu, ngay trước kinh thành Huế) để gặp hai thủ lĩnh của VNQPH là Trần Cao Vân (hiệu là Hồng Việt) và Thái Phiên (hiệu Huỳnh Anh) vừa từ Đà Nẵng ra đang đợi họ dưới một chiếc thuyền.
Sau một hồi trò chuyện về ý đồ thực hiện một cuộc khởi nghĩa và muốn mời vua làm lãnh đạo, Trần Cao Vân đưa một bức thư cho thị vệ Đề nhờ chuyển đến nhà vua.
“Thần là Hồng Việt đạo nhơn xin cúi lạy dưới chân thánh thượng vạn tuế, xin được chấp nhận và bảo toàn để những công việc đi đến thắng lợi...”. Đọc thư xong, vua liền thảo ngay bức thư với bốn chữ Hán, đại ý: “Trẫm cùng một ý như các khanh!”. Hai ông Siêu và Đề mang thư trở lại cho Trần Cao Vân.
Ba ngày sau, thông qua thị vệ Đề, Trần Cao Vân nhắn tin muốn gặp vua để bàn kế hoạch khởi nghĩa. Vua nói “không được vào dinh, rất nguy hiểm”, nên đội Siêu đề nghị phải cải trang làm người đi câu để gặp vua ở chỗ bờ hào cạnh cửa Hòa Bình (cửa sau hoàng cung) vào chiều hôm sau.
Vào khoảng 5g chiều một ngày giữa tháng 4-1916 (có tài liệu nói là ngày 14), vua cưỡi ngựa đi đến bờ hào cạnh cửa Hòa Bình. Hộ tống vua ngoài thị vệ Đề, đội Siêu còn có thị vệ Dương Đức Tuyên và hai người lính (thị vệ Mỹ và đội Mua). Ở đó, đã có hai người đàn ông đội nón ngồi câu cá. Vua hỏi: “Các khanh câu được cá không?”.
“Thưa bệ hạ, chưa ạ”. Sau vài câu trò chuyện, vua rời đi như thể để tránh sự chú ý, một lát sau thì quay lại. “Cá đi từng đàn, các khanh phải hợp lại mới câu được nhiều cá” - vua nói. Sau đó, vua đến gần hai người và trò chuyện: “Từ lúc trẫm lên ngôi, trẫm cảm thấy bất bình. Trẫm biết các khanh là những thần dân dám xả thân vì nước. Vậy bao giờ các khanh sẽ khởi sự để khỏi bỏ lỡ mất cơ hội thuận lợi như hiện nay?”.
Thái Phiên liền trả lời: “Nếu bệ hạ muốn vậy, chúng thần sẽ cố gắng hết sức để chuẩn bị cuộc khởi nghĩa. Nhưng phải đợi đến tháng 4 hoặc tháng 5 (âm lịch) để mọi việc sẵn sàng”. Vua không đồng ý: “Phải gấp lên. Trẫm còn phải đi Cửa Tùng chưa biết ngày nào về”. Trần Cao Vân liền nói: “Xin bệ hạ đừng rời hoàng cung”. Nhà vua liền lệnh cho hai người về chuẩn bị và chờ vua ban chiếu khởi nghĩa.
Toàn bộ diễn biến trên đây của cuộc hội kiến mà giới nghiên cứu gọi là “cuộc gặp gỡ lịch sử” này được nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn thuật lại từ lời khai của chính các nhân vật chủ chốt của cuộc khởi nghĩa là Trần Cao Vân, Thái Phiên, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề.
Đó là lời khai sau khi các vị này bị bắt đã được người Pháp ghi trong các tài liệu số 15, 28, 29 và 60, thuộc bộ hồ sơ 65530, tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại. Đây là tài liệu mới nhất, với nội dung khác hoàn toàn với những gì đã được viết trong hơn 30 cuốn sách và tài liệu nghiên cứu về vua Duy Tân trong 100 năm qua.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn hạ một câu đầy nỗi niềm: “Dưới bầu trời Huế, trong một chiều mùa xuân nhưng đầy vẻ u ám, những con người cháy bỏng khát vọng độc lập tự do đã hội ngộ để bàn định kế sách cứu lấy giang sơn, giống nòi”.
“Cộng hòa dân quốc Việt Nam”
Tháng 9-1915, sau khi nhận thư đề nghị gấp rút nổi dậy của ông Lê Ngung và nghĩa quân Quảng Ngãi, thủ lĩnh Thái Phiên triệu tập tiếp một cuộc hội nghị tại Huế. Tại hội nghị này vẫn còn tranh luận nên truất phế luôn chế độ quân chủ hay là duy trì bằng chế độ quân chủ lập hiến, và tạm thời dung hòa bằng cách mời vua Duy Tân tham gia lãnh đạo.
Tháng 2-1916, Thái Phiên - Trần Cao Vân tiếp tục triệu tập hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa với sự có mặt của đầy đủ anh hào các tỉnh Trung kỳ từ Quảng Bình và đến Quảng Ngãi. Hội nghị đã chọn ngày khởi nghĩa, thống nhất kế hoạch khởi nghĩa và định ra quốc hiệu, quốc kỳ, quân kỳ và thủ đô. Quốc hiệu là Cộng hòa dân quốc Việt Nam.
Quốc kỳ hình vuông nền đỏ có năm sao màu trắng quây quanh vòng tròn, dựa theo ý của kinh dịch “ngũ tinh tụ tĩnh” (năm ngôi sao tụ lại thì thiên hạ thái bình). Thủ đô dự kiến đặt tại Quy Nhơn. Thể chế là quân chủ lập hiến. (Theo tài liệu của GS.TS Nguyễn Ngọc Cơ (Hà Nội), Nguyễn Quang Trung Tiến và Hồ Vĩnh (Huế)).
TTO - Ngay sau cuộc hội kiến với vua Duy Tân vào ngày 14-4-1916, Trần Cao Vân và Thái Phiên trở về Đà Nẵng để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa sẽ diễn ra ngay trong tháng 5-1916.
|
Lính thị vệ hoàng cung - một lực lượng khởi nghĩa của vua Duy Tân - Ảnh: Tư liệu |
Kế hoạch khởi nghĩa được vạch ra kỹ càng bởi hai ông cùng các vị chỉ huy Việt Nam Quang Phục Hội (VNQPH) ở các tỉnh.
Một cuộc khởi nghĩa rất quy mô
Thời điểm khởi sự là giờ Tý ngày 3 tháng 4 năm Bính Thân, tức 1 giờ sáng ngày 4-5-1916. Huế là nơi khởi sự đầu tiên bằng một loạt đạn thần công bắn lên trời phát lệnh cho Quảng Trị, Quảng Bình cùng biết. Tiếp đó, trên đèo Hải Vân đốt lửa để làm hiệu cho Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tại Huế, sau lệnh khởi nghĩa, một cánh quân do Trần Quang Trứ chỉ huy công phá đồn Mang Cá, với sự nội ứng của viên sĩ quan chỉ huy tại đây. Cũng tại đây, 2.500 người lính chuẩn bị tòng chinh sang Pháp sẽ nổi dậy, kéo qua tấn công tòa khâm sứ ở bờ nam sông Hương.
Trong khi đó, lực lượng tại tòa khâm sứ dưới sự chỉ huy của một số người của VNQPH cài cắm sẽ vận động quân lính tại đây quay súng. Một đội cảm tử quân người Quảng Nam - Quảng Ngãi phối hợp với các lực lượng nói trên đánh chiếm cho bằng được tòa khâm sứ.
Hai cứ điểm chính của quân Pháp tại Huế lúc đó là đồn Mang Cá và tòa khâm sứ sẽ bị khống chế. Trong khi đó, Nguyễn Quang Siêu chỉ huy đội thị vệ chiếm giữ hoàng cung. Trước đó, ngay đầu đêm 3-5, vua Duy Tân sẽ rời khỏi hoàng cung đi vào Quảng Ngãi lánh mặt, đợi sau khi khởi nghĩa thành công thì trở lại Huế lập chính thể mới.
Kế hoạch khởi nghĩa như trên đã được vua Duy Tân ngự phê cùng với việc phân công người chỉ huy và bố trí lực lượng ở các tỉnh.
Theo đó, Trần Cao Vân làm cố vấn cao cấp, trực tiếp hộ tống vua rời cung đi vào Quảng Ngãi. Thái Phiên làm tổng chỉ huy và trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa tại Huế. Chỉ huy khởi nghĩa tại Đà Nẵng là Lâm Nhĩ và các phó tướng; tại Quảng Nam là Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, Đỗ Tự; tại Quảng Ngãi là Lê Ngung, Nguyễn Thụy (cử Sụy), Phạm Cao Chẩm; tại Quảng Trị là Khóa Bảo; tại Quảng Bình là Nguyễn Chánh; tại Bình Định, Phú Yên và Kon Tum giao cho Quảng Ngãi tìm người.
Vũ khí của nghĩa quân tại Huế ngoài vũ khí lấy của Pháp thì có thêm dao găm, mã tấu do các lò rèn ở vùng ven đô cung cấp, vận chuyển lên Huế bằng đò. Quân nhu, quân phục cũng được huy động từ dân. “Trên nhiều dòng sông, thuyền của nghĩa quân dập dìu đi lại. Trên một số thuyền còn đặt khung cửi để chị em dệt vải may áo quần cho nghĩa quân” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Cơ đã mô tả như thế về không khí chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Vua cũng cho đúc bốn ấn kinh lược cho bốn vùng: Bình Trị, Nam Ngãi, Bình Phú (Bình Định - Phú Yên), Khánh Thuận (Khánh Hòa - Ninh Thuận). Việc quan trọng nhất là vua ra lệnh cho Trần Cao Vân soạn thảo chiếu khởi nghĩa để hiệu triệu thần dân trong nước nhất tề đứng dậy. Sau nhiều lần sửa chữa, bản chiếu khởi nghĩa đề ngày 29-4-1916 đã được vua ban hành chính thức.
“Thuận theo ý trời, trẫm công bố chiếu chỉ phục quốc...”. Những thông tin này được ghi lại trong các sách của Phạm Khắc Hòe - đổng lý ngự tiền văn phòng triều Nguyễn thời Bảo Đại, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và PGS.TS Nguyễn Ngọc Cơ.
|
Chiếu lệnh của vua Duy Tân cấp cho thị vệ Tôn Thất Đề và Lê Đình Thưởng để phục vụ khởi nghĩa - Ảnh: Tư liệu NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀN |
Vua Duy Tân xuất cung
Khoảng 10 giờ đêm 3-5, vua Duy Tân bí mật rời hoàng cung. Tháp tùng vua là các thị vệ trung thành Tôn Thất Đề, Dương Đức Tuyên và Lê Đình Thưởng. Ra khỏi cửa Hiển Nhơn, đến góc Trường Quốc Tử Giám thì đã thấy Trần Cao Vân - cố vấn cao cấp kiêm phòng vệ đoàn tùy tùng hoàng gia (chức vụ do vua phong) - đợi sẵn cùng một số vị sĩ phu và quan chức Nam Triều.
Đoàn tùy tùng lên bốn chiếc xe kéo theo cửa Thượng Tứ ra khỏi kinh thành đến bến Văn Lâu, sau đó đi bộ đến bến Thương Bạc thì đã có đò của nghĩa quân chờ sẵn. Đò đưa vua qua sông Hương rồi dừng lại ở sở chỉ huy khởi nghĩa tại bến đò ga Huế (đoạn đầu sông Lợi Nông).
Tại đây, vua đã gặp một người tên Trần Quang Trứ làm phán sự ở tòa Công sứ Thừa Thiên (cơ quan của Pháp đặt ra để cai quản tỉnh Thừa Thiên). Người này trước đó đã được tổ chức đồng ý tham gia trong nhóm chủ chốt khởi nghĩa tại Huế, nhưng lúc này là thời điểm quan trọng nên Trần Cao Vân không muốn cho gặp vua.
Tuy nhiên, khi nghe anh ta hứa sẽ giúp đỡ Thái Phiên cầm cánh quân đánh vào trại lính Pháp ở khu nhượng địa (Mang Cá), nhà vua đồng ý gặp ngay. Sau khi nói chuyện với vua xong, thông ngôn Trứ không trở về vị trí chiến đấu mà đi thẳng đến tòa Công sứ Thừa Thiên...
Sau khi trao đổi hết mọi việc với Thái Phiên và bộ chỉ huy khởi nghĩa, vua Duy Tân theo đò xuôi về phía hạ lưu sông Lợi Nông.
Đến 4 giờ sáng vẫn không nghe động tĩnh gì cả. Trần Cao Vân sau khi cho người đi do thám trở về liền báo với vua: cuộc khởi nghĩa đã thất bại, Thái Phiên đã bất lực. Trần Cao Vân đề nghị vua quay trở lại hoàng cung nhưng vua không chấp nhận nên đoàn tùy tùng phải về lánh tạm ở nhà ông Cứu Trí - một đảng viên VNQPH ở làng Hà Trung. Vua quở mắng rất nặng lời, rồi cho thảo chiếu chỉ thông báo cho thần dân về việc vua xuất cung một thời gian và sẽ trở về sau khi hoàn thành “sứ mệnh của thượng đế”.
Các quan không phải lo ngại mà phải giữ thành một cách nghiêm ngặt. Vua cho người mang chiếu chỉ về dán ở cửa kinh thành, đồng thời chuyển thư của vua gửi cho hai bà hoàng thái hậu (mẹ đích và mẹ sinh) và cho các vị thượng thư. Vua lại cho người đem chôn giấu thanh kiếm lệnh cùng với vương miện và bắt đầu một cuộc phiêu lưu mà sau này sách sử của triều Nguyễn gọi là cuộc “bôn ba gió bụi”.
Diễn biến cuộc xuất cung của vua Duy Tân trên đây được nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn dựng lại từ chính lời khai của các nhân vật trong cuộc như Trần Cao Vân, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề... vẫn còn lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại đặt ở Aix-en Provence (Pháp). Nó khác rất nhiều so với diễn biến mà hàng chục sách sử và tài liệu xưa nay đã viết về cuộc xuất cung của vua Duy Tân.
Hương Giang tụ nghĩa
Ngày 3-5-1916 là một ngày đặc biệt của kinh đô Huế. Phố phường lặng lẽ bình yên nhưng trên sông Hương và các sông rạch nối về vùng ven đô đang náo nức cuộc tập kết nghĩa quân và vũ khí để chuẩn bị cho giờ khởi nghĩa.
Từ chiều 2-5, lực lượng tăng cường từ Đà Nẵng và Quảng Trị đã bí mật di chuyển về Huế. Từ Đà Nẵng, tổng chỉ huy Thái Phiên đáp chuyến tàu lửa buổi sáng, cố vấn cao cấp Trần Cao Vân đáp chuyến tàu chiều ra Huế. Các vị chỉ huy khác như Phạm Thành Chương, Lê Cơ, Lê Châu Hàn... cũng ra Huế bằng nhiều con đường bí mật riêng. Đến sáng 3-5, có năm nhân vật khác từ Quảng Trị đã có mặt tại Huế.
Từ các làng mạc ven đô, những chiếc đò chở đầy dao, rựa, mã tấu được dân binh ngụy trang khéo léo, bí mật chuyển về kinh đô. Địa điểm tập kết chính của quân khởi nghĩa là ngã ba sông Hương - sông Lợi Nông (tức sông An Cựu) kéo dài từ cồn Dã Viên đến gần Bến Ngự. Sở chỉ huy là một ngôi nhà nằm gần bến đò ga Huế.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn đã dựng lại cuộc tụ nghĩa này bằng các tư liệu mà ông thu thập được: “Trên dòng sông Hương và các chi lưu ở miệt Gia Hội, Bao Vinh ra đến An Hòa hay An Cựu, những người dân binh cũng âm thầm tập kết về điểm hẹn, vừa bảo vệ cho những chiếc thuyền của các thủ lĩnh đang nhóm họp, vừa chuyển vận, cất giấu vũ khí và quân trang, quân dụng, sẵn sàng cho giờ phút hành động đang đến gần...”.
Ông gọi đó là cuộc “Hương Giang tụ nghĩa” của tướng sĩ Trung kỳ. Tất cả tụ tập quanh hai vị thủ lĩnh Trần Cao Vân - Thái Phiên sẵn sàng chờ lệnh. Trong khi đó, tại các tỉnh từ Quảng Bình vào đến Quảng Ngãi, lực lượng khởi nghĩa cũng đã tập kết về tỉnh lỵ để sẵn sàng nổi dậy đồng loạt với Huế.
TTO - Không có phát pháo hiệu nào được bắn lên bầu trời kinh đô Huế vào lúc 1g sáng 4-5-1916 để mở màn cho cuộc nổi dậy đồng loạt ở các tỉnh Trung kỳ như kế hoạch.
|
Vua Duy Tân trong những ngày ở đảo Réunion - Ảnh tư liệu |
"Nghe đọc bài “Tôi đã làm theo tiếng gọi của Tổ quốc”"
Cuộc khởi nghĩa bất thành và sau đó bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Vua Duy Tân bị bắt đi đày biệt xứ. Qua 100 năm, những mờ khuất của sự kiện lịch sử này đã sáng tỏ dần.
Tên phản bội
Quý độc giả chắc hẳn còn nhớ nhân vật Trần Quang Trứ - người đã đến gặp vua Duy Tân ở sở chỉ huy khởi nghĩa ngay sau khi vua xuất cung mà chúng tôi đã nhắc đến trong bài trước. Ông Trứ làm phán sự ở tòa công sứ Thừa Thiên (cơ quan của Pháp cai quản tỉnh Thừa Thiên).
Thời điểm trước khởi nghĩa, ông Trứ đã đăng lính và được biên chế vào tiểu đoàn lính chiến Đông Dương số 16 đóng trong đồn Mang Cá, chuẩn bị đưa sang chiến trường Pháp ngày 15-5-1916. Vì vậy, bộ chỉ huy khởi nghĩa mới giao cho ông Trứ việc vận động đội quân này tham gia khởi nghĩa.
Lúc đó vào khoảng 10g đêm 3-5-1916, vua Duy Tân vừa xuất cung rồi theo một chiếc đò đến sở chỉ huy khởi nghĩa (đặt ở bến đò ga Huế).
Ông Trứ tìm cách gặp được vua, nắm được thông tin bí mật về kế hoạch sắp diễn ra, rồi đưa tay thề sẽ đem hết mình phục vụ cho đại nghĩa. Thế nhưng, thay vì trở về lại vị trí chiến đấu ở đồn Mang Cá thì ông Trứ đã chạy đến tòa công sứ Thừa Thiên và báo cáo toàn bộ sự việc.
Theo lệnh của công sứ Carlotti, ông Trứ đã dẫn ngay một nhóm lính khố xanh quay trở lại để ngăn chặn nhà vua, nhưng chiếc đò chở vua đã xuôi về phía hạ lưu sông Lợi Nông.
Công sứ Carlotti lập tức điện khẩn cấp đến tòa khâm sứ Trung kỳ báo cáo về việc vua Duy Tân đã rời cung và có “một cuộc nổi loạn” sắp nổ ra lúc 1g sáng. Bức điện khẩn này được gửi đi lúc 23g30 ngày 3-5-1916, hơn một tiếng trước giờ G khởi nghĩa.
Khâm sứ Charles liền cử chánh văn phòng tòa khâm sứ Le Fol và chánh mật thám Trung kỳ Sogny cùng thượng thư bộ lễ Huỳnh Côn vào ngay hoàng cung để kiểm tra thì thấy phòng ngủ của vua lạnh ngắt. Khâm sứ liền huy động lực lượng truy đuổi nhà vua và đoàn tùy tùng. Đồng thời triển khai các biện pháp để chặn đứng ngay “cuộc nổi loạn”.
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Thái Văn Kiểm (xuất bản năm 1960) và Lê Ước (xuất bản năm 1968), tòa khâm sứ đã ra lệnh giới nghiêm, thu hết vũ khí của lính trong đồn Mang Cá, cho quân đội dưới sự chỉ huy của lính Pháp triển khai tuần tiễu ráo riết trên các đường phố.
Kinh thành Huế cũng được kiểm soát chặt chẽ. Cuộc khởi nghĩa đã bị dập tắt ngay trước giờ nổ súng.
Những thông tin trên đây được thể hiện rất chi tiết trong bản báo cáo ngày 5-5-1916 (một ngày sau) của chính “kẻ nội gián” Trần Quang Trứ gửi tiểu đoàn trưởng lính chiến số 16 của Pháp, cùng với những bức điện khẩn của công sứ Thừa Thiên, khâm sứ Trung kỳ, phân đội hiến binh Trung Bắc kỳ... Tất cả đều đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ hải ngoại đặt tại Aix-en Provence (Pháp).
“Không, vì ta đã thất bại!”
Khi biết rằng việc lớn không thành, vua Duy Tân lánh về làng Hà Trung (cách kinh thành Huế khoảng 20km về phía đông nam) trong ngày 4-5.
Vua và đoàn tùy tùng nghỉ lại tại nhà của ông Cứu Trứ - một hội viên của Việt Nam Quang Phục Hội. Sau khi bàn bạc với Trần Cao Vân, vua quyết định sẽ men theo vùng đồi núi phía tây Huế để di chuyển vào Bà Nà (Quảng Nam) và lập căn cứ kháng chiến ở đó.
Ngay trong đêm 4-5, vua và đoàn tùy tùng tìm đường đi lên phía núi, ngủ lại ở làng Ngũ Tây - một ngôi làng nằm phía tây nam Huế. Vào khoảng 6g sáng 6-5, vua vào nghỉ ở nhà một lính thị vệ tên Võ Đình Cơ (Đội Cơ), nằm cạnh chùa Thuyền Tôn và núi Ngũ Phong. Các sách và tài liệu lâu nay đều ghi rằng Đội Cơ và em trai là Trùm Tồn đã lén lút báo cho tòa khâm sứ biết vua đang ở nhà mình.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn cho biết theo lời khai tại tài liệu số 12, hồ sơ 65530 lưu trữ tại Pháp, thị vệ Dương Đức Tuyên (người đang theo bảo vệ vua) thú nhận chính ông đã bảo Đội Cơ đi tìm các vị thượng thư triều đình đến đón vua.
Ngay trong buổi sáng hôm đó 6-5-1916, quân Pháp và triều đình đã tức tốc đến làng Ngũ Tây để “đón đức vua”. Đoàn “hộ giá” có đổng lý văn phòng tòa khâm sứ Le Fol, chánh mật thám Sogny, một số vị quan thượng thư, tháp tùng là lính Pháp, lính triều đình và kẻ nội gián Trần Quang Trứ.
Toán đầu tiên giáp mặt vua liền hỏi: “Ngài làm gì ở đây, thưa bệ hạ?”. “Ta đang đi dạo”. Quân lính xúm vào bắt Trần Cao Vân cùng các tùy tùng của vua.
Trần Quang Trứ hỏi vua: “Bệ hạ có nhận ra bề tôi của ngài không?”. “Có chứ. Ta nhận ra ngươi. Bây giờ thì ta đã hiểu tấm lòng và lời nói của ngươi!”. Trứ liền trách cứ nhà vua đã bội ơn nhà nước bảo hộ (Pháp) đã mất công mất của để giáo dục ngài.
Vua tức giận đập tay và mắng to: “Ngươi không biết dòng máu đang chảy trong huyết quản của ta đâu!”. Quân Pháp yêu cầu vua vén áo để kiểm tra vũ khí, vua liền phản ứng: “Nếu có súng ta đã bắn hạ các ngươi rồi”.
Lúc 11g trưa, vua bị áp tải về đến tòa khâm sứ Trung kỳ. Viên quan khâm sứ Charles đón chào vua bằng câu hỏi đầy mỉa mai: “Ngài có hài lòng với cuộc du ngoạn của mình không, thưa ngài?”.
“Không, vì ta đã thất bại!”. Cuộc chạm trán đầy kịch tính như trên giữa vị vua trẻ tuổi ương ngạnh với các quan tây bảo hộ được Sogny - chánh mật thám Trung kỳ - tường thuật tại tài liệu số 66, hồ sơ 65530, Nguyễn Trương Đàn dịch.
Vứt bỏ ngôi báu như chiếc giày rách
Quân Pháp đưa vua Duy Tân sang quản thúc ở đồn Mang Cá để khai thác thông tin về cuộc khởi nghĩa. Toàn quyền Đông Dương Ernest Roume từ Hà Nội lập tức vào Huế và trực tiếp “thẩm vấn” nhà vua.
“Tôi yêu cầu ông ta nói rõ hơn nguyên nhân thúc đẩy ông thực hiện việc vừa qua. Ông ta trả lời chẳng có gì để nói thêm nữa vì ông ta hành động chỉ vì lợi ích xứ sở An Nam... Ngay khi bị bắt, ông ta đã đợi bị bắn... Ông ta chỉ tiếc một việc là cuộc nổi dậy đã không thành”.
Đó là báo cáo của toàn quyền Đông Dương Roume gửi về Bộ trưởng Thuộc địa của nước Pháp (tài liệu số 68, hồ sơ 65530).
Quân Pháp còn đưa cả hai bà hoàng thái hậu và hoàng quý phi (vợ vua) Mai Thị Vàng đến thuyết phục vua thay đổi thái độ để trở về ngôi báu, nhưng vua cự tuyệt (theo Phạm Khắc Hòe).
Trong lá thư gửi cho thầy giáo Ébérhard của mình một ngày sau khi bị bắt (7-5), vua viết: “Tôi đã làm theo tiếng gọi của Tổ quốc mà không gì có thể cưỡng lại”.
Toàn quyền Đông Dương Ernest Roume đã thốt lên lời bất lực: “Chúng ta đã chứng kiến trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử xứ An Nam, một ông vua nổi dậy chống lại chính quyền của chính mình” (theo biên bản cuộc họp ngày 10-5-1916). Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên của triều Nguyễn đã ghi hành động của vua là “vứt bỏ ngôi báu như chiếc giày rách, bôn ba gió bụi”.
Ngày 3-11-1916, cựu hoàng Duy Tân cùng với thân phụ là cựu hoàng Thành Thái, thân mẫu, hoàng phi Mai Thị Vàng và gia đình xuống tàu ở bến Ô Cấp (Vũng Tàu) để bắt đầu sống kiếp lưu đày ở đảo Réunion, một hòn đảo thuộc địa của Pháp nằm trên Ấn Độ Dương, phía đông châu Phi.
Năm đó nhà vua mới 16 tuổi. Tại nơi đất khách này, ông đã sống một cuộc đời đầy sóng gió, cho đến năm 45 tuổi thì tử nạn trong một vụ rơi máy bay mà đến nay cái chết bí ẩn của vị cựu hoàng này vẫn chưa được làm rõ.
|
Báo Trung Bắc Tân Văn số ra ngày 27-5-1916 đưa tin việc xử chém các thủ lĩnh Trần Cao Vân - Thái Phiên - Ảnh tư liệu Nguyễn Trương Đàn |
Sáng 17-5-1916, hội đồng xét xử của triều đình đã đưa ra xử những người tham gia “cuộc nổi loạn” ở Huế. Sau khi luận tội các can phạm, tòa tuyên án xử trảm bốn kẻ cầm đầu là Trần Cao Vân, Thái Phiên, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề và thi hành án ngay lập tức.
Những người còn lại tội nhẹ hơn sẽ tiếp tục điều tra, xét xử sau. Ngay chiều hôm đó, lúc 4g30 ngày 17-5-1916, bốn nhân vật chủ chốt của cuộc khởi nghĩa, bị hành quyết chém đầu ngay tại pháp trường ở phía bắc kinh thành Huế, nơi mà sau này dân gian gọi tên là Cống Chém (nay thuộc phường An Hòa, TP Huế).
Một ngày sau, 18-5-1916, hoàng tử Bửu Đảo lên ngôi, lấy niên hiệu là Khải Định.
TTO - Sau khi đăng loạt bài về cuộc khởi nghĩa của ông vua kỳ lạ Duy Tân trên bốn số báo liên tục vừa qua, Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của đông đảo bạn đọc.
|
Đông đảo người dân Huế đã đến dự lễ cải táng vua Duy Tân tại An Lăng sáng 6-4-1987 - Ảnh tư liệu |
Phần lớn các ý kiến đều cảm kích trước khí phách của những người con nước Việt sẵn sàng lấy máu để rửa nhục mất nước. Đồng thời bạn đọc cũng băn khoăn bởi những tư liệu mới công bố này khác rất nhiều so với những sách vở tài liệu xuất bản lâu nay.
Từ yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi tiếp tục thông tin rõ hơn về cuộc giải mã những ẩn số lịch sử qua tài liệu mới của nhóm nghiên cứu của Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng mà chủ trì là nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn.
Góp phần phục dựng 90% sự kiện
Giải thích về sự khác hẳn này, ThS Lưu Anh Rô - tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, thành viên của nhóm nghiên cứu nói trên - cho biết các tài liệu lưu truyền lâu nay về vua Duy Tân và cuộc khởi nghĩa năm 1916 phần lớn là “tài liệu truyền ngôn”, người đời trước nghe được rồi kể lại cho người đời sau, và cứ thế mà truyền; vì vậy, lịch sử đã bị phủ lên một bóng mờ hư thực.
Nhiều độc giả thắc mắc: các tài liệu này được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại đặt tại Aix-en Provence (Pháp), một nơi không phải là bí mật, và không xa lạ với giới nghiên cứu lịch sử, vậy sao gần 100 năm qua vẫn không thấy ai nhắc đến?
Ông Rô cho hay các nhà nghiên cứu trước đây cũng đã biết đến, nhưng họ tiếp cận không đầy đủ, không có hệ thống và không đi đến cùng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn cho biết chuyên gia sử học Nguyễn Thế Anh (nguyên giáo sư Đại học Sorbonne - Pháp) đã gợi ý rằng nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa tháng 5-1916 trước hết phải tiếp cận các hồ sơ lưu trữ ở Pháp mà ông ấy từng tra cứu nhưng chưa khai thác kỹ.
Sau một thời gian tìm kiếm manh mối, tháng 4-2011, ông Đàn liên lạc được với PGS.TS Nguyễn Phương Ngọc, giảng viên ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại Đại học Tổng hợp Aix-Marsseille I (Provence).
PGS.TS Nguyễn Phương Ngọc đã tìm thấy những hồ sơ cần thiết tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại đặt tại Aix-en Provence. Đó là ba hộp hồ sơ với hơn 260 tài liệu, thuộc thư mục toàn quyền Đông Dương.
Tháng 7-2011, nhóm nghiên cứu của ông Đàn đã nhận được bộ hồ sơ sao lục trên đĩa VCD. Quá sung sướng vì tìm được của quý, nhóm nghiên cứu đã bắt tay ngay việc đọc, phân loại, lập mục lục và huy động cả một tập thể để dịch cho hết 1.400 trang tài liệu.
Sau ba năm làm việc miệt mài, đến cuối năm 2014 thì đề tài khoa học “Khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân qua các tài liệu mới” của nhóm nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn, Lưu Anh Rô, Bùi Văn Tiếng, Võ Hà đã được nghiệm thu.
Cũng trong năm 2014, ông Nguyễn Trương Đàn đã công bố bước đầu tài liệu mới này trong cuốn sách Vua Duy Tân 1916.
ThS Lưu Anh Rô cho biết nhiều tài liệu trong bộ hồ sơ là biên bản ghi lời khai (sau khi bị bắt) của các nhân vật chủ chốt như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề... với mật thám Pháp.
Một số lời khai đã được các vị cố ý giấu bí mật hoặc khai khác đi nhằm giảm tội cho đồng đội của mình.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu phải đối chiếu, kiểm chứng rất kỹ để lọc ra những thông tin chính xác, phù hợp. Ông Rô cũng thận trọng khi xác định đây cũng chỉ là tài liệu được ghi chép từ phía Pháp, nên vẫn chưa đủ dữ liệu để có cái nhìn đầy đủ về sự kiện lịch sử này.
Tiếc là đến nay, các tài liệu của người Việt vẫn chủ yếu là “truyền ngôn”, trong khi tài liệu của người Pháp đều là văn bản của các cơ quan đương thời với nguồn gốc rõ ràng. Vì vậy, ông Rô tin rằng bộ tài liệu mới này đã giúp phục dựng lại sự kiện này đến 90%.
“Chúng tôi đã hoàn chỉnh bản thảo và công trình này cũng sắp sửa ra mắt độc giả” - ông Rô cho hay.
Không có bản án nào với vua Duy Tân
Theo thống kê của nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn, kể từ sau khi sự biến diễn ra đến nay, đã có hơn 120 tài liệu đề cập đến cuộc khởi nghĩa tháng 5-1916, trong đó có hơn 30 tài liệu viết về vua Duy Tân, hầu hết đều nói đến một cách rất cụ thể rằng có một bản án của triều đình Nguyễn dành cho vua theo lệnh của tòa khâm sứ Trung kỳ (của Pháp).
Bản án ấy mở đầu với một câu đã trở nên quen thuộc: “Vọng thính sàm ngôn, khuynh nguy xã tắc...” (nghe theo lời bậy bạ, khiến xã tắc lâm nguy).
Đồng thời cho rằng triều Nguyễn mà đại diện là Phủ phụ chính đã giao trọng trách cho quan thượng thư bộ học Hồ Đắc Trung thảo bản án đó, với nội dung đổ hết tội cho Trần Cao Vân - Thái Phiên nhằm giảm tội cho vua.
Sách nào cũng chép lại bản án ấy một cách rành mạch: “Ban đầu buôn câu ở Hậu Hồ, tự tiện viết chiếu văn, kế đến đậu thuyền bến Thương Bạc, đón rước nhà vua xuống thết cơm tẻ ở làng Hà Trung, cháo gà ở núi Ngũ Phong, mình rồng phải dãi dầu gió bụi. Tội nghiệt ấy đều do bọn kia gây ra” (theo sách của Phạm Khắc Hòe).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn cho biết trong cả ba hồ sơ liên quan đến “cuộc biến loạn ở Trung kỳ năm 1916” đang lưu trữ ở Pháp hoàn toàn không có văn bản nào giống như bản án mà các sách vở tài liệu lâu nay vẫn lưu truyền.
Trong khi đó, bộ tài liệu này lại có nhiều văn bản liên quan đến việc xét xử này, cho phép hình dung một cách khá đầy đủ diễn biến vụ việc. Trong số tài liệu này có hai văn bản mang số hiệu 45 thuộc hồ sơ 65530 và 46-65530 với nội dung như là bản án.
Đó là công văn của Phủ phụ chính gửi Khâm sứ Trung kỳ, báo cáo kết quả xử án “Trần Cao Vân và đồng đảng”.
Hoàn toàn không có nội dung nào xét xử vua. Đồng thời, không có một nội dung nào cho thấy sự tham gia của thượng thư Hồ Đắc Trung vào việc soạn thảo bản án và hội đồng xét xử. Ông Đàn cho rằng câu chuyện về bản án vua Duy Tân “tiếc thay vẫn phải coi là truyền thuyết mà thôi!”.
Trên tạp chí Xưa & Nay tháng 5-2016, nhà nghiên cứu sử học Trần Viết Ngạc (TP.HCM) sau khi xác tín lại các tài liệu mà nhóm nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn công bố, đã khẳng định: “Không có bản án nào cho vua Duy Tân như từ trước đến nay vẫn nghĩ, không một ai trong Nam triều bênh vực vua Duy Tân. Đó là sự thật!”.
* * *
Triều Nguyễn, mà thực chất là Phủ phụ chính do Pháp đặt ra, đã phế truất vua Duy Tân. Chính sử triều Nguyễn ghi là “Duy Tân phế đế”.
Nhưng, trang sử trong lòng dân vẫn mãi khắc ghi hình ảnh một vị hoàng đế tuổi thiếu niên mà đã biết cất lên vai trọng trách của một vị minh quân.
Vậy nên, sau hơn 70 năm tha hương, dù trở về Tổ quốc với nắm tro cốt (ngày 6-4-1987), vua Duy Tân vẫn được người dân đón chào như một vị anh hùng. Việc đó đã được nhà thơ Nguyễn Duy đúc kết như sau:
Mặt trời vẫn mọc đằng đông Lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người Bao triều vua phế đi rồi Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ!
“Đây là tư liệu mới nhất cho đến thời điểm này, về vua Duy Tân và cuộc khởi nghĩa năm 1916, dù trước đây có người tiếp cận nhưng chỉ sơ bộ.
Lâu nay, các công trình nghiên cứu về sự kiện này chủ yếu là sử dụng tài liệu phía Việt Nam, nên không đầy đủ.
Nghiên cứu một sự kiện liên quan đến người Pháp thì không thể thiếu tư liệu từ phía Pháp, nhất là khi những nhân vật trong cuộc đều đã bị Pháp bắt, lời khai của họ đều do Pháp giữ, sau đó thì họ đã bị xử trảm.
Tư liệu này có độ tin cậy cao, hội đồng nghiệm thu của Sở Khoa học - công nghệ TP Đà Nẵng cũng đã nghiệm thu.
Tuy nhiên, vì đây là tài liệu của mật thám Pháp, luôn có tính hai mặt, cần phải có độ lùi thời gian để đánh giá. Vì vậy, người sử dụng cần thận trọng đánh giá lại khi tham khảo tư liệu mới này”.
PGS.TS ĐỖ BANG
(chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế, phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN)
|
|
|
___________
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét