Dư âm của màn rước tàng thinh mặt nguyệt (sinh thực khí nam/nữ) gây tranh cãi tại lễ hội Ná Nhèm 2016 nên năm nay nhiều du khách đổ về để xem phiên bản của “lễ vật” cung tiến vua.
Tuy nhiên, không phải “tàng thinh” mà trò diễn tục hèm đánh trận lại trở thành tâm điểm thu hút biển người tham dự, đặc biệt những khách lần đầu đến làng Mỏ, xã Trấn Yên (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Khoảng 3 vạn người tham dự lễ hội này năm nay.
Lớp màn tuyn gây tranh cãi
Cuối năm 2016, UBND huyện Bắc Sơn đã tổ chức hội thảo khoa học công bố rộng rãi để giới truyền thông, các nhà quản lý và người dân địa phương hiểu và nắm rõ về nguồn gốc, nội dung cũng như các giá trị nhân văn đặc biệt, riêng có của lễ hội Ná Nhèm. Qua đó chứng minh nghi lễ rước tàng thinh mặt nguyệt không phải do ban tổ chức lễ hội bịa ra câu khách thế nhưng sự tò mò của du khách vẫn tăng gấp bội.
Hàng chục nghìn người đến lễ hội từ sáng sớm ngày rằm tháng giêng với điện thoại trên tay lăm lăm chụp hình. Vào đến miếu, nhiều người cụt hứng khi mâm lễ vật năm nay được che phủ bằng lớp vải tuyn hồng. Tàng thinh 2017 được làm với kích thước gọn hơn, màu gỗ tự nhiên khác với màu hồng năm ngoái. Nếu không bị che mờ thì việc chụp hình dễ dàng hơn.
Theo ông Hoàng Văn Toản, Chủ tịch xã Trấn Yên, trước khi diễn ra hội, Sở Văn hóa Lạng Sơn gửi xuống một phiên bản tàng thinh màu trắng, tư thế dựng thẳng vuông góc với đế. Bốn ông lềnh (người cai quản việc ma chay và lễ hội làng) làng Mỏ sau khi xem xét quyết định không chọn mà dùng tàng thinh gỗ mà họ tự đặt làm.
Lềnh trưởng Hoàng Minh Chuẩn, người từng hai lần được dự rước tàng thinh thời trước khi lễ hội bị thất truyền (năm 1963) chia sẻ: "Chúng tôi thấy việc rước lễ vật này là bình thường. Mọi người không thích phô trương, chỉ làm đúng tinh thần văn hóa tâm linh của các cụ để lại. Nhiều người trẻ không hiểu nguyên do nên làm to chuyện giật gân lên ấy chứ".
Tàng thinh mặt nguyệt tại lễ hội Ná Nhèm 2017. |
Lềnh trưởng nhấn mạnh, lễ hội là của làng nên họ muốn được tự mình lựa chọn các lễ vật. "Nếu vật tế trông quá khác xa lạ với hình dung của người dân thì chúng tôi có quyền từ chối" vị lềnh trưởng nói.
Cũng theo ông, việc chọn người rước long ngai bài vị của vua và lễ vật cũng vô cùng khắt khe. Trước kia họ phải được chọn từ dòng họ danh giá, nay tám người rước phải thuộc gia đình mẫu mực, không có tang, sinh nở ở cữ trong năm. Gần ngày rước không ăn thịt chó, kiêng sinh hoạt vợ chồng.
Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Du lịch Lạng Sơn Phạm Minh Đạo, lần đầu tiên tham dự lễ hội Ná Nhèm chia sẻ ông có ấn tượng tốt về nghi lễ năm nay. Được hỏi về việc “dân làng Mỏ từ chối phiên bản tàng thinh của Sở gửi xuống, ông Đạo cho rằng “làng là chủ thể lễ hội nên Sở hoàn toàn tôn trọng”.
Anh Hoàng Văn Nam, khách tham dự Ná Nhèm bốn năm liền lại tỏ ra thất vọng vì lớp màn che phủ tàng thinh năm nay. Du khách này nói: “Tôi thấy nếu là lễ vật thì việc gì phải che đậy. Qua lớp vải tuyn có người còn nhìn nhầm thành con lợn quay".
Chị Mạc Thùy Trang, trưởng nhóm con cháu họ Mạc trẻ cũng có cái nhìn rất thoáng. “Nếu hiểu được ý nghĩa của việc rước lễ vật là do người dân của dòng họ suýt bị diệt vong dâng lên đức vua với mong muốn duy trì nòi giống thì chẳng nhiều người săm soi nữa”, chị Trang cho hay.
Còn nhiều trò có một không hai
Nhờ việc tàng thinh không quá nổi bật nên du khách mới có tâm trạng để ý đến nhiều trò độc đáo của lễ hội Ná Nhèm. Đêm hôm trước chính hội, trong dạ hội Âm nhạc hóa trang, nhóm thanh niên của làng Mỏ và hội Mạc trẻ Việt Nam cùng nhau hóa trang mặt mèo và trình diễn thời trang “Mèo” để tôn vinh hình tượng vua Miêu Tĩnh (ông vua tuổi mèo Mạc Thái Tổ). Nhân dịp này, con cháu họ Mạc, họ Hoàng và họ Bế (gốc cũng là họ Mạc do biến cố phải thay tên đổi họ) nâng cao tinh thần đoàn kết, tự hào về nguồn gốc của mình.
Trò diễn tục hèm đánh trận tái hiện múa đại đao được lưu truyền từ vua Mạc Thái Tổ. Ở các lễ hội khác màn diễn múa kiếm, múa giáo thường chỉ diễn ra trong một địa điểm cố định thì tại Ná Nhèm, trò diễn có nhiều nhân vật, đoàn quân phục kích, múa đao dịch chuyển qua bốn thửa ruộng.
Trò diễn tục hèm đánh trận. |
Người chỉ huy mật lệnh “Da dí!” (theo tiếng Tày nghĩa là “Tiến lên!”) từng tốp lính bôi mặt nhọ (ẩn danh, giấu mặt) đấu đao rồi hành quân theo các ông tướng đi trước múa dọn đường.
Trò Sĩ Nông Công Thương, có tình tiết sĩ tử đi du học Nhật về hé lộ ở thế kỷ 15 Mạc tộc đã có quan hệ ngoại giao và cử người sang Nhật học hỏi mang kiến thức về quê hương. Có lẽ họ Mạc có những du học sinh đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Bôi mặt nhọ, múa đại đao, trang phục, nghi thức tế lễ kết hợp giữa văn hóa của dòng tộc họ Mạc và của người Tày bản địa làm lên bản sắc có một không hai của lễ hội Ná Nhèm.
Ná Nhèm (theo tiếng Tày nghĩa là mặt nhọ) không chỉ là lễ hội dân gian thông thường mà lễ hội đặc biệt của hai dòng họ Hoàng và Bế vốn gốc họ Mạc nhưng phải thay tên đổi họ để tránh họa tru di, truy sát của Lê Trịnh.
Sử cũ ghi có ngày sau khi triều Mạc thất thủ, Lê Trịnh giết đến 2.000 người họ Mạc trong một ngày. Họ Hoàng và họ Bế đã vượt qua các ràng buộc của Nho giáo để vác sinh thực khí Nam Nữ đi cung tiến cho đức Vua của chính mình.
Về bản chất đây chỉ là việc con cháu gốc họ Mạc mượn tín ngưỡng phồn thực để biểu đạt mong ước đức Vua phù trợ cho dòng họ lớn mạnh, để lại sớm rèn đao, luyện gươm củng cố sức mạnh từ dòng họ, làng bản đến quốc gia.
Theo An Ngọc/Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét