Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Truyền kỳ lãnh địa A Rem

Cách thức lưu giữ tình yêu

Trầm tích đá vôi trong lãnh địa của anh em A Rem
Bên trong rừng mưa nhiệt đới Kẻ Bàng (Quảng Bình) là tộc người anh em bé nhỏ A Rem với khoảng 400 khẩu sinh sống tại xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch. Đây là những câu chuyện độc đáo của tộc người này giữa nền văn minh của thế kỷ 21. Khi mọi thứ đổi thay thì họ vẫn sống sót bằng phương cách cổ xưa về ngôn ngữ, tâm linh, hát hò riêng...
Khi chúng ta thức giấc cùng với 7 tỉ người trên thế giới, chúng ta tìm hiểu là cần cái gì để lưu trữ những hình ảnh của cuộc sống. Hàng tỉ tỉ terabyt lưu trữ được tạo ra trong thời đại internet. Với anh em A Rem của chúng ta, không có máy tính để lưu trữ hiện đại, họ chọn cách lưu trữ điệu hát tâm hồn trong trí nhớ của họ, mỗi thế hệ đi trước có ý thức dạy lại cho thế hệ kế tiếp cách thức truyền ngôn. Họ không chỉ sống sót được qua thời gian mà còn cất giữ được giá trị tinh thần của riêng mình giữa vũ bão kỹ thuật số bên dưới ngọn Mây Đỏ trong rặng Kẻ Bàng.
Không có đèn lấy trăng thay đèn
Không ít người nghĩ rằng, với chỉ 400 con người thì làm sao có điệu hát bản địa. Nhưng thực ra thì còn hơn thế, họ có một gia tài hát hò đáng nể. Những tiếng hát yêu đương được sáng tác trong trái tim con gái con trai. Mỗi lần lên với người anh em ở đây, tôi vẫn thường nghĩ về một câu dân ca mà bọn thanh niên có hát: "Đi một núi, hai đèo/Còn nghe tiếng em dưới suối/Đi một suối, hai suối/Nhớ tiếng chày em giã gạo đêm trăng". Thật khó để nghe câu hát này dưới miền xuôi. Cũng thật khó để nghe được ở vùng miền núi khác. Cũng thật khó để động viên người bản địa ở đây ngân lên mấy câu như thế, bởi bên trong cấu trúc tâm hồn họ phức tạp vô cùng nhưng lãng mạn hiếm có. Phải thân tình mới có thể nghe họ hát.
Người A Rem có gia tài hát hò rất phong phú và còn giữ mãi đến ngày nay
Những con người nhỏ bé, tộc người của họ cũng nhỏ bé nhưng tâm hồn họ dạt dào vô biên tình cảm của con trai với con gái. Già Đinh Rầu, hiểu biết rõ cội nguồn đất đai của bản quán rừng mưa Kẻ Bàng, nói câu hát đó lâu lắm rồi, không biết từ khi nào. Nó có từ khi tổ tiên mấy đời trước của ông sinh ra đã tập biết đến. Dĩ nhiên, nguyên bản câu hát này là tiếng A Rem, nay nó được diễn hóa quốc ngữ. Người A Rem khi hát với nhau, họ vẫn dùng tiếng của họ. Để cho người A Rem hát về tiếng yêu cổ xưa thật khó. Nhưng khi họ chấp nhận tin để hát ra, quả là một thế giới tâm hồn đầy mộng đẹp. Bà Y Chu từng hát một bài rồi dịch ra khá lạ: "Anh nhớ đến em không bao giờ quên được/Anh đi tìm em/Nửa đêm cũng đi/Sắp sáng cũng đi/Không có đèn lấy trăng thay đèn".
Văn hóa bản địa của anh em A Rem được truyền lại rất tốt cho thế hệ sau qua sinh hoạt đời thường
Cái câu “Nửa đêm cũng đi” làm tôi liên tưởng đến câu chuyện đàn ông A Rem rất nhớ vợ, thương vợ. Hôm xuống suối thiêng, Đinh Khinh, Đinh Tân, Đinh Cu... ngoài bắt ốc cho cả bọn ăn thì còn tranh thủ bắt ốc ngâm dưới suối. Hỏi làm gì, Khinh nói đưa về cho vợ con ăn. Tối, mọi người vui chén rượu ấm, Đinh Tân say rồi ngủ sớm, bỗng nửa đêm Tân tỉnh dậy khóc òa, hỏi vì sao khóc, Tân nói: “Mình nhớ vợ. Mình thương vợ. Mình về bản đây”. Cả đoàn dậy cơi lại đống lửa, khuyên can đi rừng khuya không nên về. Đinh Tân đã đi được hai trăm mét, lội suối bì bõm, ông Rầu nói một câu: “Mi về chừ cả bản tưởng trộm rồi xua chó săn đuổi đấy”. Nghe thế Tân mới quay lại trại nhưng vẫn còn thút thít. Trên thực tế, cả Đinh Tân, Đinh Khinh, Đinh Cu, Đinh Rầu... hễ đi rừng với cán bộ đều từng bỏ đoàn ra về giữa đêm vì nhớ vợ, nhớ con khi ai đó hát hò nhớ thương.
Ngủ nửa giấc càng nhớ
Họ nhớ quay nhớ quắt, nhớ đến phát khóc, nhớ đến phát cuồng, nhớ đến cả đêm luôn nhắc tên vợ. Cũng vì huyết quản xa xưa truyền lại thế. Cũng vì con gái A Rem hay hát: "Em nhớ đến anh/Trong rừng càng nhớ/Ngủ nửa giấc càng nhớ/Ngủ cả ngày mơ được gặp nhau/Để tìm yêu thương nhau".
Có được hiểu sâu bên trong tâm hồn anh em A Rem, mới nghe họ thổ lộ tình yêu giữa núi rừng vang vang. Họ hát cho người yêu họ tấm lòng cháy bỏng và chung thủy: "Anh nhớ em/Từ khi mẹ em mới sinh em ra bên núi/Từ lúc cái chân, cái tay em còn mềm yếu/Yêu thiết tha với em/Hẹn bỏ của với núi rừng quê hương". Đáp lại, lời hát của con gái đến cỏ cây cũng phải xiêu lòng, đến con ong cũng phải nhả mật, đến con gấu cũng phải thôi phá rẫy, đến bầy khỉ cũng ngừng chuyền cành, đến con vượn cũng dừng hót mà nghe: "Anh đừng nói nhiều/Nói từng ấy cũng biết yêu em như hang sâu núi cao/Em cho anh măng rừng/Nếu anh yêu em thật lòng thì bỏ của nhà cậu đi thôi". Con gái hát thế thì chàng trai có đi săn xa mấy cũng trở về bản quán quê hương mà trình diện nhà gái, mà hẹn thề chung thủy như hang to núi lớn: "Anh thề có núi có rừng/Anh thề có cây có cối/Anh thề có suối có mưa/Anh thề có trăng có sao/Anh thề có nắng có gió/Chuyến săn về anh xin bỏ của/Sừng nai, tay gấu, trầm hương/Sản vật núi rừng quê ta/Xin bỏ của đưa em về/Thương nhau như suối chảy/Bên nhau như cỏ cây". Nhà nghiên cứu Võ Xuân Trang khi tiếp xúc kho tàng hát hò này đã từng nhận xét: "Quả là một sức mạnh về cảm hứng yêu đương, chính sức mạnh này làm cho tộc người nhỏ bé A Rem sinh tồn dẻo dai qua bao khắc nghiệt và biến cố, vượt bao đau thương để sống sót". Và họ sóng sót đến hôm nay với bản ngã riêng của nồng nàn thắm thiết.
Yêu thương bản quán vô biên
Anh em A Rem không chỉ có hát hò về tình yêu trai gái. Bên trong ký ức từ xưa đến nay vẫn lưu giữ nguyên vẹn tấm lòng của họ với bản quán. Mỗi tộc người đều có tâm hồn thầm kín bên trong. Họ có tình yêu của họ với bản quán quê nhà núi non trùng điệp. Nó không chỉ ở lời cầu nguyện mà đó còn là câu dân ca của riêng họ. Những điệu cổ xưa nhất còn lưu truyền. Kẻ thù đến họ nguyện đánh tới người sót lại cuối cùng. Rừng núi quê hương họ là giàu có. Họ yêu núi rừng bản quán chở che cho họ cái ăn. Họ cũng hát về ru con. Mộc mạc như đá núi mọc lên giữa rừng mưa, ngắn thôi nhưng đó là tâm hồn từ xưa truyền lại: "Con ngủ đi con/Cho mẹ đi lấy măng về ăn/Cho bố đi bắn con gấu về chia cả bản" Hay: "Ngủ đi con/Để mẹ đi rừng/Lấy quả lấy cây/Để cho nhà ăn...".
Núi rừng bản quán quê ta giàu có và vui vẻ
Với người A Rem, tình yêu bản quán cũng thành vần điệu theo cách của họ. Bên trong những con người nhút nhát đó, có những câu thơ nói về da diết quê hương đơn giản mà sâu sắc: "Núi rừng bản quê ta/Giàu có và vui vẻ/Có tất cả thứ ta cần/Quê hương ta giàu có/Giặc đến bản làng cùng đánh/Cho đến chết mới thôi/Còn một người phải đánh/Đánh hết giặc mới thôi/Giữ lấy núi rừng quê ta/Ơi con cháu A Rem". Họ yêu dấu mảnh đất của họ trong máu thịt. Không có lịch sử thành văn, nhưng điệu hò, câu hát bản địa của họ lưu trữ lại tình yêu đó, tiết phát thành hành động giữ bản, giữ làng.
Ngày xưa xa lắc, truyền thuyết còn kể lại, có những cánh giặc xuất hiện, vây xua họ khỏi rừng mưa, họ đã từng lên tiếng thấm đẫm tiếng yêu quê hương nghe đến cháy bỏng: "Tôi không đi đâu cả/Tôi sống núi rừng cha mẹ sinh ra/Núi rừng đây cha mẹ nuôi tôi lớn/Dễ kiếm ăn con thú con cá, con ốc/Củ nâu, củ mát, con ong/Mà tôi được khôn lớn/ Tôi không đi đâu hết/ Không bỏ núi rừng tôi/ Núi rừng tôi dễ biết dễ tìm/ Dễ kiếm sản vật/Tôi nghèo, có rừng quê tôi giàu có/Tôi không tham rừng ai khác/Đi rừng người ta khó kiếm ăn/Đất rừng bằng không ở quen/Ốm đau không có thuốc/Không tiền nong chạy chữa/Tôi ở rừng quê tôi/Ốm đau thì có thuốc cây, cỏ lá/Lá cỏ nhổ để xông/Tôi không thể đi rừng mô khác/Tôi ở nơi cha mẹ cắt rốn chôn nhau".
Trong cảnh sống giữa rừng, họ vui vẻ đề huề. Đi săn họ cũng hát: "Ơi anh em ơi/Con hổ nó gầm ta sợ/Nhiều người cộng lại hổ sợ ta/Con gấu có móng dài nó tát/Ta có lao có bẫy dây đánh nó/Con cáo nó nhanh nó chạy/Ta có trí khôn bắt nó trong hang/Con sói nó khôn nó lẫn/Ta đông bắt nó về nhà/Nuôi nấng nó từ nhỏ/Để thành chó săn/Để thành bạn ta/Giữ bản giữ rừng cho ta".
Một góc bản nhỏ A Rem
Họ cũng có những câu hát vui mừng hào hiệp với khách khứa đi qua rừng quê hương họ: "Ơi anh em ở xa/Lâu ngày ghé lại núi rừng quê hương tôi/Có nước suối, có củ báng xin mời/Có suối mát cá khe xin bắt/Có cơm rẫy mời vắt cùng nhau/Có con thú mới bắt trong rừng quê hương tôi/Mời anh em ở xa lại cùng bản/Ăn thề chung thủy cùng nhau/Bản anh có thì mời tôi/Bản tôi có xin mời anh/Cùng bản quán quê hương/Cùng núi rừng gần nhau/Ơi anh em ở xa đường mà gần núi gần rừng".
Anh em A Rem có một thế giới thơ ca của riêng họ. Họ lưu trữ những điệu hò câu hát ấy không phải bằng thẻ nhớ, hay máy tính hoặc thiết bị cầm tay. Họ cũng không có thư viện. Thư viện là chính trong máu thịt của họ, trong trí nhớ của người lớn truyền lại cho người nhỏ. Cần mẫn từng năm tháng, từng mùa vụ, cần mẫn trong các chuyến đi suối, vượt rừng tìm kiếm thổ sản, cần mẫn trong cách sinh tồn. Nó phản ánh tấm gương xa xưa của con người khi chưa có cách lưu trữ thành văn cho hậu thế. Khi 7 tỉ con người của trái đất lưu giữ thành tựu bằng mọi cách thì anh em A Rem đang có cách lưu trữ cổ xưa nhất. Ký ức sống đó quả là đẹp và độc đáo như chính cách họ sinh tồn vậy. Như thế cũng đủ thấy họ ý thức về văn hóa của họ với chỉ 400 con người.
Bài, ảnh: Quốc Nam

Ngôn ngữ và bảo mật 

Hoa Ban trong rặng Mây Đỏ của lãnh địa A Rem.
Với dân số thấp nhưng người A Rem có ngôn ngữ riêng cuốn hút giới nhiên cứu quốc tế đến từ Pháp, Nhật, Nga... Một thời gian dài, các nhà ngôn ngữ tìm cách giải nghĩa nguồn gốc của ngôn ngữ tiền Việt - Mường đều bất thành. Nhưng khi tiếp cận anh em A Rem (Bố Trach, Quảng Bình) họ ngỡ ngàng vô cùng vì đây là nơi giải đáp đầy đủ nhất.
Các nhà ngôn ngữ đi sâu nghiên cứu tiếng A Rem khẳng định ngôn ngữ A Rem thuộc nhóm ngôn ngữ tiền Việt - Mường (proto Việt - Mường). Nhà ngôn ngữ Trần Trí Dõi từng viết: “Nhiều từ tiếng Việt và tiếng Mường hiện nay là đơn tiết đều có liên quan về nguồn gốc với các từ song tiết của tiếng A Rem”.
Chìa khóa biến đổi ngôn ngữ
Ông đưa ra ví dụ dân ca Bình Trị Thiên xưa có câu: “Ru tam tam ngủ cho muồi”. “Tam” trong câu ca này hiện không còn trong tiếng Việt để chỉ từ “em” nữa, nhưng với tiếng A Rem nghĩa của từ này vẫn còn giữ nguyên vẹn trong các vỏ ngữ âm xa xưa của nó.
Người A Rem có ý thức bảo vệ tiếng nói và các bí mật liên quan đến tộc người mình.
Giáo sư Trần Trí Dõi khẳng định: “Điều này cho phép chúng ta hiểu rằng có nhiều từ ở tiếng Việt đã mất đi, nhưng thi thoảng vẫn còn được giữ lại ở một vùng nào đó, một phương ngữ nào đó và còn giữ lại khá tốt trong tiếng A Rem”. Người miền Trung nhiều nơi gọi “cây” là “săng”, gọi “rạ” là “toóc” thì người A Rem gọi “săng” là “chi săng”, “toóc” tương ứng “so/sok”. Đấy là dấu ấn xưa của tiếng Việt trong tiếng của tộc người anh em này.
Những năm 1950 của thế kỷ 20, các nhà ngôn ngữ băn khoăn và chưa giải thích được về quá trình chuyển đổi tiếng Việt từ một ngôn ngữ xưa kia song tiết (hai tiếng) sang một ngôn ngữ đơn tiết. Khi tìm hiểu tiếng A Rem, một ngôn ngữ nhóm Việt - Mường thì các lý giải khó nhất được khắc phục.
Anh em A Rem là một tộc người đoàn kết và hiếu khách, có tiếng nói riêng.
Tiếng Việt nói một âm tiết, nhưng tiếng A Rem nói hai âm tiết. Như tiếng Việt nói “Gió” là một âm tiết, nhưng tiếng A Rem gọi gió là “Kaja”. Người Việt nói “Sấm”, người A Rem gọi “Sấm” là “Karam”. Tiếng Việt gọi “Đất”, anh em A Rem nói “Đất” là “Atắk”. Người Việt gọi “Lúa” thì người A Rem gọi “Ala”. Các nhà ngôn ngữ giải mã rằng nhờ dạng thức hai tiếng còn lưu giữ trong tiếng A Rem mà người ta có thể tin rằng xưa kia, thời kỳ đầu công nguyên, tiếng Việt cũng có hai âm tiết như người A Rem. Họ cũng chỉ ra, tiếng Việt xưa kia là một ngôn ngữ chưa có thanh điệu và tiếng A Rem cũng như vậy.
Vì thế mà ngôn ngữ A Rem rất lôi cuốn các nhà khoa học. Ở Việt Nam, nó đã thu hút những chuyên gia như Trần Trí Dõi, Võ Xuân Trang, Đoàn Văn Phúc, Hoàng Dũng... Đối với người nước ngoài, có thể kể các tên tuổi nghiên cứu ngôn ngữ lừng danh như GS Nguyễn Phú Phong, Giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp, giảng dạy tại đại học Paris VIII, ông đến với người A Rem hồi tháng 5.1985. GS Michel Ferlus, người Pháp đến lần 1 vào tháng 5.1991, lần 2 vào tháng 12.1993. Những năm 1990 của thế kỷ trước, nghiên cứu sinh Kasaga Atushi người Nhật Bản đã đến nghiên cứu nhiều tháng với anh em A Rem, trở thành tiến sĩ nhờ luận án ngôn ngữ về tộc người này. Đấy là sự độc đáo ngôn ngữ của 400 con người nơi đây.
Ý thức bảo mật riêng
Họ có ý thức bảo mật mọi thứ, cho nên muốn đến với họ phải tạo ra thân mật thực sự, nếu không sẽ bất thành. Dĩ nhiên trong cộng đồng của họ có những cái thầm kính mà họ cho chỉ cần một người biết thì chuyện không có ai biết. Những bí mật của họ kỳ lạ và trong sáng. Khám phá thật lâu mới hiểu sâu bên trong là điều gì.
Đầu tiên là tiếng nói của họ. Những anh em sống xung quanh người A Rem quả thực hiếm người có thể nói được tiếng A Rem. Người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, cách Tân Trạch vài cây số không tài nào có thể học được tiếng nói của người A Rem. Nó như một thứ mật ngữ được giữ kín và khó hiểu. Trong khi đó, cũng trong rừng mưa Kẻ Bàng, anh em Rục ở mạn Thượng Hóa, huyện Minh Hóa khẳng định rằng tiếng nói người A Rem người Rục hoàn toàn không thể hiểu được. Người Vân Kiều có khi vãng lai ở trong khu vực này cũng hoàn toàn khó giải mật được tiếng nói A Rem. Ngày nay, có 21 người Vân Kiều ở bản Đoòng, thuộc hành chính quản lý của xã Tân Trạch cũng không nói được tiếng A Rem.
Đinh Rầu, người thông thái nhất bản.
Người A Rem có ý thức bảo mật ngôn ngữ của họ, văn hóa bản địa của họ, và tâm linh của họ, cũng như tất cả cái gì thuộc về gia tài tinh thần. Xa ánh điện, xa các đô thị, họ còn được tiếng nói trong thế giới mênh mông chỉ với vài trăm người, quả là một sự giữ gìn kỳ công. Ngày nay tiếng nói ấy cũng chỉ truyền đạt trong anh em A Rem.
Thế nhưng cộng đồng tộc người này, có người có thể nói được tiếng Ma Coong, có người có thể nói được tiếng Vân Kiều, có người nói được tiếng Rục, có người nói được tiếng Sách, nhiều người nói được tiếng Kinh...Họ cố công học tiếng những tộc người khác để giao tiếp. Và cách học là qua những lần trao đổi sản vật từ xa xưa. Nhưng họ lại hoàn toàn không nói tiếng A Rem với người Ma Coong hay với những tộc người khác dẫn đến người bên ngoài rất khó để nói tiếng A Rem. Mọi thứ họ cất giữ riêng trong đầu, không có bất cứ loại máy móc nào có thể lưu trữ, không có bất cứ sách vở nào ghi chép. Tiếng nói của người A Rem xếp lớp trong vỏ não từng cá nhân. Người trước già đi, qua đời thì đã có trẻ nhỏ sinh ra và được truyền lại bằng nhiều cách của sinh hoạt, đi rừng.
Con gái là niềm tự hào của người A Rem.
Tiếng dạy đầu tiên của người A Rem là phải biết về gốc tích của tộc người này. Thực ra, chúng ta vẫn nói A Rem để chỉ về họ. Đó là tiếng nói rút ngắn, nó có một cái tiếng đầy đủ, dài hơn nữa để chỉ tộc người này: Tơ Hung A Rem. Đó là tên mà một số cộng đồng anh em như Ma Coong gọi về họ. Điều này, có tiếp xúc nhiều năm thì mới được cho biết.
Bí mật tiếp theo mà đàn ông vẫn giữ riêng, đó là mỗi lần đi rừng, phát hiện hang động mới nào họ cất giữ trong trí nhớ. Chỉ đến lúc ưng bụng cho ai xem hang động đó, họ mới mở lời mời đi xem hang. Có khi mời anh em trong bản, một nhóm vài ba người đi. Có khi mời người khác bản, khác dòng máu đi xem. Tuy nhiên, nhất thiết phải là người họ ưng bụng, phải là người họ tin tưởng, phải là người họ tín cẩn. Tôi may mắn được Đinh Cu dẫn vào xem hang động mà Đinh Cu biết trong chuyến luồn vào vòm rừng mưa. Đinh Cu biết tôi nhờ các chuyến lên cứu trợ, và tiếp xúc nhiều lần nên quý mà dẫn đi xem hang.
Bên trong hang động này đi đến có 5 tầng. Măng đá, nhũ đá đẹp lộng lẫy. 5 tầng hang vươn vai lên đến đỉnh núi có một lối ra, đứng ở đó nhìn xuống là cả một thung lũng đầy cỏ và các trảng rừng rậm xanh tốt.
Với họ, việc cất giữ những cái gì thuộc dòng tộc, gia đình, bản quán cẩn mật là trách nhiệm từ xa xưa truyền lại để tránh bị xâm chiếm đất đai. Chính vì thế mà nó vẫn di truyền lại cho đến ngày nay.
Tộc người không tham lam
Người A Rem, xa ánh đèn, xa các trung tâm đô thị nhưng đoàn kết và chan hòa. Họ không bao giờ tham lam bất cứ của ai cái gì, dù là nhỏ nhất. Của ai, để ở đâu, như thế nào ngoài rừng đều nguyên vẹn. Họ không lấy của người khác và không lấy khi chưa xin dù khó khăn. Chúng tôi có trải nghiệm gặp gỡ nhiều năm nay cùng anh em A Rem, và đi sâu trong rừng với những con người nhỏ bé này mới biết, họ tuyệt vời trong tấm lòng đối đãi nhau. Bản quán của họ chưa bao giờ mất cắp, chưa bao giờ to tiếng cãi cọ. Họ cố kết với nhau hòa mục. Đi rừng, người nào kiếm sản vật nhiều đều chia cho người không có để cùng ăn. Khái niệm tư hữu chưa quán triệt được họ. Có lẽ đây cũng là một trong những yếu tố giúp họ sống sót giữa khắc nghiệt của núi rừng. Và tồn tại đến tận ngày nay một cách bền vững.
Hang đá của người A Rem
Mùa vụ lúa rẫy thu hoạch vào, họ dựng lán trên nương. Nhà nào ăn hết mà lán người khác còn, họ đến xin và được gia chủ cho ra lán lấy về dùng. Chủ lán không cần đi theo giám sát, chỉ gật đầu đồng ý, người xin cũng không ham hố lấy nhiều. Họ lấy đủ dùng cho cơn hoạn nạn.
Họ không tham lam nên đoàn kết trong veo. Những sản vật rừng như tổ ong, ai để lại dấu hiệu của mình thì người đi sau không bao giờ leo lên lấy. Đó là một sự đàng hoàng mà người phía xuôi khó có thể sánh được.
Mấy ngày chúng tôi đi rừng với Đinh Rầu, tình cờ ông thấy một tổ ong ở Cợp Pộng. Đinh Rầu lên xem xét, nơi đó có dấu hiệu riêng của ông Đinh Nê khắc từ tháng trước. Đinh Rầu thấy thế liền tránh ra, không xem xét nữa. Ông nói, của ông Nê đánh dấu rồi. Có dấu khắc vào gốc cây rồi. Không lấy được đâu. Mình lấy, dân bản họ xem mình xấu lắm.
Mỗi người A Rem có một dấu hiệu riêng lúc trưởng thành để khắc dấu vào sản vật họ phát hiện trước. Người đến sau nhìn vào đó đã thấy chủ quyền rồi, họ không bao giờ tơ tưởng đến. Họ tôn trọng nhau như thế để đoàn kết với nhau giữa khắc nghiệt của xứ sở. Đến mùa ong năm sau, khi dấu hiệu họ khắc ở gốc cây được liền thịt thì họ lặp lại chu trình tìm kiếm. Cứ thế, ai đặt chân đến trước, họ có quyền khắc dấu hiệu riêng. Và quyền lấy mật thuộc về cái dấu mới. Người chủ của mùa trước có đến sau cũng vui vẻ với người chủ mới của mùa khác.
Thổi ràng, một thuật bí truyền độc đáo của anh em A Rem.
Chúng tôi có chuyến cùng nhau vào rừng, nữa đêm nằm ngủ nghe cả bọn thanh niên dậy lục tục tưởng sáng, té ra Đinh Khinh, Đinh Cu, Đinh Tân... dậy thổi lửa bắc cơm để ăn. Hỏi mới biết, đầu hôm ăn no rồi, nhưng giờ ưng ăn thì dậy nấu thôi. Thế là gạo lường ra đầy vung, cả mấy thanh niên A Rem cứ thế xơi cơm giữa khuya tối bịt bùng. Bữa sáng dậy còn chút gạo, hết thức ăn, nhưng họ rất ý thức là vào sâu trong hang thả lưới kiếm cá to, bẻ lá rừng về nấu chua một nồi để đãi đằng. Đinh Khinh nói: “Bọn em ăn hết thức ăn rồi. Chừ nấu các bác ăn tạm món của A Rem. Đừng chê nghe”. Nói thế thôi, chứ đó là nồi canh ngon vô cùng, đó cũng thể hiện tình trách nhiệm của người anh em này giữa rừng sâu với người xung quanh khi không tham lam, lỡ dùng hết thì tìm cách bù vào lúc có dịp. Họ còn khó khăn vô biên mà hành xử như thế cũng đủ biết vì sao họ vượt qua hàng thế kỷ giữa rừng rậm hoang sơ. Đấy là một đặc tính độc đáo vô cùng.
Quê hương của người A Rem có hang Sơn Đòng lớn nhất thế giới, có động Thiên Đường hùng vĩ cũng hàng trăm hang động lớn nhỏ khác. Tổ tiên họ đã chọn vẻ đẹp mê hoặc như thế để trở thành không gian sống của tộc người anh em này. Chính vì thế họ giữ gìn được văn hóa riêng, ngôn ngữ riêng, bản sắc riêng, cách sinh tồn riêng. Những câu chuyên trên đây chỉ là lát cắt nhỏ độc đáo và tinh túy nhất của họ để cho thấy chỉ với 400 người họ vẫn bền dai với mảnh đất hào phóng. Ngày nay có sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, A Rem sẽ chắc chắn bảo lưu tất cả những gì họ có để cho những ai lui tới có thể thấy con người xa xưa phản chiếu trong tâm hồn họ như thế nào dưới ngọn Mây Đỏ kỳ vĩ.
Quốc Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét