Đình Vĩnh Sơn (hay còn gọi là đình Sơn Tang) được khởi tạo cách đây gần 300 năm, qua nhiều thế kỷ, đến nay, ngôi đình cổ kính đã trở thành nơi lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống quê hương Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).
Đình Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc
Truyền thuyết về đình Vĩnh Sơn
Đình Vĩnh Sơn thờ ba vị Thánh: Thánh Lân Hổ Đại Vương - quan võ mưu trí có tài thao lược và võ nghệ cao cường, Thánh Quý Minh Đại Vương - quan võ có lòng dũng cảm nhiệt huyết và Thánh Bạch Quan Đại Vương - quan tài về y thuật.
Danh tướng Phùng Lân Hổ, có công đánh giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Tương truyền, Phùng Lân Hổ quê ở làng Đồng Bằng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay là thị xã Sơn Tây - Hà Nội). Ông mình cao 8 thước, sức nhấc 100 cân, võ nghệ cao cường và có tài thao lược…
Khi giặc Mông Cổ xâm lược nước ta, vua Trần xuống chiếu với người tài đánh giặc. Phùng Lân Hổ xin đi và được vua Trần cho cầm quân bộ đánh giặc mặt Bắc. Ông dẫn quân lên vùng Gia Ninh (Bạch Hạc – Phú Thọ ngày nay) bày binh bố trận lập một phòng tuyến chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch bảo vệ cho kinh đô Thăng Long. Chiến thắng quân Nguyên – Mông, triều đình luận công ban thưởng. Phùng Lân Hổ được ban tước Hầu (Lân Hổ Hầu) và làm quan trong triều nhưng ông lại từ chối xin được về quê phụng dưỡng mẹ già.
Bị thua, quân Nguyên – Mông trở lại tìm cách báo thù. Phùng Lân Hổ lại được vời ra chỉ huy chiến tuyến Gia Ninh – Dục Mỹ. Thế giặc mạnh lại rất đông, Phùng Lân Hổ tả xung hữu đột chém nhiều đầu giặc và ông đã anh dũng hy sinh. Tiếc thương vị tướng tài lập nhiều công lớn, vua Trần đã hạ chiếu xây lăng cho Phùng Lân Hổ và cho quốc tế (tế theo nghi lễ nhà nước).
Cùng chỉ huy trận tuyến mặt Bắc có cả Quý Minh tài về võ nghệ và thao lược, bên cạnh còn có một người làm nghề y rất giỏi cứu nhân dân và binh sĩ trong trận chiến là Bạch Quan.
Cùng với các xã vùng Phùng Lân Hổ đóng quân chống giặc, nhân dân Vĩnh Sơn đã lập đền thờ 3 ông. Khi có đình thì rước thần hiệu vào đình mà thờ để ghi nhớ công ơn, đồng thời cũng cầu mong sự hiển linh che chở.
Ngôi đình Vĩnh Sơn được khởi dựng cách đây gần 300 năm. Những cao niên trong làng kể lại, khi đó để tưởng nhớ các vị thành có công với địa phương, những người dân trong vùng đã bàn nhau lập đình, cụ thể làng Hai Nước và làng Sơn Tang đã “nhị ấp đồng tôn” (hai làng cùng nhau xây dựng ngôi đình). Qua thời gian, cùng nhiều biến cố của lịch sử nhưng đình Vĩnh Sơn cũng không thay đổi nhiều về kiến trúc so với lúc mới khởi dựng.
Khuôn viên đình rộng khoảng 1.000m2. Đình được đặt ở vị thế phong thủy, trước Đình là một ao rộng lớn, sân đình rộng trên 300 m2. Kiến trúc ngôi Đình hình chữ công và đồ sộ, trong ngôi Đình được chia thành hai khu là Đại Đình và Hậu cung. Đại Đình có chiều dài là 30m, chiều rộng 11m gồm 5 gian và hai trái được dựng bởi 4 bộ vì kèo trong đó 2 vì kèo gian giữa được làm theo kiểu chồng bồn con lợn.
Chạm khắc gỗ tinh xảo trong đình
Các bộ vì kèo được liên kết với nhau bởi hệ thống xà trung, xà hạ. Các hàng chân cột cái bằng gỗ tốt, đại khoa có đường kính 0,8m, hàng cột con đường kính 0,6m. Các hàng cột đều được kê bằng đá tảng chống mối mọt, trông thật bề thế đồ sộ, cổ kính được gia cố bền chắc. Trên bức hoành phi của gian chính giữa có hàng chữ: “Sơn lộc hữu linh”.
Hoành phi của gian chính giữa có hàng chữ: “Sơn lộc hữu linh”.
Phía dưới bức hoành phi là dải gỗ chạm khắc rất đẹp, rất sinh động với nhiều nội dung phong phú, sâu sắc với 4 chữ vàng nổi rất to: “Thánh cung vạn tuế”. Các đầu đao của gian chính giữa được trạm khắc hình rồng với những nét tinh xảo, nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian không chỉ thành công ở bố cục, tạo dáng, đục boong chạm thủng mà còn có nội dung rất sâu sắc-tỏ rõ trình độ tư duy cao của nhân dân ta thời cuối Lê đầu Nguyễn.
Ba ngai cổ của Đình Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường
Tòa Hậu cung rộng khoảng 200m2 gồm 2 gian, dài 9m. Giữa Hậu cung được dựng thành hai tầng gỗ và được trạm trổ một cách tinh tế. Tầng hai làm khám thờ nên tòa Hậu cung rất bề thế, cổ kính và uy nghi.
Đình Vĩnh Sơn đã 2 lần trùng tu, lần trùng tu thứ nhất cách đây 18 năm và lần trùng tu thứ 2 cách đây 16 năm, khi trùng tu đình chỉ thay một số cột bị hư hỏng, còn cơ bản vẫn giữ được nguyên vẹn.
Hiện ngôi đinh đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia theo quyết định số 06/2000-QĐ/BVHTT ngày 13 tháng 4 năm 2000.
Nơi lưu giữ nét văn hóa Vĩnh Tường
Cụ Phùng Văn Rõ (76 tuổi), người từng có hơn 20 năm tham gia ban khánh tiết và kiêm Trưởng ban khánh tiết lễ hội đình cho biết theo lệ của vùng thì đình Vĩnh Sơn mỗi năm tổ chức 4 ngày lễ hội lớn bao gồm:
Ngày mùng 6 tháng Giêng: Lễ Khai xuân, tổ chức tế lễ và gieo hạt
Ngày 15 tháng 3 (âm lịch): Tiệc giỗ đức thánh Lân Hổ
Ngày 20 tháng 8 (âm lịch): Tiệc giỗ đức thành Quý Minh
Ngày 10 tháng 9 (âm lịch): Tiệc giỗ đức thánh Bạch Quan
Ngày 15 tháng 11 (âm lịch) là ngày mừng lúa của dân làng
Mười ngày trước khi tổ chức lễ hội, những cao niên trong làng cùng với ban khánh tiết sẽ họp bàn chuẩn bị chu đáo cho ngày lễ.
Nét đặc sắc của lễ hội Khai xuân (ngày mùng 6 tháng Giêng) được lưu truyền từ khi dựng đình đến nay không mấy thay đổi. Lễ hội tổ chức để cầu mong một vụ mùa xanh tốt, bội thu nên hình thức tế lễ và hội cũng thể hiện mong muốn đó. Cụ thể, ở giữa sân đình sẽ được chia làm 2 bên, có đục 2 lỗ cắm hai chiếc cột (được chạm chữ “ Nhất” và cột kia chạm hình “Thập”).
Người chủ lễ đình sẽ dùng một viên đá tượng trưng cho hạt giống để đưa vào các lỗ cột. Sau đó lần lượt những người cao niên trong làng sẽ gieo hạt cho đến khi hết đá.
Người dân quan niệm, gieo hạt đúng nơi sẽ giúp vụ mùa năm đó được mưa thuận gió hòa, cây trồng tươi tốt. Trước đây lễ gieo hạt thường được tổ chức 3 ngày đến nay dân làng thống nhất tổ chức một ngày mùng 6 tháng Giêng.
Người dân trong vùng coi đình là nơi thành kinh tâm linh, từ việc cưới hỏi, công danh, cầu tài lộc, sức khỏe mọi người đều ra đình để thành tâm khấn lễ. Lễ vật dâng lên thành cũng là tùy tâm, lễ thủ lợn, gà, bánh kẹo đôi khi chỉ là hoa quả và hương.
Đình Vĩnh Sơn hiện tại vẫn giữ được hiện trạng ban đầu nhưng do tác động của lịch sử ngôi đền đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp ở một số hạng mục. Cụ thể, một số cột, xà, rui mè của đình đã mối mọt, mái đình bị dột khi trời mưa to. Rêu mốc cũng đã xuất hiện và bám đen nhiều chỗ.
Cũng theo cụ Rõ, người dân đã đề nghị cấp chức năng cho tu bổ tôn tạo lại một số hạng mục để tránh tình trạng xuống cấp của đình. Thời gian tới ban quản lí đình sẽ xin tu sửa những cột xà bị mọt, đồng thời củng cố lại hoa văn ở cổng đình.
Ngôi đình khang trang không chỉ phục vụ người dân sở tại mà còn là nơi những người con Vĩnh Sơn xa quê hướng về nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình. Qua thăng trầm của lịch sử nhưng Vĩnh Sơn vẫn giữ được nét cổ xưa đáng quý. Không những tiếp tục gắn bó với đời sống tâm linh của người dân nơi đây, mà sự hiện diện cổ kính của ngôi Đình còn là những dấu ấn đậm nét lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống tạo nên những cảnh quan đặc sắc của làng quê Vĩnh Sơn nói riêng và Việt nam nói chung.
Đình Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét