Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

Theo dấu xưa, chuyện cũ: Hòn đá thiêng ở làng Hưng Nhơn






Thi bưng đá “thiêng”ẢNH: VIỆT ĐỨC
Câu chuyện về một cụ bà xắn váy, bưng đá để được chia ruộng đã biến thành giai thoại cho lễ hội truyền thống ở một thôn thuộc vùng chiêm trũng Hải Hòa (Hải Lăng, Quảng Trị).

Hòn đá được cho là hòn đá năm xưa cụ bà bưng được dân làng cũng xem như bảo vật.
Bà Giàng bưng đá bị... tung váy
Đến thôn Hưng Nhơn (xã Hải Hòa) hỏi về hòn đá thiêng, ai cũng biết và nhiệt tình chỉ nơi nó đang tọa lạc ở đình làng. Có người còn gọi là trống đá vì có hình thù giống chiếc trống, đường kính khoảng 40 cm.
Già trẻ ở thôn Hưng Nhơn đều biết sự tích về hòn đá thiêng, nhưng một trong những người tỏ tường nhất là cụ Nguyễn Đức Sử (84 tuổi). Cụ kể, cách đây 500 năm, làng Hưng Nhơn ra đời gắn liền với câu chuyện về hòn đá và miếu bà Giàng.
Chuyện rằng, thời xưa việc tranh chấp ruộng đất giữa các vùng giáp ranh tại địa phương diễn ra rất phổ biến. Trong quá trình khai hoang lập làng đã xảy ra vụ tranh chấp mốc giới đất ruộng giữa hai làng Hưng Nhơn và An Thơ, sự việc không thể giải quyết nội bộ và phải trình quan huyện. Quan chỉ vào trống đá và lệnh rằng: “Tảng đá kia nếu ai bưng nổi và di dời đến vị trí nào đó thì mốc giới xác định tại vị trí đó!”.
Một bà lão làng Hưng Nhơn xin bưng trước. Mọi người thấp thỏm lo lắng không biết bà bưng nổi không. Nhưng rồi họ thở phào vì bà đã bưng nổi và đi được 10 thước. Tuy nhiên do viên đá vừa to vừa nặng cọ xát vào người làm váy bà bật tung ra, hoảng quá bà thả hòn đá để chỉnh váy lại. Và nơi hòn đá thả xuống trở thành mốc giới của địa phận làng Hưng Nhơn. Sau khi bà mất, để tưởng nhớ công ơn của bà, bà con trong làng lập miếu gọi là miếu Bà Giàng để phụng thờ tại khu đất đó. Hằng năm đến ngày mùng 8 tháng 5 âm lịch, dân làng tổ chức lễ cúng tươm tất tại miếu bằng lễ vật được trích từ 3 sào ruộng công, còn gọi là “ruộng miếu”.
“Dù có vài dị bản về tích hòn đá và miếu Bà Giàng, nhưng nội dung đều xoay quanh vấn đề tranh chấp ruộng đất, phân định mốc giới đất đai thuở xưa”, cụ Sử cho biết.
Tục bưng đá, được ruộng
Theo các bậc cao niên làng Hưng Nhơn, ngày xưa, để ghi nhớ công ơn bà Giàng, làng quy định 3 năm lại chia ruộng 1 lần. Vào những ngày này, dân đinh muốn có đất làm ruộng thì phải qua đợt sát hạch, đó là phải bưng hòn đá thiêng di chuyển một đoạn. Tuy khó nhưng dân làng nô nức tham gia. “Lệ thành đinh ở làng Hưng Nhơn đặc biệt và khác so với các làng khác, bởi đối tượng tham gia ở lễ nghi này đều cảm thấy tự hào, tràn đầy hy vọng như được tiếp thêm sức mạnh khi chạm vào vật thiêng - hòn đá do bà ban phát”, cụ Nguyễn Đức Ấm, 83 tuổi, nói.
Năm này qua năm khác, tục bưng đá chia ruộng đã lập được một hệ thống quy định chặt chẽ để đảm bảo tính khách quan, tránh gian lận. Lệ được áp dụng không quá cứng nhắc, có trường hợp đến tuổi “ăn ruộng” mà không đủ sức bưng viên đá vẫn được chia phần nhưng chỉ được ruộng xấu. Ngược lại, những người vượt qua cửa ải này nhận được ruộng trước, ruộng tốt và là lực lượng dự bị trong đội tuần đinh của làng. Ai đạt kết quả xuất sắc sẽ được thưởng, phần thưởng tuy nhỏ (một ít tiền) nhưng là niềm vinh dự lớn lao trước làng.
Đến nay ruộng đất nhà nước chia hết rồi nhưng người Hưng Nhơn đến năm vẫn háo hức đi... bưng đá.
Hòn đá thiêng
Cụ Sử kể, hòn đá này nhiều lần bị mất cắp. “Cứ mỗi mùa mưa lũ ngập đồng là một số người làng khác chèo ghe đến lấy cắp đá về. Nhưng không hiểu sao chỉ một thời gian ngắn sau là hòn đá lại được trả về chỗ cũ. Nghe đâu các trường hợp lấy đá đều bị đau ốm hay gia đình xảy ra chuyện nọ kia”.
Một điều lạ nữa là trong các cuộc thi bưng đá từ huyện đến xã, hầu như cuộc thi nào người thôn Hưng Nhơn hay người xã Hải Hòa đều giật được giải nhất. Cụ Ấm cho biết, dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng H.Hải Lăng, hội bưng đá được tổ chức tại huyện với toàn bộ các xã, thị trấn tham gia. “Đội nào cũng có người to cao, khỏe mạnh và khéo léo. Vậy mà khi vào hội thi, không hiểu sao người nơi khác nhấc không nổi, hoặc chỉ bưng đi được vài mét. Riêng người xã Hải Hòa luôn bưng đi được xa nhất và giật giải”, cụ Ấm nói. Hay như tại kỳ đại hội TDTT xã Hải Hòa năm 2013, trước lúc vào thi bưng đá, các vận động viên làng bạn vào bưng thử khởi động, có người đi được 40 m, 42 m. Nhưng thật lạ đến lúc thi chính thức thì 2 vận động viên của làng Hưng Nhơn lại chiếm vị trí nhất và nhì dù chỉ bưng đi được 16 m và 12 m. Cụ Sử chép miệng nói: “Chúng tôi không biết vì sao. Còn người làng khác thì cũng chỉ tặc lưỡi nói hòn đá Hưng Nhơn chi lạ thiệt”.
Nguyễn Phúc - Việt Đức

Đi tìm Kẻ Diên, ngôi chợ của hi vọng



Đình làng Diên Sanh nằm bên con đường lớn xẻ dọc xã Hải Thọ (H.Hải Lăng, Quảng Trị) /// Ảnh: Nguyễn Phúc

Đình làng Diên Sanh nằm bên con đường lớn xẻ dọc xã Hải Thọ (H.Hải Lăng, Quảng Trị)ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Trong kho tàng ca dao tục ngữ của VN, bài ca dao chục trứng (hay bài ca dao về con gà Kẻ Diên) được xem là một trong những bài ca dao hay nhất nói về niềm lạc quan và hi vọng. Nhưng không phải ai cũng biết địa danh 'Kẻ Diên' trong bài ca dao này ở chỗ nào.

“Tháng giêng tháng hai/Tháng ba, tháng bốn/Tháng khốn tháng nạn/Đi vay đi tạm được một quan tiền/Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái/Về nuôi, hắn đẻ ra chục trứng/Một trứng: ung/Hai trứng: ung/Ba trứng: ung/Bốn trứng: ung/Năm trứng: ung/Sáu trứng: ung/Còn ba trứng nở ra ba con/Con diều tha/Con quạ bắt/Con mặt cắt xơi/Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.
Dù bài ca nói về mùa xuân nhưng hầu hết các câu đầu đều diễn tả sự u uất, đói nghèo, thiếu may mắn đến cùng cực của một người nông dân ngày trước. Nhưng khi đọc 2 câu cuối thì niềm hi vọng lại bừng lên. Chính thế mà nhà thơ Chế Lan Viên từng ví con gà Kẻ Diên như con phượng hoàng lửa trong truyền thuyết Tây phương, dù bị thiêu rụi vẫn tái sinh.
Hẳn không ít người đã thắc mắc: “Kẻ Diên nhu cái xứ nào mà người dân trông bần hàn vẫn lạc quan đến thế?”.
Theo nhà báo Phạm Xuân Dũng (Ban Văn nghệ chuyên đề, Đài PT-TH Quảng Trị) thì từ “kẻ” là một từ cổ, giờ không còn dùng nữa nhưng có nghĩa nôm na là một vùng đất, một làng quê. “Ví như Thăng Long có lúc được gọi là Kẻ Chợ. Ở Hưng Yên có Kẻ Sặt. Ở Quảng Trị có Kẻ Lạng thuộc xã Hải Sơn, Kẻ Văn thuộc xã Hải Tân, Kẻ Vịnh thuộc xã Hải Hòa (cùng thuộc H.Hải Lăng). Còn Kẻ Diên được nhắc tới trong bài ca chính là Diên Sanh ngày nay”, ông Dũng nói.
Địa danh Diên Sanh mà ông Dũng nhắc đến nay thuộc xã Hải Thọ (H.Hải Lăng, Quảng Trị). Đất Diên Sanh kéo dài từ xã Hải Thọ lên TT.Hải Lăng bây giờ có vai trò hạt nhân quan trọng trong việc tạo dựng nên gương mặt Hải Lăng. Đã có một thời nơi đây trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của H.Hải Lăng. Trong các cuốn Ô Châu cận lục của Dương Văn An, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và Đại nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đều ít nhiều nói đến điều này.
Theo dấu xưa, chuyện cũ: Đi tìm Kẻ Diên, ngôi chợ của hy vọng 2
Một góc chợ Diên Sanh (xã Hải Thọ, H.Hải Lăng, Quảng Trị) ngày nay, trên nền đất chợ Kẻ Diên xưa
Theo nghiên cứu Về tên gọi làng Diên Sanh của tác giả Thành Nhân đăng trên tạp chí Cửa Việt, trong hai cái tên “Kẻ Diên” và “Diên Sanh” thì ắt Kẻ Diên phải là cái tên có trước. Theo tác giả, người khai khẩn làng này đều từ Bắc bộ và bắc Trung bộ vào, họ dùng từ “Kẻ” để chỉ đơn vị hành chính, nơi ở mới của mình. Còn tên Diên Sanh nếu hiểu một cách đơn giản nhất là kéo dài sự sinh sôi, nảy nở. Sau khi đã có điền dã, tham khảo tư liệu từ các họ tộc lớn ở khu vực, tác giả cho rằng cái tên Diên Sanh đã được dùng để thay thế Kẻ Diên từ khoảng thế kỷ 15. Nhưng vì nhiều lý do, tên gọi “Kẻ Diên” vẫn in sâu trong lòng người Diên Sanh đến tận giờ.
Chợ kẻ diên xưa và nay
Về Kẻ Diên bây giờ, ngoài ngôi đình Diên Sanh rêu phong, đã được trùng tu, xây lại nhiều lần thì ngôi chợ Kẻ Diên xưa không còn nữa.
Những người cao tuổi ở Diên Sanh cho biết, ngôi chợ Kẻ Diên không biết có tự bao giờ, chỉ biết xưa kia Kẻ Diên có vị trí thuận lợi về đường giao thông, mùa nước nổi lại thuận tiện cho việc đi lại bằng thuyền bè, nên một ngôi chợ sầm uất mọc lên ở đây là điều dễ hiểu. Chợ Kẻ Diên xưa là nơi các loại sản vật khắp H.Hải Lăng quần tụ về: nào bánh ướt Phương Lang (nay thuộc xã Hải Ba), nào rượu Kim Long (nay thuộc xã Hải Quế), nào mứt gừng Mỹ Chánh (nay thuộc xã Hải Chánh)... Thậm chí đến ngày nay, chợ Kẻ Diên đã thành chợ Diên Sanh thì điều đó vẫn không thay đổi. Người ta vẫn bảo nhau đến chợ Diên Sanh để ăn cháo bột (cháo vạc giường) cá lóc, lòng sả...
Diên Sanh nay là một ngôi chợ đồ sộ, tấp nập người mua kẻ bán. Ông Phan Minh, Chủ tịch UBND xã Hải Thọ, cho hay chợ Diên Sanh được đầu tư gần 16 tỉ đồng, trên diện tích gần 5 ha đất và đưa vào sử dụng từ tháng 7.2008. Chợ có phần đình, khu bách hóa, khu bán hàng tươi sống, khu ăn uống... với hàng trăm lô quầy.
Nguyễn Phúc

Chuyện ly kỳ tại truông nhà Hồ

Nơi đây từng là truông nhà HồẢNH: NGUYỄN PHÚC
'Thương anh em cũng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang' là câu ca dao mà nhiều người từng nghe qua. Phá Tam Giang thì dễ rồi, thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, còn truông nhà Hồ ở đâu?
Nơi ẩn thân của “thảo khấu” ?
Tôi nằm trong số những người không biết địa danh truông nhà Hồ nằm ở đâu cho đến khi một nhà báo về hưu từ Đồng Nai ra nhờ chỉ đường đến truông nhà Hồ. Sống ở Quảng Trị đã nhiều năm, nếu trả lời không biết thì... quê. Tức chí, tôi đã đi tìm.
Theo nhiều sách vở, truông nhà Hồ xưa là nơi giáp giới giữa 2 châu Địa Lý và Ma Linh (sau là Minh Linh) thuộc xứ Thuận Hóa (nay là H.Lệ Thủy, Quảng Bình và H.Vĩnh Linh, Quảng Trị). Cái truông này được cho là có diện tích khá lớn, trùm cả một phần phía bắc H.Vĩnh Linh (nay là các xã Vĩnh Tú, Vĩnh Long, Vĩnh Chấp).
Theo lý giải của thầy giáo Trần Công Lanh, nguyên Hiệu trưởng Trường cấp 3 Vĩnh Linh, Chủ tịch Hội Khuyến học H.Vĩnh Linh, thì từ “truông” có thể hiểu nôm na là vùng đất hoang vắng, khó đi lại do cây bụi rậm rạp. Còn “nhà Hồ” thì đến nay ông Lanh vẫn chưa thể cắt nghĩa và không rõ có liên quan gì đến cái tên Hồ Xá (trung tâm huyện lỵ của H.Vĩnh Linh) hay không?
Nhưng truông nhà Hồ đó có cái gì mà làm cho người ta sợ đến nỗi không dám băng qua để đến với tình yêu như trong câu ca nêu trên? Trong khi theo cuốnPhủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: “Đường vào Thuận Hóa thì chỉ từ xã Phù Tôn, H.Lệ Thủy đến xã Hồ Xá, H.Minh Linh dọc đường có quán Cát, quán Sen, quán Bụt, quán Hà Cờ, cư dân ở 2 bên, hành khách có chỗ ngủ trọ”.
Trải qua nhiều thăng trầm, truông nhà Hồ cũng mang trong mình những câu chuyện cổ xưa, nhuốm màu huyền thoại. Trong đó, câu chuyện rằng xưa kia truông nhà Hồ là nơi ẩn náu của một đám “thảo khấu” được nhắc đến nhiều nhất. Từ thế kỷ 17, khi chúa Nguyễn mở mang Đàng Trong, lượng người vào ra đường bộ thiên lý ngày một nhiều. Nên vùng đất rộng, cây cối um tùm như truông nhà Hồ đã sớm trở thành sào huyệt của một băng cướp nguy hiểm, ai đi qua đó cũng thường bị chúng cướp giết, đòi tiền mãi lộ.
Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng tỉnh Quảng Trị, đưa ra một giả thuyết khác. Theo ông thì đám “thảo khấu” ở đây có thể là nghĩa binh của một cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại chính quyền cai trị hà khắc. “Chính vì thế chúa Nguyễn Phúc Chu đã rất nhiều lần điều động binh sĩ vào đây nhưng không dẹp được”, ông Thọ nói.
Về sau, quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng xua quân đến bình định thành công truông nhà Hồ. Về cách ông Nguyễn Khoa Đăng dẹp loạn cũng có nhiều điển tích, giai thoại khác nhau. Theo thầy Trần Công Lanh thì có chuyện rằng quan Nội tán đã cho đội quân hùng hậu phát cây vào tận sào huyện của băng cướp/phản loạn. Nhưng cũng có tích rằng, quan Nội tán giả làm khách buôn cho băng cướp/phản loạn bắt đi. Ngồi trên xe, ông chọc thủng một bao lúa để cho lúa rơi vãi dọc đường, từ đó quân lính của ông lần theo, đánh sập hang ổ đám náo loạn.
Ông cũng đã chiêu mộ dân chúng đến lập các làng xung quanh truông, tạo nên các làng quê trù phú. Từ đó truông nhà Hồ không còn là nỗi ám ảnh sợ hãi của khách đi đường. Thế nên, mới có 2 câu sau: “Phá Tam Giang ngày rày đã cạn/Truông nhà Hồ, Nội Tán dẹp yên”.
Một địa danh huyền thoại
Thực tế, truông nhà Hồ chẳng phải là nơi thâm sâu cùng cốc, xa xôi hiểm trở gì mà nằm ngay bên QL1, sát bên con dốc có tên là Sáu Độ, cách TT.Hồ Xá (H.Vĩnh Linh) khoảng 1 km. Chỉ có điều chúng chỉ là một khu rừng thấp, um tùm cây cối, dây leo và không có một văn bia, dấu tích gì làm mốc nên người ta đã không biết đó chính là truông nhà Hồ, dẫu từng đi ngang qua rất nhiều lần. Tất nhiên, phần còn lại của truông nhà Hồ không thể rộng lớn như ngày trước mà giờ cũng chỉ còn một nhúm nhỏ thuộc thôn Tứ Chính (xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh).
Theo các tư liệu thu thập từ cơ quan văn hóa thông tin H.Vĩnh Linh và các cụ cao niên tại địa phương, trong những năm chống Pháp, Mỹ, chính vì địa thế của mình nên truông nhà Hồ là nơi rất thích hợp để bộ đội ẩn nấp, cũng như phục kích đánh địch. Cụ thể, vào ngày 27.6.1950 tại khu vực truông nhà Hồ, một số trung đoàn bộ đội chủ lực đã phục kích và tiêu diệt 300 tên lính Pháp đang hành quân từ Đồng Hới (Quảng Bình) vào Đông Hà. Trong kháng chiến chống Mỹ, truông nhà Hồ là trận địa phòng không của Tiểu đoàn 6 cao xạ, Trung đoàn 280. Mỹ thậm chí đã cho máy bay ném bom na pan, tàn phá cây cối ở truông nhà Hồ.
Qua hàng trăm năm biến thiên, truông nhà Hồ hiện còn khoảng ngót nghét 10 ha và được gọi là rú Tứ Chính hoặc rú Cát, là thảm thực vật gồm nhiều giống loài, trong đó chủ yếu là cây dẻ và cây trâm bầu. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương và Ban Quản lý thôn Tứ Chính luôn quan tâm bảo tồn khu rừng nguyên sinh này, tạo dựng và phát triển khu sinh thái cộng đồng.
Ông Dương Minh Thanh, Trưởng thôn Tứ Chính, cho hay thôn đã đề ra các quy chế để bảo vệ phần còn lại của truông nhà Hồ như: cấm chặt cây, cấm khai thác gỗ củi, cấm săn bắt chim thú, cấm đào đãi khoáng sản. Hiện nay vùng rừng này được xem như lá phổi, là linh hồn và cũng là tấm bình phong vững chắc che chở cho làng Tứ Chính, người dân ở đây luôn nói “rừng tan là làng tan”. Các họ tộc, gia đình thường xuyên bảo ban nhau trong việc gìn giữ khu rừng, quý trọng tài sản vô giá của thiên nhiên ban tặng cho làng.
Nguyễn Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét