Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

Theo dấu xưa, chuyện cũ: Tiệm vàng đầu tiên ở xứ sương mù




Bức sơn mài của gia đình bà Bùi Thị Hiếu trước đâyẢNH: L.V
Trung tâm văn hóa tỉnh Lâm Đồng đang lưu giữ và trưng bày hai bức tranh sơn mài vẽ cặp nai rừng và chim đại bàng như là những kỷ vật văn hóa của người Đà Lạt xưa.

Hai bức tranh này từng thuộc về một gia đình đã khai mở nghề buôn bán vàng ở thành phố này.
Buôn vàng từ Xiêm La
Theo một số tài liệu chúng tôi có được thì ông Bùi Duy Chước từ Thừa Thiên-Huế đến cao nguyên Lâm Viên lập nghiệp và mang theo nghề làm vàng, bạc của cha ông, sau đó trở thành người Việt đầu tiên mở tiệm vàng ở miền đất mới này.
Cụ Hồ Tá Dân (83 tuổi, cháu gọi ông Chước bằng cậu ruột) kể khoảng đầu những năm 20 (thế kỷ 20), lúc còn là thanh niên trai trẻ, ông Chước đã đến Đà Lạt làm nghề thợ bạc, vàng. Quê ông Chước ở làng Kế Môn, xã Điền Môn, H.Phong Điền, Thừa Thiên- Huế, có truyền thống hơn 500 năm làm nghề bạc, vàng; do đó lúc nhỏ ông vừa làm ruộng vừa được thừa hưởng “di sản” nghề chế tác vàng, nghề truyền thống của làng Kế Môn.
Tiệm vàng của ông Chước có tên Hùng Thanh tọa lạc trên đường Tăng Bạt Hổ tấp nập người mua kẻ bán. Ông Chước phải nhờ ông Hồ Tá Ngưu (cháu gọi bằng cậu ruột) giúp việc quản lý để ông có thời gian đi buôn bán xa. Lúc đó cô con gái xinh đẹp Bùi Thị Hiếu rất giỏi tay nghề, có thể chế tác nhiều loại vòng, nhẫn, dây chuyền... làm hài lòng khách hàng cả ta lẫn Tây. Ngoài việc mở tiệm vàng, ông Chước còn qua tận Nam Vang (Campuchia), Xiêm La (Thái Lan) mua vàng về bán và gia công đồ trang sức.
Thấy ông Chước ăn nên làm ra nên nhiều người đồng hương của ông cũng theo chân ông đến Đà Lạt làm nghề thợ vàng, bạc và mở tiệm vàng. Thời Đà Lạt là Hoàng triều Cương thổ (1950 - 1955), vua Bảo Đại (người Huế) làm “quốc trưởng” nên luôn tạo điều kiện cho những người Huế có dính dáng đến hoàng tộc di dân vào Đà Lạt lập nghiệp.
Theo dấu xưa, chuyện cũ: Tiệm vàng đầu tiên ở xứ sương mù - ảnh 1
Khách sạn Phú Hòa và các dãy phố (mái màu sáng) của gia đình ông Bùi Duy Chước
Người kế nghiệp xinh đẹp
Bà Bùi Thị Hiếu là thiếu nữ xinh đẹp, tài giỏi từng được mệnh danh là hoa khôi phố núi, lại là con chủ tiệm vàng giàu có bậc nhất Đà Lạt lúc bấy giờ, nên rất kén chồng. Mãi đến năm 1956, khi 25 tuổi (khá muộn so với bạn bè đồng trang lứa thời ấy), bà Hiếu mới kết duyên với một thanh niên con một nhà buôn giàu có ở Chợ Lớn (Sài Gòn). Sau khi lấy chồng, bà Hiếu mở tiệm vàng riêng lấy tên Bùi Thị Hiếu, tọa lạc đầu đường Tăng Bạt Hổ (đối diện khu Hòa Bình, Đà Lạt). Do “địa lợi” với 2 mặt tiền nên việc kinh doanh của bà Hiếu rất thuận lợi, bà phải nhờ người anh con cô ruột là Hồ Tá Dân từ Huế vào giúp việc coi sóc tiệm vàng. Nhờ làm ăn uy tín nên suốt thập niên 60 - 70 thế kỷ trước, vàng Bùi Thị Hiếu luôn là sự chọn lựa số 1 của người Đà Lạt.
Cùng năm bà Hiếu lấy chồng, ông Bùi Duy Chước đột ngột qua đời ở tuổi 50, việc kinh doanh vàng của ông Chước phải giao lại cho người cháu Hồ Tá Ngưu. Từ đó, vợ ông Chước lại chuyển qua hướng kinh doanh khác là xây khách sạn đón khách du lịch. Một khách sạn khá lớn tọa lạc đầu đường Tăng Bạt Hổ mang tên Phú Hòa (tên người con trai đầu và con trai út bà Chước ghép lại), khách sạn này nằm sát tiệm vàng Bùi Thị Hiếu ngày xưa. Trong khách sạn được bài trí nhiều hiện vật quý như những bức tranh sơn mài, khảm xà cừ hoặc mạ vàng bên ngoài. Hiện nay có hai bức tranh hình cặp nai rừng và chim đại bàng vẫn đang được lưu giữ và trưng bày tại Trung tâm văn hóa tỉnh Lâm Đồng, được xem là những kỷ vật văn hóa của người Đà Lạt xưa.
Một người cháu gọi bà Hiếu bằng dì hiện sống tại Đà Lạt cho biết thêm, việc kinh doanh vàng, bạc của bà Hiếu thịnh đạt kéo dài cho đến ngày đất nước thống nhất. Thời chiến tranh, vợ chồng bà Hiếu phải cất giấu vàng trong các cột nhà được đúc bê tông xung quanh hoặc chôn trong nền nhà vệ sinh... Thời điểm năm 1975, tài sản bà Hiếu bị “kẹt” ở các ngân hàng trong và ngoài nước có vàng, kim cương, tiền mặt... trị giá khoảng 6.000 lượng vàng. Sau đó, con cái bà bảo lãnh hai vợ chồng qua Pháp định cư. Tuy nhiên, hằng năm vào những dịp giỗ cha mẹ, bà Hiếu đều về Đà Lạt để báo hiếu. Năm 2003, trong dịp về VN lo giỗ cho cha thì bà Hiếu đột ngột bị bệnh và qua đời tại Đà Lạt.
Lâm Viên

 Nhà thầu xây dựng thương người nghèo




Chùa Linh Sơn, Đà Lạt
Từ một người thợ xây bình thường, ông Võ Đình Dung trở thành nhà thầu khoán số 1 Đà Lạt ngày trước. Ông từng xây dựng nhiều công trình lớn, ấn tượng như nhà ga xe lửa, Dinh Bảo Đại, ĐH Đà Lạt và nhiều dãy biệt thự Tây, nhà phố...

Những công trình để đời
Võ Đình Dung quê ở Thừa Thiên-Huế. Khi người Pháp chiêu mộ lao công từ miền Trung vào Đà Lạt xây dựng nhà cửa, công sở... ông đến Đà Lạt lập nghiệp. Ban đầu ông làm thợ xây cho những nhà thầu người Pháp. Một thời gian sau, khi tay nghề vững vàng, ông đứng ra nhận thầu khoán lại một phần công trình. Nhờ làm ăn uy tín, từ từ ông được giao thi công nhiều khu biệt thự Pháp ở Đà Lạt.
Năm 1932, khi người Pháp xây dựng nhà ga xe lửa Đà Lạt, do 2 kiến trúc sư (KTS) Moncet và Reveron thiết kế, Võ Đình Dung được người Pháp tin tưởng giao làm nhà thầu chính. Nhà ga này được đánh giá là cổ nhất, đẹp nhất VN và Đông Dương (năm 1984 công trình được xếp hạng di tích quốc gia). Năm 1933, khi vua Bảo Đại xây dựng Dinh 3 để làm nơi ở và làm việc mỗi khi đến Đà Lạt, Võ Đình Dung cũng được giao xây dựng. Dinh do một KTS người Pháp cùng KTS Huỳnh Tấn Phát thiết kế, mang đậm nét kiến trúc châu Âu. Năm 1939, khi người Pháp xây dựng Trường thiếu sinh quân hỗn hợp Âu - Á (École d’Enfants de Troupe de DaLat), nay là ĐH Đà Lạt, ông Dung cũng được giao làm nhà thầu chính.
Cụ Lê Phỉ (89 tuổi, sống tại Đà Lạt), nguyên Hiệu trưởng Trường Việt Anh, Đà Lạt, nhớ lại: “Ông Võ Đình Dung tự học tiếng Pháp, nói tiếng Pháp rất giỏi, việc xây dựng cũng rất uy tín nên người Pháp luôn tin tưởng giao xây các công trình lớn”. Cũng theo cụ Phỉ, khu biệt thự Pháp dọc đường Yagout (Đà Lạt) kiểu cách đa dạng, đẹp mắt do ông Dung xây dựng, lúc đó người Pháp quá mến mộ ông nên đặt tên con đường đó là Võ Đình Dung. Thời hưng thịnh, ông Dung có hơn 10 nhà thầu phụ cả Tây và Việt tham gia xây dựng nhiều khu biệt thự Tây và những dãy phố dành cho người Việt, người Hoa, Ấn Độ ở Đà Lạt.
Nhờ nghề thầu khoán, ông Dung giàu lên nhanh chóng. Ông mua đất cất nhiều dãy phố cho người Hoa thuê buôn bán quanh khu Hòa Bình, dọc đường Trương Công Định và 3/2 ngày nay. Khu đất từ bùng binh 3/2, chạy dọc hai bên đường Hải Thượng vòng qua Hai Bà Trưng đều của ông Dung.
Ân nhân của người nghèo
Cụ Lê Phỉ cho biết ai đói nghèo đến gặp ông Dung ông đều giúp đỡ gạo thóc, thực phẩm, quần áo. Những người dân tộc bản địa được ông dạy cho nghề phụ hồ và tạo công ăn việc làm, trả lương hậu hĩnh. Những năm 1950, ông Dung có khu đất hơn 6.500 m2 đầu đường Hải Thượng (Đà Lạt) cho Mỹ thuê làm gara công binh. Năm 1957, khi cụ Lê Phỉ và một số người khác mở Trường Việt Anh, ông Võ Đình Dung lấy lại khu đất trên và bán với giá tượng trưng 500 đồng để xây trường. Khi trường đi vào hoạt động, hằng năm ông Dung đều dành nhiều suất học bổng trao tặng học sinh nghèo học giỏi, đặc biệt miễn học phí cho học sinh dân tộc bản địa.
Cụ Võ Quang Khương (92 tuổi), người cùng quê ông Dung, hiện sống tại TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng), cho biết thêm: Khi ông Võ Đình Dung trở thành nhà thầu xây dựng số 1 Đà Lạt thì nhiều nhà thầu, cả Tây lẫn Việt, tìm cách hại ông do cạnh tranh không nổi trong việc đấu thầu những công trình xây dựng lớn ở Đà Lạt thời đó. Theo cụ Khương, có một lần, thông qua việc mua bán vật liệu xây dựng với ông Dung, những nhà thầu Pháp đã tráo một số tiền giả. Ông Dung có người em ruột là Võ Đình Thụy, hai anh em lấy hai chị em ruột, sống rất thân tình với nhau. Một đêm, ông Thụy được “báo mộng” về vụ tiền giả nói trên nên tức tốc đến báo tin cho anh mình. Ông Dung liền mở bao tải tiền do những nhà thầu Tây mới giao đêm hôm qua thì phát hiện trong đó có một số tiền giả và sai người đem đốt hết. Khi vừa đốt xong thì lực lượng bảo an kéo đến lục soát nhà ông Dung theo đơn tố giác, nhưng truy lục mãi vẫn không tìm thấy tiền giả nên đành tức tối bỏ về. Theo cụ Khương, nếu không kịp tiêu hủy số tiền giả đó ông Dung sẽ phải đi tù. Từ đó, vợ chồng ông Dung quyết định ăn chay và từ bỏ luôn nghề thầu khoán, cúng tiền và bỏ công sức xây chùa Linh Sơn. Trước đó vợ chồng ông cũng cúng tiền để cùng với bà con phật tử Đà Lạt xây dựng Tổ đình Linh Quang.
Sau sự việc trên không lâu, ông Dung cho tiền các con ông Thụy qua Pháp du học và đỗ đạt thành tài như các con ruột của ông. Cũng theo cụ Khương, ông Dung có cô con gái là Võ Đình Thị Túy du học ở Pháp và đậu tiến sĩ vật lý, là người yêu nước, có đóng góp cho phong trào cách mạng, từ đó bị người Pháp dè chừng và gán cho là “cộng sản”. Sau khi đất nước thống nhất, bà Túy có về thăm quê hương, được nhà nước long trọng đón tiếp và mời cộng tác trong việc nghiên cứu khoa học nhưng do tuổi cao sức yếu nên bà không thể đáp ứng đề nghị đó.
Lâm Viên

Từ anh thợ may thành 'vua địa ốc'

Ông Võ Quang Tiềm (thứ hai từ trái qua)ẢNH: ÔNG KHƯƠNG CUNG CẤP
Trước năm 1975, ông Tiềm là một trong những người đầu tiên ở Đà Lạt đầu tư vào lĩnh vực khách sạn để kinh doanh. Ông là chủ của hàng loạt khách sạn ở Đà Lạt như Thanh Thế, Mimoza, Vinh Quang, Thanh Bình, Anh Đào...

Theo những người sống ở Đà Lạt lâu năm thì những khách sạn thuộc loại lâu đời và nổi tiếng nhất ở thành phố này như Thanh Thế, Mimoza, Vinh Quang, Thanh Bình, Anh Đào... và dãy phố Duy Tân (nay là đường 3/2) đều từng thuộc về cùng một chủ.
Sau nhiều lần dò hỏi, chúng tôi may mắn gặp được cụ Võ Quang Khương (92 tuổi), là cháu gọi ông Võ Quang Tiềm - chủ nhân của khối bất động sản lớn trên - là chú ruột. Thời trẻ, cụ Khương được ông Tiềm cho ăn học, sau làm thầy giáo tại Trường tiểu học Trại Mát (Đà Lạt). Cụ đang sống tại TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng), tuy đã cao tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn.
Doanh nhân... nói ngọng


Cha vợ của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ
Cụ Khương cho biết ông Tiềm có 8 người con. Có 5 người được ông Tiềm đưa qua Pháp du học, trong số đó có bà Võ Thị Huyền Cơ lấy chồng là kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ, người đã thiết kế Dinh Độc Lập (Sài Gòn) và một loạt công trình nổi tiếng ở Đà Lạt như lò Nguyên Tử Lực, Giáo hoàng Học viện Pio X, chợ Đà Lạt...

Theo cụ Khương, ông Tiềm sinh năm 1902 tại làng Ngọc Anh, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế, từ nhỏ có tật nói ngọng và thường bị bạn bè chế giễu. Năm 21 tuổi, ông Tiềm vào Đà Lạt lập nghiệp bằng nghề thợ may với cha cụ Khương. Ông Tiềm rất chăm chỉ làm việc, sau 5 năm tích góp được ít tiền quay về Thừa Thiên-Huế cưới vợ, nhưng mang tiếng chàng thợ may nghèo, lại bị ngọng nên sau 2 lần dạm hỏi và phải có sự “can thiệp” của ông nội cô gái, ông Tiềm mới lấy được vợ.
Cưới xong, ông Tiềm đưa vợ vào Đà Lạt tiếp tục nghề thợ may, khiến bên nhà vợ hết sức lo lắng và thương cho cuộc sống con gái mới lấy chồng, phải vào tít vùng núi rừng cao nguyên Lâm Viên, nhưng do quan niệm “xuất giá tòng phu” nên không ai dám ngăn cản.
Ông Tiềm may đẹp, lại luôn giữ chữ tín, hẹn khách ngày nào thử áo, ngày nào nhận áo luôn đúng giờ giấc nên việc may mặc của tiệm ông rất phát triển. Để có thêm thu nhập, bên cạnh nghề may, ông Tiềm còn gùi muối, thực phẩm, rượu, thuốc lá... đến các làng dân tộc ở H.Đơn Dương (Lâm Đồng) bán hoặc trao đổi hàng hóa. Đêm đêm ông tranh thủ may sẵn quần áo đủ kích cỡ, mang bán và đổi cho đồng bào để lấy súc vật, cung tên, gùi, chum chóe... Cụ Khương cho biết thời đó chưa có xe đò, ông Tiềm phải gùi hàng hóa đi bộ hàng chục cây số đến các buôn làng. Những lúc đổi được nhiều hàng ông phải thuê người mang vác lên Đà Lạt. Các vật dụng của người dân tộc được ông Tiềm bán lại cho người Pháp để trang trí trong các biệt thự, dinh thự và kiếm lời được rất nhiều tiền. Từ đó, ông giao hẳn việc may mặc cho học trò, còn ông chuyển hướng qua buôn bán. Ông mở cửa hiệu buôn bán tạp hóa, đặt mua cả thuốc lá Cẩm Lệ từ Quảng Nam vào bán cho người dân tộc bản địa, họ rất thích.
Nhờ buôn bán uy tín, nên ông Tiềm được người mua cả Việt lẫn Pháp tín nhiệm. Có những lúc hàng nhập về Đà Lạt cả mấy toa xe lửa nên ông Tiềm phải thuê kho, thuê nhà hàng xóm để cất giữ hàng hóa. Cũng nhờ mối quan hệ tốt nên ông Tiềm là người Việt duy nhất ở Đà Lạt được người Pháp cấp môn bài buôn bán thuốc lá và rượu. Thời đó, thuốc lá, thuốc phiện và rượu đều do người Pháp quản lý, được cho là hàng quốc cấm nên chỉ khi được cấp môn bài mới được buôn bán. Ông Tiềm là đại lý lớn ở Đà Lạt bán sỉ lại cho các tiệm bán lẻ trong vùng cao nguyên từ Đà Lạt xuống Đức Trọng, Di Linh, Đơn Dương. Cụ Khương nhớ lại: “Chú tôi là người Việt duy nhất ở Đà Lạt đủ sức cạnh tranh với hàng loạt hiệu buôn của người Tàu, người Ấn. Thậm chí, họ phải cầu cạnh chú tôi chia lại cho họ một ít rượu, thuốc lá...”.
“Thâu tóm” bất động sản
Theo cụ Khương, vì thiếu kho chứa hàng nên ông Tiềm kiếm đất cất nhà, ban đầu chỉ làm kho sau đó cho thuê kiếm lời. Năm 1945, khi Pháp giải giới quân đội Nhật thì dân Đà Lạt bỏ chạy tản cư, ông Tiềm ở lại Đà Lạt và mua nhà của dân chạy loạn với giá rẻ nên ông Tiềm có thêm hàng chục ngôi nhà.
Thời hưng thịnh ở Đà Lạt ông Tiềm có 54 căn phố. Tại D’ran (H.Đơn Dương) ông có dãy phố trên 10 căn mua lại của người Pháp (trước chợ Lạc Nghiệp ngày nay); tại Tùng Nghĩa (Đức Trọng), Di Linh... ông cũng có những dãy phố buôn bán hoặc cho thuê. Ông Tiềm còn có nhà phố ở Sài Gòn. Khi đưa con cái qua Pháp du học, ông Tiềm tậu cả biệt thự ở Paris (Pháp) để... cho thuê, mỗi năm kiếm được 1 triệu franc. Ngoài ra, ông còn sắm xe hơi Mercedes để đi chơi, sắm xe Peugeot để chở hàng phân phối cho các đại lý trong vùng cao nguyên. Ông còn mang tiền về Huế mua 10 mẫu ruộng “cất dành” mặc dù không biết làm ruộng.
Trước năm 1975, ông Tiềm là một trong những người đầu tiên ở Đà Lạt đầu tư vào lĩnh vực khách sạn để kinh doanh. Ông là chủ của hàng loạt khách sạn ở Đà Lạt như Thanh Thế, Mimoza, Vinh Quang, Thanh Bình, Anh Đào... và chủ của dãy phố Duy Tân (nay là đường 3/2). Sau ngày đất nước thống nhất, các khách sạn này do nhà nước quản lý, ông Tiềm sống trên lầu một căn hộ cạnh khách sạn Anh Đào, sau đó chuyển đến căn hộ số 44 đường 3/2 Đà Lạt (nay là số 24) và qua đời năm 1979.
Lâm Viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét