Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

7 lý do khiến bạn mất "kiểm soát" khi đến Nậm Cắn

(Baonghean.vn) - Nậm Cắn, tiếng Thái nghĩa là cùng chung dòng suối, mang một nghĩa rất đẹp là Việt- Lào cùng chung nhau một dòng nước. Bên kia là đỉnh Đia Đam, Pà Cả của huyện Noọng Hét, nước bạn Lào, bên này là Nậm Cắn (Việt Nam).
Thế nhưng, Nậm Cắn có thực sự là một điểm đến tuyệt vời? Hãy tham khảo các lý do sau, để tự kiểm soát mình nếu bạn có ý định đến xã biên giới này của Nghệ An.
 1. Chạm trán những người bản địa “kỳ lạ”
Bạn sẽ bị “sốc văn hoá" khi chuyển giao giữa nơi bạn đang sống và tại đây. Chúng quá đối lập nhau để có thể nhanh chóng thích nghi.
Thật thà, hiền lành, chất phác, đó vẫn là nét chủ đạo khi nhắc đến người Nậm Cắn. Cũng vì thế, bạn sẽ bị “xáo trộn” vì buộc phải tin những điều “bất thường” mà mình chứng kiến.
Bạn có thể để đồ đạc giữa đường cả ngày mà không lo thất lạc, và cũng chẳng ai “thèm” quan tâm trong đó có gì, có tài sản giá trị hay không? Và bạn cũng đừng quá ngạc nhiên nếu thấy 1 bác thợ săn “dở hơi” đến nỗi đi săn cả ngày không được gì. Nhưng khi thấy con mồi béo ngậy đang mắc bẫy mà không biết bẫy của ai đặt, liền nhanh chân chạy về bản tìm và thông báo khổ chủ lên nhận "chiến lợi phẩm".
Hãy chuẩn bị tinh thần "chạm trán" những người bản địa thật thà đến mức "kỳ cục"...
2.  Phải sống cuộc sống quá yên bình
Bạn nghĩ mình có thể sống ở một nơi khiến bạn cảm thấy như đang bị ôm trọn trong vòng tay rộng lớn của mẹ thiên nhiên - là rừng xanh, tất cả đều được phủ xanh? Nơi mà, một lá cây già yếu ớt không thể bám víu lấy cành, buộc phải rơi xuống đất, cũng tạo nên một nốt nhạc. Một lá, hai lá, ba lá,… rồi sẽ thành một bản nhạc, và chính bạn là nhạc sĩ.
Nơi có ông già người Mông trên chiếc ghế gỗ, đồ đạc trong nhà hầu như không có gì, chỉ có củi khô xếp đầy trong nhà và cũng là thứ chất đầy ngoài ngõ. Nhưng sức sống mãnh liệt của những người dân rẻo cao ở sau vẻ mộc mạc và chân phương ấy tựa như những mầm cải, cây ngô đang trỗi mình trong rẫy để vươn lên cao...
Nếu từng xem bộ phim nổi tiếng Tây Du Ký, thì khi đến đây chắc chắn bạn sẽ ngỡ mình là Vương Linh Quan hay Hằng Nga Tiên Tử. Ở đâu mây nhiều đến thế, cứ cuồn cuộn hòa hợp vào nhau biến thành những biển mây tinh khôi buổi sớm; khi thì bị nhuốm màu hoàng hôn đẹp đến mê mẩn, mây bay trên đỉnh đầu, mây là là mặt đất, có phải giống như lạc vào cõi thần tiên? Nên việc tự ảo tưởng bản thân là thần tiên ngự trên trời cũng không khó hiểu.
Đừng "ảo tưởng" mình là thần tiên trên trời khi nắm trọn "hoàng hôn" trong tay như thế này.
3. Dễ  gây “nghiện” và mắc bệnh ảo tưởng
Đường lên Nậm Cắn ù tai vì độ cao. Những cung đường uốn lượn, xếp thành hình ruộng bậc thang khiến các tay lái lụa cũng phải kiêng dè, nhưng đi một lần rồi tưởng như bị nghiện.
Nghiện cái cảm giác phóng khoáng bên tay lái, ôm cua đổ đèo đến ngộp thở; hay chỉ là ung dung chậm rãi ngắm cảnh đường đi; hay cảm giác ấm áp khi thoáng thấy những nụ đào nở ven con đường chênh vênh như những đốm sáng nhỏ xíu giữa mờ sương trên độ cao hơn 1.400m của dãy Phuxailaileng. Đường càng khó, càng khiến những kẻ thích xê dịch tìm cách chinh phục.
Nhìn từ trên cao, Quốc lộ 7A mềm như một dải lụa đào vắt ngang lòng thung lũng, hàng sa mộc kiêu hãnh vươn mình dưới ánh mặt trời, và những mái nhà gỗ xám mốc phảng phất làn khói hư ảo sau những bờ rào đá.
Ở nơi cực Tây ấy, Nậm Cắn giống như một cô sơn nữ mới lớn, vừa căng tràn sức trẻ lại vừa e ấp vụng về.
Những cung đường sẽ khiến bất kỳ phượt thủ nào cũng phải "bắt nghiện".
4. Có nguy cơ bị “vỡ phổi” 
Đừng đến đây, bạn sẽ bị “vỡ phổi” mất, bởi cái không khí trong lành, mát rượi, sẽ khiến bạn tham lam mà hít căng đầy.  Nậm Cắn như cơn mưa rào giữa ngày nắng hạn khi bạn rời cái oi bức của chốn thị thành.
Nậm Cắn được ví như một Đà Lạt hay một Sa Pa giữa miền Trung nắng gió bởi tuy nằm trong dải càn quét của những trận gió Lào, nhưng do ở độ cao lớn, lại được các vùng núi cao xung quanh che chắn, nên khí hậu vào mùa hè rất mát mẻ.
Các đỉnh núi nơi đây quanh năm mây mù bao phủ, một ngày có đủ 4 kiểu thời tiết của mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Biển mây phủ quanh năm sẽ "che chắn" cho bạn khỏi cái oi bức của gió Lào.
5. Tuổi thọ “bị” kéo dài thêm vài ba năm.
Đến đây làm gì, để rồi xáo trộn cái kiếp “ở và đi” của đời người. Bạn sẽ “phải” sống thêm vài ba năm nữa, vì ở đây sức khỏe bạn sẽ tốt lắm.
Tại vì sao? Vì ở đây, rau củ sau khi hái chỉ cần phủi nhẹ mấy cái là có thể nấu ăn ngay, chẳng cần ngâm nước muối cả tiếng đồng hồ hay sục trong máy ozon. Con lợn, con gà, hay con cá nơi đây không biết ăn "cám thần kỳ" để lớn nhanh như thổi, nên tuổi thọ cũng vì thế mà "kèo dài" ra.
Đừng ngạc nhiên khi thấy một cụ già tóc bạc, răng rụng gần hết, vẫn phấn khởi chỉ đường cho vị khách lạc bước nào đó, có khi còn nhiệt tình dắt họ đến tận nơi.
Những cụ già Nậm Cắn sẽ khiến bạn đột nhiên cảm thấy "tự ti" với sức khoẻ của mình.
6.  Phải “đi bộ xuyên quốc gia” để gặp chợ
Bạn có đủ sức để đi bộ qua đất nước Lào chỉ để gặp chợ mua đồ? Chỉ tưởng tượng thôi đã thấy ngán ngẩm rồi đúng không?
Ấy vậy mà, mỗi lần có phiên chợ, người dân Nậm Cắn vẫn đi bộ 1.000m qua Lào đấy thôi. Cư dân bản địa  “đi nước ngoài” không cần xuất trình hộ chiếu, đi xuyên quốc gia với quãng đường 1.000m có xa  quá không nhỉ?
Là chợ phiên nên chỉ họp một tháng 2 lần vào các ngày 14 và 29 dương lịch. Khi sương sớm còn phủ mờ rừng núi, người dân vùng biên hai nước Việt - Lào đã gùi hàng đến chợ, hàng hóa đa dạng tới nỗi không thể nhớ hết tên từng món. Chợ mang tên Nậm Cắn, hay còn được gọi bằng cái tên thân mật là chợ Đoàn Kết, đoàn kết giữa hai dân tộc Việt - Lào.
Nhưng chợ phiên không chỉ là hoạt động giao thương buôn bán mà còn là nơi giao lưu thắm tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt - Lào. Có người vượt hàng chục km đường rừng đến chợ không phải để mua bán mà đơn giản chỉ muốn gặp và giao lưu bè bạn, uống với nhau 1 chén rượu, ăn chung 1 con gà nướng với xôi nếp nương mà thôi.
Những phiên chợ tầm cỡ "quốc tế" như thế này có khiến bạn cảm thấy phấn khích?
7. Đừng đi, vì đi sẽ chẳng muốn về
Làm sao giấu được nỗi buồn trong khoảnh khắc chào tạm biệt, làm sao có thể xua tan cảm giác bịn rịn, lưu luyến trong lòng? Tránh làm sao được những ánh mắt trong sáng đượm buồn như muốn nài nỉ ta ở lại của các em nhỏ vùng biên cương ấy?
Dù chưa từng tới hay đã nhiều lần đặt chân đến đây thì chẳng bao giờ là đủ. Những lý do khiến ta say mê Nậm Cắn, kể bao giờ cho hết, vì có đôi khi chỉ là trót thương, trót yêu sự bình yên, giản dị của con người, của không gian bao la núi đồi, bát ngát mây mù nơi đây.
  Thy Huệ
 
TIN LIÊ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét