Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Nghề rèn ở làng người "đàn bà cười"

 Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến 
ANTD.VN - Ở vùng ven kinh thành Thăng Long - Hà Nội có rất nhiều làng làm nghề rèn. Thế nhưng có một làng rèn gắn liền với sự xuất hiện của phố Lò Rèn ở khu vực “36 phố phường”, đó là làng người “đàn bà cười” nằm trong Kẻ Canh xưa. 
ảnh 1Làng rèn gắn liền với sự xuất hiện của phố Lò Rèn xưa
Xã Xuân Phương (huyện Từ Liêm) gồm 3 thôn: Hòe Thị, Thị Cấm và Ngọc Mạch. Năm 2013, chính phủ có quyết định chuyển xã Xuân Phương vào nội đô và 3 thôn được chia về phường Phương Canh và Xuân Phương thuộc quận Nam Từ Liêm. Hòe Thị thuộc phường Phương Canh còn Thị Cấm và Ngọc Mạch thuộc Xuân Phương. Về hành chính, 3 thôn thuộc 2 phường khác nhau nhưng về phong tục, tập quán, thờ cúng thì các thôn vẫn liên hệ mật thiết với nhau.
Theo ngọc phả do Đông các đại học sỹ Nguyễn Bình viết năm 1470 thì đời Hùng Vương thứ 18, Phan Tây Nhạc từ Thanh Hóa ra Phương Canh cư trú. Ông có công giúp Tản Viên sơn thánh chiêu mộ binh sỹ chiến đấu chống quân Thục nên được Hùng Vương gả cháu gái của Hoàng hậu rồi phong ấp cho ở Phương Canh. Trong thời gian chiêu mộ nghĩa quân, Phan Tây Nhạc đã tổ chức thi nấu cơm để kén người. Ông mất ngày 12-2 âm lịch và dân Hòe Thị và Thị Cấm thờ làm thành hoàng.
Hàng năm cứ ngày giỗ ông, để tưởng nhớ, dân hai làng mở hội thi nấu cơm. Những người dự thi phải tự dựng nhà bằng tre để giả làm đồn binh. Người thì xay thóc, người giã gạo, người dùng thanh tre cọ ra lửa hay chạy đi lấy nước. Đội nào thổi cơm nhanh và dẻo sau đó mang vào đình cúng trước sẽ được giải. Đình Thị Cấm còn lưu giữ được cổ vật là 4 nồi đồng điếu, 4 lọ đồng đựng nước, trống lệnh và dây kéo lửa.
Về tên Thị Cấm, truyền thuyết kể rằng thời tiền Lý, một tướng của Lý Nam Đế là Lý Phục Man có một trận đánh quân Lương ở sông Tô Lịch nhưng quân của Lý Phục Man bị thua, ông Man bị chém ở cổ. Không thể ngã gục trước mặt kẻ thù, ông phi ngựa chạy qua Hương Canh, khát nước ông xuống ngựa mua nước ở quán của một người đàn bà bán quán bên đường, thấy máu chảy, bà này sợ quá nên ông hỏi gì bà cũng không nói.
Thấy vậy Lý Phục Man gọi người đàn bà này là Thị Câm, từ đó thành tên làng sau dân đọc chệch thành Thị Cấm. Lý Phục Man lại lên ngựa phi tiếp khi qua làng bên cạnh lại thấy một người đàn bà bán nước. Ông lại xuống ngựa hỏi mua nước nhưng hỏi gì người bán hàng cũng chỉ cười, ông bực quá thốt lên Hòe Thị (đàn bà cười) rồi ông đi tiếp sau đó mất. Từ đó làng có tên là Hòe Thị.
Hòe Thị có nghề rèn từ bao giờ không rõ, chỉ biết truyền thuyết kể rằng, khi Thái úy Lý Thường Kiệt chống quân xâm lược nhà Tống thế kỷ XI thì những người thợ ở làng người “đàn bà cười” đã rèn giáo mác cung cấp cho binh lính của Lý Thường Kiệt.
ảnh 2Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Trong nhiều thế kỷ, người làm nghề rèn Hòe Thị có mặt ở hầu hết các phiên chợ trên đất Thăng Long và các vùng miền khác. Từ sáng sớm họ đã kê bễ, nổi lửa chuẩn bị cho một  ngày làm việc. Cùng với gia công, sửa chữa các công cụ cho người dân thì thợ rèn Hòe Thị còn bày bán các nông cụ đã làm sẵn như bừa, cuốc, mai, thuổng và các dụng cụ làm mộc gồm: đục, tràng; các đồ dùng gia đình như dao, kéo. Theo thời gian, họ cắm chốt hành nghề ở Thăng Long và chính họ cùng với một số thợ ở thôn Hà Từ (thị xã Sơn Tây) đã lập ra phố Lò Rèn ở Hà Nội từ thế kỷ XIX.  
Ban đầu, phố có khoảng chục nhà làm nghề, hai bên phố chỉ là những mái lều, xen lẫn có dăm nhà xây. Họ làm cuốc, răng bừa, mai, nên còn có tên là phố Hàng Bừa. Không chỉ lập nghiệp ở phố Lò Rèn, thợ Hòe Thị còn mở cửa hàng ở phố Hàng Thiếc,  Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến), Phùng Hưng, Khâm Thiên…
Vì công việc quanh năm bận rộn nên nhiều người thợ Hòe Thị đã lập đình ở số 1 phố Hàng Thiếc để tiện cho việc nhang khói thờ cúng. Từ xưa, đồ sắt dùng cho sinh hoạt hàng ngày, dụng cụ cho thợ mộc do thợ Hòe Thị sản xuất đã nổi tiếng khắp thiên hạ. Trong suốt thế kỷ XX và cho đến ngày hôm nay, rất nhiều thợ may  ở các tỉnh phía Bắc vẫn ưa dùng kéo cắt vải  Sinh Tài, Sinh Lợi mua ở phố Nguyễn Khuyến vì lưỡi sắc, luôn khít nhau, cắt vải ngọt xớt và chính xác.
Với cánh thợ mộc thì đục vuông, đục tròn, tràng… của thợ Hòe Thị không chỉ đục gỗ cứng  cũng ngọt như gỗ mềm mà cán vô cùng chắc chắn vì làm bằng gỗ lim. Nhiều dụng cụ như dao, kéo, búa, đục… nhập từ Pháp rất tốt nhưng không cạnh tranh nổi với sản phẩm cùng loại của Hòa Thị vì giá rẻ hơn và dùng mãi mới phải mài lại. Chất lượng nằm ở bí quyết cách tôi thép của thợ làng nghề này, cứng mà lại không giòn.
Đầu thế kỷ XX, khi chính quyền thuộc địa xây cầu Long Biên, làm đường sắt  cùng nhiều công trình lớn nhỏ trên khắp miền Bắc thì phố Lò Rèn quanh năm  đỏ lửa, tiếng phì phò của bễ hơi, hoa lửa đỏ rừng rực với những muội khói than, mùi sắt thép... vì các chủ thầu đặt họ làm dụng cụ lao động như búa tạ, cuốc chim, xẻng. Hiệu Thế Long của ông Nguyễn Thế Tảo được nhà thầu đường sắt tin tưởng giao làm bu lông và đồ sắt cho đường tàu hỏa.
Không chỉ bu lông, nhiều chủ công trình còn đặt thợ Lò Rèn làm lan can, rào sắt, cánh cổng nhà công vụ hay biệt thự và rất nhiều sản phẩm khác bởi họ tin vào kỹ thuật, sự khéo tay và tính cẩn thận đến từng chi tiết của thợ Hòe Thị. Cho đến ngày hôm nay, các sản phẩm của thợ rèn Kẻ Canh trong đó có Hòe Thị vẫn hiện diện ở các công trình cũ. Đặc biệt, chiếc xích lô mà ngành du lịch hiện vẫn sử dụng chở khách du lịch có xuất xứ từ chiếc xích lô do thợ cơ khí  Hòe Thị chế tạo.    
Giờ nhiều người Hòe Thị vẫn theo nghề nhưng phố Lò Rèn chỉ duy nhất còn một người. Thời thế thay đổi, một phố nghề mai một cũng là lẽ thường nhưng dù sao cũng thấy cứ thấy tiếc nuối…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét