Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Đặc sản làng Vòng và ký ức cốm thu Hà Nội

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
ANTD.VN - Từ lâu, cốm làng Vòng được gắn với mùa thu hay thu về mang theo cốm. Có nhà văn viết, các bà, các cô làng Vòng gánh mùa thu vào phố trên đòn gánh cong và hai thúng nhỏ. Nhưng Vòng là một vùng rộng lớn, có nhiều làng và làng Vòng nào là làng làm cốm?   
ảnh 1Cốm làng Vòng được gắn với mùa thu hay thu về mang theo cốm
Kẻ Vòng xưa từng là các làng thuộc hai xã Dịch Vọng, Mai Dịch mà nay là phường Dịch Vọng và phường Mai Dịch của quận Cầu Giấy. Không thấy văn bia ở vùng này hay sách giải thích vì sao lại có tên Vòng nhưng từ tên nôm đó phiên âm ra là Vọng. Xưa có con đường thiên lý từ thành Thăng Long đi xứ Đoài, trên con đường này có đặt một trạm dịch ở khu vực này nên có tên là Dịch Vọng. Xã Dịch Vọng xưa có 3 làng là Dịch Vọng Tiền, Dịch Vọng Trung và Dịch Vọng Hậu nhưng dân quen gọi là làng Tiền, làng Trung và làng Hậu.
Nếu các làng xung quanh thường một làng mới có một chùa và một đình thì Dịch Vọng Tiền có 4 xóm thì cả 4 xóm đều có đình và 2 chùa. Dịch Vọng Trung có 3 xóm và xóm nào cũng có đình và chùa. Đình ở Dịch Vọng Tiền và Dịch Vọng Trung đều thờ một số quan võ thời Lý Nam Đế có công đánh quân xâm lược nhà Lương. Ở xóm Tăng làng Tiền thờ Độ Bảo, một viên tướng của Lý Nam Đế nên dân ở làng này kiêng không nói chữ Bảo mà nói thành Biểu hay Nhủ.  
Ở xóm Hà của Dịch Vọng Trung có chùa Hà. Một thời chùa được cho là rất thiêng, muốn cầu tiền, cầu tình vào đây đặt đồ lễ bái đều ứng nên ngày rằm và mồng 1 hay sau Tết Nguyên đán nghìn nghịt người đi lễ. Khoảng cuối những năm 1930, có một người quê làng Bối Khê (tỉnh  Bắc Ninh) sang trọ rồi làm nồi đất bán. Nồi làm ra bao nhiêu bán hết  bấy nhiêu nên ông này trở nên giàu có. Ơn chùa và xóm Hà, ông mua 13 mẫu ruộng, cúng vào chùa 7 mẫu, cúng cho xóm Hà làm ruộng công 6 mẫu. Nhờ có 6 mẫu ruộng công nên dân xóm lấy hoa lợi ở ruộng này nộp sưu cho nhà chức trách nên không nhà nào phải bỏ tiền túi. Nhớ ơn đó nên xóm được đổi tên thành xóm Bối Hà. 
Khác với Dịch Vọng Tiền và Dịch Vọng Trung, Dịch Vọng Hậu chỉ có một đình và một chùa, đình thờ Linh Lang đại vương. Chùa Dịch Vọng hậu có tên là Thánh Chúa. Tương truyền, chùa xây vào thế kỷ XI khi Vua Lý Thánh Tông và Hoàng hậu ra đây vãn cảnh, sau Hoàng hậu ở lại chùa cầu tự vì chưa có con trai nhưng có tên quan hầu là Nguyễn Bông có ý muốn dùng pháp thuật để đầu thai. Việc bị lộ, Nguyễn Bông bị điệu ra cánh đồng trước cổng chùa để chém nên cánh đồng này gọi là đồng Bông.
Cánh đồng Bông hiện nay là các phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông, Phạm Hùng… Trên đất Dịch Vọng Hậu xưa có thành của phủ Hoài Đức đắp bằng đất, có 3 cổng. Thành được xây năm 1833, đời vua Minh Mạng. Cuối thế kỷ XIX, khi Pháp đánh chiếm Hà Nội, thành phủ Hoài Đức là nơi đóng quân của tướng Hoàng Kế Viêm. Ông đã chiến đấu chống quân Pháp đưa quân tiến về phía Tây Hà Nội. Thành bị Pháp phá năm 1884 vì sợ những người theo phong trào Cần Vương làm căn cứ.  
Quanh thành phủ Dịch Vọng có giai thoại vui vui. Vì có thành phủ nên lính lệ ở Dịch Vọng rất đông và người làng Vòng cũng vào lính lệ nên các ông đồ trong vùng có chuyện để trêu chọc nhau. Chuyện là vào ngày Tết, ông đồ làng Vòng đến thăm ông đồ làng Bưởi, ông đồ làng Vòng ra vế đối đùa ông đồ làng Bưởi: “Văn chương cùi xác thầy đồ Bưởi” (ý nói văn chương của thầy đồ làng Bưởi nghèo như cùi bưởi). Ông đồ Bưởi liền đối lại: “Lý sự quanh co chú lệ Vòng”. Nhưng nổi tiếng nhất ở vùng này chính là cốm, đến mức người ta chỉ biết cốm ở làng Vòng mà không hề biết rằng có xã Dịch Vọng. Tuy nhiên trong 3 làng của Dịch Vọng chỉ duy nhất có làng Dịch Vọng Hậu làm cốm.
ảnh 2Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến  
Thế nhưng, ở làng bên cạnh xưa cũng có một số gia đình làm cốm, đó là làng Mai Dịch. Dân Mai Dịch làm cốm bởi họ là dân gốc làng Dịch Vọng Hậu di cư xuống đây lập ra Mai Dịch từ thế kỷ XVII. Mai Dịch cũng có tên nôm là làng Vòng. Làng này do ông Nguyễn Khả Chạc lập ra, nay tên ông đặt cho con phố chính của phường Mai Dịch. Ông là người làng Dịch Vọng Hậu, đỗ Tiến sĩ năm 1631 đời vua Lê Thần Tông.
Khi về hưu, vua cấp đất cho ở trạm Mai Dịch, học trò góp tiền làm nhà lấy chỗ cho thầy dạy học. Dần dần, con cháu ông ở Dịch Vọng Hậu đã chuyển về Mai Dịch sinh sống làm ăn nên Mai Dịch ngày càng đông đúc. Ở Mai Dịch có một làng rất xa, gần với xã Cổ Nhuế là xóm Đồng Xa. Xóm này do 2 người cháu đời thứ 13 của Nguyễn Khả Chạc lập ra đầu thế kỷ XIX. 
Chuyện là 2 anh em Nguyễn Hương và Nguyễn Huy Vinh ở với dì ghẻ vì mẹ mất sớm. Dì ghẻ rất nghiệt ngã nên 2 anh em xuống đồng chăn vịt rồi ở luôn ngoài đồng không về nhà. Tuy khó khăn nhưng 2 anh em rất chịu khó học, không có tiền  mua dầu thắp sáng học bài, 2 anh em phải thắp hương lấy ánh sáng để học. Năm 25 tuổi, Nguyễn Huy Vinh đỗ tú tài năm 1847. Năm 1850, người em là  Nguyễn Hương đi thi Hương, thi xong lại về nhà chăn vịt, khi đang đóng khố lùa vịt đi ăn thì có tin báo đỗ tú tài nên làng gọi là “tú vịt”. 
Xã hội thay đổi, hiện Mai Dịch không còn ai làm cốm, ngay cả Dịch Vọng Hậu cũng chỉ còn vài nhà. Chuyện vào đầu thu cả làng Hậu rộn rã âm thanh giã cốm chỉ còn trong ký ức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét