Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

Đánh thức tiềm năng du lịch huyện Vân Hồ

Nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, huyện Vân Hồ có vị trí địa lý thuận lợi, cách thủ đô Hà Nội 170 km, có tuyến giao thông quốc lộ 6 huyết mạch của vùng Tây Bắc đi qua. Với nhiều di tích, danh thắng đẹp và độc đáo, diện tích rừng và đất sản xuất nông lâm nghiệp lớn, khí hậu trong lành; đồng bào các dân tộc có nền văn hóa phong phú với những giá trị nhân văn, lịch sử tốt đẹp, tạo nên nét văn hóa đặc sắc, độc đáo. Đây là tiềm năng, lợi thế để Vân Hồ thu hút đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng.

Mô hình homestay ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (Vân Hồ).

Sở hữu cảnh quan thiên nhiên đẹp, với những đồi chè trải dài bát ngát rộng hơn 1.000 ha; những vườn cây ăn quả, rau sạch, hoa rộng hàng hécta; vùng lòng hồ sông Đà với gần 2.000 ha chạy qua xã Quang Minh, Mường Tè, Song Khủa, Liên Hòa, Suối Bàng. Với các đảo nhỏ nhấp nhô trên mặt nước mênh mông, lòng hồ sông Đà được ví như một Hạ Long trên núi. Từ đây, du khách có thể lên đến thủy điện Sơn La hoặc xuôi xuống thủy điện Hòa Bình, kết hợp với tham quan Đền Hang Miếng, Khu di chỉ khảo cổ Hang Mộ Tạng Mè... một địa điểm lý tưởng để du khách tránh ngày hè nóng oi bức, tìm cảm giác bình yên, với lòng hiếu khách của đồng bào các dân tộc.

Với những du khách thích mạo hiểm, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên thì Khu du lịch sinh thái rừng Pa Cốp; Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha với diện tích trên 18.000 ha, trong đó khu rừng đặc dụng Xuân Nha với khoảng 456 loài thực vật và 48 loài động vật hoang dã cùng hệ thống hang động có nhiều nhũ đá do thời gian tạo ra là điểm đến không thể bỏ qua. Vào mùa xuân, đúng dịp tổ chức Lễ hội hoa ban, Ngày hội hoa đào, du khách được giao lưu văn hóa, văn nghệ, tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương; được tham quan, trải nghiệm những vườn hoa đào, hoa mận, hoa cải bung nở rực rỡ sắc xuân.

Sở hữu một loạt những di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh đẹp, tuy nhiên, theo đánh giá của huyện, lĩnh vực du lịch những năm gần đây có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng; nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch hầu như chưa có, nhiều khách du lịch tới thăm quan lại phải ngược lên Mộc Châu để ăn và nghỉ qua đêm; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, các điểm du lịch mới chỉ là tiềm năng bước đầu được đầu tư, khai thác. Theo quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2014, nằm trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, trong đó huyện Vân Hồ có 7 khu du lịch, 10 bản du lịch cộng đồng. Các dự án trong quy hoạch gồm: Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật danh lam thắng cảnh hang mộ Tạng Mè; danh thắng thác nước Chiềng Khoa; danh thắng rừng Pa Cốp; thác Tạt Nàng; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các bản du lịch cộng đồng; đầu tư tôn tạo đền Hang Miếng và các Khu di tích lịch sử.

Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vân Hồ, cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch Vân Hồ vẫn còn những khó khăn. Tính liên kết vùng của Vân Hồ với các địa phương khác, đặc biệt với Hà Nội trong hoạt động du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa thu hút được các Công ty lữ hành đến xây dựng thiết kế các tuor du lịch. Hiện nay, huyện đã và đang tập trung phát triển du lịch theo 2 hướng trọng tâm là: Phát triển dịch vụ du lịch cao cấp (các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn) và phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc của huyện. Theo đó, các dự án thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch; đầu tư khu du lịch sinh thái hồ sao đỏ, hồ Bó Nhàng, thác Tạt Nàng, suối nước nóng và dự án đầu tư xây dựng nhà nghỉ, khách sạn trong khu trung tâm hành chính, chính trị huyện là danh mục dự án được huyện ưu tiên triển khai. Cùng với đó, huyện đang đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết du lịch; huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, trong đó, tập trung đào tạo kỹ năng nghề và thực hành thực tiễn. Phấn đấu đến năm 2030, cơ cấu phát triển kinh tế ngành dịch vụ chiếm trên 40%, trong đó du lịch chiếm chủ yếu.

Với định hướng phát triển khoa học, bài bản, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, tin rằng, trong tương lai không xa, Vân Hồ sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi du lịch qua miền Tây Bắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét