Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Ông Ba Bị ở Huế

Cuộc hỏa thiêu ở chùa Thiên Mụ


TTO - Kể chuyện huyễn tưởng về ông Ba Bị chuyên đi bắt người để dọa trẻ con thì nhiều vùng miền trên khắp cả nước, kể cả nhiều nước trên thế giới cũng có. 
Ông Ba Bị ở Huế: Cuộc hỏa thiêu ở chùa Thiên Mụ
Ông Nguyễn Hữu Đông thắp nhang ở lăng “ông Ba Bị” hiện nay - Ảnh: THÁI LỘC
 Kỳ 1 Cuộc hỏa thiêu ở chùa Thiên Mụ
Nhưng thật bất ngờ ở Huế lại có hẳn một ông Ba Bị được ghi trong lịch sử, bằng xương bằng thịt, có lăng mộ và những câu chuyện nhân văn, lý thú truyền trong lòng dân…
Ngài tu theo hạnh đầu đà, thường đi khất thực lang thang ở các làng, lúc nào trên mình ngài cũng đeo ba cái bị. Một cái để đựng thức ăn mặn do người ta cúng dường, ngài chỉ nhận để cho lại người nghèo; một cái để đựng đồ ăn chay phần ngài dùng; một cái to nhất thì đi đến đâu, về đêm, ngài treo lên mái đình làng để ngồi vào trong đó
(Lịch sử Phật giáo xứ Huế)
“Hôm nay tôi lên thắp hương lăng ông Ba Bị, nhà báo có đi cùng không?”. Cuộc alô của ông Nguyễn Hữu Đông, nguyên giám đốc Công ty du lịch Hương Giang (Huế), làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì không nghĩ có một ông Ba Bị thật, có lăng mộ để mà thắp hương; một ông Ba Bị ám ảnh trong suốt tuổi thơ tôi những lần khóc nhè.
Lăng mộ
Cùng ông Nguyễn Hữu Đông, chúng tôi ngược đường Kim Long ven bờ bắc sông Hương lên chùa Thiên Mụ, rẽ vào con đường bêtông ngay bên trái cổng chính của chùa.
Lên dốc là gặp ngay bức tường đá cổ của ngôi quốc tự, chúng tôi tiếp tục đi hết con đường men theo bức tường và đến con đường bêtông nằm ngay phía sau chùa.
Khu triền đồi này ken đặc mồ mả. Ở phía bên phải là một ao sâu, tương truyền là nơi Cao Biền trấn yểm địa cuộc long mạch trời Nam hơn ngàn năm trước.
Chúng tôi men theo con đường nhỏ, ngoằn ngoèo, quanh những khu lăng và nấm mồ, ximăng có, đất có.
“Con đường bêtông này là do chúng tôi xây ba năm trước, nhưng cũng chỉ xây tới ngang đây thôi vì mồ mả nhiều quá không xây tiếp được nữa, không thể làm đường đến tận lăng ngài (ông Ba Bị) được” - ông Đông vừa diễn giải vừa dẫn chúng tôi theo lối mòn bằng đất, nhiều chỗ phải băng qua những nấm mộ dày đặc, san sát.
“Lăng ngài ở đây” - ông Đông dẫn tôi vào một khu lăng khá quy mô như vừa mới xây, có la thành, bình phong trước, sau, cổng vào, hai trụ biểu đằng trước. Bảo tháp ở giữa hình bát giác xây theo lối cổ, bên trên có đắp nổi mấy chữ “phù”.
Tấm bia trước lăng có dòng chữ quốc ngữ: “Thuận Hóa Thừa Thiên húy thượng Trung hạ Đình đại lão hòa thượng chi bảo tháp” được khắc mới. Phần lạc khoản: “Mùa thu năm Quý Tỵ đại trùng tu (2013)”, và “Thập phương phật tử các giới phụng lập”.
Tấm bia gắn trên bình phong hậu khắc phần ghi về “ông Ba Bị” trong sáchLịch sử Phật giáo xứ Huế.
Ông Đông thắp một bó nhang, khấn vái và cắm vào bát nhang trước lăng. “Năm 2012, tình cờ tôi đọc một cuốn sách về lịch sử Phật giáo, bất ngờ đọc đến đoạn ngài Trung Đình hòa thượng là ông Ba Bị, tôi giật mình.
Té ra ông Ba Bị là một vị thiền sư đắc đạo chứ không phải một nhân vật truyền thuyết. Lần theo chỉ dẫn của sách, tôi tìm đến đây và gặp ngay lăng của ngài trong tình trạng xuống cấp.
Đến năm 2013 thì tôi cùng nhóm thân hữu cùng quyên góp, sau khi được sự cho phép của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế thì tiến hành trùng tu như hiện nay” - ông Đông kể.
Ngón tay xá lợi
Sách ông Đông đọc là cuốn Lịch sử Phật giáo xứ Huế của Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm. Sách này ghi: “Trước khi quân Trịnh vào chiếm đóng Thuận Hóa, tại chùa Thiên Mụ đã có cuộc hỏa thiêu của Trung Đình hòa thượng. Không biết hòa thượng là người ở đâu, tên gì, thuộc thiền phái nào.
Chỉ vì ngài thường trú trong các đình làng nên người ta thường gọi là Trung Đình hòa thượng. Ngài tu theo hạnh đầu đà, thường đi khất thực lang thang ở các làng, lúc nào trên mình ngài cũng đeo ba cái bị.
Một cái để đựng thức ăn mặn do người ta cúng dường, ngài chỉ nhận để cho lại người nghèo; một cái để đựng đồ ăn chay phần ngài dùng; một cái to nhất thì đi đến đâu, về đêm, ngài treo lên mái đình làng để ngồi vào trong đó. Đêm trì tụng, ngày lang thang xin ăn.
Áo quần không cần thiết, chỉ đóng khố, tóc để bù xù, hình dáng nhớp nhúa, trẻ em trông thấy rất sợ hãi.
Dân gian vùng Thuận Hóa thường diễn tả hình ảnh ngài qua ba tiếng “ông Ba Bị”. Nhưng có ai biết trong cái hình dáng lạ kỳ, cổ quái như thế mà ngài là một thiền sư đã ngộ đạo.
Ngài đã xin chúa Nguyễn Phúc Thuần cho lập hỏa đàn ở chùa Thiên Mụ, và xin bố cáo cho dân kinh thành biết để đến dự. Mọi người vái lạy xin ngài lưu lại cho một chút di thể, ngài chỉ yên lặng đưa lên một ngón tay. Lúc đốt, lửa bốc mạnh thành gió, đẩy mạnh chiếc mũ Quán Âm của ngài đội.
Trong lửa đỏ rừng rực, thiền sư đã tự nhiên đưa tay lên để sửa lại mũ, miệng vẫn tụng niệm. Người đi dự đông như kiến cỏ, tranh nhau lấy trầm hương liệng vào hỏa đàn.
Thiêu xong, quả nhiên còn một ngón tay không cháy. Người ta nhặt ngón tay và tro còn lại, đem xây tháp thờ bên triền núi phía tây chùa Thiên Mụ.
Tháp này đến nay vẫn còn tại chỗ cũ, ở phía tây ngoài vòng thành chùa hiện nay. Bốn mặt đều có khắc chữ “phù”, trên chóp có hoa sen, tháp hình vuông, cao độ 1m, tháp cổ đã hơn 200 năm”.
Tìm nơi thờ tự
Nhang khói vẫn còn nghi ngút trong ánh chiều tà, ông Nguyễn Hữu Đông nêu thắc mắc với chúng tôi, rằng: tháp ở đây thì chắc chắn ngài phải được thờ ở một ngôi chùa nào đó. Tuy nhiên, ông Đông cho biết đã hỏi khắp chùa Thiên Mụ nhưng ai cũng lắc đầu.
Những ghi chép cũng như hệ thống long vị thờ tự của chùa này không hề có ngài Trung Đình hòa thượng. Những ngôi chùa quanh đó cũng được chúng tôi truy tìm.
Đến chùa Phước Duyên nằm ngay sau chùa Thiên Mụ, cách “lăng ông Ba Bị” chừng 300m, một vị tăng già của chùa lắc đầu: “Tôi chưa từng nghe nói!”.
Ngôi chùa gần đó cũng được truy tìm là chùa Từ Ân. Nhưng chùa này cũng không thờ ngài Trung Đình, vì thành lập mãi sau này bởi hoàng thái hậu Từ Dũ dưới thời nhà Nguyễn...
Quyết tìm cho ra gốc tích hoặc hành trạng, chúng tôi tìm đến chùa Từ Đàm, tìm gặp hòa thượng Thích Hải Ấn, đồng tác giả sách Lịch sử Phật giáo xứ Huế... Sư Hải Ấn cho biết câu chuyện về ngài Trung Đình hòa thượng được dẫn lại từ sách Việt Nam Phật giáo sử lược của Thích Mật Thể.
Và ngài Mật Thể cũng lấy câu chuyện từ sách Hàm Long sơn chí, một bộ sách dưới dạng cảo bản của Như Như đạo nhân, ghi chép về các vị danh sư, về chùa chiền và những câu chuyện Phật giáo Huế hàng trăm năm trước.
Theo lời sư Hải Ấn, cho dù táng ở khu vực Thiên Mụ nhưng Trung Đình hòa thượng không tu ở chùa này. Tháp cũng nằm ngoài khuôn viên chùa nên sẽ không thờ trong chùa.
“Cũng có thể có nơi thờ phụng nào đó, nhưng xưa quá rồi, nay thất lạc. Ngay cả tên gọi Trung Đình đâu phải cái tên của ngài, mà là người ta gọi theo hình thức ngài thường ngủ trong các đình. Chứ người xưa còn không biết tên họ, quê quán của ngài” - sư Hải Ấn cho biết.
________________________

Câu chuyện về vị danh sư có hành trạng kỳ lạ tiếp tục lôi cuốn, dẫn dắt chúng tôi đến núi Hàm Long, nơi có ngôi cổ tự Báo Quốc, phát xuất của bộ sách Hàm Long sơn chí ghi chép về ông Ba Bị một thời.

Chuyện kể từ núi Hàm Long


TTO - Hàm Long là một ngọn núi nhỏ, nơi tọa lạc của cổ tự Báo Quốc, nằm ngay ở phía nam ga Huế, ngay cạnh xóm Lịch Đợi - cách đọc biến âm của Lịch Đại đế vương, nơi nhà Nguyễn thờ các vị thánh đế trước Nguyễn. 
Ông Ba Bị ở Huế: Chuyện kể từ núi Hàm Long
Chùa Báo Quốc, nơi xuất phát bộ sách Hàm Long sơn chí ghi chuyện về ông Ba Bị - Trung Đình hòa thượng - Ảnh: THÁI LỘC
Hòa thượng Thích Minh Không ở cổ tự Báo Quốc nói với chúng tôi: “Chuyện có nghịch lý. Người ta dùng ông Ba Bị để dọa con nít nhưng con nít thì rất thương ông!”.
“Theo dã sử thì những tay hào kiệt, bị Trịnh Kiểm nghi kỵ, đều đi theo Nguyễn Hoàng vào khai thác Ô châu, mỗi người có mang ba cái bị trên vai: trong hai bị ngồi hai trẻ em, còn một bị là chứa đồ lương thực. Đến đâu cũng nghe tiếng khóc trong bị, người ta đồn rằng: “Các ông ba bị đi bắt trẻ em”. Sau người ta dọa trẻ em thì cứ nói: “Ông ba bị!”…
Sách Việt Nam ngoại giao sử
“Trung Đình” do nhà chúa ban
Ngay chân núi là giếng đá cổ Hàm Long Tĩnh nằm giữa tán cây um tùm. Tấm bia đá bên giếng ghi rõ “Theo bộ Hàm Long sơn chí, giếng xuất hiện cùng thời với việc khai sơn chùa Báo Quốc, khoảng năm 1674”.
Đây còn gọi là giếng Cấm vì nước giếng mát lạnh và có vị ngọt nên có chuyện kể rằng buổi đầu khai quốc các quan lại thường lấy nước giếng này để vua dùng.
Bước lên các bậc cấp là đến cổng tam quan cổ kính tuyệt đẹp; mái chùa nằm giữa sân vườn mượt bóng cây xanh.
Sau vài lần ghé chùa, chúng tôi cũng may mắn gặp được hòa thượng Thích Minh Không khi đang nghỉ ngơi sau giờ nghiên cứu kinh sử.
Nhà sư cho biết sách Hàm Long sơn chí do Điềm Tịnh cư sĩ và Như Như đạo nhân thực hiện, xuất phát từ ngôi chùa này.
Sách được viết dưới thời Nguyễn. Như Như đạo nhân vốn là một tri tạng (người trông coi kinh tạng) của chùa Báo Quốc, bận đồ dệt cỏ, thường cưỡi ngựa “đi mây về gió”.
Đến nay nhà chùa chỉ còn giữ một ít cuốn bản gốc, và một phần bản photocopy do một vị thiền sư danh tiếng sưu tầm, tặng lại.
Nguyên trước đây, sách Hàm Long sơn chí còn được lưu giữ đầy đủ tại chùa, song có một thời, một vị sư trong chùa phạm giới luật, có con với người bên ngoài nên đành phải rời chùa. Khi đi, vị này đem theo trọn bộ Hàm Long sơn chí.
Về sau, vì nuôi không nổi nên vị này gửi con trai lại cho chùa Báo Quốc nuôi, đồng thời tặng chùa một vài bản gốc sách quý. Phần sách còn lại tản mác, về sau được một vị thiền sư sưu tập lại và đem vào Sài Gòn.
Dẫn giải từ sách sử lưu giữ tại chùa Báo Quốc, hòa thượng Thích Minh Không cũng cho rằng ông Ba Bị chính là Trung Đình hòa thượng, tên gọi xuất phát từ việc thường treo cái bao bố ngủ trong đình.
Theo nhà sư, ông Ba Bị không bận quần áo mà “chỉ có cái khố vải nhỏ che ở vùng kín như thổ dân”, thân hình thì gầy gò, dị tướng nên thường bị đồng nhất với sự hung dữ để đem dọa con nít.
Thực tình, con nít rất thích ông vì hằng ngày, sau khi khất thực về, ông thường cho con nít rất nhiều đồ ăn.
Riêng chuyện tự thiêu, sư Minh Không kể: “Buổi cuối cùng, ông bảo: “Ngày ni ôông (cách người Huế đọc từ ông) cho mấy đứa con ăn, ngày mai ôông từ giã nghe!”. Mấy đứa con nít bá vai bá cổ mà gặng hỏi ngài từ giã như thế nào, ngài nói sẽ tự thiêu.
Tiếp tục gặng hỏi, ngài nói tự thiêu ở chùa Thiên Mụ. Khi tiếng đồn đến phủ chúa thì nhà chúa cho người đến hỏi. Ngài trả lời rằng đã đến lúc xả thân. Lúc đó nhà chúa mới ban cho ngài bộ đồ y hậu, kèm theo cái mũ hiệp chưởng.
Triều đình cũng không biết ngài tên gì, quê quán ở đâu, chỉ biết ngài thường khất thực khắp nơi, tối ngủ ở đền miếu, am đình nên mới ban hiệu là Trung Đình hòa thượng!”.
Những dị bản
Đi rất nhiều làng mạc quanh Huế, chúng tôi nghe kể rất nhiều chuyện khác nhau về ông Ba Bị.
Những cụ già ở các làng Tiên Nộn, Thế Vinh, hay Nam Phổ ven hạ nguồn sông Hương ở phía đông TP Huế thì giải thích rằng ông Ba Bị chẳng qua là: “Người đàn ông vô gia cư, rách rưới, ăn mày, đi mô chó cũng sủa. Con nít thấy sợ bị ông bắt đi, cho nên người lớn dọa ông Ba Bị!”. Hầu hết các cụ đều nghe kể lại chứ từ nhỏ đã không còn thấy.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhân vật đặc biệt từng xuất hiện trong làng, mà người ta không biết tên tuổi, gốc tích hay hành trạng và “đồng hóa” với ông Ba Bị đem dọa trẻ con.
Đó là trường hợp ở xóm Xuân Đài, nay thuộc phường Xuân Phú, TP Huế, còn lưu truyền câu chuyện về ông “cò nảy nảy” mà con nít khiếp sợ một thời.
Cụ Nguyễn Văn Hiếu, người xóm Xuân Đài, cho biết trước đây, gần khu vực bến xe An Cựu cũ, nay là siêu thị BigC ở Huế, có một vị “ăn trộm tài danh”, thuộc phường trộm cướp võ công cao cường, ăn cắp siêu hạng.
Hằng đêm người này đi như không trên các mái nhà, ăn cắp tài sản rất tài tình không để lại dấu vết. Dân tình ta thán, quan lại lắc đầu về tình trạng mất cắp của cải từ nhà bình dân cho đến phủ đệ.
Sau một thời gian dài điều tra, theo dõi, triều đình tổ chức vây ráp và tóm được thủ phạm. Để trừng phạt cũng như vô hiệu hóa việc ăn cắp, người ta cho cắt gân ông ta. “Không ai biết tên họ ông là chi, ở chỗ mô tới, mà chỉ biết ông ăn trộm tài danh.
Ông cò nảy nảy cũng là cách gọi về cái tướng đi của ông, nảy nảy sau khi bị cắt gân. Nhưng người ta cứ lấy hình ảnh ông đeo mấy cái bị, đi nảy nảy, gọi là ông Ba Bị để dọa con nít!”, cụ Hiếu cho biết.
Trong khi đó, sách Việt Nam ngoại giao sử của Ưng Trình, xuất bản năm 1955 tại Huế, thì giải thích Ba Bị là cách gọi những lưu dân người Việt theo chúa tiên Nguyễn Hoàng vào mở cõi đất phương Nam.
Sách này ghi: “Theo dã sử thì những tay hào kiệt, bị Trịnh Kiểm nghi kỵ, đều đi theo Nguyễn Hoàng vào khai thác Ô châu, mỗi người có mang ba cái bị trên vai: trong hai bị ngồi hai trẻ em, còn một bị là chứa đồ lương thực. Đến đâu cũng nghe tiếng khóc trong bị, người ta đồn rằng: “Các ông ba bị đi bắt trẻ em”. Sau người ta dọa trẻ em thì cứ nói: “Ông ba bị!”.”...
Đang tìm kiếm gốc tích ông Ba Bị ở các làng thì bất ngờ chúng tôi nhận cuộc điện của ông Lê Văn Thê ở thôn Xuân Hòa, phường Hương Long, TP Huế, rằng: “Tui vừa nghe chuyện ông Ba Bị từ một người bạn. Ông Ba Bị chính là cụ Phạm Đăng Hưng, anh cứ tìm con cháu cụ Phạm thì biết!”.
Chúng tôi tức tốc chạy lên phủ Đức Quốc Công, và thật may mắn đúng vào dịp ngày giỗ thứ 190 của cụ, dịp con cháu tề tựu...
Theo Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức (1931), Ba Bị được định nghĩa như sau: “Ba bị: Giống quái lạ người ta bịa ra để dọa trẻ con: Ba bị chín quai mười hai con mắt; nghĩa bóng là tồi tàn, xấu xí: đồ ba bị”.
Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học, Hoàng Phê chủ biên (1997), giải nghĩa “Ba Bị” ở hai góc độ, danh từ và khẩu ngữ.
Ở danh từ: “Tên gọi một người có hình thù quái dị bịa ra để dọa trẻ con. (Ví dụ) ông Ba Bị”. Với khẩu ngữ, ở nghĩa thứ nhất: “xấu xí, tồi tàn. (Ví dụ) bộ quần áo ba bị”. Nghĩa thứ hai: “thiếu nhân cách, lăng nhăng, chẳng ra gì. (Ví dụ) anh chàng ba bị, đồ ba bị”.
Tương tự, Từ điển tiếng Huế của tác giả Bùi Minh Đức cho rằng “ba bị” là “ông ăn mày” dùng để “dọa con nít cho nghe lời”.
Tác giả còn đưa ra mấy kiểu dọa: “ba bị chín quai mười hai con mắt”, “ba bị chín tai mười hai con mắt” hay “ba bị sáu tay mười hai con mắt”. Sách này cũng đồng nhất giữa “ông ba bị” với “ông ba kẹ”.

Ba bị lúa của cụ Phạm Đăng Hưng


TTO - “Đúng rồi, ông Ba Bị chính là cụ Phạm Đăng Hưng. Ông từ Gò Công ra Huế làm quan, đem theo giống lúa tốt, đi mô ông cũng mang theo ba bị lúa giống để phát cho dân khuyến khích phát triển nông nghiệp!”.
Ba bị lúa của cụ Phạm Đăng Hưng
Lễ giỗ 191 năm ngày mất của Đức Quốc Công "Ba Bị"  Phạm Đăng Hưng - Ảnh: THÁI LỘC
Ông Phạm Đăng Thành kể về cụ tổ sáu đời của mình là Đức Quốc Công - Phạm Đăng Hưng.
Lễ giỗ trong ngôi miếu cổ
Miếu thờ Đức Quốc Công hiện nằm cạnh cầu Kim Long hướng ra sông Hương với chiếc cổng tam quan cổ kính tuyệt đẹp. Đi ngang nhiều lần, nhưng đến sáng 16-7, nhằm ngày 13-6 âm lịch, cũng là lần đầu tiên chúng tôi thấy miếu mở cổng. Đó cũng là dịp giỗ nhân 191 năm ngày mất của cụ. Bên trong cổng là con đường sâu hun hút, mượt xanh bởi cây trái, nào là thanh trà, mận, xoài và hồng xiêm, một số cây trĩu quả...
Khu vườn rộng này cũng có nhiều loại hoa thân gỗ thường thấy ở các phủ đệ đài các, như mộc, nhài, hải đường hay thiết mộc lan... Ấn tượng nhất vẫn là hai cây nhãn cổ thụ rợp bóng cả khoảnh sân rộng, phủ cả nhà che bia đá lẫn ngôi miếu năm gian lợp ngói liệt cổ kính.
Ngôi miếu cổ quy mô chẳng kém những cung miếu trong hoàng cung Huế, với ba án thờ cổ cùng hệ thống khí tự tương đối nguyên vẹn. Miếu này do vua Tự Đức lập nên để thờ ông ngoại mình là Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, vốn là một công thần giai đoạn tiền triều.
Khá đông con cháu họ Phạm Đăng ở Huế và các tỉnh lân cận cùng tề tựu trong miếu. Mâm cỗ và các loại phẩm vật được bày lên ba kệ thờ đằng sau ba hương án. Những hồi chuông, trống đối nhau âm vang, các thế hệ con cháu lần lượt hành lễ một cách kính cẩn, tôn nghiêm. Đây cũng là dịp hiếm hoi trong năm con cháu họ Phạm Đăng ở miền Trung tề tựu. Cho nên sau lễ giỗ và ăn cỗ, dù bận việc mấy con cháu cũng nán ngồi lại để bàn việc họ hàng hay phụng sự tổ tiên...
Kể về cụ tổ sáu đời của mình, ông Phạm Đăng Thành, nhà ở gần phủ ba cửa, cho biết Ba Bị chính là cách gọi cụ Phạm Đăng Hưng thường đem ba bị lúa giống từ miền Nam đi phát cho dân trồng tỉa.
Câu chuyện này tương tự trong sách Hương Giang cố sự của tác giả Nguyễn Đắc Xuân (dẫn từ sách Gò Công xưa và nay, kết hợp chuyện kể của cụ Phạm Đăng Trí, hậu duệ họ Phạm Đăng ở Huế).
Sách Hương Giang cố sự ghi: “...Ông Ba Bị chính là cụ Phạm Đăng Hưng, người Gò Công (Nam bộ), có thân hình cao lớn với bộ râu rậm và cứng như râu Trương Phi. Cụ làm quan trải qua các triều Gia Long và Minh Mạng, nổi tiếng là quang minh chính trực.
Cụ có người con gái lấy vua Thiệu Trị tên là Từ Dũ và người cháu ngoại là Hồng Nhậm (sau lên ngôi lấy niên hiệu là Tự Đức). Năm Gia Long thứ 16, với chức vụ Quàn khâm thiên giám, cụ dâng sớ thỉnh cầu nhà vua cho lập xã thương, tức kho chứa lúa ở các xã trong nước, phòng khi trời hạn hoặc lụt lội mùa màng mất mát, thì lúc ấy trong kho đã có sẵn lúa chẩn cấp cho dân chúng tránh nạn đói.
Vua đồng ý và giao cho cụ thực hiện. Để giúp dân có nhiều lúa nạp vào dự trữ ở xã thương, cụ gửi thư vào Nam bộ xin những giống lúa mới có năng suất cao đem ra phân phát cho dân. Vì thế mỗi lần đi xuống thăm các địa phương, cụ thường mang theo ba cái bị đựng các loại giống lúa quý.
Đến đâu thấy dân làm ăn khó khăn, cụ phát cho một ít và hướng dẫn cách nhân giống. Những nơi nào có quan tham ô lại, gian thương bóc lột dân chúng, cụ thẳng tay trừng trị. Vì thế những người dân lương thiện có cảm tình với cụ. Những người xấu mới thấy bóng cụ thoáng qua đều run sợ”.
Được vua tin dùng
Trong một câu chuyện khác của ông Phạm Đăng Thiêm (anh ruột ông Thành, hiện là thủ từ miếu Đức Quốc Công) kể tên gọi Ba Bị có từ thời Minh Mạng. Đó là giai đoạn cụ Phạm Đăng Hưng “mang ba bị” đi phát chẩn cho dân mất mùa ở tỉnh Quảng Nam: “Cụ là người thanh liêm nên đã đàn hặc một vị quan thâm lạm trong việc phát chẩn cho dân nghèo. Và nhà vua cho chém đầu vị ấy làm gương nên nhiều người thấy cụ là sợ!”.
Chuyện này cũng ghi rõ trong sách Đại Nam thực lục. Năm 1821, Phạm Đăng Hưng cùng thuộc cấp là Lê Đồng Lý bị truy cứu việc “viết văn cáo có chữ sót lầm”, “tâu sách phong tặng cha mẹ quan viên nhiều chỗ sai trái”.
Cả hai bị Minh Mạng triệu vào triều quở: “Xem việc thì tội nhỏ mà xét lòng thì tội to. Nhưng nay sắp đi Bắc tuần, ai có lỗi đều khoan miễn. Tội của bọn ngươi cũng tạm tha. Đừng có bảo là trẫm nhu nhơ!”. Dù vua nói như vậy, nhưng trong triều thần thì cứ “đồ đi đồ lại” lỗi ấy, cho nên cả hai đều không được dự các lễ tế quan trọng, và sau đó ông bị bãi chức.
Năm 1822, tỉnh Quảng Nam gặp nạn đói, vua sai nhóm Phạm Đăng Hưng đi phát chẩn cứu đói. Vua dụ: “Bọn ngươi làm việc phong tặng có trái với chỉ, tội chối sao được, nhưng chưa rõ là việc tham tang sai chép nên tạm cho mang tội đi làm việc. Nếu biết giữ công gắng sức để cho ơn huệ khắp đến nhà nghèo thì tội sẽ giảm bớt. Không được thế thì xử nặng!”.
Khi đến Quảng Nam, ngoài công việc phát chẩn, ông phát hiện lý trưởng Đặng Văn Diên lĩnh thóc bán cho riêng mình, xin chém để làm gương, được vua chuẩn y... Nhận xét Phạm Đăng Hưng “biết giữ phép công bằng, phát giác việc gian để trừ thói nhũng”, vua tiếp tục bổ nhiệm chức quan ở Hàn lâm viện cùng với lời hứa “Bọn ngươi nên nghĩ cảm kích mà chăm chỉ cẩn thận thêm, trẫm sẽ đặc cách đề bạt. Cố gắng lên!”.
Năm 1824, Phạm Đăng Hưng được làm thượng thư bộ lễ và sang năm sau thì qua đời. Sử ghi: “Đăng Hưng là đại thần già cả, trung thành văn nhã, vua rất tin dùng. Đến nay chết, tặng Hiệp biện đại học sĩ, cho thụy là Trung Nhã. Lại cho 500 quan tiền, 3 cây gấm Tống, 10 tấm lụa (năm Tự Đức thứ 2 truy tặng Đức quốc công)”... So ra, nếu đồng nhất câu chuyện về cụ Phạm Đăng Hưng với ông Ba Bị thì cũng có nhiều chi tiết khó thuyết phục.
Đang lúc chúng tôi hoang mang vì Huế có hai ông Ba Bị thì thật bất ngờ gặp nhà nghiên cứu Trần Viết Điền. Ông khẳng định chắc chắn: “Trên chùa Quốc Ân họ đang thờ một ngón tay không cháy, để trong một cái tráp, bảo bối của nhà chùa, nhà báo lên đó mà xem!”.
Soi trong chính sử triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục ghi khá rõ về hành trạng cụ Phạm, từ khi phò tá Nguyễn Phúc Ánh ở miền Nam và ra Huế làm quan cho đến khi mất. Sách ghi năm 1816, dưới triều Gia Long, cụ Phạm đề nghị đặt kho ở các xã để phòng chẩn cho dân những năm mất mùa.
Vua không đồng ý mà bày cách thu thuế làm cơ sở cho việc phát chẩn. Rằng: “Trẫm trù tính đã kỹ rồi, phương pháp đặt xã thương làm được thực khó, kẻ giữ kho không được người tốt thì sẽ hại cho dân. Không bằng cẩn thận rộng chứa thuế chính cung, gặp khi đói kém thì phát chẩn và cho vay, đó cũng là chước hay vậy!”.
“...Ông Ba Bị chính là cụ Phạm Đăng Hưng, người Gò Công (Nam bộ), có thân hình cao lớn với bộ râu rậm và cứng như râu Trương Phi. Cụ làm quan trải qua các triều Gia Long và Minh Mạng, nổi tiếng là quang minh chính trực
(Sách Hương Giang cố sự)
: Ông Ba Bị là Trung Đình hòa thượng?  
TTO - Quốc Ân là ngôi cổ tự nằm phía tây núi Ngự Bình, được sư tổ Nguyên Thiều thiền phái Lâm Tế thành lập dưới thời các chúa Nguyễn. Thật bất ngờ, một pháp bảo của chùa được phát hiện có nhiều chỉ dấu về hành trạng của ông Ba Bị...
Ông Ba Bị ở Huế: Ông Ba Bị là Trung Đình hòa thượng? 
Miếu Đại Càng, nơi từng qua đêm của ông Ba Bị một thời - Ảnh: THÁI LỘC
Bàn tay kỳ lạ ở chùa Quốc Ân
Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền nhớ như in một buổi sáng của hơn 20 năm trước, khi ông lên thắp hương cho bố mẹ vợ trong khuôn viên chùa Tập Thiện, ngay sau chùa Quốc Ân. Ông gặp “chú Phong”, một người tu hành ra đời vì phạm giới luật, được chùa Tập Thiện cho canh tác trong vườn để nuôi vợ con.
Ông kể: “Tui bảo tu thì ta tu cho trọn kiếp, mần chi dở dở ương ương. Chú Phong chống cuốc đứng cười, nói vợ chú hồi xưa hấp dẫn quá không chịu nổi. Tui nhìn sang thấy bên kia hàng rào nhiều tháp, hỏi của chùa mô. Chú trợn mắt: Tháp sau chùa Quốc Ân đó! Bên đó có bửu bối là ngón tay để trong cái tráp của một sư ngài tự thiêu còn lại. Vị sư ấy đốt thân xác để làm đuốc cúng dường cho đức Phật!”.
Chúng tôi lên ngay chùa Quốc Ân để tìm hiểu. Cùng đi có nhà nghiên cứu Lê Thọ Quốc, người từng nghiên cứu hệ thống pháp bảo của chùa Quốc Ân để làm chuyên đề về tổ sư Nguyên Thiều cho tập san văn hóa Phật Giáo Liễu Quán. Trên đường đi, ông Quốc nói chùa không có ngón tay xá lợi nào cả. Tuy nhiên, ông Quốc cung cấp một chi tiết rất đáng chú ý, trong hệ thống pháp bảo chùa này có thờ một “bàn tay bắt ấn”. Nhưng ông khẳng định: “Đây là bàn tay rời ra từ một tượng Phật nào đó!”.
Ông Ba Bị ở Huế: Ông Ba Bị là Trung Đình hòa thượng? 
Bàn tay kỳ lạ thờ trên Phật điện tại chùa Quốc Ân - Ảnh: THÁI LỘC
Chúng tôi bước vào ngôi nhà rường làm gian tiếp khách của chùa, sự thanh khiết và mát lạnh đối lập hẳn cái nắng chát chúa đầy bụi bặm ngoài đường. Chờ một hồi lâu, hòa thượng Thích Diệu Tánh, trụ trì chùa, chậm rãi đến bên bàn hỏi chuyện. Sư thầy bảo không hề biết xá lợi ngón tay mà thông tin cho là có ở trong chùa. Còn bàn tay đang thờ trên bảo điện, sư trụ trì cũng chưa tìm ra một manh mối gì cả.
Đại đức Thích Minh Chơn, người thừa hành mọi công việc ở chùa Quốc Ân, dẫn chúng tôi lên điện chính của chùa, đến bên bệ cao nhất ở gian chính. “Bàn tay ni không biết rời ra từ bức tượng mô nữa nhưng được thờ ở chùa như vậy từ lâu lắm rồi!” - vừa nói thầy vừa chỉ bàn tay dựng đứng ngay dưới chân các tượng tam thế. 
Cùng luận bàn một hồi nhưng càng luận càng thấy khó hiểu, thầy Minh Không thỉnh bàn tay từ bệ xuống để soi xét kỹ lưỡng. Đó là bàn tay trái làm bằng gỗ thếp vàng gắn trên phần đế ba tầng sơn son, với ngón áp út cong xuống rất kỳ lạ. “Chừ mới thấy đây không phải là bàn tay rời ra của tượng Phật mô cả, mà được tạc riêng để thờ!” - thầy Minh Chơn khẳng định.
Tiếp lời thầy Minh Chơn, ông Quốc cho rằng: “Đúng là không phải bàn tay bắt ấn như tôi từng nhầm tưởng, mà là bàn tay được tạc ra để thờ với một chủ ý nào đó”. Ông Quốc còn phát hiện trong lòng tay tượng có khắc một chữ “vương” bằng Hán tự. Có một sự trùng khớp kỳ lạ, trên biển đề trước lăng ông Ba Bị ở chùa Thiên Mụ cũng khắc chữ “vương”...
Hé mờ hành trạng
Trở lại việc “ngón tay xá lợi”, sách Lịch sử Phật giáo xứ Huế có chi tiết đưa ngón tay và tro cốt vào nhập tháp, dẫn nguồn: “Thích Mật Thể - Việt Nam Phật giáo sử lược”. Tuy nhiên, trong cuốn sách được dẫn lại này không thấy có chi tiết đưa xá lợi ngón tay mà chỉ có đưa tro cốt nhập tháp.
Phải chăng tác giả sách Lịch sử Phật giáo xứ Huế bị nhầm? Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền cho rằng đương thời việc tự thiêu còn lại xá lợi ngón tay là chuyện quá hi hữu, kỳ lạ, nằm ngoài sức tưởng tượng của dân chúng, giới tu Phật lẫn quan lại nhà chúa. Vì vậy, có thể tro cốt thì được nhập tháp, nhưng ngón tay thì được lưu lại như một bảo bối.
Theo ông, cũng nhiều khả năng Trung Đình hòa thượng vốn từng tu tập, thọ giới ở chùa Quốc Ân, về sau chuyển sang hành đạo có “pha màu” Nam tông, đi khất thực chứ không trì tụng ở chùa nữa. Sau cuộc hóa thân, có ý kiến muốn đưa ngón tay vào tráp giữ lại, sợ nhập tháp sẽ tiêu tan. Cả giới tăng lữ lẫn triều đình nhà chúa cùng đồng ý. Và các vị sư của chùa Quốc Ân, nơi ngài từng tu tập, thỉnh ngón tay về chùa tôn trí.
“Cùng với câu chuyện của chú Phong được lưu truyền trong giới tăng lữ nhà Phật, việc thờ bàn tay ở chùa Quốc Ân gần như chắc chắn được làm để thay thế thờ ngón tay xá lợi của vị cao tăng!” - ông Điền nhận định. Cùng quan điểm này, nhà nghiên cứu Lê Thọ Quốc cho rằng ngoài xá lợi Phật và thập vị đệ tử, tất cả tro cốt đều không được thờ trên Phật điện nhà chùa.
Ông Ba Bị ở Huế: Ông Ba Bị là Trung Đình hòa thượng? 
Hình ông Ba Bị người An Nam của Henri Oger, vẽ những năm 1908-1909
Do vậy, người ta tạc thứ để thờ thay thế, còn ngón tay xá lợi thì cất đi. Và sở dĩ không tạc ngón tay vì như thế sẽ rất khó hiểu, và cũng “khó nhìn” nên tạc bàn tay rồi làm dấu một ngón. Thầy Minh Chơn cho rằng: “Chùa Quốc Ân có rất nhiều bí mật nhưng các sư thầy không giải mã được. Và rất có thể câu chuyện tạc cánh tay thờ ngài Trung Đình đã không được truyền lại, cho nên các đời sau đã làm thất lạc cái tráp xá lợi. Đó cũng là lý do bàn tay thờ trên Phật điện suốt nhiều đời không còn ai chú ý, biết đến ý nghĩa của sự việc nữa!”...
Ở trong lòng dân 
Trong những ngày thực địa ở các làng xã quanh Huế, chúng tôi ghi nhận rất nhiều câu chuyện về ông Ba Bị nhân từ, phúc hậu, được người đời thương quý. Một buổi chiều muộn đi lang thang quanh gò Hà Khê, nơi tọa lạc của chùa Thiên Mụ, chúng tôi gặp ông Võ Đình Lưu (ở xóm An Lạc, phường Hương Long, TP Huế) nhà cách lăng ông Ba Bị chưa đầy 100m. “Người xưa kể rằng ông Ba Bị là vị chân tu rất đạo đức và nhân từ. Chẳng qua ông để râu ria xồm xoàm, mang vác mấy cái bị trông hung dữ mà người ta lấy đó để dọa trẻ con thôi. Ngược lại, ai cũng thương ông, nhất là con nít vì ông thường hay cho bánh trái và đùa giỡn, nâng niu chúng!”.
Tương tự là câu chuyện ở làng An Cựu, một ngôi làng lớn tại phía nam TP Huế. Nhiều cụ già ở làng kể rất chi tiết rằng ngày xưa ông Ba Bị đi khất thực rất hay ghé làng, thường trú náu trong miếu Đại Càng ở giao lộ Bà Triệu - Hùng Vương - Nguyễn Huệ, và ai cũng thương ông... Cụ Lê Văn Ngộ, trưởng làng An Cựu, cho biết hồi còn nhỏ ông nội và bố thường kể về ông Ba Bị.
“Chuyện xưa, xưa lắm rồi. Miếu Đại Càng làng tui vốn rất linh thiêng, rứa mà hồi đó có một ông có ba cái bị thường đi xin ăn, đêm về ngủ trong miếu. Người ta quý ông vì xin đồ về ông chia cho người nghèo. Trẻ con trong làng rất thích ông vì ông thường cho bánh kẹo và thức ăn. Mỗi lần ông tới là con nít hay đu bám vô người ông. Giỡn đùa, ông còn bỏ con nít vô mấy cái bị xách chơi, ai cũng thích!” - ông Ngộ vừa kể vừa diễn tả như có một ông Ba Bị bằng xương bằng thịt trước mắt...
THÁI LỘC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét